Nét tình thu trong Thơ duyên của Xuân Diệu

5/5 - (1 bình chọn)

Tình là gì? Duyên lại là gì mà khiến người ta mong muốn cưỡng cầu đến thế? Theo dõi bài viết vài nét tình thu trong Thơ duyên của Xuân Diệu để tìm câu trả lời cho mình nhé!

Nét tình thu trong Thơ duyên của Xuân Diệu

Có lẽ đến bây giờ, nhiều người vẫn thường thuận đọc mùa thu theo cái điệu nhớ thương xen lẫn hoài niệm. Phải là “Khí trời u uất hận chia ly”, hay phải là “Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ”, đó còn phải là Đây mùa thu tới’,… Nhưng thu đâu chỉ có riêng nỗi buồn mà thu còn có tình. Sau này, chính Xuân Diệu – Người viết nên “Đây mùa thu tới” lại mang đến cho thi đàn văn chương Việt Nam khúc “Thơ duyên”. Ông đã điểm thêm vài nét chấm phá, dù vẫn giữ những nét đặc trưng của mùa thu ấy nhưng lại góp phần tạo nên một vường thu rạo rực ái tình!

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Mỗi khi nhắc đến Xuân Diệu người ta sẽ nhớ ngay tới một thi sĩ với khả năng quan sát tinh tế, tình cảm say mê nồng cháy. Trong các bài thơ của ông, người đọc luôn tìm thấy niềm vui sống, sống vội, sống gấp, sống tận hưởng, tận hiến. Đặc biệt, trong sự trân quý mọi khoảnh khắc của cuộc đời, của vạn vật thể hiện trong Thơ duyên. Bài thơ rút trong tập Thơ thơ và nằm ở vị trí cuối cùng. Bài thơ được Xuân Diệu tinh tế lồng ghép nhuần nhuyễn hai đề tài: “mùa thu và tình yêu đôi lứa”. Tình thu được đặt trong mối lương duyên xinh xắn giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với con người .Và cuối cùng, đích cần đến của bài tình thu ấy là mối lương duyên của con người với con người.

Nét tình thu trong Thơ duyên của Xuân Diệu

Vài nét tình thu được tác giả chấm phá trong thi phẩm Thơ duyên đã vẽ nên một bức tranh đẹp, tuyệt diệu nơi mùa thu của đất trời. Bài thơ bắt đầu bằng chuỗi hình ảnh thiên nhiên vào buổi chiều tươi đẹp, điểm thêm vài sự đắm say trong ánh sáng tình duyên:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền

Đây hẳn phải là một sớm chiều thu hay đơn thuần chỉ là một mảnh vườn tình ái. Qua cái nhìn chếnh choáng men say cuộc đời của “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” cảnh thu hiện lên tràn đầy hương vị luyến ái. Không chỉ đến bài thơ này thi sĩ mới viết về mùa thu mà trong tập “Thơ thơ” độc giả cũng đã bắt gặp “nàng thơ” với sự “ngẩn ngơ”, u sầu trong “Đây mùa thu tới”. Còn “Thơ duyên” bắt đầu với những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng. Không những vậy, “thơ trên nhánh duyên” còn gợi nên khung cảnh trữ tình nên cảnh vật dường như cũng vui mừng, hò reo khi thu về có “cặp chim chuyền”đang ríu rít trên “cây me”. Hơn hết, hình ảnh “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá” còn gợi nhắc ta đến một câu thơ từng được Hàn Mặc Tử nhắc đến trong Đây mùa thu tới: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Tất cả như đang hòa vào nhau và cái duyên thứ nhất đã đưa đẩy đến cái duyên thứ hai, khi ngay lập tức khuấy động sóng lòng nơi chủ thể trữ tình.

Nếu như khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên bức tranh thiên nhiên với sự tạo duyên, tạo cớ dẫn dắt hai người lại với nhau:

Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều.

