Các tác phẩm truyện ngắn của văn học Việt Nam vẫn luôn là những thứ và phản ánh chân thật những khía cạnh gắn liền với đời sống con người. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bằng cách kể chuyện đầy tài năng, tinh tế của mình đã thành công dẫn dắt người đọc tựa như đang đồng hành cùng cuộc hành trình tìm con gái của ông Năm Nhỏ. Cùng theo dõi dàn ý và bài phân tích đặc điểm trong cách kể của tác giả trong “Cải Ơi” để thấy được tình cảm to lớn, cao cả mà người cha ấy đã dành cho con gái mình nhé !
Dàn ý nghị luận phân tích đặc điểm cách kể của tác giả trong “Cải ơi”
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tác giả Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm “Cải ơi”
– Dẫn dắt, giới thiệu về cách kể độc đáo trong tác phẩm.
2. Thân bài
*Tác giả:
– Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng văn học đặc biệt ở Nam Bộ, các tác phẩm của bà đậm chất bình dị và mộc mạc của thôn quê, cùng với đó là tấm lòng đồng cảm sâu sắc với những con người vất vả lam lũ mưu sinh.
*Tác phẩm:
– Cải ơi là tác phẩm lấy trong tập “Cánh đồng bất tận” sáng tác năm 2005, là tập truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Ngọc Tư
– Bằng lối kể chuyện đầy độc đáo và nhiều xúc cảm tác giả đã cuốn người đọc vào cuộc hành trình lang thang khắp mọi miền cùng với nhân vật ông Năm Nhỏ – người cha đi tìm con gái ròng rã suốt mười hai năm trời.
*Tóm tắt:
– Cải là đứa con gái riêng của vợ ông Năm. Trong một lần mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó bỏ nhà ra đi. Mất con gái, vợ ông buồn, thậm chí còn nghi ngờ ông hà khắc, ngược đãi với con. Người ngoài còn bàn tán cho rằng ông giết con nhỏ rồi lấp ở chỗ đất nào đó. Dù tốn bao lời giải thích, thề thốt cũng chẳng có ai tin ông. Thế rồi ông ra đi với quyết tâm tìm được con gái quay về. Mười hai năm với tiếng gọi “Cải ơi” day dứt, ông Năm đã lang thang khắp tận cùng ngõ hẹp với khát khao tìm lại con mình.
* Phân tích cách kể dộc đáo của tác giả:
a) Dùng ngôi kể thứ ba để xây dựng hình tượng nhân vật:
– Gọi và đặt cho nhân vật những cái tên vô cùng bình dị và đậm màu sắc Nam Bộ.
– Liệt kê nhiều địa danh cụ thể, đưa người đọc đến chốn miền quê dân dã, cơ cực.
b) Các sự kiện được sắp xếp không theo trình tự thời gian, xoay chuyển đan xen giữa quá khứ và thực tại:
– Gây thêm sự tò mò cho người đọc, đem đến nhiều xúc cảm.
– Khắc họa thành công hình ảnh người cha cực khổ tìm con, đau khổ vì những kỉ niệm trong quá khứ và hiện thực tàn nhẫn, vô vọng.
c) Kể chuyện theo điểm nhìn từ bên trong,nhập tâm vào nhân vật:
– Đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, khắc họa trọn vẹn làm cho người đọc hiểu được hoàn cảnh, tính cách của từng nhân vật.
– Hòa mình vào cảm xúc của nhân vật để lời văn thêm chất chứa cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc.
– Nghệ thuật độc đáo đã từng xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng.
d) Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, mộc mạc, gần gũi
– Lời văn giản dị, chân thật khiến cho tác phẩm đậm đà màu sắc thôn quê
3. Kết bài:
Bằng cách kể chuyện đầy độc đáo và lôi cuốn, Nguyễn Ngọc Tư đã thực sự chạm đến trái tim của người đọc, khiến cho ta tựa như đồng hành chung với cuộc hành trình tìm con của ông Năm, đi qua mọi cung bậc cảm xúc để rồi chính ta cũng day dứt trước sự bất lực và nỗi đau không nguôi ngoai ấy. “Cải ơi” cho ta biết đau cái đau của người khác, biết cảm thông và suy ngẫm về những éo le, bất hạnh trên cuộc đời.
