Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện sau đây:
CHIM CHÀNG LÀNG
Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim. Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi…Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá. Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.
Dàn ý Nghị luận về câu chuyện Chim Chàng Làng
Nhận thức về câu chuyện
– Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng (còn gọi là chim Bách Thanh), một loài chim có khả năng đặc biệt là bắt chước giọng hót của nhiều loài khác.
– Chú chim này rất tự hào về tài năng của mình, thường xuyên trình diễn trước bạn bè và họ hàng.
– Tuy nhiên, khi được yêu cầu hót bằng chính giọng thật của mình, chú lại xấu hổ và bay đi mất vì chưa từng rèn luyện một giọng hót riêng biệt.
=> Câu chuyện phê phán những người chỉ biết bắt chước mà không chịu sáng tạo, không xây dựng cho mình một phong cách riêng.
Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện
– Bắt chước là một thói quen tự nhiên, giúp con người học hỏi và thích nghi với cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ.
– Đây là giai đoạn đầu tiên của tư duy, bởi không ai có thể sáng tạo nếu không dựa trên nền tảng đã có. Trong một số trường hợp, bắt chước hoàn hảo cũng có thể được xem là một tài năng.
– Tuy nhiên, xã hội không ngừng phát triển và đòi hỏi con người phải đổi mới, sáng tạo liên tục.
Thành công hôm nay không thể giống ngày hôm qua, ngày mai cũng không thể lặp lại hôm nay, vì vậy con người không thể mãi dựa vào những gì đã có mà cần tìm ra hướng đi riêng.
=> Câu chuyện phản ánh một thực trạng trong xã hội, đặc biệt là trong môi trường học đường: nhiều học sinh chỉ biết sao chép mà không có tư duy độc lập, làm mất đi khả năng sáng tạo và ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.
Bài học nhận thức và hành động
– Không để bản thân trở thành một chú chim Chàng Làng chỉ biết bắt chước mà không có tiếng nói riêng.
– Luôn chủ động học hỏi, tư duy độc lập và sáng tạo để khẳng định giá trị bản thân.

Cuộc sống luôn là một bức tranh sinh động muôn màu muôn vẻ như chính sự phong phú của các yếu tố tạo nên nó. Mỗi con người trong xã hội cũng như vô số hạt bụi trong bầu khí quyển, thoạt nhìn đều giống nhau về cấu tạo, hình dáng nhưng bạn chất bên trong thì không người nào giống người nào. Những điểm giống nhau về cách thể hiện mình phải chăng là do trùng hợp hay vì có những bản sao? Câu chuyện về chim Chàng Làng phần nào đề cập đến vấn đề này và đây cũng là một hiện tượng không còn mới lạ trong cuộc sống.
Câu chuyện chỉ đơn giản kể về một loài chim và đặc tính về giọng hót rất hay của nó – chim Chàng Làng. Sở hữu một giọng hót rất hay mà không phải loài chim nào cũng có, đó là một điều đáng để tự hào. Tuy nhiên, tiếng hót đó hay chỉ vì nó có thể giống bất kì giọng hát của loài chim nào. Vì vậy khi được yêu cầu thể hiện giọng hót của riêng mình, Chàng Làng đã phải ngượng ngùng bay đi. Câu chuyện về loài chim mà dường như muốn nhắc nhở về một điều đã không còn lạ trong thế giới con người: Đó là sự bắt chước, sao chép lại những điều đã sẵn có, đã tốt đẹp của người khác. Những người như vậy có thể nổi tiếng những chỉ là đằng sau tài năng của những hình bóng khác, còn bản thân họ lại không thể hiện được cái tôi cá nhân và khả năng của mình. Như vậy, những con người này sẽ tồn tại ra sao trong xã hội?
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển một cách năng động và mới mẻ. Các nhân tài trong mọi lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều với những thành công rực rỡ. Điều này có tác động mạnh đến những cá nhân muốn được nổi tiếng và được nhiều người biết đến, hoặc những người cố gắng làm việc đã lâu mà không thành danh. Họ đành phải mượn hình bóng người khác, mượn những sản phẩm của người khác để thăng tiến. Trong phạm vi hẹp hơn – những tập thể nhỏ: Một lớp học, một nhóm đồng nghiệp… họ muốn bắt chước những người tài giỏi để nhận được sự nể phục của mọi người.
Sự nổi tiếng của những người như vậy cũng như sự thán phục của mọi người dành cho họ thực ra chỉ là hư danh. Người ta tán thưởng họ chỉ vì người ta thấy được trong họ hình bóng của người khác, nghĩ rằng họ “kế thừa” tài năng của những người đã thành danh. Còn những ai nhận ra được sự sao chép của những con người hư danh đó, sự tán thưởng dành cho việc “Sao anh ta có thể bắt chước tài tình và giống đến vậy?”. Như vậy, những điều bạn có được khi sao chép của người khác chỉ là đi lên từ thành quả của người khác, nổi tiếng nhờ danh tiếng của người khác và thật trớ trêu khi bạn lại sung sướng và hài lòng vì cái hư danh của mình.
