Giới thiệu tác giả Văn Cao (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác)

5/5 - (1 bình chọn)

Văn cao là người nghệ sĩ tài hoa, chảy trong mình giọt máu nghệ thuật, các tác phẩm mà ông để lại đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người đọc giả. Tham khảo bài viết Giới thiệu tác giả Văn Cao (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) để hiểu thêm về nhà thơ, người nghệ sĩ tài hoa nhé!

Tiểu sử

– Văn Cao ( 15/11/1923 – 10/7/1995): tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, ông là một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, chiến sĩ biệt động ái quốc người Việt Nam.

– Nhà thơ sinh tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Quê ông bà ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định.

– Ông xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng.

– Văn Cao kết hôn năm 1947 với bà Nghiêm Thúy Băng và có với nhau 5 người con (3 trai và 2 gái) con trai cả tên là Văn Thao.

– Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng),lớn lên học tại trung học tại trường dòng Saint Josef – nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

– Năm 1938, khi mới chỉ 15 tuổi, gia đình trở nên sa sút, Văn Cao đã bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung và bắt đầu đi làm. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng chỉ được một tháng thì ông bỏ việc.

– Đến năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê  một căn gác nhỏ ở số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền và ông theo học dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Giới thiệu tác giả Văn Cao (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác)

Sự nghiệp

– Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng với Tô Vũ, Canh Thân,.. và bắt đầu sáng tác nên ca khúc đầu tay là “Buồn tàn thu” vào năm 16 tuổi.

– Năm 1943 và năm 1944, Văn Cao đã hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique được tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”

– Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng vì hoàn cảnh túng thiếu mặc cho các tác phẩm của ông đều làm xôn xao dư luận.

– Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý – một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý đã thuyết phục ông tham gia vào Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên chính là sáng tác một hành khúc và Văn Cao đặt tên cho tác phẩm đầu tay ở Việt Minh là “Tiến quân ca” sau nhiều ngày nghiên cứu, sáng tác.

– Trong năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý giao cho nhiệm vụ thành lập một đội vũ trang, công việc chủ yếu là làm công tác ám sát và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng do Văn Cao làm đội trưởng với tên gọi là Đội danh dự Việt Minh.

– Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho tờ báo Lao động.

– Năm 1946, Văn Cao cùng đồng chí Hà Đăng Ấn được cử đi chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ.

– Văn Cao còn Được mời tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu làm Ủy viên Chấp hành, hoạt động ở liên khu III, ông phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu và viết báo Độc Lập.

– Đầu năm 1947, ông được cử đi phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc.

– Tháng 3 năm 1948, Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương

– Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ  và chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam

– Cuối năm 1954 khi hòa bình được lập lại, Văn Cao trở về Hà Nội và làm việc cho Đài Phát thanh.

– Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I và III).

Tác phẩm

* Âm nhạc:  Văn Cao sáng tác không nhiều, sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca.

– Bài hát:

+ Buồn tàn thu (1940)

+ Bến xuân

+ Thu cô liêu

+ Suối mơ

+ Thiên thai

+ Trương Chi

+ Hải quân Việt Nam

+ Không quân Việt Nam

+ Công nhân Việt Nam

– Các hành khúc:

+ Thăng Long hành khúc ca

+ Gò Đống Đa

+ Tiến quân ca

+ Tiến về Hà Nội…

– Các thôn ca:

+ Làng tôi

+ Ngày mùa

–  Chính ca:

+ Ca ngợi Hồ Chủ tịch

– Anh hùng ca:

+ Chiến sĩ Việt Nam

+ Trường ca sông Lô…

– Một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano: Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa…

– Nhạc phim:

+ Chị Dậu (1980)

+ Tiếng đàn diệu kỳ

+ Thạch Sanh (phim cắt giấy)

Tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội cụ Hồ của Xưởng phim Quân đội Nhân dân.

– Viết nhạc cho vở kịch:

+ Nhật kí địa chất

+ Từ Trường Sơn

+ Hà Nội năm 1946

* Thơ:

– Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (1945, khi chứng kiến nạn đói năm 1945)

– Anh có nghe không (Giai phẩm Mùa xuân – tháng 2 năm 1956)

– Một đêm Hà Nội

– Những ngày báo hiệu mùa xuân

– Khuôn mặt em (1974)

– Ai về Kinh Bắc

– Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

– Ba biến khúc tuổi 65 (tháng 9-1988)

– Lá (xuất bản năm 1988)

– Thời gian

– Trôi

– Năm buổi sáng không có trong sự thật

– Phố Phái

– Có lúc

– Đường rừng

– Những người trên cửa biển

* Hội họa

– Chân dung bà Băng

– Chân dung Đặng Thai Mai

– Cô gái dậy thì

– Cô gái và đàn dương cầm

– Sám hối

– Cuộc khiêu vũ của những người tự tử

– Dân công miền núi

– Thái Hà ấp đêm mưa

– Cổng làng

– Phố Nguyễn Du

– Chợ vùng cao

– Thanh niên vùng cao

– Lớn lên trong kháng chiến

– Cây đàn đỏ

Phong cách sáng tác

Văn Cao là chiến sĩ cách mạng đa tài, ông biết cầm kỳ thi họa, thể hiện năng lực của mình trên các phương diện nghệ thuật, khiến biết bao người mỗi khi tận hưởng tác phẩm của ông đều trầm mê trong đó.

