“Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả qua tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Đọc bài viết nghị luận về truyện ngắn Bộ răng vàng của Vũ Trọng Phụng hay nhất để thấy rõ hơn cái xấu nhất trong bản chất con người khi đưa vào văn chương sẽ ra sao nhé.
Nghị luận về truyện ngắn Bộ răng vàng của Vũ Trọng Phụng
Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến một tác phẩm mang hình một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Đó ắt hẳn phải là một câu chuyện với cốt truyện lì kì, hấp dẫn? Hay đó là một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Để rồi một ngày kia, khi tìm đến tác phẩm Bộ răng vàng của tác giả Vũ Trọng Phụng tôi chợt nhận ra một tác phẩm muốn trường tồn mãi với thời gian thì những áng văn ấy không chỉ có duy nhất sự thật hiển nhiên mà còn phải nhìn vào mặt trái của cuộc đời, mặt trái của con người. Và quả thật Bộ răng vàng của nhà văn là một trong số những tác phẩm nghệ thuật làm được điều đó! Phải chăng, văn chương chính là “mảnh đất màu mỡ” để người “nông dân cầm bút” Vũ Trọng Phụng khai phá hết thảy những khía cạnh thật nhất của con người và nhờ đó ghi dấu mình trên văn đàn.
Nhắc đến Vũ Trọng Phụng ai cũng nhớ đến một người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Ông là người phóng sự tài ba đất Bắc, nhà điện ảnh tài năng vẽ được bức tranh toàn diện nhất về xã hội Tây – Tàu nhố nhăng. Văn chương Vũ Trọng Phụng thể hiện thái độ căm phẫn đối với xã hội ông gọi là “chó đểu”. Hơn nữa, văn nhân là cây bút trào phúng bậc thầy, là một trong những gương mặt xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông phải kể đến đó là tác phẩm Bộ răng vàng. Tác phẩm viết năm 1936, là truyện ngắn nói lên nhân cách của hai người con khi lục đục vì chia gia tài khi bố đã mất. Câu chuyện là nói lên rõ nhất sự ám ảnh của nhà văn trước hiện thực con người, đó là cái vô nhân, lạnh lùng ẩn sâu trong mặt trái của xã hội.
Xuyên suốt truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, ta thấy tuyến nhân vật thường là những người nghèo khổ, dù bị hắt hủi vẫn có tình thương dành cho con cháu. Hoặc đó là những người cơ cực, tha phương, già nua hay bệnh tật. Có phải thế chăng mà đọc truyện ngắn với mở đầu câu chuyện là hình ảnh “ông cụ già” ngót tám mươi tuổi lại “hứa” với các con rằng mình sẽ chết vào ba tháng trước. Ấy vậy mà cụ không thực hiện lời hứa, ba tháng nay cụ cứ nằm đấy, ăn đấy để các con phải chăm lo. Thêm vào đó, nhà văn nói cụ là người keo kiệt bởi đến lúc hấp hối rồi vẫn chi ly từng đồng xu nhỏ một, chẳng cả đến viết di chúc cho các con. Đây quả là những nhân vật để lại nhiều xúc cảm cho độc giả, có người sẽ thấy thương cho ông lão già ấy khi đến cái chết cũng phải “hứa” trước, cái chết của mình lại là sự mong đợi từ người khác mà buồn hơn đó là của chính người con của mình. Thế rồi ông cụ ấy cũng chết, chuyện sẽ chẳng đáng nói nếu người cha già ấy được sống trong tình yêu thương của các con. Nêu những gia đình khác, khi bố mẹ mất đi cũng là lúc những đứa con mất đi chỗ dựa, mất đi một chốn để tìm về, đó sẽ là sự mất mát và tiếc thương vô hạn. Nhưng trong câu chuyện, hai thằng con trai lại chẳng hề mảy may đau buồn, cả hai thằng con trai cùng vợ xúm vào tranh chùm chìa khóa định việc chia gia tài. Để ý mà xem những đứa con tinh thần của ông thường chẳng có tên cụ thể, đó chỉ là những từ phiếm chỉ ông cụ, thằng cả, thằng hai. Đặt tên như vậy cũng như cách Vũ Trọng Phụng đang ngầm phiếm chỉ cho những kẻ không có tình người, những kẻ trong thâm tâm chỉ có lợi ích và quyền lợi của chính mình.
