Nghị luận về vấn đề được nhắc đến trong tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc

Đề bài: Nghị luận về vấn đề được nhắc đến trong tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc

Dàn ý Nghị luận về vấn đề được nhắc đến trong tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc

Mở bài: 

  • Giới thiệu tác giả Vũ Trọng Phụng – tác phẩm Xuân Tóc Đỏ cứu quốc
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận được đề cập trong đoạn trích:  Cả xã hội bị điều hướng và dắt mũi bởi những tiêu chuẩn kệch cỡm, con người dễ bị đánh tráo khái niệm và mất đi khả năng phân biệt đúng – sai.

Thân bài:

  • Tóm tắt đoạn trích, sơ lược bối cảnh diễn ra câu chuyện
  • Cuộc bài binh bố trận đã được sắp xếp từ trước để nhận thua trước vua Xiêm => Đây là suy nghĩ hèn kém đầu tiên của quan lại và bộ máy cai trị thời điểm đó.
  • Sự hèn kém của quan lại thể hiện trong đoạn chúng “cun cút” đi liên lạc với ông bầu, xin Xuân thua cuộc và hứa cho nhiều lợi ích => Tái hiện sự thối nát của một bộ phận danh gia vọng tộc đương thời.
  • Sau khi thua cuộc, Xuân đổi trắng thay đen và trở thành tượng đài trong lòng dân chúng thông qua bài diễn thuyết
  • Nhận xét về nội dung, nghệ thuật, ngôn ngữ trào phúng trong tác phẩm

Kết bài:

Khẳng định lại tài năng của Vũ Trọng Phụng, giá trị của vấn đề nghị luận trong Xuân Tóc Đỏ cứu quốc vẫn có giá trị cho tới ngày nay.

Nghị luận về vấn đề được nhắc đến trong tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc

Nhắc đến văn học Việt Nam thời kì cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cây bút trào phúng tố cáo hiện thực xã hội thời đó, nổi bật như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,… Trong số các tác gia và tác giả văn học trào phúng thời kì này, Vũ Trọng Phụng hiện lên như một ngôi sao sáng giá. Các bái viết của ông đã lột tả bản chất xã hội thối nát, những mảng tối của xã hội đương thời được diễn tả một cách trọn vẹn. “Xuân Tóc Đỏ cứu quốc” là một tác phẩm như thế. Qua hình tượng nhân vật chính Xuân xảo trá, Vũ Trọng Phụng đã đề cập tới một hiện tượng xã hội khá phổ biến trong xã hội xưa và nay: Cả xã hội bị điều hướng và dắt mũi bởi những tiêu chuẩn kệch cỡm, con người dễ bị đánh tráo khái niệm và mất đi khả năng phân biệt đúng – sai.

Sơ lược bối cảnh diễn ra câu chuyện để độc giả thấy được khả năng tương kế tựu kế, đổi trắng thay đen tài tình của nhân vật chính  – Xuân. Trong trận đấu tennis với quán quân Xiêm, hắn đã dùng mọi thủ đoạn để vào được trận chung kết. Khi có hiệu lệnh bắt buộc phải “thua” để cứu quốc, Xuân và Văn Minh đã dùng tài diễn thuyết thành thạo của mình để thay đổi quan điểm của dân chúng: Hắn không thua, mà đã thắng trong lòng người dân một pha kiến tạo hoàn toàn không ai ngờ đến. Anh chàng đề cập tới những hậu quả khôn lường của cuộc chiến tranh Việt -Xiêm đem tới và nhấn mạnh nó sẽ là thảm họa của cả nhân loại. Hắn tỏ ra có lòng hy sinh cao thượng khi từ chối danh vọng cá nhân để đóng góp vào việc xây dựng tổ quốc và duy trì hòa bình thế giới. Điều này đã mang tới một hình tượng Xuân Tóc Đỏ hoàn toàn mới. Thay vì một tên ô lại, vô học thì giờ đây hắn nghiễm nhiên trở thành tượng đài bất khả xâm phạm của nhân dân.

Cuộc bài binh bố trận được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng ngay trước thềm giải đấu. Các nhà vô địch của kì trước thì mất tích một cách bí ẩn trong những phường thuốc phiện nghi ngút khói. Trong cái hoàn cảnh cả nước đang ngóng chờ một trận thắng oanh liệt thì đây đúng là một vố chơi xỏ lại Tổng cục, mang tới sự hoang mang tột độ cho làng thể thao nước nhà. Và cách cuối cùng – hắn – Xuân Tóc đỏ được trịnh trọng góp mặt trong sự kiện này để nhằm xoa dịu tình trạng hỗn loạn. Đây là kế hoạch đã được sắp đặt từ trước, nhằm mục đích  nhường nhịn và tôn kính của nước thuộc địa với một nước lớn. Đây là suy nghĩ hèn kém đầu tiên của quan lại và bộ máy cai trị thời điểm đó.