Đối với hội họa ông thể hiện quan điểm cá nhân với những màu sắc, đường nét đặc biệt, giúp cho tác phẩm trở nên sắc sảo, mang hương vị cuộc sống thân quen. Người biết thưởng thức tranh, sẽ dễ dàng nhận ra tầng ý nghĩa, suy tư mà nhà văn, người họa sĩ Văn Cao muốn thể hiện qua màu sắc, bố cục, khung cảnh.

Với âm nhạc, được chia ra thành hai mảng: tình ca và hùng ca. Mỗi mảng đều khoác lên sự tinh tế, nhẹ nhàng, lãng mạn, mang tiết tấu phong phú, trong sáng. Đối với mảng hùng ca thì bài hát “Tiến Quân Ca” do Văn Cao sáng tác để thể hiện niềm kiêu hãnh trong mỗi người dân Việt Nam với giai điệu hùng tráng, nghiêm trang, và các bài hát khác đều mang đến sự cổ vũ tinh thần đối với những người lính, chiến sĩ, nhân dân trong thời kì kháng chiến. Ở Mảng tình ca, dòng cảm xúc được dâng tràn, ngọt ngào và hết sức lãng mạn,

Cuối cùng, dưới ngòi bút vẽ lên hơi thở cuộc sống với góc nhìn của một người họa sĩ và dưới ngòi bút sáng tác, vẽ lên những nốt nhạc, lời hát thì ngòi bút tài hoa của Văn Cao còn viết lên những lời thơ ẩn đụ tạo ra những bài thơ với tầng ngữ nghĩa, gợi sức liên tưởng tưởng tượng và khiến người đọc phải ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm.

Nhận định, đánh giá

*Cuộc đời và sự nghiệp:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chúng ta vô cùng nhớ tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.

– Phạm Duy:

+ “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. (…) Hình như Văn Cao có đi học vẽ ở trường Cao đẳng Mỹ thuật như tôi, nhưng chắc chắn anh đã được hoạ sĩ Lưu Văn Sìn dắt vào hội hoạ. Văn Cao vẽ rất giỏi. Tôi giữ được bức tranh tự hoạ của Văn Cao, tranh sơn dầu vẽ trên bìa cứng cho tới ngày Pháp đánh Saigon vào năm 1945 thì mất, tiếc quá! Văn Cao làm thơ cũng rất hay. Vào năm 1941 mà anh đã có những câu thơ nghe như thơ Huy Cận (…) Chưa gặp Văn Cao nhưng tôi đã biết tài soạn nhạc qua mấy bài nhạc hùng của anh rồi… ”

+  Kháng chiến của Việt Nam không thể thành công nếu không có nhạc của Văn Cao, không có thơ của Hoàng Cầm ”

+ “Phải đợi cho tới khi Tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn…tung ra (…) Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bậc nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao.”

+ “Văn Cao đã đưa nhạc tình 1943-44 vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm”

+ “Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm Tân nhạc thì những bài Suối Mơ, Bến Xuân là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa ! Sẽ có nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính và ảo tính nhưng không thể có thêm những bài nhạc tình lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn Ca”

+ “Văn Cao là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời.”

 -Trần Văn Nam: “Nguồn của dòng sông mang tên Văn Cao là tâm hồn phong phú của nhà nghệ sĩ tài ba, trong lãnh vực âm nhạc cũng như thi ca. Sau khi ra khỏi vùng lưu vực hoang vu của tiềm thức, dòng sông tẻ ra ba nhánh trôi miên man trong huyền ảo của khói trắng sương mù.”

Đặng Anh Đào: “Chắc hẳn một nghệ sĩ như Văn Cao chưa hề được thẩm định một cách xứng đáng về hội họa và thơ. Chỉ một câu thơ như: Có lúc / nước mắt không thể chảy ra ngoài được đã là cả một ám ảnh đọng lại mãi trong lòng người. Tôi cảm thấy, ít nhất, những người thuộc thế hệ chúng tôi còn mắc nợ với một thiên tài của đất nước như Văn Cao.”

Lê Thiếu Nhơn: “Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ XX nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc.”