Không dừng lại ở đó, tôi cảm nhận được tâm trạng hãi hùng của nhà văn trước sự tham lam đến cực độ mà bất chấp luân lý của những người con. Mặc cho bố đã chết, những đứa con bất hiếu ấy vẫn đang chèo kéo, hơn thua việc lo hậu sự cho bố của mình. Ai cũng sợ bản thân chịu thiệt, chẳng ai muốn đứng ra lo hauạ sự cho người cha già vì sợ bản thân sẽ mất nhiều hơn.Thế rồi, người bố đã chết với cái thân xác lạnh vẫn nằm ở đó đến tận tối hôm sa vì chúng chưa thống nhất với nhau, chúng chưa tính toán xong làm sao cho mình được lợi nhiều nhất. Chao ôi những người con bất hiếu đang chi ly đong đếm trên thân xác người bố già mà thấy đau đớn làm sao. Đọc văn bản, chắc hẳn chính độc giả cũng thấy chua chát cho sự bất hiếu đến nhẫn tâm, máu lạnh của hai người con trai với chính bố của mình. Nhà văn như thấy đắng cay cho những con người bị tước đoạt did mất tình người kể cả trong chính mối quan hệ ruột rà.
Thử hỏi những con người ấy còn là người không khi chính những người con ấy lại chỉ nghĩ đến chuyện chia gia tài, nghĩ đến việc sẽ ăn chơi, sẽ dùng tiền ấy để mua danh cầu tước mà chúng như được mở cờ trong bụng. Chúng hạnh phúc, xì xào với nhau và chỉ có một thây xác lạnh của người bố đã chết cô đơn ở đó. Câu chuyện với cách kể, không gian và hoàn cảnh được liên tưởng thật khiến cho người đọc rùng rợn nhưng dường như căn nhà với cái xác đã chết từ hôm qua ấy cũng không đáng sợ bằng lòng người. Nhà văn như lên tiếng tố cáo những đứa con đánh mất lương tri và đạo lí làm người khi cha mất lại không lo tang sự thay vào đó là giấu kín ngày giờ với họ hàng để chạy vào cuộc đấu tranh phân chia tài sản. Thật chua chát với cách xử lí oái oăm , nhẫn tâm đến đáng sợ của những người con. Có thể nói, đọc văn Vũ Trọng Phụng, ta thấy rõ nhất là sự cằn cỗi trong tình người, tình đời. Ong chọn đi sâu vào mặt khác của con người, nơi không có tình người, nơi chứa đựng bao bất nhân mà khai thác. Có phải nghiệp văn chương không khi các nhà văn khác chọn những nơi tốt tươi nhất của con người để phản ánh, mà qua lăng kính của văn nhân, tấm lòng của con người giống như mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá và sẵn sàng vùi lấp đi nhân cách của họ.
