Hướng dẫn Phân tích nhân vật Tùng trong bài Chiếc đèn ông sao

Mùa trung thu đến điều những đứa trẻ mong muốn nhất là gì? Được rước đèn ông sao, được phá cỗ trông trăng, được ăn thoả thích các loại bánh dẻo, bánh nướng. Cậu bé Tùng trong truyện Chiếc đèn ông sao cũng chỉ có một ao ước đơn giản bán hết số báo trên tay và mua được một chiếc đèn ông sao để trông trăng với em trai. Mong ước thật bình dị ấy Tùng có thực hiện được hay không? Phân tích nhân vật Tùng trong bài Chiếc đèn ông sao dưới đây các em sẽ trả lời được câu hỏi này.

Dàn ý phân tích nhân vật Tùng trong bài Chiếc đèn ông sao

1, Mở bài.

– Giới thiệu tác phẩm, nhân vật Tùng.

– Đánh giá chung về nhân vật: một cậu bé ấm áp, thông minh, hiểu chuyện, giàu nghị lực sống.

2, Thân bài.

– Bối cảnh xuất hiện nhân vật.

– Phân tích các đặc điểm nổi bật của nhân vật dựa trên các chi tiết miêu tả trong tác phẩm.

+ Công việc: bán báo dạo ngoài chợ.

+ Hoàn cảnh: có một người mẹ bán hàng rong nhưng đang bị bệnh, một em trai còn nhỏ.

+ Hoàn cảnh khó khăn nhưng rất chăm chỉ, giàu nghị lực sống.

+ Ao ước có được một chiếc đèn ông sao để trông trăng.

+ Được bà bán hàng tốt bụng cho một chiếc đèn ông sao bị gãy cánh, sung sướng mang về sửa lại để tặng em.

=> Nhân vật trẻ em có hoàn cảnh đáng thương nhưng giàu nghị lực sống, ấm áp, thông minh, nhân hậu và tử tế.

– Nhân vật được xây dựng qua hoàn cảnh sống, hành động, suy nghĩ, người kể chuyện ngôi thứ ba.

– Ý nghĩa nhân vật: ca ngợi những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn giàu nghị lực sống, có khát khao vươn lên…

3, Kết bài.

– Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật.

– Liên hệ bản thân.

Phân tích nhân vật Tùng trong bài Chiếc đèn ông sao

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan” Ấy thế mà có những đứa trẻ từ khi sinh ra đã thiệt thòi đủ thứ. Không được ăn học tử tế, lại còn phải bươn chải kiếm sống để nuôi gia đình. Cậu bé Tùng trong truyện ngắn Chiếc đèn ông sao là một đứa trẻ như thế. Vượt lên trên tất cả hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và thiệt thòi cậu bé ấy vẫn thật chăm chỉ, lạc quan không đầu hàng số phận và vẫn có những khát khao rất bình dị, đáng yêu của trẻ nhỏ.

Cậu bé Tùng được đặt vào trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cậu đi bán báo trên đường phố Lương Văn Can vào buổi tối giữa những ngày sắp trung thu. Gần Tết trung thu các hàng quán bày đầy rẫy những đồ chơi lung linh sắc màu, rồi bao thứ quà bánh ngày trung thu. Tùng chỉ biết ngắm nhìn và ao ước, nhưng hiện thực phũ phàng, tiền ăn còn chả có lấy đâu tiền để mua đồ chơi, Tùng chỉ ước rồi lại bắt đầu với công việc bán báo của mình. Trong hoàn cảnh ấy cậu bé đã thể hiện những vẻ đẹp rất đáng quý của mình: không đòi hỏi, không ao ước hão huyền, chấp nhận thực tại để lo cho cuộc sống của gia đình và cậu bé đã được đền đáp xứng đáng bằng tấm lòng của mình.

 

Tùng là một đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương: gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ bán hàng rong trên phố cũng chả kiếm được bao nhiêu đồng nay lại bệnh tật phải nghỉ ở nhà. Dưới cậu còn một em nhỏ là cu Bi cũng chưa làm được gì ra tiền, thành thử kinh tế giờ do cậu lo liệu. Thế là còn rất nhỏ tuổi Tùng đã phải bươn chải kiếm sống bằng nghề bán báo. Trong đêm trung thu khi những đứa trẻ khác được bố mẹ đèo trên những chiếc xe đắt tiền, đi dạo hết cửa hàng nọ đến con phố kia để chọn đồ chơi thì Tùng vẫn miệt mài với công việc bán báo của mình. Sự tương phản giữa hai cảnh đời một bên là những đứa trẻ nũng nịu chọn đồ chơi đắt tiền và một bên là cậu bé Tùng với xấp báo trên tay đã khiến người đọc vô cùng thương cảm. Cũng có một chút ngậm ngùi trong lòng vì không có đồ chơi trung thu nhưng Tùng chợt nghĩ đến mẹ , rồi đến em, cầm xấp báo trên tay vẫn còn nhiều, cậu nhanh chóng đi rao báo khắp các đường phố. Giọng nó đã khản đặc: Ai… báo… đây…! Báo công an, báo pháp luật, báo an ninh thủ đô… một vụ… giết… người… hai vụ… cướp… hiếp… đây… Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai của đứa trẻ bé nhỏ ấy.

 

Tùng cũng khát khao có được một chiếc đèn lồng giản dị để cùng chơi trung thu với em. Mong ước rất đỗi bình dị của bất kỳ đứa trẻ nào. Thật may mắn có một bà chủ đã vẫy cậu vào để mua báo, rồi lại nhờ cậu bê hộ thùng hàng vào trong. Với bản tính lương thiện, cậu vui vẻ đồng ý giúp bà chủ và lại được cho một chiếc đèn lồng dù nó đã bị gãy mất một cánh. Niềm vui sướng như vỡ oà vì điều ước đã thành hiện thực, điều đầu tiên mà Tùng nghĩ tới là sửa chiếc đèn ấy và sẽ để dành làm món quà bất ngờ cho cu Bi khi ngày trung thu tới. Một đứa trẻ thật ấm áp, nhân hậu luôn nghĩ tới những người thân yêu của mình. Đứa trẻ ấy thật khiến mỗi người chúng ta yêu thương, nể phục và học hỏi.

Nhân vật cậu bé Tùng trong Chiếc đèn ông sao được xây dựng đậm nét qua các chi tiết miêu tả hoàn cảnh, nội tâm, hành động. Người kể chuyện ngôi thứ ba đôi khi đồng nhất với suy nghĩ của nhân vật, nhờ vậy nhân vật hiện lên đậm nét, chân thực hơn. Qua nhân vật tác giả muốn ca ngợi những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi nhưng chăm chỉ và luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

——————————————–

Trên đây là Phân tích nhân vật Tùng trong bài Chiếc đèn ông sao do Trạm Văn học sưu tầm. Tác phẩm có nội dung đơn giản, tình tiết nhẹ nhàng nhưng rất xúc động và ý nghĩa. Qua truyện ngắn chúng ta đều vô cùng yêu thương, cảm phục nhân vật Tùng – cậu bé có tấm lòng nhân hậu, ấm áp, giàu nghị lực sống.