Nhắc đến hình ảnh sợi dây thun, chắc hẳn chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh sợi dây thun nhỏ bé, bình thường và hiếm có ai nghĩ nó có thể tạo ra một câu chuyện nhân văn, giàu ý nghĩ. Nhưng nhà văn Hiền Phạm đã làm được điều đó, từ hình ảnh sợi dây thun, hình ảnh xuyên suốt câu truyện ngắn, nhà văn đã viết nên một câu chuyện giản dị nhưng lại chứa nhiều bài học quý giá. Truyện ngắn “Sợi dây thun” không chỉ mang đến câu chuyện cảm động về tình mẹ con mà còn là câu chuyện về những đức tính quý giá của con người.
(Khái quát về đề tài tình mẫu tử và truyện ngắn “Sợi dây thun”) Trong cuộc sống hầu như ai cũng được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Mẹ truyền cho ta sự sống, dạy cho ta biết yêu thương, dạy ta những đức tính tốt đẹp của con người. Viết về mẹ luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho các nhà văn hướng ngòi bút của mình. Mỗi nhà văn lại mang đến cho người đọc một câu chuyện riêng, một ấn tượng riêng. Truyện ngắn “Sợi dây thun” câu chuyện về tình mẹ, về cách nuôi dạy con qua chính những việc là giản dị hằng ngày của mẹ.
(Đức tính của người mẹ) Người mẹ trong câu chuyện hiện lên là một người phụ nữ cần cù chắt chiu. Mẹ có những thói quen mà người con không thể hiểu, đó là “cất giữ những sợi dây thun khi mua bình nước mía, bịch chè mỗi lúc đi chợ về”, người con cũng ngạc nhiên khi thấy mẹ nhặt lại những sợi dây thun mà con vô tình vứt vào đống rác trước nhà. Một việc làm tưởng chừng như nhỏ bé, giản dị giữa đời thường nhưng ta lại thấy những phẩm chất đáng quý của người mẹ. Người mẹ ấy là một người phụ nữ có giản dị, biết tiết kiệm. Mẹ luôn cho rằng cần phải tiết kiệm, không nên lãng phí khi chiếc dây thun còn sử dụng được. Thực ra chiếc dây thun ấy quá nhỏ bé giữa vật chất đời thường nên ta thường coi nhẹ sự có mặt của chúng, nhưng đôi khi ta cần đến ta mới nhận ra chúng có ý nghĩa quan trọng như thế nào.
(Tình mẫu tử cảm động được thể hiện trong tác phẩm) Đọc câu chuyện, ta còn nhận ra đó còn là một người mẹ hết lòng thương con, dạy cho con những bài học sâu sắc trong cuộc sống. Mẹ luôn như vậy, luôn hết lòng vì con cái. Dạy cho con những bài học ý nghĩa. Những điều mẹ dạy, những việc mẹ làm đã gieo vào lòng con biết bao suy nghĩ. Thói quen cất giữ những sợi dây thun tưởng như đã vô dụng của mẹ đã dạy cho người con biết “ý nghĩa của việc tiết kiệm từng vật nhỏ nhất”. Nhờ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ mà người con đã trưởng thành và trở thành một người con tốt. Dây buộc tóc của mẹ bị đứt, con đã đưa cho mẹ sợi dây thun mà con đã cất giữ. Bằng việc làm nhỏ đó người con đã chứng mình cho mẹ thấy con đã trưởng thành, đã lớn khôn đã hiểu được điều mẹ dạy. “Mẹ nhìn tôi mỉm cười”, đó là nụ cười của tình yêu thương, của niềm hạnh phúc vì người con của mình đã trưởng thành và có được những đức tính tốt mà mỗi người cần có, đặc biệt là đức tính tiết kiệm. Tiết kiệm là đức tính quý giá của con người, nó không chỉ rèn cho ta thêm yêu lao động, thêm cần cù, chịu khó. Thấy con đã biết tiết kiệm, con đã hiểu được rằng mọi thứ trên đời đều có giá trị dù là nhỏ nhất và nếu biết tận dụng, biết chắt chiu sẽ có ngày ta cần đến, người mẹ rất vui mừng và yên tâm với người con.
(Bài học quý giá trong cuộc sống) Câu chuyện về sợi dây thun của mẹ đã trở thành sợi dây của tình cảm gắn kết hai mẹ con lại gần nhau hơn. Nhờ sợi dây ấy con đã hiểu mẹ, hiểu được ý nghĩa lớn lao từ những việc làm tưởng như nhỏ bé của mẹ. Hiểu được tất cả những việc mẹ làm đều xuất phát từ tình yêu thương, lo lắng cho con. Người mẹ cũng cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của con dành cho mình. Kết thúc tác phẩm là một câu văn rất cảm động và sâu sắc: Có những việc đơn giản nhưng đó là sợi dây tình cảm của con người. Tình cảm không phải lúc nào cũng cần những hành động lớn lao hay lời nói hoa mỹ, mà đôi khi những hành động giản dị, bình thường lại chính là những điều gắn kết con người. Trân trọng những điều nhỏ bé, giản dị cũng là một điều nên làm trong cuộc sống bởi một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra những điều nhỏ bé ấy lại có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời ta, và vì ta đã trân trọng chúng nên ta không cảm thấy đau lòng, hối tiếc khi đã vô tình bỏ qua chúng. Truyện ngắn “Sợi dây thun” đã đem đến bài học cuộc sống vô cùng phong phú đa chiều, mỗi người phải tự cảm nhận và rèn luyện cho mình thói quen ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng, câu chuyện ngắn gọn nhưng đã để lại dư âm trong lòng người đọc bởi tình yêu thương của mẹ, bởi những bài học cuộc sống đầy tình nhân văn. Sợ dây thun không chỉ gắn với kỉ niệm tuổi thơ mỗi người mà mãi mãi là sợi dây gắn kết giữa mẹ và con. Câu chuyện giúp ta biết trân trọng và yêu thương mẹ hơn và biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản dị trong cuộc sống.