Bài thơ Sở kiến hành của tác giả Nguyễn Du là tác phẩm phản ánh bức tranh hiện thực xã hội Trung Quốc thời phong kiến. Cùng Tramvanhoc đến với bài Nghị luận phân tích đánh giá chủ đề của bài thơ Sở kiến hành để làm rõ điều này hơn nhé!
Dàn ý Nghị luận phân tích đánh giá chủ đề của bài thơ Sở kiến hành
Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Sở kiến hành.
– Khát quát nội dung cần phân tích, đánh giá: chủ đề của bài thơ Sở kiến hành.
Thân bài
* Xác định chủ đề của bài thơ: bức tranh hiện thực của xã hội Trung Quốc: nhân dân đói khổ lầm than trong khi đó bọn quan lại thì sống xa hoa lãng phí.
* Phân tích, đánh giá chủ đề qua 2 hình ảnh đối lập:
– Hình ảnh mẹ con người ăn xin: đói rách, cận kề bên cái chết
– Hình ảnh quan lại: thừa thãi, xa hoa, lãng phí.
– Thái độ của tác giả:
+ Thương cảm, đau xót đối với ba mẹ con người ăn xin nói riêng và những kiếp người cơ cực nói chung.
+ Phẫn nộ trước sự vô cảm của đám quan lại.
Kết bài
– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề của bài thơ
– Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ.
Nghị luận phân tích đánh giá chủ đề của bài thơ Sở kiến hành
“Sở kiến hành” là bài thơ bằng chữ Hán được tác giả viết về những điều mắt thấy tai nghe trong đợt đi sứ sang Trung Quốc. Bài thơ chứa đựng những giá trị tư tưởng sâu sắc, qua đó cho thấy được tấm lòng nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ.
Bài thơ là bức tranh hiện thực của xã hội Trung Quốc: nhân dân đói khổ lầm than trong khi đó bọn quan lại thì sống xa hoa lãng phí. Qua bài thơ, tác giả thể hiện nỗi lòng đồng cảm đối với nhân dân đói khổ, lên án bọn quan lại ăn chơi sa đọa, đồng thời thể hiện sự mong ước về một xã hội tốt đẹp hơn.
Bài thơ đã vẽ lên trước mắt người đọc hai hình ảnh đối lập đó là:Hình ảnh mẹ con người ăn xin và đám quan lại.
Hình ảnh mẹ con người ăn xin được tác giả miêu tả là gia đình đông người, nheo nhóc: một mẹ cùng ba con, có đứa còn bé phải ẵm bồng. Họ đang lâm vào cảnh bi đát: rách rưới, đói khát và có nguy cơ chết đói. Tình cảnh ấy khiến người mẹ vô cùng đau xót khi nghĩ đến đàn con của mình:
Nỗi đau như xé lòng
Trời xanh có thấu nổi
Câu thơ vừa là tiếng kêu đứt ruột, vừa là nỗi oán hận với số kiếp, với cuộc đời, cũng là một cách gián tiếp bộc lộ nỗi oán trách đối với chế độ.
Trong khi ba mẹ con người ăn xin đang lâm vào cảnh đói rách, cận kề bên cái chết thì cuộc sống của bọn quan lại lại thật thừa mứa, xa hoa, lãng phí:
Tác giả miêu tả kĩ hình ảnh mâm cỗ: Vây cá hầm gân hươu/ Lợn dê mâm đầy ngút. Một mâm cỗ quá sang trọng với đầy những sơn hào hải vị, đối lập hoàn toàn với những thức ăn của mẹ con người ăn mày: Mớ rau lẫn tấm cám. Thế nhưng, mâm cỗ ngon lành ấy lại bị các quan lại thờ ơ: Quan lớn không gắp qua/ Các thầy chỉ nếm chút. Cuộc sống của họ quá no đủ, quá dư thừa, nên họ không còn thiết đến những món ăn ấy nữa. Thế nhưng vì tiếp đãi các quan, vì yến tiệc, người ta vẫn phải dọn lên.
Nhức nhối nhất là hình ảnh những thức ăn ngon lành ấy bị đổ đi, làm thức ăn cho đàn chó. Hình ảnh đàn chó thì no bụng với những sơn hào hải vị, trong khi đó có những con người thì lại đang đói khát, sắp chết đói đến nơi vừa gợi sự đau xót, vừa khiến người đọc oán giận vô cùng.
Bằng việc vẽ lên hai hình ảnh cuộc sống đối lập nhau, Nguyễn Du đã bày tỏ thái độ thương cảm, đau xót đối với ba mẹ con người ăn xin nói riêng và những kiếp người cơ cực nói chung; đồng thời tỏ thái độ phê phán, phẫn nộ trước sự vô cảm, tàn nhẫn, xa hoa lãng phí của giai cấp thống trị.
Qua bài thơ, ta thấy được tấm lòng nhân đạo rộng lớn của Nguyễn Du: ông không chỉ nói về một xã hội cụ thể với những con người cụ thể, mà đó là tấm lòng đối với con người, đối với mọi xã hội nói chung. Ông luôn ước mơ một xã hội tốt đẹp, công bằng, ở đó mọi người đều được no ấm, hạnh phúc.
Bài thơ vừa mang giá trị hiện thực, vừa mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Bài thơ không chỉ cho ta hiểu hơn về xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời, mà còn giúp ta thấy được tấm lòng nhân ái bao la của Nguyễn Du, con người có “con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn năm”.