Đề bài: Viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề của đoạn trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tích lục tham hồng là ai?
Đã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang.
Gọi là gặp gỡ giữa đàng,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.
Lầm rầm khấn vái nhỏ to,
Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.
Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.
Rút trâm giắt sẵn mái đầu,
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.
Dàn ý phân tích, đánh giá chủ đề của đoạn trích Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Truyện Kiều, vị trí đoạn trích.
– Giới thiệu nội dung cần phân tích đánh giá của đoạn trích.
Thân bài
– Xác định chủ đề của đoạn trích: Tâm trạng thương cảm, xót xa của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên.
– Phân tích, đánh giá chủ đề:
+ Miêu tả tâm trạng, lời nói của Thúy Kiều => tác giả thương xót kiếp người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh.
+ Phê phán xã hội bạc bẽo, vô tâm khi Đạm Tiên chết không ai đến thắp cho nàng được nén nhang.
+ Hình ảnh nấm mồ Đạm Tiên đã cho thấy tác giả cất tiếng khóc cho người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.
=> Thiện hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du với những kiếp người bất hạnh.
Kết bài
– Khẳng định nét đặc sắc của đoạn trích trên.
– Nêu tác động của đoạn trích đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc đoạn trích trên.
Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề của đoạn trích “Lòng đâu sẵn mối thương tâm..”
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một kiệt tác trong nền văn học dân tộc, chứa đựng trong nó những tư tưởng vô cùng sâu sắc. Thông qua tâm trạng xót xa, thương cảm của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên, đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du: đồng cảm, thấu hiểu và xót thương đối với những người phụ nữ hồng nhan, bạc mệnh nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.
Thông qua lời nói và tâm trạng của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện nỗi xót thương đối với những kiếp người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Họ là những người con gái đẹp, tài năng. Khi còn nổi danh tài sắc, họ được yêu chiều, được vây bọc bởi bao trang nam tử. Nhưng khi họ bạc phận, lại chẳng kẻ đoái hoài.
Cùng với lòng thương cảm những người phụ nữ là thái độ phê phán đối với sự bạc bẽo, vô tâm của xã hội nam quyền. Họ đến với Đạm Tiên vì tài sắc của nàng, vì thỏa mãn thú vui của họ. Họ không có một tấm lòng tri âm đối với nàng, và khi nàng chết, vô vàn những con người trước đó đã đến với nàng, đều đã quay lưng. Họ chỉ xem nàng như một trò tiêu khiển.
Qua hình ảnh nấm mồ Đạm Tiên, Nguyễn Du cũng cất lên tiếng khóc cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói chung. Những kiếp người trời cho tài hoa nhưng lại đày ải họ trong bao nỗi đau khổ, nhục nhằn. Ở đây, lời khóc cho Đạm Tiên cũng chính là lời khóc cho chính Nguyễn Du, một người có tài nhưng lại phải chịu nhiều truân chuyên, chìm nổi. Như vậy, tư tưởng của Nguyễn Du không chỉ bó hẹp ở người phụ nữ trong xã hội cũ, mà còn nói về con người muôn thuở, những con người “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.
Đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du đối với số kiếp bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói riêng và những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói riêng. Đoạn trích đã cho ta hiểu hơn về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, hiểu hơn về tấm lòng của Nguyễn Du đối với nhân sinh, từ đó mà biết sống yêu thương, nhân ái hơn đối với con người.