Nghị luận về nghệ thuật trần thuật trong trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký

Bình chọn

Trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký là một thể loại thuộc kí. Đó là nhật kí ghi chép lại những sự kiện mà tác giả Phạm Quỳnh trực tiếp tham gia và chứng kiến khi ông đặt chân tới đất Paris.

Tìm hiểu về tác giả Phạm Quỳnh và Trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký

Tác giả Phạm Quỳnh

Tiểu sử:

– Phạm Quỳnh (1892 – 1945) tại số nhà 17 phố Hàng Trống, quê ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

– Học trường Trung học Bảo hộ, đỗ đầu Thành chung.

Cuộc đời:

– Năm 1908, bắt đầu làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội và tham gia viết cho nhiều tờ báo.

– Năm 1917-1932, làm chủ bút Nam phong tạp chí.

– Năm 1919, sáng lập và làm Tổng thư ký của Hội Khai trí Tiến Đức Hà Nội.

– Năm 1922, đại diện Hội Khai trí Tiến Đức sang Pháp dự hội chợ triển lãm Marseille và diễn thuyết tại Viện Hàn lâm Pháp.

– Năm 1932, được mời vào Huế tham gia chính quyền, làm Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và Thượng thư Bộ Lại (1944-1945).

– Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp; sau đó Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, ông lui về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường, làng An Cựu, Huế.

Sự nghiệp:

– Đề xướng thuyết Lập hiến năm 1930, đề nghị người Pháp thành lập Hiến pháp cho người Việt Nam.

– Bị Việt Minh bắt giam ngày 23/8/1945 và qua đời trong khi bị giam giữ tại làng Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).

Trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký

– Tháng 3-1922, Phạm Quỳnh đại diện Hội Khai Trí Tiến Đức tham gia đoàn đại biểu An Nam (Việt Nam) dự hội chợ quốc tế ở Marseille, Pháp.

– Trải qua hàng tháng lênh đênh trên biển, ông đến Marseille và tham gia triển lãm, sau đó ở Paris trong ba tháng.

– Trong thời gian ở Paris, ông đã tham quan nhiều nơi, tiếp xúc với một số trí thức, và thuyết trình về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại Viện Hàn lâm và một số trường đại học.

– Chuyến đi này được ông ghi lại trong loạt bài “Pháp du hành trình nhật ký” đăng trên Nam Phong tạp chí, do ông làm chủ bút, từ số 58 (tháng 4/1922) tới số 100 (10-11/1925).

– Năm 2002, loạt bài này được xuất bản thành sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên soạn và chú giải.

Nghị luận về nghệ thuật trần thuật trong trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký

Nghị luận về nghệ thuật trần thuật trong trích đoạn Pháp du hành trình nhật ký

Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề nghị luận (nghệ thuật trần thuật)

Thân bài

a) Khái quát về thể loại và nghệ thuật trần thuật

– Nhật kí là một tiểu loại của kí. Nhật kí ghi chéo theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến; thường bộc lộ suy nghĩ, thái độ và đánh giá của người viết về con người, cuộc đời và chính bản thân mình. Do bản chất là ghi chép những sự kiện xác thực của đời sống nên ở nhật kí có sự kết hợp giữa tính phi hư cấu với một số thủ pháp nghệ thuật như miêu tả, trần thuật… giúp cho tác phẩm sinh động hơn.

– Trần thuật (narration) là hành vi ngôn ngữ kể, thuật, miêu tả sự kiện và nhân vật theo một thứ tự nhất định trong không gian, thời gian, theo một cách nhìn nào đó… Nghệ thuật trần thuật bao gồm một số yếu tố cơ bản như: người kể/trần thuật, ngôi kể, vai kể và điểm nhìn, giọng điệu, yếu tố phân tích, bình luận…

b) Biểu hiện của nghệ thuật trần thuật trong đoạn trích

– Người kể trong đoạn trích không trực tiếp xưng “tôi” nhưng căn cứ vào cách tự xưng là “mình” trong chi tiết “Cả buổi sáng sớm hôm nay mình thơ thẩn ở chỗ này, đi hết dẫy sách ấy sang dẫy sách khác, đồng hồ đã điểm mười hai giờ mới sực nhớ đi ăn cơm.” giúp ta xác định được người kể là người chứng kiến và ngôi kể là ngôi thứ nhất.

– Với cách nói bỏ lửng không xưng “tôi” và kiểu câu tỉnh lược chủ ngữ ở ngôi thứ nhất khiến cho văn bản có thêm sự gần gũi, thân mật. Đọc nhật kí mà tựa như đang được người bạn của mình kể chuyện trực tiếp lại cho nghe.

– Điểm nhìn của người kể là điểm nhìn của một du khách lần đầu đặt chân đến Paris nên tất cả những điều quan sát thấy đều mang tính mới mẻ, tạo nên sự bất ngờ đối với cả người đọc: từ những dẫy hàng sách cũ bên bờ sông Seine đến việc đi xem nhà hát Folies Bergère, ở đường Richer. Và dù có tò mò nhưng người đọc cũng không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.

– Các yếu tố phân tích, bình luận cũng đan xen giữa những tả, kể. Điều đó đã xoá đi cảm giác lê thê dông dài của lối biên niên thông thường. Những cảm nghĩ cũng đến rất tự nhiên và làm nên sự sinh động, hấp dẫn cho tác phẩm.

– Giọng điệu trong đoạn trích khá linh hoạt, không đơn điệu mà thay đổi theo từng góc quan sát, theo từng không gian: có giọng điệu hào hứng, sôi nổi khi xem những hàng bán sách cũ, có giọng điệu say mê khi mua được cuốn sách cũ mà mình ưng ý, có giọng điệu nghiêm túc chê bai, thất vọng khi xem nhà hát Folies Bergère bởi không hợp không khí ấy.

c) Hình tượng cái tôi – tác giả thông qua nghệ thuật trần thuật

– Thông qua những biểu hiện phong phú của nghệ thuật trần thuật nêu trên, người đọc có thể hình dung được về một con người ưa khám phá, tìm tòi, có vốn hiểu biết rộng và sâu, có quan điểm sống rõ ràng và thấy cả một tấm lòng “hiếu cổ” của một người yêu nước chứ không phải sính ngoại, hời hợt bên ngoài.

Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

– Có thể mở rộng với những tác phẩm nhật ký cùng thời để thấy sự riêng biệt.