*Nhân cách:

– Tạ Tỵ: “Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ. Từng bước khoảng khoát, Văn Cao hiên ngang đi vào lòng Mẹ Việt Nam và được tiếp nhận nồng hậu. (…) Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ. Sự vượt lên của Văn Cao trong một thành phố đục lầm cát bụi, trong tiếng khua rộn ràng của những sợi dây xích sắt khổng lồ trong tiếng nấc nghẹn ngào không thoát khỏi cổ họng, được coi như cố gắng phi thường của một tâm hồn sung mãn. Đối nghịch đã làm cho Văn Cao trở thành con người có phong cách riêng biệt.”

Hồ Bất Khuất: “Ông là một người tài hoa – cầm, kỳ, thi họa đều giỏi cả, nhưng sống lặng lẽ, khiêm nhường; dù có bị oan ức, thiệt thòi vẫn im lặng chịu đựng và chứng minh mình trong sạch, mình yêu đất, yêu thương giống nòi. Ông cống hiến hết mình nhưng không đòi hỏi điều gì cả. (…) Là một nghệ sĩ tài hoa, được rất nhiều phụ nữ xinh đẹp mến mộ, nhưng suốt đời ông chỉ có một mối tình với người bạn đời của mình là bà Nghiêm Thúy Băng. Ông là một người cha nghiêm khắc và đầy trách nhiệm đối với 5 người con của mình. (…) Sinh thời ông gặp nhiều trắc trở trong con đường công danh sự nghiệp, vì bị đồng chí, đồng nghiệp ganh ghét, đố kỵ hay đơn giản là không hiểu tầm cao tư tưởng và tính nhân văn trong những sáng tác của ông; song, ông không kêu ca, oán thán gì cả.”

*Âm nhạc:

– Trịnh Công Sơn: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…. ”

*Thơ ca:

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Tôi rất phục cách dùng chữ trong thơ Văn Cao, bởi vì chữ ông dùng không câu nệ vần điệu, không dùng những chữ quen mà toàn dùng những chữ mới. Nó vừa dễ hiểu nhưng để ngẫm hết ý thì lại khó. Có bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 về nạn đói khiến người ta nhớ mãi. Còn những bài viết theo không khí tiền chiến thì được xếp vào những bài thơ hàng đầu của tiền chiến.”

Nhà thơ Thanh Thảo: “Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm Văn Cao ngồi im lặng: ông có thể ngồi suốt ngày với một tư thế như vậy, với một tâm thế như vậy. Những lúc ấy, tâm tưởng ông liên tục du hành trong thời gian, trong những không gian tưởng tượng. Chính khả năng cô đặc thời gian, khả năng “tích trữ lương thực” cho tinh thần, cho tâm hồn đã đưa tới những bài thơ cô đặc mà Văn Cao từng ủ bao nhiêu năm trong những cuốn sổ tay nhỏ nhít của ông. Ủ như người ta ủ những hạt mầm. Bản thân những hạt mầm cũng là sự cô đặc thời gian, sự kiên nhẫn với thời gian. Đọc thơ Văn Cao giờ đây, tôi như thưởng thức được từng chấm sáng lấp lánh của thời gian qua từng con chữ. Nhiều khi, thơ cũng phải biết tự dè sẻn như thế, tự làm nhỏ mình lại như thế, biết kiên nhẫn như thế. Như những hạt mầm. Những hạt mầm của thời gian.”

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.”

Vũ Nho: “Văn Cao đã viết trường ca “Những người trên cửa biển” năm 1956. Sau này trên thi đàn của ta một độ nở rộ những trường ca. Nhưng có thể thấy Văn Cao đã sớm là một người khai sơn phá thạch ở thể loại này.”

Nhà văn Vũ Bằng: “Văn Cao quả là một người tài hoa có một. Đến lúc Văn Cao nổi tiếng về nhạc và vụ ám sát Đỗ Đức Phin, người ta mới giở lại những bài thơ anh đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy và một loạt tờ báo khác, và đến lúc ấy người ta mới thấy thơ Văn Cao cũng hay như nhạc của anh. Chẳng qua chỉ vì Văn Cao không quan niệm cái gì là quan trọng, không kéo bè kéo đảng để đưa nhau lên, suy tôn nhau là thi hào “lớn”, văn sĩ “lớn” nên lúc bước vào làng văn nghệ anh không được quảng cáo nhiều, do đó thơ anh bị chìm.”

* Hội họa: 

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường nhận xét tranh minh họa của Văn Cao “mạnh dạn xử lí nét mảng khối theo một tiếp cận lập thể”

Nhà phê bình mĩ thuật Thái Bá Vân: “Cái nhìn hội họa ở Văn Cao có địa vị dẫn đường và chi phối”.