Nam Cao là một trong số những cây bút tiên phong của nền văn học hiện thực Việt Nam, văn chương của ông lôi cuốn và hấp dẫn người đọc bởi những yếu tố giản dị, gần gũi. Qua bài nghị luận về Những nét đặc sắc trong tác phẩm của Nam Cao chúng ta càng hiểu rõ hơn về phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Những nét đặc sắc trong tác phẩm của Nam Cao
Trong nền văn học nước ta từ xưa đến nay, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ lựa chọn sáng tác theo quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh”, một trong số đó là nhà văn Nam Cao- cây bút hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam. Để thể hiện rõ quan điểm sáng tác của mình, ông đã từng nói rằng “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối , nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối , nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (tức xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay), xuất thân trong một gia đình Công giáo bậc trung. Tuy viết không nhiều nhưng Nam Cao được xem là một trong những nhà văn có đóng góp lớn nhất đối với quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.
Nhà văn Nam Cao thường viết về số phận của những người nông dân nghèo khổ trong xã hội phong kiến cũ. Qua việc xây dựng cốt truyện và tâm lý nhân vật, ông khiến người đọc cảm nhận được sự khổ nhục đến bước đường cùng của những con người vất vả. Với giọng văn lạnh lùng vốn có, ông đã làm nổi bật các vấn đề xã hội, phản ánh sự thối nát của xã hội phong kiến đương thời và mang lại cho các tác phẩm các giá trị nhân văn và nghệ thuật vô cùng sâu sắc.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nam Cao, các tác phẩm được ra đời luôn để lại ấn tượng cho người đọc cùng với những quan điểm về xã hội lúc bấy giờ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Những nét đặc sắc trong tác phẩm của ông đã thể hiện một tư duy văn học đặc trưng thiên về giá trị của hiện thực cuộc sống.
Cách lựa chọn chủ đề và đề tài của nhà văn vô cùng độc đáo, ông không viết về những điều lớn lao trong cuộc sống mà nhà văn chọn viết về những điều nhỏ nhặt, xoàng xĩnh. Và từ đó ông đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, những triết lý sâu sắc về con người, cuộc sống, nghệ thuật. Đề tài mà ông chọn luôn xoay quanh hình tượng những người nông dân và những người tri thức nghèo, đó là những đề tài quen thuộc trong văn học phê phán hiện thực nhưng ông luôn biết cách đào sâu và đặt ra những vấn đề hết sức mới mẻ.
Các tác phẩm truyện ngắn của Nam Cao luôn có cốt truyện và kết cấu vô cùng chặt chẽ. Khác với những nhà văn khác, thay vì khiến cốt truyện có nhiều yếu tố kịch tính tạo sự bất ngờ cho người đọc thì cốt truyện của Nam Cao lại có phần khiêm tốn hơn khi ông luôn khiến câu chuyện có kết cấu rất đơn giản. Nhà văn luôn muốn tác phẩm của mình mang lại những giá trị về hiện thực, nhưng điều ấy không có nghĩa là các tác phẩm của ông chỉ phản ánh được các vấn đề bên ngoài xã hội. Nhà văn luôn khiến cho giá trị hiện thực trong tác phẩm của mình phải xuất phát từ những điều giản dị, gần gũi và chân thật trong cuộc sống, đó là lí do cốt truyện của nhà văn Nam Cao luôn đơn giản và có phần được nối lỏng bởi ông không cho rằng vấn đề ấy là quan trọng nhất.
Bằng ngòi bút ngôn từ vô cùng sáng tạo, nhà văn Nam Cao không chỉ sáng tạo trong việc xây dựng cốt truyện mà còn khéo léo trong việc miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật. Ông luôn tập chung đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, những suy nghĩ bên trong của nhân vật luôn là yếu tố tác động đến hành động bên ngoài. Kết hợp đan xen giữa hoàn cảnh và hành động dẫn đến một loạt những cảm xúc, suy nghĩ dày vò khiến hình tượng nhân vật trở nên khắc khổ, éo le. Từ đó dẫn dắt người đọc đến góc nhìn, quan điểm của tác giả về xã hội, về hiện thực cuộc sống .
Trong các tác phẩm của mình, nhà văn luôn nói về các số phận khổ cực, khó khăn nhưng giọng điệu và ngôn ngữ của nhà văn lại vô cùng lạnh lùng. Ông không dùng giọng điệu thương cảm để nói về những nhân vật mà ông dùng giọng điệu vô cùng tỉnh táo, không bày tỏ một chút cảm xúc nào với những số phận éo le, hoàn cảnh khó khăn ấy. Người ta vẫn thường nói giọng văn của ông vô cùng đối lập bởi ông thể hiện sự lạnh lùng bên ngoài nhưng xâu bên trong chính là sự chua xót, cảm thông . Trong tác phẩm của chính mình ông tách riêng yếu tố cảm xúc cá nhân để xây dựng cốt truyện, xây dựng tâm lý nhân vật để từ đó người đọc có thể tự cảm nhận, tự đánh giá câu chuyện và quan điểm mà nhà văn bày tỏ.
Tác phẩm “ Chí Phèo” là một trong số những tác phẩm mang đậm nét đặc sắc trong phong cách sáng tác của nhà văn Nam Cao. Ông lấy bối cảnh xã hội phong kiến cũ và xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo-một người nông dân bản chất vốn hiền lành, khốn khổ, bần cùng mà tha hóa thành con quỷ của làng Vũ Đại. Nhà văn khắc họa chi tiết những diễn biến tâm lí bên trong của nhân vật từ khi hắn là một tên ăn vạ đến lúc hắn trở lại làm người. Một kẻ như hắn ấy mà lại biết mơ về những ngày bên Thị, nhưng số phận trêu người, cuộc sống vốn chẳng như hắn tưởng khi xung quanh hắn đầy rẫy những định kiến, áp bức và chèn ép của xã hội.
” Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao ko thể là người lương thiện nữa. Biết không ? ..” Tiếng thống khổ chua xót cho thấy khao khát được làm một người bình thường bị vùi dập. Hay giống như Lão Hạc cũng vì nghèo khổ mà ông cắn dứt lương tâm bán đi chú chó vàng yêu quý rồi chọn cách tự kết liễu đời mình.Suy cho cùng những nhân vật ấy đều chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh cuộc đời và xã hội. Kẻ nghèo người khổ dưới ngòi bút của nhà văn hiện lên thật bất lực và xót xa, những số phận con người bị đẩy xuống đáy xã hội, tối tăm, bần cùng không lối thoát.
”Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Nhà văn Nam Cao đã xuất sắc dùng nghệ thuật ngôn từ khắc họa lên những bức tranh văn học, những bức tranh toát lên màu sắc của hiện thực cuộc sống. Những tác phẩm văn chương của ông đã để lại giá trị cùng với ý nghĩa vô cùng sâu sắc góp phần cống hiến cho nền văn học hiện thực nói riêng và nền văn học Việt nam nói chung.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao
Chí Phèo
Bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước 1945, nghèo đói, xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm, người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.
Sống mòn
Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, ri đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát.
Lão Hạc
Tác phẩm được viết năm 1943, là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam theo lối hiện thực, nội dung truyện đã phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
Đời thừa
Tác phẩm là một khúc bi ca đẫm lệ về số phận bất hạnh của người tri thức trong xã hội cũ. Tác phẩm được nhà văn sáng tác năm 1943, Đời thừa được xem như một đường may tinh tế trên dải lụa của nền văn học nước nhà trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám.