Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần mất đi. Điều này thật đáng báo động khiến giới trẻ hiện này cần phải gìn giữ các giá trị đó. Dưới đây Tramvanhoc mang đến bài viết bài văn trình bày suy nghĩ về vấn đề sự cần thiết phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Dàn ý Nghị luận sự cần thiết phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
a. Mở bài
Nêu vấn đề vấn đề sự cần thiết phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
b. Thân bài
– Lí giải các khái niệm: Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc: là những giá trị tốt đẹp, cả về vật chất và tinh thần, được sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các giá trị đó cần phải được giữ gìn, bảo vệ.
– Nêu ra các phương diện của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
+ Nêu ra các biểu hiện của các giá trị văn hóa dân tộc…
+ Bản sắc văn hóa dân tộc tạo nên sự khác biệt của mỗi địa phương, rộng ra là mỗi quốc gia, dân tộc.
+ Bản sắc văn hóa dân tộc là nơi con người giao lưu văn hóa, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp văn hóa quê hương, đất nước mình.
+ Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đang dần bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất, đặt ra vấn đề cần có giải pháp giữ gìn, phát huy…
c. Kết bài
Bài học nhận thức và hành động.
Nghị luận sự cần thiết phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Một đất nước giàu mạnh là một đất nước tự đi lên bằng chính thực lực của bản thân, là một đất nước có những nét riêng độc đáo và dám tự khẳng định sự tổn tại của mình trước cộng đồng quốc tế. Dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, kể từ khi Vua Hùng dựng nước, trải qua bao phen giặc giã nhưng cho đến nay, nhiều giá trị văn hoá cao quý và đẹp đẽ vẫn luôn hiện diện và không ngừng tỏa sáng rực rỡ. Văn hoá chính là hồn cốt của một dân tộc, là nét đặc trưng thể hiện cho tinh thần của một quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, cũng có không ít những giá trị văn hoá đang đứng trước nguy cơ bị ngày bị mai một, thậm chí có thể biến mất nếu như không có chính sách giữ gìn, bảo vệ kịp thời và hiệu quả. Sự cần thiết phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành một vấn đề quan trọng, đáng được lưu tâm.
Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là những giá trị tốt đẹp, cả về vật chất và tinh thần, được sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các giá trị đó cần phải được giữ gìn, bảo vệ. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể là cái mà chúng ta có thể nhìn thấy, như đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, các công trình kiến trúc, các bức tượng, các tấm văn bia,… Có thể dễ dàng nhận diện các giá trị văn hóa hữu thể này như các hiện vật được tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, Kinh thành Huế, các tháp Chàm ở Ninh Thuận, Bình thuận. Chúng tồn tại ở đó như những chỉ dấu cho sự trường tổn và tinh thần sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Nhưng cũng có những giá trị văn hóa không dễ nhận diện đó là các di sản nghệ thuật, những làn điệu dân ca, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán… Dân ca Quan họ Bắc Ninh, ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế,… đều là những tâm tình sâu lắng, thiết tha, đằm thắm của nhân dân lao động ở các miền quê sáng tạo nên mà ngày nay đã trở thành di sản của nhân loại.
Những giá trị văn hoá là những thành tựu vật chất, tinh thần được nhân dân sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm của dân tộc. Tất cả chúng đều được hình thành từ trong đời sống lao động nhiều nhọc nhằn gian khó nhưng cũng phong phú và sôi nổi của con người Việt Nam. Những giá trị văn hoá ấy chính là những dấu vết còn sót lại của cha ông, cho ta “nhận mặt ông cha của mình“. Thế nhưng lại có người cho rằng những giá trị văn hoá đó đã không còn phù hợp với lối sống bây giờ, trong thời đại kĩ thuật số với rất nhiều các loại máy móc, robot đã dần thay thế và làm mới cuộc sống con người. Giờ đây các giá trị văn hoá có thể bị xem là lạc hậu. Thật đáng buồn khi ta lại đánh mất đi những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc. Văn hoá Việt Nam chính là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Mất văn hóa thì chẳng khác nào là mất chỗ dựa vững chãi. Mất đi giá trị của chính mình.
Càng đi về phía tương lai, con người ta càng nhớ nghĩ về nguồn cội của mình. Văn hoá nằm ở tiếng nói, chan chứa trong từng câu hát à ơi, từng suy nghĩ và nếp sống của mỗi con người. Văn hoá là nền tảng tinh thần, là chỗ dựa, là niềm tin cho ta biết rằng mình không hề bị bỏ lại sau những xô bồ của cuộc sống. Văn hoá là riêng biệt và độc đáo. Mỗi cộng đồng dân tộc đều có những nét đẹp văn hoá riêng do đó khi mang trong mình cái tên của một dân tộc hãy yêu quý và tự hào về nó. Văn hoá xuất hiện khắp mọi nơi, nó là bầu không khí quấn quanh con người và cho ta thấy rằng mình còn tồn tại. Văn hoá đơn giản nằm trong từng sự hồi tưởng và hiện lên mồn một trong nỗi nhớ của những đứa con xa gia đình, quê hương đang ngày đêm bươn chải trong nỗi khát khao trở lại quê nhà. Trong bài thơ “Cố hương”, Nguyễn Quốc Vương đã viết:
Cố hương giục chân ta đi
Cố hương giữ hồn ta lại.
Văn hoá của cố hương là động lực nâng bước chân con người trong hành trình đi tới, hội nhập với cuộc đời và thế giới rộng lớn nhưng cũng chính cố hương luôn “giữ hồn ta lại”, thôi thúc, kêu gọi ta mau bước trở về. “Cố hương” ở đây chính là hiện thân của văn hóa, của chất quê, hồn quê, tình quê thăm thâm, sâu lắng, ngọt ngào.
Tuy nhiên, bên cạnh những con người biết trân trọng và tự hào về văn hoá dân tộc mình cũng không ít người đã vô tình khiến các giá trị văn hoá bị mai một. Đi xa chính là lúc ta tiếp thu cái mới nhưng cũng là lúc ta cần phải biết yêu hơn những giá trị văn hoá của quê hương mình. Sự giàu sang không có nghĩa chỉ là vất chất, là tiền bạc, là sở hữu được bao nhiêu mãnh đất mà đó còn là sự phong phú của những tâm hồn được bắt đầu bằng trái tim có văn hoá. Văn hoá là ngay bây giờ chúng ta hãy hành động, hãy giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thật đúng như vậy, văn hoá là ngọn đuốc đưa con người đến với lẽ phải và sự chính nghĩa. Văn hoá Việt Nam xuất phát từ đất, từ những mái nhà, từ con sông quê hương, từ sự giản dị, chất phác của mỗi tâm tình Việt Nam.
“Mất văn hóa là mất dân tộc“. Hãy giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình như là một sứ mệnh của một người yêu nước chân chính.