Hướng dẫn chi tiết Phân tích đánh giá truyện thần trụ trời

Hướng dẫn đọc nhanh

Mở bài

“Cây có gốc mới nở cành xanh lá

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu

Có tổ tiên trước rồi sau có mình”

Thần trụ trời là một cây truyện dân gian truyền miệng của người Việt cổ. Tác phẩm được nhà khảo cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Qua truyện thần thoại, người Việt Cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như tại sao có trời, có đất…

Thân bài

[Lí giải nguồn gốc của Thần] Từ thời nguyên thuỷ để thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt, lao động đã đòi hỏi con người phải có sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên xung quanh. Lúc ấy trình độ phát triển của con người chưa đủ nhận thức đúng được những hiện tượng ấy. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, họ đã sáng tạo ra những câu truyện giải thích sự xuất hiện của các hiện tượng ấy. Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại được lưu truyền từ xa xưa nhằm giải thích sự ra đời của biển cả, sông núi…

Câu chuyện xoay quanh quá trình tạo lập vũ trụ, phân tách trời và đất của một ông thần to lớn, khổng lồ. Thuở ấy trời đất còn mờ mịt, hỗn độn, thần đứng dậy, đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đắp cột chống trời. Khi trời đất phân đôi thần liền phá cột chống trời đi, đất đá văng đi khắp nơi, biến thành hòn núi, hòn đảo, thành gò, thành đống, … Thông qua câu chuyện thần Trụ Trời, nhân dân cổ đại nhằm lí giải quá trình tạo lập vũ trụ đồng thời kí gửi ước mơ chinh phục thế giới tự nhiên.

[Nhân vật Thần trụ Trời] Nhân vật trong truyện là một vị thần mang tên Thần trụ Trời. Thời xưa, nhân dân gọi Thần là Ông, mỗi vị thần được gắn với những hiện tượng cụ thể như Ông đếm cát, ông tát bể…Thần trong các câu truyện được nhân dân hình dung như là một con người có thật, có sức mạnh phi thường, có thể cảm hoá thiên nhiên. Những chi tiết miêu tả Thần trụ Trời đều lột tả những vòng hào quang với những tính chất phi thường của nhân vật thần thoại. Thời gian thần trụ trời xuất hiện đó là khoảng thời gian không xác đinh, ngày xưa, xưa lắm, thuở chưa có trời, có đất, muôn vật, con người. Với không gian xung quanh tăm tối, hỗn độn. Thời gian không gian ấy càng làm cho thế giới tiền sử càng trở lên kì bí huyền ảo.

Hình ảnh thần trụ trời xuất hiện với kích thước khổng lồ, sự đồ sộ của thiên nhiên cũng không sánh được “Thần cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết, mỗi bước đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi này sang núi kia”. Việc miêu tả một loạt các chi tiết dị thường ấy diễn ta sự ngưỡng mộ, cảm phục, họ tin rằng con người muốn chinh phục được thiên nhiên thì vóc dáng cũng phải khổng lồ. Công việc của thần làm là đội trời lên, đưa cột cao to chống trời, phá cột chống trời tạo núi sông biển cả. Đó là những công việc khai thiên, lập địa của người xưa. Thần xuất hiện như một người lao động miệt mài với những công việc quen thuộc của con người, sự cần cù lao động đó đã tạo lên những kì tích tuyệt vời.

[Đánh giá nghệ thuật] Cốt truyện của “Thần Trụ Trời” được xây dựng đơn giản nhưng gần gũi, dễ hiểu. Hình ảnh thần khổng lồ, “chân thần dài không thể tả xiết,” bước đi như làm rung chuyển cả đất trời, tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ cho người nghe. Câu chuyện khắc họa quá trình phân tách đất trời: “Từ đó, trời đất phân đôi,” và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên. Những câu văn miêu tả đơn giản nhưng sinh động, giúp người đọc dễ dàng hình dung về thế giới tự nhiên và sự tương tác giữa thần và thiên nhiên.

[Đánh giá, mở rộng, liên hệ] Theo Biêlinxki, “Nhà thơ tư duy bằng hình tượng,” điều này cũng đúng với “Thần Trụ Trời”. Nhân vật thần thánh trong truyện không chỉ đơn thuần là một hình ảnh mà còn là biểu tượng cho sức mạnh và sự kỳ diệu của thiên nhiên. Hình ảnh thần “đội trời” và “đào đất” cho thấy sự cần cù, lao động của con người. Sự tương đồng với hình tượng Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc, nhưng Thần Trụ Trời lại thể hiện một phong cách riêng biệt. Thần không chỉ tách trời và đất mà còn chủ động trong việc tạo ra thế giới, biến cõi hỗn độn thành một không gian có tổ chức.

Trong những câu chuyện thần thoại, hình tượng nhân vật không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Truyện “Thần Trụ Trời” không chỉ phản ánh khát vọng chinh phục tự nhiên mà còn tôn vinh tinh thần lao động, sự cần cù và kiên trì của người dân. Hình ảnh thần lao động miệt mài, không ngừng nghỉ, là một biểu tượng cho sự sáng tạo không ngừng của con người.

Kết bài

Thần Trụ Trời là câu chuyện hoang đường, nhưng truyện đã giải thích sự hình thành trời đất núi sông. Họ cho rằng những hiện tượng đó là do thần linh tạo lập lên. Bên cạnh đó câu chuyện ca ngợi vẻ đẹp cần cù lao động. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hất dẫn, cuốn hút người đọc. Đồng thời phản ánh mong muốn chinh phục thiên nhiên, khám phá thế giới của người xưa.