Trước thái độ “thịnh nộ” của vua Xiêm, nhìn thấy có khả năng bùng nổ chiến tranh chính trị, những con sâu trong chính quyền tức thì bỏ khán đài, chạy xuống tìm bầu Văn Minh để xoa dịu tình hình, nhường vị trí quán quân cho Xiêm. Ông bầu Văn Minh với thái độ ngây ngô, khó chịu khi nghe lời đề xuất “bất ngờ” của ông Giám đốc chính trị Đông Dương, nhưng rồi cũng vì lợi ích mà cun cút nghe theo sự sắp xếp vĩ đại “vì quốc gia” ấy. Tác giả đã dùng ngôn ngữ trào phúng, đầy sự châm biếm và mỉa mai, thiển cận, và cách ứng phó hèn nhát của dàn quan chức lúc bấy giờ. Đây là chi tiết thể hiện sự hèn kém thứ 2 của bộ máy chính quyền và những kẻ được cho là “danh giá”.

Và trước tình hình đó, Xuân nhận lệnh thua để cứu vãn tình hình. Xuân bị nhân dân chỉ trích, để vụt mất chức quán quân trong tay, nhưng, lạ kì thay, hắn đã lật ngược ván cờ bằng cách hùng biện trước công chúng về sự “hy sinh vì nghĩa lớn” đầy trịch thượng trước bao lời tung hô và ngợi ca. Xuân đã nhanh chóng điều hướng công chúng với ý nghĩa sâu xa của hành động thua cuộc là vì đất nước. Xuân được tung hô như một bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc. Tác giả đã sử dụng rất nhiều ngoặc đơn để chú thích hành động, cử chỉ của nhân vật ,nhằm nhấn mạnh thái độ dạy đời và kệch cỡm của Xuân Tóc Đỏ. Sự thiếu hiểu biết của nhân dân đã vô tình làm bàn đạp cho những kẻ “ảo tưởng” và rỗng tuếch như Xuân trở thành một hình tượng của thời đại. “Như một bậc vĩ nhân nhũn nhặn, nó giơ quả đấm chào loài người, nhẩy xuống đất, lên xe hơi. Rồi mấy chiếc xe của các bạn thân của nó mở máy chạy, để lại cái đám công chúng mấy nghìn người bùi ngùi và cảm động.”

Đoạn trích đã tái hiện lại hình ảnh cả xã hội đang bị thôi miên và như bị lên đồng, điều hướng bởi những tư tưởng, tiêu chuẩn hết sức lố bịch: Thua ván tennis để bảo vệ quốc gia, người thua trở thành bậc vĩ nhân,… Môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ xảo trá, ranh ma như Xuân, nhà Văn Minh, Phó Đoan lộng hành và giành hết những danh xưng cao quý về mình. Một kẻ vô học trong xã hội Á- Âu xáo trộn lại được ca tụng và biểu dương như một vĩ nhân.

Vũ Trọng Phụng đã sắc sảo trong việc xây dựng những chân dung biếm họa, tìm thấy những chi tiết độc đáo có thể lột trần bộ mặt của sự vật, hiện tượng và con người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội. Với ngôn từ sắc bén, mô tả tinh tế, nhà văn tài hoa đã thể hiện sự nhạy bén trong việc quan sát và phê phán xã hội thông qua những từ ngữ, ngôn từ trào phúng. Vấn đề xã hội trong đoạn trích cũng được thể hiện một cách hoàn hảo trong mắt độc giả.

Qua đoạn trích, Vũ Trọng Phụng đã có ý thức phơi bày những mặt trái, phê phán những mặt nhố nhăng của hiện thực luôn thường trực của xã hội cũ và xã hội ngày nay. Trong ngòi bút của ông, xã hội đương thời đầy rẫy nhưng tiêu cực, tha hóa và suy đồi, Những con sâu như Xuân Tóc Đỏ được xã hội đó tạo điều kiện béo mẫm, dần dần đục khoét xã hội, tạo nên một xã hội thối nát với đầy những mặt tiêu cực. Đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta: cần trau dồi tri  thức, biết phân biệt đúng -sai, biết tránh xa những quan điểm sai lệch để giữ vững thế giới quan của mình, không bị dắt mũi bởi những tiêu chuẩn kệch cỡm của xã hội, đặc biệt trong thế giới mà mạng xã hội đang lên ngôi.