Dàn ý Phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân
MỞ BÀI
Giới thiệu tác giả Đỗ Trung Quân: Đỗ Trung Quân là nhà thơ Việt Nam được biết đến với những tác phẩm thơ nổi tiếng về chủ đề tình yêu quê hương đất nước, kỉ niệm tuổi thơ…
Giới thiệu tác phẩm Bài học đầu cho con: Một trong số đó, không thể không kể đến bài thơ “Bài học đầu cho con” – một bài thơ đã làm nên dấn ấn tên tuổi của thi sĩ Đỗ Trung Quân trong nền văn học nước nhà.
THÂN BÀI
Hoàn cảnh sáng tác: Ban đầu, bài thơ “Bài học đầu cho con” được viết nhằm tặng cô gái nhỏ của tác giả Đỗ Trung Quân là bé Quỳnh Anh và đăng lần đầu ở báo Khăn quàng đỏ vào năm 1986. Sau này, bài thơ được phổ nhạc và trở nên nổi tiếng thu hút nhiều người mến mộ, yêu thích.
Nội dung bài thơ: Tác giả dạy con những bài học đầu đời về quê hương qua những câu hỏi mộc mạc, gần gũi khơi dậy sự tò mò trong nhận thức của bé con từ đó gợi lên lòng yêu quê hương đất nước đến với tất cả mọi người.
+ Khổ 1: Đó là những trăn trở, thắc mắc khi định nghĩa về quê hương với phép điệp cấu trúc “Quê hương là gì hở mẹ” mà cô giáo dạy phải yêu, là nơi mà ai đi xa cũng phải nhớ về. Quê hương – một cụm từ mang tính trừu tượng song qua lời thơ của Đỗ Trung Quân, quê hương hiện lên một cách đơn giản, gần gũi, thân thuộc đến lạ thường khiến chúng ta không thôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng mà thốt lên rằng “À, thì ra, quê hương là thế”.
+ Khổ 2, Khổ 3, Khổ 4: Quê hương – không đâu xa lạ mà quê hương khởi tạo từ những gì đang tồn tại xung quanh chúng ta. Đó là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ… Đó là cung đường hằng ngày con đến trường; là không gian con vui chơi, làm việc; là nơi du dương vỗ về con có một giấc ngủ ngon; là nơi toả ngát hương thơm không thể trộn lẫn…
+ Khổ 5: Quê hương là duy nhất cũng giống như mỗi chúng ta khi sinh ra chỉ có một người mẹ. Đó là lời nhắc nhở cho mỗi người luôn hướng về cội nguồn, không chối bỏ quê hương vì quê hương là một phần hồn trong chính mỗi chúng ta.
Nghệ thuật: Thể thơ sáu chữ với giọng điệu tình cảm, tha thiết làm cho bài thơ trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng. Hình ảnh gần gũi, thân thuộc được kết hợp một cách uyển nhuyển thông qua các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ càng làm nổi bật thêm nội dung, ý nghĩa truyền đạt của nhà cầm bút.
Mở rộng vấn đề: Trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay, cội nguồn quê hương là cái cốt lõi để chúng ta không bị lung lay, bị thành phần xấu lôi kéo, làm hại quê hương. Nếu chúng ta không ngừng nâng cao nhận thức, không ngừng cảnh giác với những ý đồ xấu xa thì chúng ta rất dễ rơi vào tình cảnh “bán nước”. Chính vì vậy mà mỗi người phải đồng lòng, đoàn kết, luôn yêu quê hương, luôn phấn đấu, luôn cố gắng phát triển quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
KẾT BÀI
Khẳng định lại sức hút của bài thơ Bài học đầu cho con: Bài thơ đã mang đến cho bạn đọc những dư âm ngọt dịu về quê hương với những gì thân quen, gần gũi nhất. Đồng thời nhắc nhở chúng ta về tình yêu quê hương đất nước.
Suy nghĩ, nhận thức của người viết về tình yêu quê hương đất nước: Bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong trái tim em khiến em thêm yêu nơi mình sinh ra, nơi mình đang sống từ đó thúc giục em chăm chỉ học tập để sau này lớn lên, em sẽ trở thành một công dân có ích, đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho quê hương.
Phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân
Quê hương – một chủ đề đã không còn quá đỗi xa lạ trong nền văn chương Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong suốt chiều dài lịch sử. Viết về quê hương, có người đau đáu xót xa trước những mất mát, tổn thương do chiến tranh đem lại khiến Tổ quốc mất đi vẻ bình yên vốn có; có người không ngừng ca tụng, tự hào trước những danh lam thắng cảnh nước nhà với biết bao cảnh vật đằm thắm non nước hữu tình;… Và nhà thơ Đỗ Trung Quân của chúng ta – một nhà thơ nổi tiếng tại Việt Nam đã ra mắt không biết bao nhiêu là tác phẩm về chủ đề này. Một trong số đó, chúng ta không thể không kể đến bài thơ “Bài học đầu cho con”.