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,

Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Nhìn cảnh mà như nhìn thấy lòng người. Có lẽ, chính nhân vật trữ tình đang cảm thấy “xiêu xiêu” như ngọn gió trên con đường nhỏ. Trong cái sắc hương trờii đất ngày sang thu ấy, thi sĩ nhớ lại lần rung động đầu tiên của mình, là “buổi ấy lòng ta nghe ý bạn”. Ông hoàng thơ tình đã thể hiện một cách rất tình khi thể hiện sự bẽn lẽn, hồn nhiên mà rất tự nhiên, chính xác. Lần đầu rung động với nỗi thương yêu, ta thể hiện thấu hiểu đối phương một cách tinh tế nhất khi không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng lòng, tức là bằng cả tâm tư, bằng cả sự chân thành của mình. Để rồi, từ buổi ấy anh và em đã trở thành “cặp vần” không thể rời nhau:

Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững đững chẳng theo gần.

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,

Anh với em như một cặp vần

Hình ảnh nhân vật em cùng dạo bước trên con đường nhỏ. Em thì hồn nhiên, ngây thơ bước đi mà không có một chút vướng bận còn anh thì lững thững theo bước chân của em. Hai con người như hòa vào làm một. Đối với Xuân Diệu, con người say đắm trước cảnh vật thôi còn chưa đủ mà còn một cặp bài trùng khác, ấy là cái tình của con người với con người!
Câu thơ tiếp theo lại nói lên đặc trưng trong thơ của Xuân Diệu, ấy là sự vận động của thời gian:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

Con cò trên ruộng cánh phân vân.

Chim nghe trời rộng dang thêm cánh,

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần

Như một chiều muộn mang nét cô liêu khi cái lạnh đã nhiễm vào từng cánh hoa. Với Xuân Diệu, đây như một mối duyên mà thiên nhiên đã tạo ra cho con người. Thiên nhiên như gợi buồn đánh thức cái cô liêu trong lòng mỗi người, từ đó gợi lên một khao khát lan tỏa nổi niềm. Cách giải tỏa duy nhất ta có thể tìm đến là tình yêu, là chữ tình:

Ai hay tuy lặng bước thu êm,

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

Khổ thơ như gợi nhớ về mối tình đầu của nhà thơ, về những rung động đầu đời gợi tả trong hình ảnh thiên nhiên. Như sự chuyển động nhẹ nhàng, dịu dàng của nàng thu. Rồi từ hai người xa lạ, cuối cùng “lòng anh thôi đã cưới lòng em” – một sự đã rồi, như một mối lương duyên không thể chối cãi, như duyên mà ông trời đã định. Lời tỏ bày của nhân vật trữ tình như một lời khẳng định tình anh và em được cả vũ trụ se tơ, ủng hộ. Vậy mới hiểu tại sao Xuân Diệu được mệnh danh là Ông hoàng của thơ tình.

Bằng ngòi bút tinh tế qua lăng kính của mình, Xuân Diệu đã khắc họa bức tranh thiên nhiên với những hình ảnh, sắc thái của mùa thu. Tác giả đã bày tỏ tình cảm của mình qua sự rung động của bản thân về mối tình chớm nở của mình. Đó là sự giao cảm, kết nỗi giữa con người với con người, tưởng chừng như xa vời nhưng lại là cái duyên được ông trời se tơ, mỗi duyên nảy nở trong tình thu!
“Thơ duyên” đã tồn tại hơn nửa thế kỉ mà cái duyên ấy vẫn đẹp. Bởi lẽ cảnh thutuyệt đẹp, thơ mộng. Từ chùm thơ của Nguyễn Khuyến đến Thơ duyên, hơn bao giờ hết, ta mới cảm nhận sâu sắc vì sao Xuân Diệu được nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét là “nhà thơ mưới nhất trong các nhà Thơ Mới”. Thơ duyên mang vẻ đẹp một “hoa khôi sáng giá”.

>>> Tham khảo:Nhận biết và phân tích cấu tứ trong thơ