Nam Cao là một trong những nhà văn lớn của nền văn học hiện thực Việt Nam, nổi bật với tài năng miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc và khả năng khai thác nỗi đau của con người trong xã hội. “Sống mòn” – một tác phẩm tiêu biểu của ông, đã phản ánh một cách chân thực bi kịch của con người trong cảnh sống nghèo đói, tù túng và bất lực
Nghị luận phân tích đánh giá tác phẩm Sống mòn của Nam Cao
Mở bài
Sau nhiều năm cầm bút, Nam Cao đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm khắc họa được chiều sâu thực tế xã hội. Ngòi bút của ông hướng về cuộc sống nghèo khổ của người lao động nghèo, những phân tầng xã hội sâu sắc của xã hội cũ trước Cách mạng,… Sống mòn cũng là một tác phẩm như thế. Với hơn 200 trang viết, Nam Cao đã thể hiện được cảm quan xuất sắc của một nhà văn tài ba, thể hiện góc nhìn về thời gian, không gian, tính cách con người trong truyện. Đồng thời, tác phẩm cũng mang đậm những ước mơ và lí tưởng của Nam Cao về một xã hội hiện đại, tiên tiến, đề cao quyền con người.
Thân bài
Những tác phẩm của Nam Cao thường xoay quanh cuộc sống của những con người cùng cực, nghèo khổ trong xã hội cũ. Cuộc sống, nhân cách của họ bị giằng xé bởi những yếu tố căn bản như nhà cửa, miếng cơm, manh áo,… “nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồn rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con, trong khi ở quê cũng vậy, làm, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra chẳng có một cái hy vọng gì hơn nữa”. Thế giới nhân vật của Nam Cao bị vòng luẩn quẩn ấy chi phối, những đam mê, kì vọng của con người như bị ghìm chặt lại, khiến cho thời gian và cả không gian bị đè nén, như chính cái cách họ đè nén lại bao đam mê, khát vọng của mình để giành lấy sự sống hàng ngày vậy. Có thể nói rằng, song song với việc khắc họa những nhân vật chân thật, gắn với đời sống thực tế của con người, những mối quan hệ nhân sinh phức tạp,… Nam Cao còn sáng tạo được một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày với những lo toan hàng ngày về kinh tế, đè nén về tâm hồn, tạo nên một hình ảnh cuộc sống bế tắc và ngột ngạt.
Sống Mòn đề cập đến cuộc sống của Thứ – nhân vật bị cái nghèo đeo bám ngay từ thuở lọt lòng. Tên tác phẩm cũng thể hiện nội dung mà tác giả muốn gửi gắm, nhân mạnh vào bi kịch mà nhân vật chính phải gánh chịu hằng ngày. Những đồng lương ít ỏi, gắng gượng để thu vén cho cuộc sống rồi cũng trở thành con dao bóp chẹt lấy cuộc sống khốn khó của gia đình Thứ, bóp méo đi tình cảm trong con người anh để mỗi đêm khi nhớ về vợ con, anh lại đay nghiến và lên án người đầu gối tay ấp của mình, Cái nghèo, cái khổ đã vùi dập nhũng ước mơ, khao khát chính đáng của con người trí thức như anh. Nếu cuộc sống không quá khổ cực và khó khăn như vật, có lẽ cuộc đời Thứ đã được thể hiện theo một gam màu sắc khác. Ban đầu, tác phẩm của ông có tên là “Chết mòn”, tức là một cái chết từ từ. Nhưng cuối cùng ông lại lấy tên “Sống mòn” để đặt lại tên cho đứa con đẻ của mình. Cuộc đời của Thứ, của Liên, tuy gọi là “sống” nhưng đang chết dần chết mòn trong sự ngột ngạt, những khát khao và lòng thiện lương của họ đã bị bóp méo dần, trở thành những con người “khó ưa” mà chính họ cũng không muốn trở thành.
