Nghị luận phân tích đánh giá 2 đoạn thơ trong bài Tương tư (Nguyễn Bính) và Nhớ (Nguyễn Đình Thi)

1.3/5 - (24 bình chọn)

Đề bài: Nghị luận phân tích đánh giá 2 đoạn thơ trong bài Tương tư (Nguyễn Bính) và Nhớ (Nguyễn Đình Thi)

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người nhớ mời mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

(Nguyễn Bính, trích”tương tư”)

“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương sớm tối vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.”

( Nguyễn Đình Thi trích “nhớ”)

Bài làm

Phải chăng thơ là tiếng nói của tâm hồn, là những dòng tâm trạng không thể giãi bày trực tiếp? Đúng vậy! thơ ca là nơi con người được là chính mình, là nơi con người gửi gắm cảm xúc và suy tư. Như độc giả Bêlinxki từng bộc bạch: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Nhìn vào hai thi phẩm “Tương tư “của Nguyễn bính và “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi ta có thể thấy được đây là một minh chứng về mối quan hệ giữa cuộc đời về nghệ thuật trong thơ. Cùng là đề tài chắp bút về tình yêu, nhưng hai nhà thơ lại có lăng kính quan sát mang cái tôi cá nhân, thể hiện những nét riêng hồn thơ, nhịp thơ và cách chiêm nghiệm về cuộc của mỗi người.

Không như thi sĩ Xuân Diệu trực tiếp bộc bạch về sự cần thiết, niềm mong mỏi của tình yêu:

“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào”

thì tình yêu trong đoạn thơ của Nguyễn Bính được thể hiện một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, còn nén cảm xúc khi nhắc đến tình cảm với người mình yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chờ đợi mỏi mong một người”

Chỉ bằng hai dòng tâm tình trên Nguyễn Bính đã cho bạn đọc thấy được toàn bộ viễn cảnh tình yêu đôi lứa giản dị và gần gũi, của một nỗi nhớ da diết, một tình yêu đơn phương khắc khoải trong trái tim. Tác giả mượn hình ảnh bình dị của làng quê của “thôn Đoài”, “thôn Đông” để miêu tả sự xa cách nhưng đầy nỗi niềm tương tư. Cụm từ “mỏi mong” Không chỉ là tiếng lòng của người yêu đang mong nhớ, hơn hết đây còn là hình ảnh đại diện cho tấm chân tình tác giả dành cho người mình yêu, thứ tình cảm không cần những lời hoa mỹ mà vẫn chân thật và sâu sắc.
Không biết rằng, Nguyễn Bính không giỏi trong việc che giấu cảm xúc? Bởi cho đến mạch tâm trạng tiếp theo nhà thơ đã trực tiếp thổ lộ, giãi bày tất cả tình cảm của mình:

“Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Nghị luận phân tích đánh giá 2 đoạn thơ trong bài Tương tư (Nguyễn Bính) và Nhớ (Nguyễn Đình Thi)

Hiếm có thi sĩ nào như Nguyễn Bính, ông ví nỗi tương tư như một “bệnh”, điều này gợi lên sự thổ lộ chân thành về tình yêu không thể kiểm soát, tựa như nắng mưa của trời đất. Cách ví von giản dị này làm nổi bật phong cách thơ của Nguyễn Bính, đó là sự mộc mạc và chân thành, giống như chính tình yêu của người nông dân Việt Nam xưa. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính mang đậm màu sắc dân gian, không cầu kỳ, xa hoa, mà là sự mong nhớ thầm lặng, tự nhiên, gần gũi hòa quyện với đời sống người dân, làng quê.