Thành công của mình thì phải do chính khả năng của mình tạo ra mới là thành công thực sự. Trên thị trường âm nhạc hiện nay, rất nhiều ca sĩ trẻ đã sao chép cách nhấn nhá giọng cũng như cách thể hiện bài hát của thần tượng. Người nghe hoàn toàn có khả năng nhận ra điều đó, cũng đồng nghĩa là người ca sĩ đó bị đánh giá là không có khả năng. Có thể bạn thật sự có tài năng nhưng khi bắt chước người khác thì tài năng của bạn cũng bị xem như sao chép của người khác và trở nên vô giá trị. Nếu thực sự có khả năng, tại sao không phát triển nó bằng cách riêng của mình và con đường riêng của mình? Khả năng của bản thân thì chính trình mới hiểu rõ nên chính bản thân ta sẽ là người tốt nhất phát triển nó. Khi đó, ta mới thực sự là chính mình mang dấu ấn cá nhân của mình, thể hiện cái tôi của bản thân để mọi người nhìn vào sẽ nhìn nhận ra là chính ta chứ không phải một ai khác. Nếu ta chưa thành danh, ít ra ta có thể tự hào vì đang đi lên bằng chính khả năng cũng như công sức của mình mà trước mắt đó đã là một thành công.
Về bản chất, việc tìm tòi, nhận ra và học hỏi cái hay, cái đẹp của người khác là điều tốt. Nhưng nó chỉ tốt khi chỉ mang tính chất tham khảo, từ đó sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. Tham khảo, học hỏi hoàn toàn không có nghĩa là sao chép thành quả của người khác và dán lên đó cái mác của mình. Đã có bao nhiêu vụ kiện diễn ra làm tổn hại đến danh tiếng của những ca sĩ, nhà văn, nhà báo… chỉ vì vấn đề bản quyền? Chuyện gì sẽ xảy ra khi sự bắt chước, sao chép bị phanh phui trước mặt mọi người? Những hư danh là bạn xây dựng sụp đổ hoàn toàn, nếu sau này bạn có làm lại bằng chính thực lực của mình thì cũng sẽ bị người khác hoài nghi, không tin tưởng. Như vậy, nếu biết cách học hỏi từ những điều sẵn có mà sáng tạo lối đi riêng của bản thân, có thể sẽ chậm hơn những người khác, nhưng về sau không những bạn có thể khẳng định giá trị bản thân mà còn đạt được những thành công nhất định.
Ngoài ra, trong xã hội ngày càng hội nhập hiện nay, việc tìm cho mình một dấu ấn cá nhân riêng là vô cùng quan trọng. Với việc bắt chước và sao chép của người khác ngày càng phổ biến và lan rộng, những cái vốn đã cũ nay được “xào đi xác lại” lại càng phổ biến hơn. Do đó, những điều mới lạ, những cá nhân biết sáng tạo và khẳng định được khả năng thực sự của bản thân sẽ được trọng dụng và có cơ hội thăng tiến hơn. Nếu mỗi cá nhân trong xã hội chi biết bắt chước những cái cũ, xã hội sẽ không thể nào phát triển. Sống nhờ vào việc làm bản sao của người khác cũng như sống trong thế giới ảo, sẽ có lúc phải bước ra cuộc đời thực. Đất nước không bao giờ từ chối những nhân tài, thành công cũng không bao giờ từ chối bất cứ ai có quyết tâm, ý chí.
Đừng vội nản khi thấy chưa đạt được mục tiêu mà đâm đầu vào bế tắc khi chọn cách trở thành bản sao của người khác. Hãy kiên trì nhẫn nại và rèn luyện khả năng của bản thân, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm bất cứ khi nào có thể. Quan trọng hơn là phải luôn nhớ rằng: mỗi người đều có giá trị riêng của mình và học hỏi điều hay không có nghĩa là sao chép hoàn toàn. Mỗi người hãy tự tin cho mình lối đi riêng để chạm đến thành công.
Một vấn đề không còn mới trong xã hội và không phải không có ai nhận ra mặt tiêu cực của nó. Tuy vậy, không những nó ngừng phát triển mà ngày càng phổ biến hơn. Là một công dân Việt Nam, mỗi người cần phải có ý thức hơn trong việc xây dựng lột xã hội năng động, sáng tạo và không ngừng đổi mới. Có như vậy, đất nước ta mới phát triển phồn thịnh và trở nên tốt đẹp hơn.