Ban đầu, bài thơ “Bài học đầu cho con” được viết là để tặng cô con gái nhỏ của mình là bé Quỳnh Anh khi ấy và đăng tải lần đầu ở báo Khăn quàng đỏ vào năm 1986. Dưới sức hút mạnh mẽ của bài thơ mà sau này, “Bài học đầu cho con” đã trình làng khán giả dưới một hình thức khác mang tên âm nhạc khiến người hâm mộ thích thú, mến mộ. Bằng những tình cảm chân thành, mộc mạc, nhà thơ Đỗ Trung Quân khiến chúng ta hiểu hơn về quê hương đất nước từ đó khơi dậy lên tình yêu quê hương cũng như bài học mang đậm giá trị nhân văn cho đến ngày hôm nay.
Mở đầu bài thơ là dòng câu hỏi trăn trở:
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Điệp câu “Quê hương là gì hở mẹ” được lặp lại hai lần trong một khổ thơ nhấn mạnh tính quan trọng về định nghĩa quê hương. Nó được biểu hiện bằng hành động của mỗi người con xa quê sẽ nhớ rất nhiều và cô giáo dạy phải yêu lấy quê hương mà tác giả nhẹ nhàng nhắn gửi. Quê hương – một cụm từ mang tính trừu tượng song qua lời thơ của Đỗ Trung Quân, quê hương hiện lên một cách đơn giản, gần gũi, thân thuộc đến lạ thường khiến chúng ta không thôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng mà thốt lên rằng “À, thì ra, quê hương là thế”.Điều này khiến ta nhớ tới hai câu thơ trong bài “Quê hương” của nhà thơ Nguyễn Hưng khi ông cho rằng “Ai cũng có một quê hương để nhớ / Vết thời gian không thể xoá bao giờ”. Đúng vậy, tình yêu quê hương sẽ luôn mãi trào dâng trong trái tim mỗi chúng ta và nó sẽ càng bùng cháy lớn mạnh hơn nữa khi chúng ta tạm xa quê hương.
Để rồi từ đây, nhà thơ Đỗ Trung Quân giải thích cho con về quê hương – đó là nơi gắn bó kỉ niệm tuổi thơ gần gũi, quen thuộc:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè”
Điệp cấu trúc “Quê hương” ở mỗi khổ thơ được nhà thơ giải thích về quê hương thông qua những hình ảnh vô cùng thân thuộc đến ngạc nhiên. Quê hương – không đâu xa lạ mà quê hương khởi tạo từ những gì đang tồn tại xung quanh chúng ta. Đó là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ… Đó là cung đường hằng ngày con đến trường; là không gian con vui chơi, làm việc; là nơi du dương vỗ về con có một giấc ngủ ngon; là nơi toả ngát hương thơm không thể trộn lẫn…
Một cuộc sống thôn quê bình yên, ấm áp, ngọt ngào đã khắc hoạ chân dung một quê hương tuyệt vời trong kí ức, trong trái tim mỗi người. Hình ảnh giản dị, gần gũi được kết hợp một cách khéo léo, uyển chuyển qua biện pháp tu từ so sánh khiến bài thơ đi dần vào trái tim bạn đọc đầy chân thành, tự nhiên nhưng không kém phần hấp dẫn.
Hay như nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi viết về quê hương qua bài thơ “Việt Nam quê hương ta” cũng thả hồn mình bay bổng qua những hình ảnh ngọt ngào thân thương:
“Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Son sớm chiều
…
Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
…
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan…”
Quê hương đơn giản là vậy! Quê hương không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, quê hương còn là nơi gắn bó tuổi thơ đã gợi lên một quê hương rất đỗi thân thương, ghi dấu đậm sâu trong tâm hồn mỗi người. Và rồi, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhấn mạnh về giá trị thiêng liêng của quê hương khi nó chỉ có một:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Mỗi người sinh ra chỉ có một quê hương, một nơi để sống, một nơi để lưu giữ kỉ niệm tuổi thơ, một nơi chứng kiến quá trình trưởng thành của chính mình cũng giống chúng ta chỉ có một người mẹ trong đời. Chính vì vậy mà chúng ta không được quên đi cội nguồn, không được chối bỏ quê hương. Lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc của nhà thơ đã khiến bạn đọc càng thêm yêu quê hương, nâng cao tình yêu quê hương đất nước từ đó ra sức học tập, làm việc để góp phần xây dựng quê hương trở nên giàu đẹp, văn minh.
Chúng ta đang tiến vào kỉ nguyên của sự hội nhập quốc tế với những điểm thuận lợi nhưng cũng có những điểm bất lợi khi một số thế lực chống phá nhà nước luôn tìm cách để hãm hại, phá hoại. Mỗi thế hệ ngày hôm nay không ngừng nâng cao nhận thức, tránh xa những mầm mống hiểm nguy đang cố gắng “đục khoét” quê hương. Mỗi thế hệ ngày hôm nay phải hiểu rằng, quê hương là duy nhất, là nơi mà nếu ta quên đi, ta sẽ mất đi cái cốt lõi của chính mình.
Bài thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân luôn sống mãi trong trái tim người Việt Nam về bài học đầu đời được gửi gắm với một niềm tin tươi sáng về tình yêu quê hương đất nước. Mỗi người con cần và nên hiểu về cội nguồn của chính mình, về nơi mình sinh ra, nơi mình đang sống để từ đó thêm yêu và không ngừng học tập, làm việc cống hiến cho xã hội ngày một văn minh, tiến bộ.