Nhà văn Rudyard Kipling đã từng viết rằng: “Chúa trời không thể ở mọi nơi cùng một lúc, vì vậy người đã tạo ra những bà mẹ.” Đề tài tình cảm gia đình, nhất là những vần thơ, câu ca về sự vĩ đại của người mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ thả hồn, bộc bạch cho tấm lòng thơm thảo của mình. Bởi lẽ đó, nhà thơ Đặng Minh Mai cũng đã góp công sức nhỏ của mình làm giàu thêm có tủ thơ về mẹ với bài thơ “Chỉ có thể là mẹ” để hương thơm của tấm lòng hiếu thảo tỏa hương đến mãi muôn đời sau.
Ngay từ mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa lên cho chúng ta một hình ảnh người mẹ hiền dịu, tảo tần, chịu thương chịu khó để lo cho cuộc sống gia đình luôn đầm ấm, no say:
Nắng dần tắt trên con đường nhỏ
Dáng mẹ gầy giẹo giọ liêu xiêu
Mẹ về để nấu cơm chiều
Bữa cơm đạm bạc thương yêu ấm lòng
Khi vạn vật đã bắt đầu kết thúc hoạt động của mình sau một ngày dài vất vả, thì mẹ vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ để lo cho con mình no bụng ấm. Hai từ láy “giẹo giọ, liêu xiêu” đã gợi lên hình ảnh người mẹ gầy yếu, héo hon lặng bước trên con đường nhỏ. Mẹ vất vả, tảo tần lo lắng cho con đến mức còn chẳng quan tâm lấy vẻ bề ngoài của mình. Chỉ cần con của mẹ sống hạnh phúc, vui vẻ thì mẹ có ra sao cũng được. Bữa cơm đạm bạc dù chẳng có gì cao sang nhưng lại đầy ắp tình yêu thương mà mẹ gửi gắm vào đó. Tình yêu thương đó khiến cho bữa cơm nhà trở nên ngon hơn, trở nên đặc biệt hơn mà không gì có thể thay thế được. Sự tài tình khi sử dụng thể thơ lục bát đã khiến cho cảm xúc trong lòng độc giả được nhẹ nhàng chạm tới, đơn giản nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Nhìn thấy hình bóng mẹ gầy yếu trong khung cảnh chiều tà ấy, như mẹ đã bước một nửa chân sang phía bên kia của sườn dốc, lòng con lại càng xót xa, càng nghĩ càng thấy thương mẹ hơn biết vạn lần:
Cả đời mẹ long đong vất vả
Cho chồng con quên cả thân mình
Một đời mẹ đã hy sinh
Tuổi xuân phai nhạt nghĩa tình đượm sâu
Mẹ cứ như một chú cò cần mẫn trong màn đêm tối tăm. Cả cuộc đời mình, mẹ chẳng màng lo nghĩ, chăm sóc cho bản thân mà luôn nghĩ cho chồng, cho con. Cuộc đời mẹ gắn liền với hai chữ “hi sinh”, hi sinh ước mơ, hi sinh tuổi xuân để đổi lấy được bình yên, hạnh phúc cho gia đình. Đối với mẹ, tiếng cười, niềm hạnh phúc của những thành viên trong gia đình là niềm vui lớn nhất của mẹ. Người mẹ ấy sẵn sàng đánh đổi cả thanh xuân, hy sinh đi giấc mơ của mình để đổi lấy hạnh phúc cho gia đình. Cách ngắt nhịp 3/4 và 3/2/2 đã góp phần nhấn mạnh những tình cảm, những cảm động mà tác giả dành cho mẹ mình, những điều mà tác giả luôn biết ơn vì mẹ đã hi sinh cho mình có được như ngày hôm nay.