Nghị luận phân tích đặc điểm trong cách kể của tác giả trong “Cải Ơi”
Con người chúng ta ai cũng có những suy tư, trắc trở của riêng mình, có lẽ vì vậy mà con người ta dễ dàng đồng cảm với sự bất hạnh của những mảnh đời khác. “Cải Ơi” là tác phẩm sẽ khiến ta không khỏi day dứt ngậm ngùi khi theo chân người cha đi tìm con gái mình ròng rã suốt mười hai năm trời. Cách kể chuyện đặc sắc, thú vị đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có tấm lòng cảm thông sâu sắc với những mảnh đời cơ cực. Nổi bật trong tác phẩm của bà là những số phận bé nhỏ, lênh đênh đầy cô độc.Đó là những con người mang nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Thế nhưng len lói trong họ vẫn là vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của làng quê, hay kể cả to lớn hơn là khát khao đủ đầy về mái ấm, bình yên. “Cải ơi” là tác phẩm lấy trong cánh đồng bất tận sáng tác 2005, đây cũng là tập truyện ngắn hay và đặc sắc nhất của Nguyễn Ngọc Tư.
Truyện kể về hành trình tìm con gái cực khổ của nhân vật ông Năm Nhỏ. Cải – là đứa con gái riêng của vợ ông Năm. Trong một lần mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn nên nó trốn bỏ nhà ra đi. Mất con, vợ ông đau buồn, thậm chí còn sinh ra nghi ngờ cho rằng ông tính toán, hà khắc nên mới thành ra cơ sự như vậy. Vợ hắt hủi đã đành, ông còn bị người ngoài dòm ngó , bàn tán đổ oan rằng “giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào”. Nhục nhã và đau khổ chồng chất, ông ra đi với quyết tâm tìm con gái quay trở về. Sau đó,ông làm chân sai vặt cho đoàn nghệ thuật. Mỗi lần đoàn diễn, ông sẽ mượn micro và nói : “ Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con”. Ông nhớ như in những kỉ niệm quá khứ của mình và con, ông nghĩ rằng con gái cũng sẽ giống như mình. Thấy Diễm Hương lên ti vi tìm cha mẹ, ông cũng làm đủ mọi cách mong mỏi tìm được con. Dẫu vậy, mọi thứ dường như vô ích. Biết lên tivi sẽ tìm được con, nhưng phí phát sóng lại quá đắt, cùng đường, ông nghĩ ra kế trộm trâu rồi đem đi bán. Thế là ông được lên tivi theo đúng ý nguyện của mình. Ông còn bị bắt và bị đưa lên đồn. Ông mượn sóng truyền hình để nhắn nhủ với con : “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng chớ đôi trâu có nhằm nhò gì… Về nghe con, ơi Cải…”. Ông Năm Nhỏ đã lặn lội qua biết bao nhiêu nơi chỉ mong gặp lại được con mình. Và để chuyến hành trình ấy càng trở nên lôi cuốn và mang nhiều chiều sâu, thông điệp hơn, cách kể chuyện và dẫn dắt của tác giả đã góp phần không nhỏ vào thành công ấy.
