Có bao giờ bạn viết một bài văn nghị luận nhưng khi đọc lại, bạn thấy bài văn của mình chưa làm rõ được vấn đề mà đề bài yêu cầu? Vậy thì bạn đang mắc phải một lỗi mà mình cũng thường mắc phải trước đây, đó chính là bỏ qua luận điểm rồi đó! Vậy thì luận điểm quan trọng như thế nào khi viết văn và nên trình bày trong bài viết như thế nào? Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ lại quá trình khắc phục lỗi sai này nhé!
Luận điểm là gì?
Mình có thể nói, khái niệm luận điểm vô cùng quen thuộc và chắc chắn ai cũng đã từng nghe qua, từng học qua. Vậy nên, mình sẽ nói lại một chút về khái niệm của luận điểm để các bạn hiểu nó quan trọng như thế nào nhé.
Luận điểm là một ý kiến hoặc quan điểm được đưa ra để chứng minh hoặc truyền tải những ý kiến mà người viết đề cập đến. Khi viết văn, luận điểm mà chúng ta tìm ra sẽ làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài hoặc trả lời cho yêu cầu đó. Trong một bài luận, luận điểm thường được trình bày ở phần mở đầu, sau đó được làm rõ và chứng minh bởi các bằng chứng hoặc lập cứ ở phần thân bài.
Yêu cầu của một luận điểm cần rõ ràng, có tính chân thật, đúng đắn và phải đáp ứng được nhu cầu làm rõ vấn đề. Đặc biệt, các bạn nên nhớ trong một bài viết, không chỉ có một luận điểm thôi đâu. Như mình viết, mỗi đoạn văn sẽ là một luận điểm, mỗi luận điểm này đều dùng để làm rõ đề bài hoặc câu hỏi ban đầu chúng ta đặt ra.
Luận điểm quan trọng như thế nào khi viết văn?
Khi bạn làm văn nghị luận, bạn có thể quên nhiều thứ nhưng chắc chắn không thể quên luận điểm. Mình đã từng mắc một lỗi sai nghiêm trọng, đó là viết bài mà không có luận điểm, thích viết gì thì viết nấy. Mình cũng tin rằng có rất nhiều bạn cũng đang mắc phải sai lầm tương tự, dù sai nhưng lại không biết mình sai ở đâu cả.
Cứ như vậy, bài viết của mình dù văn phong có tốt đến đâu nhưng cũng không bao giờ đạt điểm cao. Bởi vì như cô mình nói: “Bài văn của em rất hay, nhưng khi đọc cô không biết em định làm gì cả, quá lan man. Thà em viết ngắn gọn, súc tích nhưng có luận điểm rõ ràng còn hơn là viết bay bổng mà quên mất việc mình cần phải làm!”.
Mình khẳng định rằng, nếu nói một bài văn chính là một con người thì luận điểm chính là linh hồn của người đó, hay chính là bộ não. Nó kết nối các bộ phận khác trên cơ thể để tạo thành một “người” hoàn chỉnh, hoạt động lưu loát hơn. Nếu không có luận điểm, bài văn sẽ trở thành một thứ “vô hồn” và không mang lại giá trị gì cho người đọc.
Mình sẽ ví dụ cho các bạn một số trường hợp có – không có luận điểm để dễ so sánh nhé:
Đọc sách là một thói quen tốt của học sinh. Đọc sách không chỉ đem đến cho chúng ta kho tàng kiến thức khổng lồ, mà còn giúp cho chúng ta nhìn đời với một lăng kính khác.
=> Có luận điểm, tóm lược được ý định triển khai trong đoạn văn.
Chúng ta thấy được những mảnh đời khác trong sách, cũng thấy được ngàn vạn ngôi sao đang được hình thành như thế nào trên ngân hà. Chẳng cần tận mắt nhìn qua, mỗi chúng ta đều thấy được vẻ đẹp của muôn ngàn vì sao đó, thấy được một không gian rộng lớn khác hẳn bầu trời ta vẫn thường nhìn.
=> Không có luận điểm, dù câu văn hay cũng không thể làm người đọc hiểu được mình đang viết gì.
Triển khai luận điểm như thế nào?
Chắc hẳn khi học văn, ai cũng biết đến khái niệm luận điểm nhưng lại khó áp dụng nó vào bài làm của mình. Mình cũng đã từng như các bạn, nhưng sau khi hiểu được lỗi sai này ảnh hưởng lớn như thế nào, mình đã khắc phục được nó. Dưới đây là những chia sẻ của chính bản thân mình:
– Xác định luận điểm bằng cách lập dàn ý cho bài văn. Dàn ý là một phần quan trọng, giúp bạn xác định được các ý chính sẽ triển khai trong bài, và các gạch đầu dòng chính là luận điểm.
– Đặt luận điểm theo cách trình bày đoạn văn: diễn dịch – luận điểm đặt ở đầu câu, quy nạp – luận điểm đặt ở cuối câu.
– Sử dụng các luận cứ để diễn giải, làm rõ hơn luận điểm của đoạn. Luận điểm của bạn sẽ có sức thuyết phục hơn nếu bạn cung cấp bằng chứng và lập luận để hỗ trợ cho nó.
– Sắp xếp các luận cứ theo một trật tự logic. Các luận cứ của bạn nên được sắp xếp theo một trật tự logic, từ luận điểm đến luận cứ. Dàn bài sẽ hỗ trợ bạn nếu bạn chú ý lập dàn bài trước khi viết văn.