Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện sau đây:
DỰA VÀO CHÍNH MÌNH
Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ:
– “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!”
– “Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Ốc sên mẹ nói.
– “Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”
– “Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.
– “Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”
– “Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.
Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta”.
– “Vì vậy mà chúng ta có cái bình!” – Ốc sên mẹ an ủi con – “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính mình con ạ”.
Dàn ý Nghị luận về câu chuyện Dựa vào chính mình
Nhận thức về câu chuyện
– Câu chuyện về hai mẹ con ốc sên là một ẩn dụ về cuộc sống con người. Trong cuộc đời, có những lúc ta may mắn được che chở, giúp đỡ, giống như sâu róm và giun đất trong câu chuyện tượng trưng cho những khoảnh khắc may mắn ấy.
– Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể dựa dẫm vào người khác. Quan trọng nhất vẫn là khả năng thích nghi, vươn lên và dựa vào chính sức mạnh nội tại của mình.
– Đây không chỉ là một quy luật tất yếu của cuộc sống mà còn là một yêu cầu để con người có thể trưởng thành và phát triển bền vững.
Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện
– Con người không tồn tại một cách đơn lẻ mà luôn gắn bó với môi trường tự nhiên và xã hội. Trong quá trình ấy, ai cũng có những giai đoạn được bảo bọc, chở che.
– Nhưng mỗi cá nhân cũng là một thực thể độc lập, cần tự mình nỗ lực để phát triển. Chính sự tự lực mới là yếu tố đảm bảo sự bền vững lâu dài.
Không chỉ cá nhân mà cả xã hội, quốc gia cũng phải dựa vào sức mạnh nội tại của mình để phát triển.
– Dù cơ hội có thể đến với tất cả mọi người, nhưng điều quan trọng là phải biết nắm bắt và tận dụng chúng bằng chính khả năng của bản thân. Đây vừa là quy luật tự nhiên, vừa là yêu cầu cần thiết để con người có thể vươn xa hơn.
– Thực tế đã chứng minh rằng những người có ý chí kiên cường, tự lập sẽ đạt được thành công, trong khi những người sống phụ thuộc, thụ động thường khó phát triển.
– Câu chuyện cũng phê phán những ai chỉ biết sống dựa dẫm, thiếu nỗ lực vươn lên, bi quan và không có ý chí phấn đấu.
Bài học nhận thức và hành động
– Mỗi người cần học cách tự lực cánh sinh để tồn tại, hòa nhập, sáng tạo và phát triển, đồng thời thể hiện lòng tự trọng cá nhân.
– Tinh thần tự lập không chỉ quan trọng với cá nhân mà còn là danh dự và niềm tự hào của một quốc gia, thể hiện sự tự cường và tự tôn dân tộc.
– Tuy nhiên, bên cạnh việc dựa vào chính mình, con người cũng cần biết kết hợp hài hòa giữa nội lực cá nhân và sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh để tạo nên sự phát triển bền vững.
Nghị luận về câu chuyện Dựa vào chính mình
Trong nhật ký của mình Đặng Thùy Trâm đã viết “Đời người phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Đúng như vậy, mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, có hoàn cảnh sống riêng biệt, thế nhưng cho dù ra sao thì mỗi người chắc hẳn đều phải có những khó khăn, bất hạnh nghiệt ngã trong cuộc đời. Nó đòi hỏi con người phải vượt qua bằng chính đôi chân và sức mạnh của mình. Câu chuyện “ốc sên” đã đưa đến cho mỗi người triết lý đó một cách tự nhiên, giản dị và đời thường.
Từ xưa ông cha ta đã dạy con người qua các bài ca dao, tục ngữ, các bài ngụ ý, các câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Và những điều đó vẫn được người đời nay vận dụng để răn dạy chính con người.
Câu chuyện “ốc sên” là một ví dụ điển hình, mượn hình ảnh gần gũi của thiên nhiên, của sự sống được gợi qua câu chuyện của hai mẹ con nhà ốc sên, đã đem đến cho người đọc một bài học đầy ý nghĩa. Ốc sên con ganh tị, cảm thấy mình thiệt thòi trước bao sinh vật khác như sâu róm, giun đất… Thấy vậy! Ốc Sên mẹ đã lý giải cho con rằng, sâu róm khi thành bướm sẽ được bầu trời bảo vệ, giun đất sẽ được lòng đất che chở và chính vì chúng ta không được ai bảo vệ và cũng không cần ai bảo vệ, nên ốc sên đã có cái bành trên lưng. Qua một câu chuyện ngắn từ hình ảnh có thực trong thế giới tự nhiên, nó đã đem đến một vấn đề tư tưởng, mỗi con người phải bước đi trên đôi chân của chính mình, phải biết nỗ lực để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, đến với bản thân ta. Đồng thời câu chuyện còn là lời nhắc nhở không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác quá nhiều. Con người chỉ thực sự trưởng thành khi bước bằng chính đôi chân của mình.
Con người sinh ra trên thế giới chính là một thành phần riêng biệt, có mục đích, ý nghĩ và con đường riêng khác nhau. Họ phải bước trên con đường họ chọn và dĩ nhiên con đường nào cũng đầy gian nan, thử thách. Nếu con người dũng cảm bước bằng đôi chân của mình, suy nghĩ bằng khối óc của mình, thì những khó khăn dần sẽ được thu hẹp. Chính vì vậy con đường về đích sẽ được rút ngắn hơn. Ngược lại, nếu cuộc sống là sự nhút nhát, sợ sệt không dám đối mặt với khó khăn, thử thách bằng chính sức mình, thì đó mãi mãi là sự phụ thuộc. Con người sinh ra ai ai cũng mong muốn hạnh phúc, thành công, thế nhưng để đạt được điều đó mà không có sự cố gắng vươn lên, thì mãi mãi đó chỉ là mong ước. Vượt qua khó khăn là điều tất yếu để mỗi người đạt được thứ mình cần. Không con đường nào là con đường trải hoa hồng, trái thảm đỏ, mà chỉ có những con đường khi về đích gót chân đã rỉ máu, do bị đinh cắm, gai đâm. Và con đường duy nhất đó mới là con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công. Chỉ có những người dám bước đi trên con đường đó mới là con người của sự trưởng thành.
