Giới thiệu tác giả Vũ Đình Long (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Vũ Đình Long về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Vũ Đình Long về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

– Vũ Đình Long (1896 – 1960), quê gốc ở thôn Mộc Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đồng thời cũng rất mê ca kịch dân tộc.

– Ông là Hội viên hội nhà văn và Hội viên Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, thuộc thế hệ đầu tiên của nhà văn hiện đại Việt Nam.

2. Sự nghiệp

– Hồi nhỏ, ông học ở một trường Pháp – Việt. Lên trung học, ông vào trường Pháp. Sau khi ra trường, ông làm nghề dạy học.

– Năm 1925, khi 29 tuổi, Vũ Đình Long mở hiệu sách Tân Dân, sau này có thêm NXB Tân Dân, làm chủ Nhà in Tân Dân và các tờ báo: Tiểu thuyết thứ Bảy (1934 – 1942); Phổ thông bán nguyệt san (1936 – 1941); Tuần báo Ích Hữu (1937 – 1938); Tạp chí Tao Đàn (1937 – 1938).

– Sau Cách mạng tháng Tám, Vũ Đình Long gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc

– Sau khi hòa bình lập lại, ông ở lại miền Bắc, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957), được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I.

– Vũ Đình Long bắt đầu sáng tác kịch ngay từ khi còn trẻ. Vở kịch nổi tiếng “Chén thuốc độc”, 3 hồi, đăng trên tạp chí Hữu Thanh số 4,5 vào tháng 9 năm 1921, được coi là tác phẩm đầu tiên của văn học kịch Việt Nam.

3. Tác phẩm tiêu biểu

– Chén thuốc độc (kịch, 1921)

– Toà án lương tâm (kịch, 1923)

– Đàn bà mới (kịch, 1944)

– Tổ quốc trên hết (kịch phóng tác, 1953)

– Quốc âm độc bản (giáo khoa, 1932)

– Thế giới trẻ em (giáo khoa, 1927)

– Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (Nhà xuất bản. Hội nhà văn, 2009)

– Gia tài (kịch phỏng tác, 1958)

4. Phong cách sáng tác

Theo tài liệu nghiên cứu của tác giả Đào Hùng thuộc tạp chí Xưa và Nay trong bài viết “Vũ Đình Long và cuộc đấu tranh cải cách xã hội những năm 20 – 30 của thế kỷ XX”, giai đoạn thời kỳ đầu thế kỷ XX, trào lưu Âu hóa tấn công vào các thành kiến cổ hủ của Nho giáo trong các vấn đề hôn nhân và gia đình, quyền bình đẳng giới, đó cũng là lý do mà 3 vở kịch đầu tiên của Vũ Đình Long xoay quanh vấn đề vai trò người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

5. Nhận định, bình luận

– “Ông Long không uống rượu, không hút thuốc, không say mê thứ gì cả, chỉ say mê viết kịch và làm báo, say mê đọc sách báo Tây, Tàu để tìm kiếm sáng kiến mới, mới luôn luôn, trước hết là để khuếch trương nghề nghiệp của mình, mà sau là để mong có một ngày kia theo kịp đà tiến của báo chí Âu Mỹ và Nhật Bổn” – Vũ Bằng

– “Những cống hiến, hoạt động của Vũ Đình Long đã góp phần tạo nên diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945” – GS Phong Lê