Giới thiệu tác giả Vi Thùy Linh về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Vi Thùy Linh sinh ngày 4-4-1980 tại Hà Nội, là một nhà thơ nữ của Việt Nam.
– Tuy thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ nhưng tác giả đã nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” trong nền thi ca Việt Nam đương đại.
– Vi Thùy Linh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên “Tình tự Hà Nội”, cũng là nhà thơ đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp – châu Âu.
2. Sự nghiệp
– Nhà thơ Vi Thùy Linh sinh ra trong một gia đình trí thức nghệ sĩ, là một nhà thơ trẻ nhưng sớm nổi tiếng, thường được biết đến với bút danh Vili.
– Đăng đàn khi 15 tuổi và tập thơ đầu tay Khát được xuất bản năm 19 tuổi nhận được nhiều quan tâm của dư luận đưa cái tên Vi Thùy Linh trở thành một “hiện tượng” của thơ Việt Nam.
– Vi Thùy Linh là cử nhân Đại học Báo chí năm 2001.
– Tác giả có thơ đầu tiên in trên báo Tiền phong tháng 9-1995.
– Vi Thùy Linh có nhiều cái “đầu tiên” với thơ Việt: được mời dự Liên hoan thơ quốc tế tại Pháp; đêm thơ đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội 2005, tái bản 2 tập thơ “Khát”, “Linh” vào năm 2007; nữ thi sĩ đầu tiên thực hiện đêm thơ tại Vancouver (Canada); tour trình diễn 7 thành phố châu Âu; đêm nghệ thuật “Bay cùng ViLi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
3. Tác phẩm tiêu biểu
– Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999).
– Linh (Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2000).
– Đồng Tử (Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005).
– ViLi in love (Song ngữ Việt – Anh, 2008).
– Phim đôi-Tình tự chậm (2011), tập thơ nổi tiếng “đắt nhất Việt Nam”[2].
– Chu du cùng Ông nội (2011).
– ViLi và Paris (2012).
– ViLi tùy bút (2012).
– Hộ chiếu tâm hồn (2014).
4. Phong cách sáng tác
Cũng như nhiều nhà thơ khác, đề tài lớn nhất trong thơ Vi Thùy Linh là tình yêu. Ngay từ tập thơ đầu tiên, tác giả đã thể hiện cái nhìn già dặn trước tuổi về ái tình: Tình yêu của Vili không phải kiểu cảm xúc bâng quơ đầu đời của cô gái mới lớn mà là tình yêu mang tính tận hiến về cả tâm hồn và thể xác, là sự hòa hợp của nhục cảm trần thế và lòng sùng tín thiêng liêng.
5. Nhận định và bình luận
Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn mệnh danh Vi Thùy Linh là “thi sĩ ái quyền”; còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi những sáng tác của nhà thơ trẻ này là “hiện tượng Vi Thùy Linh” trong khi tác giả Văn Giá gọi thơ Vi Thùy Linh là “những trận bạo động chữ”…