Cây diêm cuối cùng là một tản văn mang đậm chất trữ tình, tự sự của tác giả Cao Huy Thuần. Theo dõi bài nghị luận bài Cây diêm cuối cùng của Cao Huy Thuần để khám phá được những nét đặc sắc của tản văn này. Đồng thời cùng chiêm nghiệm với tác giả về cuộc sống và thế sự được gửi qua tác phẩm nhé.
Nghị luận bài Cây diêm cuối cùng của Cao Huy Thuần
Cao Huy Thuần sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế, một mảnh đất giàu truyền thống văn hoá. Ông là tác giả của nhiều nghiên cứu về chính trị học và tôn giáo. Nói riêng về tản văn ông có rất nhiều các sáng tác tiêu biểu như Nắng và hoa, Thầy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu và Cây diêm cuối cùng là một tác phẩm khá tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông.
Tản văn khai thác về một đề tài mang tính lịch sử, cốt truyện đơn giản nhưng tản mạn theo đúng tính chất của một tản văn. Đại ý là nói về một người lính trong trận chiến đấu trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn không may bị bão tuyết thổi khiến anh ấy bị lạc mất đồng đội. Thật bất ngờ sau khi vật lộn với bão tuyết nhân vật tôi tỉnh dậy ở trên đỉnh một ngọn núi, dưới chân chùa. Trong cơn mệt mỏi và mê man, tôi loáng thoáng thấy có bóng người đàn ông đang cầm trên tay khẩu súng và chĩa về phía tôi, hoá ra đó là kẻ địch, hắn cũng bị bão tuyết đưa đến đây giống như tôi. Hai nhân vật đã có cuộc đấu trí và cuối cùng kẻ địch đã hy sinh để châm que diêm cuối cùng cho tôi. Với nội dung độc đáo như vậy truyện Cây diêm cuối cùng đã gợi ra những vấn đề ý nghĩa của cuộc sống. Đó là chiến tranh, là cách đối xử của người với người giữa hai bên chiến tuyến, về cách chiến đấu khi đương đầu với cái chết, về thái độ của con người trước hoàn cảnh ngặt nghèo… Dù không khắc hoạ chi tiết những hậu quả nặng nề của chiến tranh nhưng tác phẩm cũng góp một tiếng nói tố cáo tội ác của chiến tranh, đặt ra trách nhiệm của nhân loại trong cuộc chiến chống lại chiến tranh phi nghĩa.
Khai thác từ một đề tài tưởng là cũ nhưng cách triển khai rất mới. Đặc biệt là chuyện về lịch sử, chiến tranh (dù không quá đậm nét) nhưng cách kể chuyện, truyền tải thông điệp thông qua thể loại tản văn lại rất độc đáo. Chất trữ tình và chất tự tự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn khiến cho câu chuyện mạch lạc và có chiều sâu. Các yếu tố tưởng tượng, hư cấu có nhưng không được phóng đại quá mức nên hoàn toàn có thể chấp nhận được. Chúng ta đều biết tản văn là thể loại thiên về trữ tình, mạch kể tự sự chỉ là cái cớ để bộc lộ tình cảm, đánh giá của người kể chuyện. Ở đây tác phẩm cũng kể chuyện khá cụ thể về hoàn cảnh của nhân vật tôi song chất trữ tình vẫn rất đậm nét, đặc biệt là những chi tiết miêu tả thiên nhiên, quang cảnh xung quanh ngôi chùa nhân vật tôi lạc vào đều khá chi tiết, ấn tượng.
Linh hồn của tản văn này là nhân vật tôi – người lính trong cuộc chiến. Nhân vật đã được khắc họa đậm nét thông qua một vài chi tiết miêu tả hành động, suy nghĩ, đặc biệt là thế giới nội tâm. Khi bị bão tuyết cuốn đi nhân vật tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi nhưng vẫn gắng gượng để có thể giành giật sự sống, cảm giác hoang mang tột độ khi nhìn thấy kẻ thù đang cầm súng chĩa về phía mình; hành động run rẩy khi quẹt que diêm để sưởi ấm trong bão tuyết… Một loạt những hành động nối tiếp của nhân vật tôi giúp người đọc cảm nhận rõ nét về nhân vật này. Đó là một người lính có đời sống nội tâm phong phú, từng trải, biết yêu ghét rõ ràng, biết đối nhân xử thế. Dù không tránh khỏi những lúc hoảng hốt, sợ sệt vì phải đối diện với kẻ thù song vẫn bình tĩnh xử lý tình huống để thoát chết trong gang tấc. Đặc biệt chi tiết miêu tả ở cuối truyện nhân vật tôi trở lại ngôi chùa, tưởng nhớ “người đồng đội bất đắc dĩ” của mình, cho thấy tôi còn là người lính có trái tim ấm áp, nhân hậu, tử tế.
Cây diêm cuối cùng là một tản văn xuất sắc của nhà văn, qua tác phẩm người đọc hiểu thêm về con người và nhân cách của nhà văn Cao Huy Thuần. Tác phẩm cũng đã góp thêm một cách nhìn mới mẻ, đa chiều về những người lính trong kháng chiến.
——————————————–
Trên đây là Nghị luận Cây diêm cuối cùng do Tramvanhoc sưu tầm. Tản văn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Cao Huy Thuần. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các em những tài liệu bổ ích cho việc học.
>>> Tham khảo: Một số kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học (hay nhất)