Để tạo nên một tác phẩm mang đậm màu sắc miền Tây Nam Bộ dường như tác giả đã cố tình đặt cho nhân vật của mình những cái tên giản dị, mộc mạc như: Năm Nhỏ, Phú Thàn, Diễm Hương…Ngoài ông Năm ra,ta còn có nhân vật Thàn, tên anh gần giống với một tài tử Hồng Kông nhưng lại khuyết mất một chữ “h”, có lẽ vì vậy mà anh vẫn thiếu chút gì đó để trở nên nổi tiếng. Hay kể cả Diễm Hương, người con gái mà khi nghe tên đã toát lên vẻ yêu kiều, duyên dáng khiến ta tưởng rằng cuộc đời cô cũng sẽ suôn sẻ, bình yên, thế nhưng sự thật chẳng phải như vậy. Những cái tên ấy, những con người ấy đều là những mảnh đời đáng thương, thân phận của họ nhỏ bé lênh đênh trên dòng đời khắc nghiệt. Tên các địa danh xuất hiện như :Làng Cỏ Mây, ngã ba Sương – những cái tên tuy lạ mà ngỡ như quen khiến người đọc như chìm vào cái mênh mông, vô định của miền quê bát ngát.
Việc lựa chọn ngôi kể thứ ba,cách thay đổi điểm nhìn linh hoạt cũng khiến cho các cuộc hội thoại thêm chân thực, gần gũi đời thường hơn. Không ai mà hạnh phúc trọn vẹn, từng nhân vật, từng nỗi đau riêng, tất cả đều hiện lên rõ nét. Tác giả đã khai thác thành công để từng nhân vật ấy bộc lộ ra tính cách, hoàn cảnh và những trăn trở của chính mình. Ông Năm với nỗi đau đớn trong suốt mười hai năm trời cực khổ tìm con, hay anh Thàn với sự dằn vặt vì không thể lo được cho người mình yêu, và cả Diễm Hương – người con gái tội nghiệp vì bị gia đình bỏ rơi. Để rồi ba mảnh đời ấy lại gặp nhau, cùng nhau mưu sinh, lưu lạc giữa dòng đời.
Các sự kiện diễn ra trong truyện cũng không được tác giả sắp xếp theo trình tự thời gian và đan xen lẫn lộn giữa quá khứ và thực tại. Lúc thì ở quê, lúc thì ở đoàn ca múa nhạc rồi lại trở về quê…Dường như chính vì thế mà mạch truyện càng trở nên thú vị, lôi cuốn, gây thêm tính tò mò cho người đọc. Những kỉ niệm quá khứ với con gái được ông Năm lưu giữ và ghi nhớ kĩ càng. Thế nhưng giờ đây trước mắt ông chỉ có thực tại phũ phàng, vô vọng.
Tâm lí nhân vật cũng được tác giả lột tả đến mức tối đa khi lựa chọn điểm nhìn từ bên trong nhân vật. Phản ứng của ông Năm khi Diễm Hương giả làm con gái ông, hay cả những dòng suy nghĩ đầy chiều sâu tựa như tác giả đã hòa mình vào nhân vật để rồi bộc lộ ra những xúc cảm, lời nói đau đến nhói lòng. Ta không khỏi cảm động khi chứng kiến được tình cảm mà ông Năm dành cho con gái mình. Tiếng gọi “Cải ơi” vang vọng suốt bao năm tháng ấy mà không một lời hồi đáp. Những đớn đau, tuyệt vọng hay kể cả là hy vọng của ông thật sự chạm đến trái tim người đọc. Hành trình mười hai năm ròng rã tìm con ấy có lẽ chỉ đầy sự tối tăm, mù mịt, thế nhưng len lói trong nó vẫn là tình cảm vô giá mà người cha dành cho con gái mình. Chỉ có duy nhất sự xuất hiện của Cải mới là cách giải thoát cho sự dày vò vô tận của ông Năm.
Bằng cách kể chuyện đầy độc đáo và lôi cuốn, Nguyễn Ngọc Tư đã thực sự chạm đến trái tim của người đọc, khiến cho ta tựa như đồng hành chung với cuộc hành trình tìm con của ông Năm, đi qua mọi cung bậc cảm xúc để rồi chính ta cũng day dứt trước sự bất lực và nỗi đau không nguôi ngoai ấy. “Cải ơi” cho ta biết đau cái đau của người khác, biết cảm thông và suy ngẫm về những éo le, bất hạnh trên cuộc đời.