Giới thiệu tác giả Trang Thế Hy (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Trang Thế Hy là một trong những nhà văn của mảnh đất Nam Bộ, các sáng tác của ông thể hiện cái chất riêng, không giống với bất kì một ai, đã khắc ghi sâu sắc trong lòng những người độc giả đã đến vớ xứ sở văn chương của nhà văn. Cùng tìm hiểu thêm về nhà văn Trang Thế Hy qua bài viết Giới thiệu tác giả Trang Thế Hy (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!

Tiểu sử

– Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924 – mất ngày 8 tháng 12 năm 2015 tại nhà riêng ở khu phố 1, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre.

– Bút danh: Trang Thế Hy, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm…

– Quê quán: Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

– Gia đình: Vợ ông là nhà thơ, họa sĩ Phạm Thị Quý.

Giới thiệu tác giả Trang Thế Hy (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Sự nghiệp

– Cách mạng tháng tám 1945: Ông từng tham gia cướp chính quyền tại Bến Tre.

– Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhà văn tích cực tham gia hoạt động cách mạng.

– Năm 1962: Ông từng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam sau đó thì ông thoát ly vào vùng kháng chiến.

– Sau năm 1975: Nhà văn Trang Thế Hy sinh hoạt Văn nghệ tại TP. HCM, làm biên tập viên Văn tại báo Văn nghệ TP.HCM. Là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm

– Nhà văn có khoảng 65 truyện ngắn, khoảng 20 bài thơ và 2 tiểu thuyết. Các tác phẩm được nhiều độc giả yêu thích như:

+ Nắng đẹp miền quê ngoại (Năm 1964)

+ Mưa ấm (Năm 1981)

+ Người yêu và mùa thu (Năm 1981)

+ Vết thương thứ 13 (Năm 1989)

+ Tiếng khóc và tiếng hát (Năm 1993)

– Thơ: 

+ Lời nói dối nhân ái

+ Tập thơ Đắng và ngọt (2014) : Bài thơ trên đống rác, Bối rối, Bứt đứt sợi chỉ hồng Cõi mộng, Cuộc đời, Dấu răng.

Giải thưởng

– Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng

– Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát

– Tặng thưởng loại A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt

Phong cách sáng tác

Trang Thế Hy là một trong những cây bút sáng giá của vùng đất Nam Bộ, các sáng tác của nhà văn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng những người yêu trang văn của Trang Thế Hy. Trong các tác phẩm truyện ngắn của Trang Thế Hy, hình tượng nhân vật được xây dựng với màu sắc riêng biệt song luôn chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của người dân Nam Bộ như: cởi mở, hào hiệp, tình nghĩa, thiện lương,… Dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn kiên cường, không chịu khuất phục hay đánh mất đi bản chất trong sáng của mình. Và để xây dựng được hoàn chỉnh hình tượng nhân vật trong trang văn của mình, yếu tố ngôn từ cùng bút pháp nghệ thuật trở thành đòn bẩy giúp cho người nghệ sĩ thể hiện. Ngôn từ giản đơn song vẫn tỉ mẩn để phù hợp với hoàn cảnh, hình tượng và miêu tả (Tính cách, ngoại hình, hoạt động, giao tiếp), giọng điệu triết lý nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, sáng giá, những câu chuyện tràn đầy ý nghĩa nhân văn. Đã hình thành, tổng kết nên được phần nào phong cách đặc biệt của người nghệ sĩ trong tâm hồn nhà văn Trang Thế Hy.

Nhận định, đánh giá

Đạo diễn Lê Văn Duy: “Cái vốn sống đó được đưa lên trang giấy rất sinh động nhờ kho từ ngữ dân gian khá dồi dào. Những “Sông dài cá lội biệt tăm” và “Trồng hường bẻ lá che hường” mà anh thích chọn làm đề từ cho truyện”

Nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc: “Văn của Trang Thế Hy như thúc vào mình, làm cho mình phải tự vấn nên sống như thế nào cho phải với cuộc đời”.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định: “Trang Thế Hy là nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất về nghề văn và nhà văn” và “ông viết không vì danh lợi, mà viết như một cách sống”.