Thêm vào đó, đỉnh điểm của câu chuyện phải kể đến việc thằng em sáng suốt nhớ rằng người chết còn có một bộ răng vàng, thế rồi người con bất hiếu nghĩ đến việc cạy mồm người bố để lấy bộ răng vàng làm của riêng, mặc sự ngăn cản của vợ! Những chi tiết miêu tả chân thật đến rùng rợn, hắn “để một tay giữ trên đôi mắt người đã qua đời, còn một tay nó bóp lấy hàm, cố vành cho được. Thấy hơi răn rắn, nó liền dùng hết sức, cố vành mồm kẻ chết móc ra được bộ răng vàng”. Không dừng lại ở đó, tưởng chừng câu chuyện sẽ theo mô típ khi biết việc làm của em, người anh sẽ có cái nhìn khác, suy nghĩ khác nhân tính hơn, sẽ nhận ra chân lí làm người để răn dạy người em, cùng nhận thức về việc làm của mình. Nhưng nếu theo cốt truyện như thế, chắc hẳn nhà văn sẽ chẳng tạo được điểm khác biệt của mình trên văn đàn. Thế nên, câu chuyện đẩy lên tình huống bi hài kịch cao trào ghê gớm hơn sau khi thằng anh hiểu rõ câu chuyện và hành động của em mình thì mạnh miệng mắng vợ chồng người em với giọng điệu “anh cả”: “bất hiếu”. Tuy nhiên, mồm chửi còn tay thì nhanh nhẹn nhặt hàm răng bỏ vào túi. Không chỉ vậy, hắn đe dọa vợ chồng thằng em vì đã lừa hắn, hắn khẳng định như cướp trắng: “chú thím đã định lừa tôi như thế, thì bộ răng này, sau khi bán được, mong rằng chú thím đừng nhớ đến chuyện chia”. Đến đây, Vũ Trọng Phụng như khiến nhân vật của mình lộ rõ bản chất và cũng có giọng điệu châm biếm rõ hơn cho tác phẩm trào phúng này. Khiến người đọc nhìn thấy chân dung người con bị tha hóa nhân cách. Nhà văn có cái nhìn nghệ thuật khi nhìn vào mặt trái của cuộc đời, mặt trái của con người. Để rồi cuối cùng, trong tác phẩm từ đầu đến cuối chỉ phơi bày ra những con người với tất cả sựu đê tiện và thấp hèn đến cùng cực.
Phải chăng, không phải tự dưng mà những người con lại trở nên như vậy, tôi thấy đằng sau sự bất hiếu đáng lên án của những đứa con là sự tằn tiện gom góp tài sản của bố mẹ mà không chuẩn bị cho con cái tính tự giác, tự lập. Dường như sự tha hóa ấy do chính người làm cha làm mẹ không trang bị cho con mình năng lực tự lo cho bản thân rồi đến cuối cùng chỉ trông chờ vào gia sản rồi bị lòng tham nuốt chửng mất nhân tính. Vũ Trọng Phụng nhìn đời như một xã hội “chó đẻ”, nhìn thấy môi trường, hoàn cảnh khiến con người bị tha hóa và nhà văn biết gắn sự tha hóa ấy với những “hèn yếu” trong bản năng của con người.
Như vậy, bằng nghệ thuật xây dựng cốt truyện là tình huống “bi hài” và nhân vật đặc sắc, Vũ Trọng Phụng đã thành công trong việc truy lùng sự thật về bản chất con người. Không chọn cách xây dựung tình huống bi hài kịch như nhà văn hiện thực Nam Cao, ông nói về con người trong thế giới mà tiền bạc làm chủ, nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự tha hóa của nhân cách con người. Tác phẩm như nói đến tận cùng sự thấp hèn của con người, sự thối nát đến mất cả nhân tính của con người. Đọc truyện ngắn Bộ răng vàng, người đọc không chỉ nhận ra hiện thực Việt Nam những năm xã hội đồng tiền mà còn suy ngẫm về đạo lí làm người!
Đi vào từng trang văn hiện thực dưới ngòi bút nhân đạo của nhà văn mà câu chuyện như chân thực hơn, thấm thía hơn. Có phải chăng chính những lời kể trào phúng chân thực ấy đã giúp tác phẩm đi qua bao thế hệ và trường tồn mãi với thời gian. Để đến ngày hôm nay, từng trang văn ấy vẫn đem đến cho người đọc bao xúc cảm và chiêm nghiệm về nhân cách con người. Và có lẽ chính sự thật hiển nhiên ấy đã giúp tác phẩm lấy lòng độc giả và tạo cho bản thân nó sức sống bền lâu, vĩnh cửu!
——————————————————–
Trên đây là bài viết Nghị luận về truyện ngắn Bộ răng vàng của Vũ Trọng Phụng do Tramvanhoc biên soạn. Mong rằng bài viết trên sẽ mang lại cho các bạn thêm nhiều kiến thức nhé!
>>> Tham khảo: Nghị luận văn học bài Sợi dây thun của tác giả Hiền Phạm