Mở bài
Bài thơ Ai dậy sớm là một trong những bài thơ đặc sắc và ấn tượng của nhà thơ Võ Quảng về cách đánh thức bé dậy mỗi buổi sáng. Bài thơ đã mang cả thế giới cỏ hoa, màu sắc và hương thơm của buổi sớm mai đến gần hơn với thế giới trẻ nhỏ. Bài thơ mang sự ngộ nghĩnh đáng yêu nhưng cũng vô cùng nhân văn. Cùng tìm hiểu bài thơ này nhé:
Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau xoè hoa
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón!
Thân bài
Bài thơ được chia làm 3 khổ thơ, mỗi khổ thơ gắn liền với các hoạt động, vẻ đẹp khác nhau của con người, thiên nhiên nếu bé biết “dậy sớm”. Khi bé bắt đầu lớn, rất nhiều bé muốn “ngủ nướng” buổi sáng, nhưng ít ai đánh thức bé một cách khéo léo như Võ Quảng. Dậy sớm đối với ông là một cuộc chơi đầy lí thú với thiên nhiên, từ cây cau, đồng cỏ, cả đất trời đang chờ đón bé bằng những điều mới lạ – những tinh hoa nhất của trời đất.
Phép điệp cấu trúc “Ai dậy sớm” như lời gọi của thời gian giục giã, gọi bé dậy một cách “tự nguyện”. Sự tăng cấp trong hoạt động ,từ “bước”, tới “đi”, rồi “chạy”, như thể hối thúc con người vận động nhanh chóng vươn vai thức dậy để hít lấy khí trời, hương hoa trong trẻo, không khí trong lành thanh mát. Sự tăng cấp không dừng ở thời gian mà còn là sự mở rộng của không gian: bước từ nhà, đi ra đồng, chạy lên đồi, mỗi không gian mở ra một thế giới mới như một tặng vật kì diệu của vũ trụ. Con người tuy nhỏ bé nhưng luôn có sự tự ý thức sự sống của mình sẽ sánh tầm với trời – đất. Sự tăng cấp trong câu thơ như thể hiện sự phát triển của cuộc đời mỗi con người. Để đạt được những bước chân vững chắc tiếp theo, chúng ta cần làm tốt và thực hiện được những bước chân nhỏ bé ban đầu.
Đọc những dòng thơ của Võ Quảng, ta thấy hiện hữu hình ảnh của hai con người: một em bé chập chững khám phá cuộc sống xung quanh – một người ông hóm hỉnh thấu hiểu tâm lý con trẻ. Hai con người mang tính cách đối xứng với nhau: đứa bé nhìn tấm gương người ông để phấn đấu và học tập, người ông nhìn vào đứa nhỏ để thanh lọc và làm trẻ hóa tâm hồn mình. Sáng tác của ông vừa là truyện, vừa là thơ, luôn là một cuộc chơi và hòa giải vô tận như thế.
Võ Quảng đã nhìn nhận tuổi thơ con trẻ theo cả mặt chưa tốt cần hoàn thiện, những mặt tốt cần phát huy. Tuy vậy cả hai mặt ấy đều rất đáng yêu, đáng trân trọng, và cần sự đồng hành của phụ huynh, của người lớn trên quá trình trưởng thành. Ông nhìn đời sống con trẻ bằng ánh mắt của người từng trải, bao dung và yêu thương vô bờ bến. Về bản chất, trẻ em sinh ra trên đời đều trong sáng, đáng yêu và không bị hoen ố:
“ Nhân chi sơ, tính bản thiện”
Mọi cái “hư hỏng” của con trẻ sau này đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ tấm gương “chưa sạch” của người lớn. Sự nghiêm trọng hóa quá mức đối với con trẻ đều khiến người lớn trở nên không đáng tin tưởng và hài hước trong mắt con trẻ, đi ngược lại triết lý giáo dục nên có.
Kết bài
“Ai dậy sớm” là một tác phẩm vui nhộn dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Đây là bài hát vui vẻ, là động lực thôi thúc các em nhỏ hành động chào đón những điều kỳ diệu và đáng yêu trong cuộc sống. Các em dậy sớm không chỉ để hoàn thành “nghĩa vụ” của mình, mà còn là cách các em tự khám phá cuộc sống muôn màu sắc xung quanh mình, để đón những thứ tinh túy, đáng trân trọng của đời sống. Và chỉ có những ai dậy sớm mới có thể tận hưởng được niềm vui ấy.