Cũng chính bởi những lo toan cho gia đình mà những dấu vết của thời gian đã dần in hằn lên cơ thể mẹ, chứng minh cho những hi sinh mà mẹ đã dành cho bố và con:
Mưa và nắng nhuộm màu tóc trắng
Bụi gian nan đọng lắng nếp nhăn
Rụng rồi thương lắm hàm răng
Lưng còng chân yếu ánh trăng cuối trời
Giờ đây hình ảnh cô gái rạng rỡ của tuổi xuân đã không còn mà thay vào đó là hình ảnh người mẹ lam lũ, tảo tần lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con. Tác giả đã tiếp tục tô đậm thêm hình ảnh tần tảo của người mẹ với dáng người gầy gò, khắc khổ, cùng với mái tóc trắng như cước được nhuộm bằng nắng mưa của cuộc đời. Gương mặt ngày xưa giờ đây cũng đã xuất hiện những vết ngang dọc của thời gian, của những lo lắng, suy nghĩ phủ bụi lên mẹ. Tất cả đều như đã lên tiếng cho sự đánh đổi của mẹ để giành cho sự trọn vẹn, yên ấm của gia đình nhỏ của mình. Bút pháp miêu tả tài tình, tinh tế với những chi tiết tả thực như: “rụng rồi hàm răng, lưng còng tay yếu,…” không khiến cho hình ảnh của người mẹ trở nên yếu om, xấu xí, mà thay vào đó tựa như một chất xúc tác, giúp người mẹ thể hiện được tình yêu thương vô bờ bến dành cho đứa con của mình. Thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả nhất chính là sự đồng điệu về cảm xúc, khi con người với con người được kết nối với nhau bằng những tình cảm chân thành, đơn điệu nhất. Đến đây, bỗng làm ta nhớ đến những câu thơ đầy xót xa của Trương Nam Hương khi viết về mẹ:
“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con một ngày thêm cao”
Tình yêu của mẹ là trời là bể, là những gì vĩ đại và cao cả nhất mà con chẳng thể đong đếm bằng tiền bạc, vật chất. Mẹ đánh đổi, mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả những gì tươi đẹp nhất của mình chỉ để mong sao con của mẹ có thể trưởng thành thật sự khỏe mạnh mà thôi. Thời gian thì cứ chạy mà không chờ đợi bất kì ai cả, cuộc đời của con ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng những hi sinh của mẹ ngày nào. Hình ảnh của người mẹ đã được nhà thơ tái họa lại tới chân thực khiến cho ai ai cũng phải giật mình vì xúc động. Thời gian đã khiến cho nhiều điều thay đổi, lấy đi của mẹ biết bao nhiêu đắng cay ngọt bùi, thế nhưng có một điều vẫn mãi còn như ngày đầu đó chính là tình yêu thương mà mẹ dành cho con.
Nhà thơ Đặng Đinh Mai dường như cũng chung niềm xúc động, niềm tự hào khi nhắc tới tình yêu của mẹ dành cho con. Bởi lẽ ấy, mà ông viết rằng:
Tình của mẹ sáng ngời dương thế
Lo cho con tấm bé đến già
Nghĩa tình son sắt cùng cha
Giản đơn dung dị mẹ là mẹ thôi
Nếu như Mặt trời là mẹ của thiên nhiên, là điểm khởi nguồn cho vạn vật, thì mẹ cũng là người đã sinh ra và nuôi nấng con khôn lớn từng ngày. Mẹ tựa như vầng dương soi tỏa, che chở cho con bằng sự ấm áp của tình yêu thương. Mẹ giúp cho con có được động lực để luôn cố gắng, luôn tiến bước, không gục ngã trước những khó khăn, thách thức trước mặt. Kể cả khi con rơi vào hố đen của sự thất bại, mẹ vẫn luôn ân cần, giản dị đứng phía sau, dang tay chờ đứa con bé bỏng của mình trở về nhà. “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.” Dù cho con có mang hình hài nào, dù cho con có là đứa trẻ con, hay đã là người đầu hai thứ tóc, thì trong mắt mẹ con vẫn chỉ là đứa trẻ bé bỏng ngày nào mà mẹ yêu thương, chăm bẵm mỗi ngày. Tuy rằng những điều mẹ làm cho con to lớn và vĩ đại tới vậy, thế nhưng mẹ vẫn cứ “giản dị, son sắt” làm một người mẹ thầm lặng như biết bao bà mẹ khác. Đây cũng chính là sự hi sinh cao quý nhất của những người mẹ, họ sẵn sàng làm tất cả vì con của mình dù rằng có phải đánh đổi với đó là sức khỏe, là mạng sống. Vậy nhưng họ không cần phải được vinh danh, được tạc tượng, đúc tên mà đơn giản là họ muốn sống mà yêu thương con của mình.
Giờ đây, khi con đã khôn lớn, đã trưởng thành, được đi nhiều nơi, được hiểu biết nhiều điều, thế nhưng tình cảm mà mẹ dành cho con chẳng thể có gì thay thế được cả:
Con đi khắp chân trời góc bể
Ân tình nào sánh xuể mẹ yêu
Nghĩa dày độ lượng bao nhiêu
Có trong lòng mẹ sớm chiều bao dung.
Mẹ luôn hết mình lo lắng cho con, hi sinh cho con để con có thể có được những thành công trong cuộc sống của mình. Cuộc đời mẹ vất vả lo toan cũng bởi tình yêu mẹ dành cho con là vô bờ bến, ân tình ấy chẳng điều gì có thể sánh nổi. Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất của cuộc đời mỗi người. Tình yêu thương con của những người mẹ là rộng lớn mênh mông vô cùng. Cách kết thúc bằng hai câu thơ bảy chữ cùng với cặp lục bát đã giúp cho bài thơ kết thúc một cách nhẹ nhàng nhưng để lại trong lòng mỗi độc giả một cảm xúc sâu lắng, trầm bổng riêng khó quên.
“Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Người mẹ luôn là hình ảnh đặc biệt nhất, ấn tượng nhất trong lòng mỗi người. Tác giả đã cho chúng ta thấy được tình cảm chân thành, kính trọng và hiếu thảo dành cho người đặc biệt nhất trong lòng mình. Đó là lòng biết ơn, là lòng yêu thương, sự kính trọng của những người con đối với mẹ.