Giới thiệu tác giả Xuân Diệu (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Xuân Diệu về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Xuân Diệu về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

Ngô Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 — 18 tháng 12 năm 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn, nhà phê bình văn học và chính khách người Việt Nam.

– Quê quán: làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại quê mẹ Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định

– Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX.

Giới thiệu tác giả Xuân Diệu (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

2. Sự nghiệp

– Ông sống ở Tuy Phước đến năm 11 tuổi (1927) thì xuống học ở Quy Nhơn.

– Năm 1936-1937, ông học và tốt nghiệp tú tài ở Huế.

– Năm 1937, Xuân Diệu sau ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, trong thời gian 1938-1940 ông là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn, và cùng Huy Cận ở gác 40 Hàng Than.

– Năm 1940, ông vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh.

– Năm 1942, ông quay lại Hà Nội làm nghề viết văn.

– Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1944, thơ của ông đã thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, Xuân Diệu còn được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”.

– Năm 1944, ông tham gia Việt Minh rồi tham gia kháng chiến, di tản lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng.

– Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945, thơ của ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh, và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

– Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông từng trải qua các chức vụ: Đại biểu Quốc hội khoá I (từ1946 đến1960), Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên BCH hội Hữu nghị Việt Xô; năm 1983, ông được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa dân chủ Đức.

– Sau hoà bình, ông về sống và làm việc tại Hà Nội đến khi mất.

3. Tác phẩm

* Thơ

– Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970), 46 bài thơ

– Gửi hương cho gió (1945, 1967), 51 bài thơ

– Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961)

– Hội nghị non sông (1946)

– Dưới sao vàng (1949), 27 bài thơ

– Sáng (1953)

– Mẹ con (1954), 11 bài thơ

– Ngôi sao (1955), 41 bài thơ

– Riêng chung (1960), 49 bài thơ

– Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), 49 bài thơ

– Một khối hồng (1964)

– Hai đợt sóng (1967)

– Tôi giàu đôi mắt (1970)

– Mười bài thơ (1974)

– Hồn tôi đôi cánh (1976)

– Thanh ca (1982)

– Tuyển tập Xuân Diệu (1983)

* Văn xuôi

– Phấn thông vàng (1939, truyện ngắn), 17 truyện

– Trường ca (1945, bút ký), 9 bài

– Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký)

– Việt Nam nghìn dặm (1946, bút ký)

– Việt Nam trở dạ (1948, bút ký)

– Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký)

– Triều lên (1958, bút ký)

* Tiểu luận phê bình

– Thanh niên với quốc văn (1945)

– Tiếng thơ (1951, 1954)

– Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký)

– Ba thi hào dân tộc (1959)

– Phê bình giới thiệu thơ (1960)

– Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961)

– Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961)

– Dao có mài mới sắc (1963)

– Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966)

– Đi trên đường lớn (1968)

– Thơ Trần Tế Xương (1970)

– Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971)

– Và cây đời mãi xanh tươi (1971)

– Mài sắt nên kim (1977)

– Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978)

– Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982)

– Tìm hiểu Tản Đà (1982).

* Dịch thơ

– Thi hào Nadim Hitmet (1962)

– V.I. Lênin (1967)

– Vây giữa tình yêu (1968)

– Việt Nam hồn tôi (1974)

– Những nhà thơ Bungari (1978, 1985)

– Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982)

4. Phong cách sáng tác

– Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình.

– Từ khi tham gia Việt Minh, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình.

5. Giải thưởng – vinh danh

– Năm 1996, được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I.

– Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, một con đường ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định), là tên của 1 trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và 1 trường THCS tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

– Tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có con đường mang tên Xuân Diệu ở phường Nam Lý

– Ông được lập nhà tưởng niệm và nhà thờ ở làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

– Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có con đường mang tên ông ở quận Tân Bình.

6. Nhận định, bình luận

– “Xuân Diệu sinh ra trong một gia đình Nho học và tích lũy kiến thức dưới mái trường Tây học được mở ra để đào tạo “ông Tây An Nam”.” – GS Hà Minh Đức

– “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời” –   Hoài Thanh, Hoài Chân (trích Thi nhân Việt Nam)

– “Thơ ông tài hoa, tinh tế và sang trọng” – Trần Đăng Khoa

– “Thơ của ông không phải là văn chương, mà đó là lời nói, là tiếng reo vui hay năn nỉ, là sự chân thành cảm xúc hay những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm” – Thế Lữ

– “Nồng và trẻ đó là hai gia vị đặc sắc của thơ tình Xuân Diệu xuyên suốt cả đời anh” – Vũ Quần Phương