Trong Sống Mòn, tác giả còn sử dụng thời gian hồi tưởng. Tác phẩm làm từ từ hiện lên không gian, thời gian cũ thông quan tuyến hồi tưởng của nhân vật. Những kí ức ấy bao trùm lên tác phẩm một nỗi buồn man mác. Những kỉ niệm của hôm nay gợi nhớ đến những kỉ niệm xưa cũ, như khêu gợi những kí ức của ngày đã qua. Những kí ức ấy ùa về chỉ làm tăng thêm nỗi chán chường, khổ đau trước thực tế khốc liệt. Điều này thể hiện rất rõ qua lời văn và tuyến suy nghĩ của nhân vật: “Lúc này đây, y cũng buồn, tuy Mô đang sung sướng nói về vợ nó với y. Nó nhắc y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình. Y ngước mắt nhìn một vì sao, ngậm ngùi tưởng tượng ra vợ y đang ôm con, ngồi ở ngưỡng cửa, lặng lẽ và buồn rầu như đá Vọng Phu…”
Bên cạnh những gợi nhắc về quá khứ, tác giả còn miêu tả thêm những viễn cảnh của tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai đu hiện lên trên một gam màu xám xịt, không có ánh sáng của hy vọng. Hiện tại đối với Thứ là sự mòn mỏi, chán chường, nhưng có thể tương lai sẽ còn thê thảm hơn rất nhiều: “Nhưng nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y, rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!”. Tuy nhiên, vệt sáng của hy vọng vẫn lóe lên nơi cuối con đường, ở đoạn kêt tác phẩm, Nam Cao đã giúp nhân vật của mình nhìn thấy ánh sáng của Cách Mạnh – tuy mong manh, không vững chắc, không đủ xua tan cái ảm đạm của tác phẩm, tuy nhiên, đây cũng là điều đáng khích lệ và đổi mới hơn của Nam Cao so với các tác phẩm cùng thời.
Kết bài
Bằng lối kể chuyện chân thực và gần gũi, cuộc đời của gia đình Thứ được mang tới gần hơn, chân thực hơn với độc giả. Những chất liệu mộc mạc vốn có trong ngòi bút của Nam Cao có dịp được “bung xõa”, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Sống mòn đã trở thành tiểu thuyết thành công nhất của Nam Cao, neo lại trong lòng độc giả nhiều cảm xúc khá mới lạ. Gấp lại trang sách, người ta dường như không thoát được sự ảm đạm, bí bách về một cuộc sống khốn đốn, bị đói nghèo bủa vây. Hiện thực càng ngày càng trở nên quá khắc nghiệt đến nối biến đổi bản chất của con người, vùi dập những bản chất tốt đẹp, vốn có của con người. Đây cũng là góc nhìn nhân đạo trong những tác phẩm của ông.
Đoạn văn ngắn nghị luận đánh giá tác phẩm Sống mòn của Nam Cao
Ngòi bút Nam Cao đã tạo nên tiểu thuyết lừng danh Sống Mòn lấy bối cảnh từ làng Đại Hoàng năm 1944. Điểm đặc biệt của những đứa con tinh thần được Nam Cao tạo ra đều được “thai nghén” từ những chất liệu mộc mạc, chân thực. Một lần nữa, hình ảnh những con người khốn khổ, nhỏ bé, ẩn mình trong một xã hội hèn mạt đầy bất công được tác giả lột tả rõ nét nhất.
Sống mòn Nam Cao không phải áng văn ca ngợi con người vượt qua cơ hàn mà là bức tranh sinh động của một cuộc sống quẩn quanh vì đói nghèo không lối thoát. Ít ai biết ban đầu, nhà văn của người nông dân Nam Cao đã đặt tên cho “con đẻ” của mình với tên gọi Chết mòn có nghĩa là một cái chết từ từ. Đó cũng là bi kịch của Thứ, nhân vật bị nghèo khổ đeo bám ngay từ thuở lọt lòng. Cuối cùng nhà văn đã lấy tên Sống mòn để ấn định cho tác phẩm. Có thể nhà văn muốn nhấn mạnh vào tấn bi kịch mà nhân vật Thứ đang phải gánh chịu hàng ngày. Những đồng lương ít ỏi, đồng lương hàng tháng không đủ để Thứ vượt qua rào cản nghèo đói. Chính sự bần hàn đã bóp méo đi tình cảm trong con người anh để rồi mỗi đêm khi nhớ về vợ con, anh lại đay nghiến và lên án Liên. Cái nghèo đói đã vùi dập cuộc đời, ước mơ của một con người có tri thức như Thứ. Nếu cuộc sống không quá khó khăn, có lẽ một cuộc đời Thứ đã có một ngã rẽ tươi sáng hơn.
Bằng lối văn chân thực, gần gũi câu chuyện cuộc đời Thứ qua ngòi bút của Nam Cao trở lên chân thực. Ông đã đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để rồi tác phẩm ấy bao đời nay vẫn luôn trường tồn và gây tiếng vang lớn trong lòng người đọc.