Trái ngược với sự mộc mạc trong tình yêu của Nguyễn Bính, đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài “Nhớ” thể hiện tình yêu đậm chất lý tưởng, mãnh liệt và đầy tính triết lý, mang đậm màu sắc cách mạng, gắn liền với lý tưởng đấu tranh:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương sớm tối vô ngần”

Tình yêu lúc này không chỉ là lời yêu của một cá nhân mà còn là tình cảm đối với quê hương, đất nước. Tình yêu lúc này đại diện cho một giá trị lớn lao đó là Tổ quốc. Việc so sánh tình yêu đối với người mình yêu và tình yêu đất nước cho thấy tình cảm của Nguyễn Đình Thi sâu sắc, và gắn bó với lý tưởng. Đây là tình yêu của một người lính, của một người công dân với ý thức trách nhiệm cao cả.
Phải khẳng định rằng, Nguyễn Đình Thi đã thực sự chạm đến rung cảm của bạn đọc. Cái đẹp của ông không đơn giản là những nhịp thơ, những vần thơ nữa. Cái đẹp của Nguyễn Đình Thi như sáng bừng ở những hồn thơ, những mảnh tâm tư được gói ghém trong câu:

“Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn”.

Chắc hẳn bạn đọc sẽ không ngừng xúc động khi trực tiếp chiêm nghiệm hai dòng tâm tư này. Ấy là một tình yêu nồng nhiệt, mãnh liệt và hòa quyện với cuộc sống hàng ngày. Tình yêu ấy luôn hiện hữu, không chỉ trong từng khoảnh khắc mà còn trong mọi hoạt động của cuộc sống, mỗi bước đi, mỗi đêm về, thậm chí trong từng miếng ăn. Một tình yêu chân chính đang hiện trước mắt ta, tình yêu của sự giản đơn nhất, tình yêu thực tế nhất đã vượt lên tất cả trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, hòa quyện với đời sống lao động, đấu tranh và những nỗi vất vả mà người lính phải trải qua.

Thơ Nguyễn Bính sử dụng những hình ảnh bình dị, gần gũi để thể hiện tình yêu. Hình ảnh “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “nắng mưa” tạo nên một bức tranh làng quê yên bình, nơi tình yêu được nảy nở. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, mang đậm màu sắc dân gian, trữ tình. Ông thường sử dụng những hình ảnh quen thuộc, những câu hát dân ca để thể hiện tình cảm của mình. Trái lại, Nguyễn Đình Thi sử dụng những hình ảnh lớn lao, hào hùng để thể hiện tình yêu. Hình ảnh “đất nước”, “vất vả đau thương” gợi lên một tình yêu cao cả, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Ngôn ngữ thơ súc tích, giàu hình ảnh, mang đậm màu sắc hiện thực, lãng mạn. Ông thường sử dụng những hình ảnh lớn lao, những khái niệm trừu tượng để thể hiện tình yêu.
Khi “thưởng thơ” của Nguyễn Bính và Nguyễn Đình Thi, hai thi sĩ đã thực sự cho chúng ta hiểu rằng: “Nghệ thuật là con đường để khám phá và biểu đạt nội tâm của con người” do độc giả Wassily Kandinsky nhận định là hoàn toàn đúng đắn. Chính nghệ thuật đã vạch rõ ranh giới trong thơ của Nguyễn Bính và Nguyễn Đình Thi, tuy cùng viết về tình yêu nhưng lại có hai góc nhìn và cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là một nỗi tương tư gần gũi, chân thành, mộc mạc, như một phần của cuộc sống bình dị ở làng quê Việt Nam. Còn tình yêu của Nguyễn Đình Thi là một tình cảm lớn lao, gắn liền với trách nhiệm, lý tưởng, hòa quyện giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc, đầy tính triết lý và mãnh liệt.
Khép lại những dòng cảm xúc trong hai thi phẩm “Tương tư “của Nguyễn bính và “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi cũng chính là lúc độc giả mở ra cách nhìn nhận mới về tình yêu. Thể như độc giả Đecgiavin từng nhận định: “Thơ là ngọn lửa thần”, lúc này trong kho tàng thi ca Việt Nam thơ của Nguyễn Bính và Nguyễn Đình Thi đã trở thành ngọn lửa soi sáng cho tình yêu và cuộc sống. Nếu tình yêu của Nguyễn Bính là một lời nhắn gửi của người nông dân bình dị, thì tình yêu của Nguyễn Đình Thi là tiếng lòng của người chiến sĩ. Thế nhưng giá trị chung, cả hai thi phẩm đều sử dụng tiếng lòng của tình yêu để chạm đến rung cảm và chinh phục bạn đọc trong thi ca.