Cuộc sống là sự giúp đỡ, sẻ chia, ai ai cũng cần được hưởng quyền lợi đó, nhưng ta cần phân biệt điều đó với sự ý lại, dẫm quá nhiều vào người khác. Cuộc đời là một chặng đường dài là cuộc thi chạy tiếp sức, có lúc mỗi người chúng ta cần một sự giúp đỡ để trưởng thành có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng lợi dụng điều đó để ỉ lại, không đem sức mình để thử thách với cuộc đời sẽ dần dần đánh mất mình. Sự dựa dẫm vào người khác sẽ làm cho mỗi người trở nên yếu đuối trước khó khăn, thử thách. Con người không nhận ra rằng cuộc đời cần chính bản năng của mình chứ không phải là sự giúp đỡ đến cuồng nhiệt của người khác. Dám bước đi bằng chính đôi chân của mình mới là người trưởng thành đáng phục, đáng trọng.
Trong thực tế cuộc sống ta đã gặp biết bao tấm gương, vượt qua khó khăn trong cuộc đời bằng chính sức lực của mình, dám đương đầu với thử thách khắc nghiệt để đi đến thành công. Tiêu biểu trong số đó chính là Nichael Faraday, ông sinh ra trong một gia đình thợ rèn nghèo, cả nhà phải sống lay lắt nhờ vào sự cứu hộ của cơ quan từ thiện, thế nhưng vượt qua rào cản khó khăn của bản thân, đi lên bằng chính trí tuệ và tài năng của mình faraday đã nỗ lực học tập và trở thành một nhà khoa học lớn. Ông là người đầu tiên phát minh ra hiện tượng cảm ứng điện từ. Hay nhà soạn nhạc người Đức Beethoven cũng là một ví dụ điển hình. Hồi nhỏ ông đã bị câm và khiếm thính số phận bất hạnh hơn ông đã bị điếc hoàn toàn chỉ vài năm sau đó. Nhưng sự dũng cảm, đối mặt với khó khăn, tự học tập bằng chính sức lực và khả năng của bản thân, ông đã trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại của Đức nói riêng và của cả thế giới nói chung. Ông chính là hình tượng quan trọng trong âm nhạc buổi giao thời.
Câu chuyện “ốc sên” quả thực là một bài học đắt giá cho mỗi người. Trong cuộc sống khó khăn, thử thách luôn luôn rình rập ở phía trước, nó là những cơn bão giông cản trở bước đi của mỗi chúng ta về đích. Tuy nhiên nếu con người có ý chí, có nghị lực vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống, thì thành công và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta. Không có gì có thể cản được bước chân của con người trong cuộc sống. Mỗi người chỉ cần cố gắng là có thể đạt được tới ước mong mà mình đặt ra, cũng phải thừa nhận rằng trong cuộc sống mỗi người đều cần sự sẻ chia, giúp đỡ. Nhưng đó không phải là bức tường kiên cố của cuộc đời, vì vậy nếu ỷ lại vào người khác con người dễ bị sụp đổ, chùn bước, thất bại trước sóng gió cuộc đời.
Trong xã hội hiện nay với tính tự lập cao của con người thì vẫn còn những trường hợp yếu đuối, ngại khó, ngại khổ trước cuộc sống. Họ không dám ước mơ vì sợ để thực hiện ước mơ đó phải đi qua nhiều những khó khăn nặng nề. Một số vẫn luôn ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đó là lối sống đáng phê phán lên án và loại bỏ khỏi xã hội.
Hoàn cảnh, cảnh ngộ của mỗi con người không phải là rào cản của sự thành công, nhưng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn hoàn cảnh sống. Bởi Nếu có một hoàn cảnh sống chắc chắn, vững chắc, tốt đẹp ngay từ đầu thì con đường đến với thành công sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên cũng không nên mặc cảm, tự ti người kém may mắn hơn người khác vẫn có thể vượt lên đạt được thành công như bất kỳ một người có điều kiện bình thường, thuận lợi nào khác. Và chỉ khi để đánh giá một con người không chỉ căn cứ vào sức mạnh, thể chất, mà quan trọng hơn là tài năng, ý chí, phẩm chất. Câu chuyện ốc sên còn để lại những bài học cho bản thân rèn luyện trong cuộc sống. Mỗi người cần xác định lối sống chủ động, tích cực và ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, thử thách. Sự giúp đỡ của người khác có thể có rất quý báu, nhưng mỗi người chớ nên ỷ lại, dựa dẫm, nương nhờ vào sự giúp đỡ đó, mà phải phát huy tối đa nội lực của bản thân.
“Bạn không thể điều khiển hướng gió, nhưng bạn có thể điều khiển được cánh buồm”. Hoàn cảnh khách quan chỉ là rào cản thử thách con người, vì vậy mỗi người cần năng động bước trên đôi chân của chính mình, không nên nương nhờ, dựa dẫm người khác để có thể cứng cáp bước bằng chính đôi chân của mình để về đích. Điều đó cũng chính là thước đo đánh giá cuộc sống con người, giá trị con người và tương lai của chính con người./.