Giới thiệu tác giả Vũ Đình Liên về tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định của ông.
1. Tiểu sử
– Vũ Đình Liên (1913 – 1996). Là một trong những nhà thơ mới.
– Quê quán: Quê gốc là ở Hải Dương nhưng sống chủ yếu ở Hà Nội.
– Vũ Đình Liên đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường Tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Sau đó ông học thêm trường Luật và đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.
– Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ “Ông đồ” đăng trên báo Tinh Hoa
– Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1991.
– Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Các tác phẩm chính
– Tuy sáng tác không nhiều nhưng với bài thơ Ông đồ,Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng
trong phong trào Thơ mới. Bài thơ Ông Đồ của ông được nhiều nhà phê bình văn học đánh giá là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.
– Từ kháng chiến chống Pháp cho đến khi mất, Vũ Đình Liên dồn sức lực vào công việc sư phạm: viết giáo trình, dạy tiếng Pháp và dịch thơ. Thỉnh thoảng ông có làm thơ, thơ như ghi chép chuyện đời, như thù tạc với bạn bè, không mang đăng báo.
– Tác phẩm tiêu biểu: Lũy tre xanh, Mùa xuân cộng sản, Hạnh phúc…
– Ngoài sáng tác thơ, ông còn tham gia viết lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông dịch rất nhiều thơ của nhà thơ lớn Baudelaire, cũng chính vì vậy các nhà văn sĩ Pháp tôn vinh ông là “Baudelaire của Việt Nam” và gọi ông với cái tên gần gủi là Bô-Đờ-Liên.
3. Phong cách sáng tác
– Dù là nhà thơ của phong trào thơ Mới, có nhiều cách tân trong sáng tác nhưng phong cách sáng tác của Vũ Đình Liên lại mang nặng lòng thương người và nỗi niềm hoài cổ, hoài vọng, về luỹ tre xưa, về thành quách cũ và “những người muôn năm cũ”. Thực tế hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người.
4. Vinh danh và giải thưởng
– Lần đầu tiên, năm 1936, “Ông đồ” ra mắt độc giả trên báo Tinh Hoa. Năm 1941, bài thơ được chọn và đặt ở vị trí trang trọng trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân.
– Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên, năm 1991.
– Tập thơ Les fleurs du Mal (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch sau gần 40 năm của Vũ Đình Liên đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996
5. Nhận định và đánh giá về tác giả Vũ Đình Liên
– Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên.