Nghị luận phân tích bài thơ Anh về cùng mùa hoa của Tạ Hữu Yên

5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Viết bài văn nghị luận phân tích bài thơ Anh về cùng mùa hoa của Tạ Hữu Yên. Từ hình ảnh cây đào và người anh hùng Tô Hiệu, em hãy liên hệ với bốn câu thơ sau để làm nổi bật những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam trong lịch sử dân tộc:

Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa

Bài làm

1. Mở bài

Những bài thơ về người anh hùng dân tộc luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi sức mạnh và vẻ đẹp của lòng yêu nước. “Anh về cùng mùa hoa” của Tạ Hữu Yên là một tác phẩm như thế. Qua hình tượng hoa đào, bài thơ gợi lại hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu với tấm lòng kiên trung và ý chí bất khuất. Qua quá trình trưởng thành của cây đào nở hoa giữa lòng nhà ngục, bài thơ không chỉ tôn vinh sự hy sinh cao cả của Tô Hiệu mà còn truyền tải thông điệp về sức sống mãnh liệt và tinh thần kiên cường của con người Việt Nam. Bài thơ “Anh về cùng mùa hoa” không chỉ là lời ca ngợi người anh hùng Tô Hiệu mà còn là gợi lên những phẩm chất của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, luôn sống với tinh thần hiên ngang và tấm lòng nhân hậu như câu thơ của Huy Cận:

“Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”

2. Thân bài

a-Khổ 1: Ngay từ những dòng đầu tiên, bài thơ đã tạo ra một không gian yên bình và thơ mộng qua cái nhìn của một nhà thơ trong vai trò du khách thăm lại nhà tù Sơn La:

Rớt xuống trang thơ tôi
Cánh hoa đào phớt đỏ
Chiều Sơn La lặng gió
Tôi nghe hoa thì thầm

Tô Hiệu xuất hiện không trực tiếp, nhưng qua hình ảnh cánh hoa đào, ta cảm nhận được sự hiện diện của anh. Cánh hoa đào “rớt xuống trang thơ” như một dấu ấn của mùa xuân và sự sống, của tinh thần bất diệt mà Tô Hiệu để lại. Hình ảnh “cánh hoa đào phớt đỏ” không chỉ là một biểu tượng của mùa xuân, mà còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Không gian lặng gió của chiều Sơn La càng làm nổi bật tiếng thì thầm của hoa, như lời thì thầm của chính Tô Hiệu từ quá khứ vọng về.Trong không gian tĩnh lặng của chiều Sơn La, tiếng hoa thì thầm như tiếng vọng của quá khứ lịch sử, tiếng lòng của những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

b- Khổ thơ thứ hai miêu tả sự sống đang nảy nở ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà ngục.

Tôi nghe nụ nảy mầm
Từ kẽ tường nhà ngục
Trở trăn và khó nhọc
Trong giá lạnh mùa đông

Hình ảnh “nụ nảy mầm từ kẽ tường nhà ngục” là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự sống mãnh liệt trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Những từ ngữ như “trở trăn”, “khó nhọc”, “giá lạnh mùa đông” càng nhấn mạnh sự vươn lên không ngừng nghỉ, sự đấu tranh gian khó của Tô Hiệu trong nhà ngục. Hình ảnh nụ hoa mọc lên từ kẽ tường nhà ngục, trải qua bao khó nhọc và giá lạnh, là một ẩn dụ cuộc đấu tranh cách mạng đầy thử thách của các chiến sĩ cộng sản. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ cho sự kiên cường và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam trong những lúc gian nan.

Nghị luận phân tích bài thơ Anh về cùng mùa hoa của Tạ Hữu Yên

c- Những hình ảnh trong khổ thứ ba nói về sự sống bất diệt và niềm tin về một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn.

Cái hạt non Anh trồng
Nở mùa đào Cộng sản
Nụ hoa chúm chím hồng
Khoảng trời bừng nắng rạng

Hạt non Tô Hiệu trồng chính là biểu tượng cho niềm tin, lý tưởng cách mạng. Nụ hoa “chúm chím hồng” và “khoảng trời bừng nắng rạng” là hình ảnh tươi sáng của tương lai, của sự phát triển mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản. Những từ ngữ tươi sáng như “chúm chím hồng”, “bừng nắng rạng” tạo nên một bức tranh tươi đẹp, tượng trưng cho sự sống, niềm tin và hy vọng. Hình ảnh “cái hạt non” đã nở thành hoa đẹp, là sự khẳng định cho sự kiên trì, bền bỉ của người chiến sĩ, cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng. Tác giả đã khéo léo liên kết quá khứ và tương lai, giữa Tô Hiệu và sự nghiệp cách mạng, làm nổi bật niềm tin vào chiến thắng cuối cùng.

d- Khổ thơ thứ tư nhấn mạnh Tinh thần cách mạng bất diệt trong trái tim luôn sống động và tràn đầy nhiệt huyết của những con người mang tinh thần cách mạng.

Trái tim người Cách mạng
Sẽ không héo bao giờ
Gieo ý nhạc vần thơ
Cho mai sau hát mãi

Trái tim người cách mạng, biểu tượng cho tinh thần kiên cường, không bao giờ tàn lụi. “Gieo ý nhạc vần thơ” là cách nói thể hiện vai trò truyền cảm hứng và lòng nhiệt thành của người anh hùng dân tộc sẽ mãi mãi bất tử trong lòng những thế hệ sau. Tác giả khẳng định rằng những giá trị, lý tưởng mà Tô Hiệu và các chiến sĩ cách mạng để lại sẽ mãi mãi trường tồn, như những nguồn cảm hứng thơ ca và tiếng hát bất hủ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

e-Khổ thơ cuối cùng là sự hồi tưởng và tôn vinh người anh hùng Tô Hiệu.

Trang thơ tôi đằm lại
Giữa nhà tù Sơn La
Tô Hiệu ơi! Có phải
Anh về cùng mùa hoa?

Sự hiện diện của anh trong hình ảnh hoa đào mỗi khi Tết đến xuân về là sự gợi nhớ về một tinh thần cách mạng kiên cường, mạnh mẽ nhưng cũng đầy tình người và cảm xúc. Ý thơ khép lại bằng tình cảm sâu sắc và sự ngưỡng mộ của tác giả đối với Tô Hiệu. “Trang thơ đằm lại” như chứa đựng hết thảy sự thiêng liêng trong xúc cảm, sự trân trọng mà tác giả dành cho người anh hùng. Câu hỏi tu từ cuối cùng “Anh về cùng mùa hoa?” khẳng định rằng Tô Hiệu vẫn sống mãi trong lòng người dân, trong từng mùa hoa nở.

* Giá trị nghệ thuật

– Bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để thể hiện nội dung. Cánh hoa đào, nụ mầm, hạt non, nắng rạng, trái tim người cách mạng đều là những hình ảnh mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho tinh thần và lý tưởng cách mạng, cho sự sống và niềm tin vào tương lai.

– Ngôn ngữ trong bài thơ tuy giản dị nhưng mang đậm tính triết lý và cảm xúc. Những câu thơ ngắn gọn, dễ hiểu nhưng lại chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, khiến người đọc phải suy ngẫm và cảm nhận sâu sắc. Tác giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ, nhân hóa để làm nổi bật hình ảnh và cảm xúc. Ví dụ, hình ảnh “nụ nảy mầm từ kẽ tường nhà ngục” không chỉ là một hình ảnh đẹp mà còn là một ẩn dụ cho sự kiên trì, sức sống mãnh liệt.

– Giọng điệu của bài thơ mang tính chất trang trọng, đầy ngưỡng mộ và tự hào. Từ đầu đến cuối, giọng điệu này không thay đổi, thể hiện sự nhất quán trong cảm xúc và tư tưởng của tác giả.

f- Từ hình ảnh cây đào và người anh hùng Tô Hiệu, ta có thể liên hệ với bốn câu thơ sau để làm nổi bật những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam:

Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa

– Phẩm chất đầu tiên là ý chí kiên cường: Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững. Con người Việt Nam đã sống và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử, luôn đứng vững trước mọi thử thách. Giống như những nụ hoa đào nảy nầm trong kẽ tường nhà ngục, người Việt luôn tìm cách vươn lên, bất chấp mọi khó khăn.

– Phẩm chất thứ hai là sự lãng mạn, tinh tế của tâm hồn: Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa. Con người Việt Nam không chỉ mạnh mẽ trong chiến đấu mà còn giàu tình cảm, sống nhân văn. “Lưng đeo gươm” thể hiện tinh thần chiến đấu, còn “tay mềm mại bút hoa” thể hiện sự lãng mạn, tài hoa và tình yêu văn chương, nghệ thuật.

– Phẩm chất thứ ba là sự minh triết trong suy nghĩ. Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng. Người Việt luôn giữ cho tâm hồn trong sáng, tư tưởng rõ ràng, không bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa. Các từ “trong và thật sáng” nhấn mạnh đến sự minh triết và thiên lương của con người.

– Phẩm chất cuối cùng là sự hiên ngang và nhân ái. Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa. Con người Việt Nam luôn tự hào và tự tin trong cuộc sống, nhưng cũng luôn biết chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ người khác. Tinh thần này được thể hiện rõ trong sự kiên cường của Tô Hiệu, người đã gieo mầm lý tưởng Cộng sản, không chỉ cho mình mà còn cho cả dân tộc.

3. Kết luận

Bài thơ “Anh về cùng mùa hoa” của Tạ Hữu Yên không chỉ là lời ca ngợi người anh hùng Tô Hiệu mà còn là một bản anh hùng ca về tinh thần cách mạng, về sự kiên cường và niềm tin vào tương lai. Qua những hình ảnh ẩn dụ, ngôn ngữ giản dị và cảm xúc sâu lắng, bài thơ đã truyền tải trọn vẹn những giá trị cao đẹp và tinh thần bất diệt của con người Việt Nam. Đây là một tác phẩm đáng quý, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam về đề tài cách mạng và lòng yêu nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *