Nghị luận so sánh đánh giá hai văn bản Am cu ly xe và Người ngựa ngựa người

Bình chọn

Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai văn bản truyện dưới đây:

Mấy phút sau, đứa bé trở về, ông già mù cảm thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa bé nói với giọng run run:
– Ông ơi, có người lên đó ông chạy đi.
Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ, qua những quãng đường lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh giá. Trong những cánh đồng ngập nước, tiếng ễnh ương đua nhau kêu não nùng như một bản nhạc mùa đông, nghe buồn thấm tuỷ. Hai ông cháu dưới mấy cái mo cau và tàu lá chuối kết lại thay tơi cắm đầu chạy trên quãng đường ướt át.
Trời tối đen như mực, nhưng may đứa cháu quen đường và nhờ ánh bùn chiếu lên bánh xe cũng khỏi vấp ngã.
Ðến bến đò làng Thanh vào khoảng một giờ khuya. Gió ngoài thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu sắp dắt ông vào mui thuyền thì như nghi ngại điều gì, người kéo xe mù đã cất tiếng hỏi:
– Tiền xe mô đưa cho ông?
Ðó là một câu hỏi bất ngờ vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến đâu. Hay cũng hỏi cho biết số, chứ chưa lúc nào ông định giữ lấy. Ðứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng rồi bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người kéo xe mù đã hiểu ra lẽ thật. Có gì đâu, không thấy khách và muốn ông nó vui lòng, thằng bé đã bê một tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.
Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao khổ trong nghề, ông nó phân biệt rất tinh tường người ngồi và vật đặt khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được. Và biết ra thì thêm khổ. Thấy cháu khóc, ông cũng nức nở theo.

(Thanh Tịnh, Trích Am cu ly xe, In trong tập Thơ ca – Đi giữa mùa sen – Quê mẹ – Ngậm ngải tìm trầm: Thơ – Trường ca – Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr.41- tr.42)

“Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm. Nhưng ta sẽ làm ra dáng không mệt nhọc, để vợ chồng con cái ăn tết với nhau cho hể hả”.
Anh vừa nghĩ thế, vừa kéo về phía nhà thương Phủ Doãn. Tới chỗ khi nẫy, anh dừng xe lại, nói:
– Bây giờ có lẽ mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền.
Bà khách có ý luống cuống, nói:
– Chết! Anh hỏi tiền tôi bây giờ à? Anh chịu khó kéo tôi một giờ nữa đi.
– Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà.
– Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Có anh biết đấy. Có gặp ai hỏi han gì đâu. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trước để giả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này, thì tôi biết làm thế nào?
– Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không giả tiền tôi à?
– Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?

(Nguyễn Công Hoan, Trích Người ngựa, ngựa người, In trong Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan, NXB Văn Học, 2023)

Chú thích:

Thanh Tịnh là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Truyện ngắn của ông rất đặc sắc với một không gian văn chương riêng biệt, nơi mà dòng trữ tình, lãng mạn tuôn chảy dạt dào trong một hiện thực đầy xót xa. Am cu ly xe là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Truyện được kể qua nhân vật bà bán quán để người đọc hiểu được nguồn gốc của chiếc am nhỏ. Hóa ra đó là cả một cuộc đời, một số phận bi đát, thảm thương vì đói, vì nghèo, vì mù lòa, vì côi cút, và vì hoàn cảnh trớ trêu,… Đoạn trích khắc họa rõ nét những khốn khổ của ông cháu người cu ly già nua, đui mù, ốm yếu.

Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với Người ngựa, ngựa người, nỗi xót xa trước những kiếp người nhỏ bé được thể hiện qua một cuốc xe cuối năm. Người cu ly cố chạy khi giao thừa đã cận kề với mong muốn cái Tết đỡ khốn khó. Nhưng rồi thứ khách mà anh kiếm được càng làm anh thê thảm: Vẻ ngoài quý phái, nhưng hóa ra là gái làng chơi đang ế khách thảm hại.

Nghị luận so sánh đánh giá hai văn bản Am cu ly xe và Người ngựa ngựa người

I. Mở bài

Giới thiệu hai đoạn trích trong truyện ngắn Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan.

Có lẽ bây giờ chúng ta đã quá xa lạ với nghề cu ly xe – loại nghề nghiệp mà những kẻ có tiền của trong xã hội cũ lợi dụng sức lao động rẻ mạt của những con người nhỏ bé, khốn cùng để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, tuy nghề cu ly xe chẳng còn nhưng tiếng vọng từ những phận người trong Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan vẫn làm ta đau đáu. Với trái tim nhân đạo, hai nhà văn qua những hình ảnh của một thuở đã nói lên tiếng nói muôn đời về phận người, về chất người đẹp đẽ. Nhưng mỗi tác phẩm lại hấp dẫn người đọc theo một cách riêng.

II. Thân bài

– Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,…

+ Thanh Tịnh là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Truyện ngắn của ông rất đặc sắc với một không gian văn chương riêng biệt, nơi mà dòng trữ tình, lãng mạn tuôn chảy dạt dào trong một hiện thực đầy xót xa. Am cu ly xe là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Truyện được kể qua nhân vật bà bán quán để người đọc hiểu được nguồn gốc của chiếc am nhỏ. Hóa ra đó là cả một cuộc đời, một số phận bi đát, thảm thương vì đói, vì nghèo, vì mù lòa, vì côi cút, và vì hoàn cảnh trớ trêu,… Đoạn trích khắc họa rõ nét những khốn khổ của ông cháu người cu ly già nua, đui mù, ốm yếu,…

+ Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với Người ngựa, ngựa người, nỗi xót xa trước những kiếp người nhỏ bé được thể hiện qua một cuốc xe cuối năm. Người cu ly cố chạy khi giao thừa đã cận kề với mong muốn cái Tết đỡ khốn khó. Nhưng rồi thứ khách mà anh kiếm được càng làm anh thê thảm: Vẻ ngoài quý phái, nhưng hóa ra là gái làng chơi đang ế khách thảm hại. Trong đoạn truyện ngắn Người ngựa, ngựa người, trái tim nhân đạo và ngòi bút hiện thực của nhà văn đã được thể hiện độc đáo bằng một thứ nghệ thuật trào phúng riêng biệt và hấp dẫn.

– Những điểm tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn trích truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy

+ Những điểm tương đồng giữa hai đoạn trích:

++ Đề tài: Cả hai trích đoạn đều hướng đến khắc sâu nỗi khốn khổ tận cùng của những con người thấp cổ, bé họng, nghèo nàn thê thảm trong xã hội cũ.

++ Nhân vật: Cả hai đoạn văn bản đều xây dựng lên những nhân vật cu ly xe, họ làm việc đến kiệt cùng sức lực nhưng không có nổi một cắc bạc vì số phận quá hà khắc với họ.

++ Quan niệm thẩm mĩ: Cả hai nhà văn đều sử dụng ngòi bút hiện thực để xây dựng tác phẩm của mình. Ẩn phía sau bức tranh hiện thực tàn nhẫn là trái tim nhân đạo cao cả của mỗi nhà văn.

++ Nghệ thuật kể chuyện: Đều chọn ngôi thứ ba; điểm nhìn linh hoạt, lúc bên trong, lúc bên ngoài; giọng điệu: từ tĩnh đến nhanh, mở rộng và thu hẹp theo diễn biến của câu chuyện. Điều này giúp tạo ra sự hứng thú và sự căng thẳng cho người đọc.

+ Những điểm khác biệt và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy:

++ Những phần kết của những tình huống bất ngờ đến đau xót:

+++ Am cu ly xe: Người cu ly già cả, yếu đuối, đói khổ, mù lòa nhận ra đứa cháu nhỏ đang dối mình, cố làm mình vui bằng cách để mình chở tảng đá. Tiếng nức nở của hai ông cháu cũng chính là nỗi nghẹn ngào cho độc giả.

+++ Người ngựa, ngựa người: Người đàn ông khốn khó làm cu ly giữa đêm giao thừa; đến tận cuối truyện mới kịp nhận ra bao nhiêu cố gắng của mình là vô nghĩa vì thứ khách mà anh gặp phải cũng cùng đường như anh, và hoàn toàn không có khả năng trả tiền cho anh.

++ Cách xây dựng nhân vật:

+++ Người ngựa, ngựa người:

++++ Số lượng nhân vật: Nguyễn Công Hoan đã tạo ra hai nhân vật anh phu xe và người đàn bà quỵt tiền xe => Điều này tạo nên sự xung đột và mâu thuẫn cho câu chuyện.

++++ Cách khắc họa đặc điểm nhân vật: Được khắc họa qua suy nghĩ bên trong và chủ yếu là qua đối thoại => Đặc điểm nhân vật được bộc lộ rõ nét: cả hai cùng khốn khó nhưng người đàn bà thì ăn quỵt trơ trẽn, người đàn ông thì bất ngờ, thất vọng và uất ức.

++++ Vẻ đẹp nhân vật: Những suy nghĩ của nhân vật người cu ly vẫn làm sáng lên vẻ đẹp của con người. Họ dù phải chịu khốn khổ đến mấy thì vẫn luôn có một động lực giúp họ vượt qua, đó là tình yêu gia đình, vợ chồng, con cái.

Nghị luận so sánh đánh giá hai văn bản Am cu ly xe và Người ngựa ngựa người

+++ Am cu ly xe:

++++ Số lượng nhân vật: Một già, một trẻ, một ông một cháu và một hòn đá to nặng.

++++ Cách khắc họa đặc điểm nhân vật: Được khắc họa qua hành động và cảm xúc là chủ yếu, đối thoại có nhưng rất ít => Thể hiện tình thế khó nói của hai ông cháu: ông thì chờ đợi khách trong bóng tối, cháu thì hiểu rõ tình thế bi đát của hai ông cháu nhưng vẫn muốn làm ông vui.

++++ Vẻ đẹp nhân vật: Dù trong tận cùng khốn khổ họ vẫn yêu thương nhau không chân thành không toan tính vụ lợi.

++ Ngôn ngữ, lời văn:

+++ Người ngựa, ngựa người: Ngôn ngữ đối thoại gần với lời ăn tiếng nói đời thường, ngôn ngữ độc thoại chân chất mộc mạc đúng với bản chất của người bình dân.

+++ Am cu ly xe: Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, đánh thức xúc động trong lòng độc giả.

– Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn trích truyện và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm:

+ Cả hai cùng phơi bày hiện thực Việt Nam trước Cách mạng, một truyện nhanh gấp, một truyện lắng sâu.

+ Cả hai nhà văn đều cúi xuống những số phận nghèo khổ, bé mọn, yếu đuối trong xã hội để trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ, để khẳng định: dù bị đẩy đến tận cùng của sự thống khổ, những người cu ly vẫn luôn sáng ngời nhân cách, luôn yêu thương, trân trọng hạnh phúc gia đình,…

III. Kết bài

Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

Cuộc sống hôm nay, chẳng còn những cu ly xe nhưng đó đây vẫn còn những kiếp người mong manh, nhỏ bé, cùng cực. Tiếng yêu thương của Nguyễn Công Hoan và Thanh Tịnh qua hai trích đoạn nói riêng, hai tác phẩm nói chung đã gọi dậy trong mỗi chúng ta biết bao xót xa, thương cảm. Và chúng ta vẫn luôn tin, tin rằng ngày mai ánh dương sẽ lại chiếu sáng những phận đời tăm tối.