Nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao

5/5 - (1 bình chọn)

Nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao
Nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh từng khẳng định: “Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao không chỉ thể hiện ở lòng cảm thông, xót thương cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội mà còn ở những trăn trở, dằn vặt không nguôi trước cuộc sống vô nghĩa, bế tắc, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng đặt con người ở trung tâm cuộc sống, buồn cho con người mà vẫn tin ở con người, tin ở bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người, nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình”. Và tinh thần đó thể hiện rõ nhất qua hai tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn học của Nam Cao: Chí Phèo và Lão Hạc. Tuy nhiên, cùng viết về số phận người dân nghèo nhưng mỗi tác phẩm lại mang một cách thể hiện riêng biệt, với những hình ảnh nhân vật, bối cảnh và thông điệp khác nhau. Qua sự so sánh giữa hai tác phẩm này, độc giả có thể thấy rõ tài năng của nhà văn trong việc khắc họa số phận con người và tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

Nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao

Truyện ngắn “Chí Phèo” được Nam Cao sáng tác năm 1941, được tác giả viết nên dựa trên cơ sở người thật việc thật. Đó là làng Đại Hoàng – quê hương của nhà văn. Dựa trên cơ sở đó, Nam Cao đã sáng tạo nên câu chuyện về cuộc đời của Chí Phèo, tạo nên một bức tranh hiện thực sinh động về xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám 1945 – xã hội cũ vô cùng ngột ngạt, tối tăm với nhiều sự áp bức, bóc lột, những bi kịch đau đớn, kinh hoàng…Cùng thời, “Lão Hạc” được xuất bản lần đầu vào năm 1943. Đây là truyện ngắn của Nam cao viết về Lão Hạc, người nông dân nghèo đói, bị áp bức dồn đẩy vào con đường cùng, muốn thoát khỏi bi kịch ấy chỉ có thể chọn cái chết. Cả hai đều phản ánh sâu sắc số phận của những con người nghèo khổ, bị đẩy vào đường cùng trong xã hội phong kiến thực dân tàn bạo.

Về xây dựng hình tượng nhân vật, cả Chí Phèo và Lão Hạc đều là những người nông dân nghèo, bị xã hội vùi dập đến mức mất đi ý nghĩa cuộc sống. Chí Phèo từng là một thanh niên lương thiện, có ước mơ và hoài bão. Tuy nhiên, do bị Bá Kiến đẩy vào tù một cách oan ức, khi trở về làng, Chí trở thành một kẻ lưu manh, say xỉn và bạo lực, mất đi nhân tính. Hắn sống trong sự cô độc, không gia đình, không tình yêu, bị người đời xa lánh, không dám đến gần. Có thể nói Chí Phèo đã trở thành biểu tượng của một con người bị tha hóa đến mức gần như đánh mất hoàn toàn bản chất con người. Trong khi đó, Lão Hạc là một người nông dân già nghèo khổ nhưng nhân hậu, đầy lòng tự trọng. Không bị tha hóa như Chí Phèo dù sống trong cơ cực, ngược lại, ông giữ gìn phẩm giá đến phút cuối cùng. Lão Hạc quyết định bán cậu Vàng, con chó mà ông thương yêu, để dành tiền lo hậu sự cho mình, tránh gánh nặng cho người con đi làm xa nhà. Cái chết của Lão Hạc là lối thoát, cái chết để giữ gìn lòng tự trọng, không muốn mắc nợ hay trở thành gánh nặng cho ai. Điều này cho thấy Lão Hạc vẫn giữ được bản chất tốt đẹp, dù sống trong cảnh khốn cùng.

Khi hai tác phẩm đều khai thác về đề tài người nông dân khổ cực, có lẽ sự khác biệt lớn nhất nằm ở quá trình tha hóa và giữ gìn nhân phẩm của nhân vật. Chí Phèo, từ một người dân lương thiện, trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Hắn bị xã hội đẩy ra ngoài lề, mất đi cơ hội làm người. Dù trong lòng Chí vẫn có khát vọng được trở về làm người lương thiện, nhưng sự cô độc và sự từ chối của xã hội đã khiến hắn không còn cơ hội trở lại như xưa, dẫn đến bi kịch giết Bá Kiến và tự kết liễu chính mình. Khác với Chí Phèo, Lão Hạc không bị xã hội tha hóa, mà là tự nguyện chọn con đường giữ gìn phẩm giá. Cái chết của lão mang tính chất tự nguyện, không phải vì bị ép buộc, mà vì lão muốn giữ lại lòng tự trọng cuối cùng. Qua đó, Nam Cao khắc họa lên hình ảnh một người nông dân giàu lòng tự trọng, sống trong hoàn cảnh cùng cực nhưng vẫn giữ được phẩm giá của con người chân chính.

Đều phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến thực dân, nơi con người bị vùi dập, không còn đường sống song hai tác phẩm vẫn có lập trường thể hiện tư tưởng riêng. Trước hết, “Chí Phèo” chủ yếu tập trung vào bi kịch tha hóa con người do áp bức và định kiến xã hội, còn “Lão Hạc” là bi kịch của lòng tự trọng và sự cam chịu. Nếu Chí Phèo là hiện thân của sự phản kháng mãnh liệt dù bất lực, vô vọng thì Lão Hạc lại là biểu tượng của sự chịu đựng và cam chịu trong im lặng. Nhà văn Nam Cao qua hai tác phẩm đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi đau khổ của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời cũng khẳng định giá trị con người qua các bi kịch của nhân vật. Từ đây, người đọc có thể hiểu rằng sự tha hóa về nhân cách của Chí Phèo là tiếng kêu cứu của những con người bị xã hội bỏ rơi, còn sự chọn cái chết của Lão Hạc là minh chứng cho lòng tự trọng, cho khát vọng được sống một cách có ý nghĩa.

Trên phương diện nghệ thuật, với “Lão hạc”, ngôi kể và điểm nhìn trần thuật là người kể chuyện, không tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Trong “Chí Phèo”, nhân vật “tôi” là người kể chuyện, đồng thời là nhân chứng cho bi kịch của Chí Phèo. Điểm nhìn trần thuật được sử dụng linh hoạt và hiệu quả trong cả hai tác phẩm Chí Phèo và Lão Hạc. Mỗi điểm nhìn đều có những đặc trưng riêng song đều góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm và thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc. “Lão Hạc” có ngôn ngữ giản dị, mộc mạc phù hợp với hoàn cảnh và tính cách nhân vật; “Chí Phèo” sử dụng ngôn ngữ địa phương, giọng văn xen lẫn sự chế giễu, mỉa mai, hệ thống từ ngữ làm nổi bật tính cách nhân vật. Ngôn ngữ và giọng điệu được sử dụng tinh tế và hiệu quả trong cả hai tác phẩm Chí Phèo và Lão Hạc. Mỗi tác phẩm đều có nét nổi bật về ngôn ngữ và giọng điệu, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm và thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân văn sâu sắc.

Là hai tác phẩm xuất sắc của Nam Cao, nhưng ở mỗi tác phẩm mang một màu sắc riêng mà vẫn góp phần phản ánh hiện thực xã hội bất công và sự tha hóa của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Qua đó, tác giả không chỉ tái hiện hiện thực tàn bạo trên từng trang giấy mà còn bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc, đồng cảm với những số phận nghèo khổ và khao khát thay đổi xã hội. Giá trị nhân đạo ấy được thể hiện ở sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với bi kịch của người nghèo và phát hiện ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vững bề của người lương thiện trong mỗi nhân vật. Đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nhận định: “Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người”.