Phạm Quang Trung trong bài viết có tựa đề Bài học sáng tạo từ văn nghiệp của Trang Thế Hy: “(…) so với nhiều nhà văn Nam Bộ, ông tách riêng ra một cõi, vừa nghiêm cẩn vừa sâu lắng, vừa Nam Bộ vừa Việt Nam, thậm chí có những nét gặp gỡ nhân loại bao la ở tầng thẳm sâu nhất” [41, tr.15]

Nhà văn Lê Minh Khuê trong bài viết Phong cách Trang Thế Hy đã có nhận định khá tinh tế về dấu ấn riêng của truyện ngắn Trang Thế Hy: “Ông là tác giả Nam Bộ, văn chương Nam Bộ dường như một mình ông một phong cách. Ông không bình dân, không nhiều sôi nổi. Ông hiện lên trong các trang viết với sự tinh tường, thấu hiểu và điềm tĩnh trước cuộc sống, trước cảnh sắc. (…) Ông viết về tâm sự của những con người bé nhỏ mà trong sạch. (…) Họ cũng là con người không giản đơn…”

Trịnh Đình Khôi qua bài viết Truyện ngắn của Trang Thế Hy: “Văn Trang Thế Hy điềm đạm (…). Trang Thế Hy không cố ý triết lý. Tính triết lý toát lên từ nhân vật, từ ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật”. “Trang Thế Hy là một nhà văn hóa viết văn. Trong ông có văn hóa Á Đông kết hợp với những ý tưởng phương Tây hiện đại” [72, tr.149]

Nguyễn Khắc Trường đã nhận xét về đề tài chiến tranh, con người và cảnh sắc Nam Bộ trong truyện ngắn Trang Thế Hy như sau: “Văn của Trang Thế Hy không đọc nhanh được, không đọc vội được. Ông viết bình tĩnh, ngẫm ngợi, và ta cũng phải bình tĩnh đọc. Mỗi truyện của ông là một gửi gắm, một nỗi niềm. Ông nặng lòng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nặng lòng với những người những cảnh vùng sông nước quê hương Bến Tre và những nơi ông đã qua của đồng bằng Nam Bộ. (…) Ông viết, những hồi ức chiến tranh và thực tại bây giờ đan dệt vào nhau…” [72, tr.146]

Trần Huy Quang cũng thống nhất với nhận định của nhà văn Nguyễn Khắc Trường qua bài viết Tôi học được nhiều ở Trang Thế Hy về nghề văn: “Văn Trang Thế Hy kỹ càng, đẹp, đầy tính triết lý, nên đọc chậm thì mới hiểu hết, mới hưởng hết được cái hay” [72, tr.149].

Trần Đình Sử thể hiện ấn tượng sâu sắc của mình đối với truyện ngắn Trang Thế Hy qua bài viết Nên đọc kỹ để thấy công phu của tác giả như sau: “Truyện của Trang Thế Hy đề cao tình nghĩa, khẳng định tình nghĩa là giá trị lâu bền nhất, nhắc người đời đừng quên tình nghĩa. (…) Truyện của Trang Thế Hy triết lý nhiều, cả nhân vật bình thường cũng triết lý, đó là nét độc đáo. Đó là triết lý của nhân dân” [72, tr.150].

Hồng Diệu: “Văn của Trang Thế Hy phần nhiều là văn kể chuyện – hoặc do tác giả kể, hoặc do nhân vật kể – Đó là những cách kể chuyện có duyên, nhiều khi hóm hỉnh, với những triết lý giản dị, có sức thuyết phục (…) Truyện Trang Thế Hy giàu lòng nhân ái. Văn ông hiểu rõ bản sắc của một vùng đất, từ ngôn ngữ địa phương đến cảnh sắc thiên nhiên, cây cỏ, và con người ở đấy (…)” [72, tr.151].

Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong Mỗi truyện ngắn là một đoạn đời nặng nhọc của nhà văn đã đề cập đến nét độc đáo trong nghệ thuật sử dụng ngôi thứ nhất của Trang Thế Hy: “Nhân vật của ông đều là chỗ bạn bè tình nghĩa. Họ là bạn đời của ông trước khi ông nhập vào trang viết, cho nên tôi thấy ông dùng ngôi thứ nhất rất đắc địa”

Bùi Việt Thắng: “Đây là cách kể chuyện có hiệu quả mà nhà văn thường vận dụng vì đứng kể ở ngôi vị ấy, người kể chuyện sẽ tự do hơn, dễ chân thành hơn. Tuy nhiên trong những truyện còn lại, dù kể ở ngôi thứ ba và có khi “giả tên” “đóng vai khác” thì cái tôi vẫn cư ngụ trong đó” [72, tr.155].

Nguyễn Quang Sáng cũng đưa ra nhận xét về nhân vật xưng “tôi” trong truyện của Trang Thế Hyt: “Cái “tôi” trong truyện của anh chính là anh, anh không né tránh, anh là nhà văn, là nhà văn đối thoại với nhân vật của mình”.

Hoàng Đình Quang trong bài Trang Thế Hy – thầy tôi: “Đọc truyện ngắn của Trang Thế Hy thấy câu văn dài mướt như cả truyện chỉ có một câu văn mà thôi. Cái lạ của câu văn ông là dài mà không khó hiểu, những mệnh đề rất rạch ròi, đọc hết câu, ngẩn ra, đọc lại thấy hay hơn” [71, tr.91]