Dàn ý Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng
1. Mở bài
– Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khuyến.
– Giới thiệu bài thơ Cuốc kêu cảm hứng.
2. Thân bài
2.1 Nội dung
*Hai cầu đề:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
– Giới thiệu nhan đề bài thơ: từ tiếng cuốc kêu thê lương, thảm thiết mà nghĩ về một chuyện xưa đau buồn.
– Tả tiếng cuốc kêu: khắc khoải, lửng lơ
=> Tiếng cuốc kêu làm nhà thơ xúc động nhớ chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc.
– “thác bao giờ”: diễn tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ.
* Hai câu thực:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
– Tiếng cuốc kêu gọi hè khắc khoải, cô đơn, không dứt, suốt “năm canh”, “sáu khắc”
– “máu chảy”, “hồn tan” => sự đau đớn
=>Tiếng cuốc kêu thảm thiết suốt ngày đêm khiến không gian có phần ghê rợn, ám ảnh.
– “đêm hè vắng” – “bóng nguyệt mờ” => Diễn tả nỗi đau trải dài khắp không gian và thời gian.
* Hai câu luận:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
– Nỗi niềm băn khoăn, day dứt sâu trong tâm hồn tác giả.
– “Có phải”, “hay là” => Diễn tả những băn khoăn, day dứt đè nặng trong lòng
– “Tiếc xuân mà đứng gọi” => cuốc tiếc tuổi xuân
– “Nhớ nước vẫn nằm mơ” => Tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục Đế
=> Nhà thơ mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình, nhớ nhung đất nước hưng thịnh như trời xuân của mình khi xưa.
*Hai câu kết:
– Lời tự hỏi nhà thơ dành cho bản thân.
– Tâm trạng bồn chồn, bức bối, bất lực khi không thể làm gì khi đất nước lâm nguy.
2.2 Nghệ thuật
– Thơ Nôm Thất ngôn bát cú.
– Bút pháp nghệ thuật điêu luyện, hàm súc, giọng thơ ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng, hài hòa.
– Các từ láy tượng thanh, biểu cảm rất tinh luyện cực tả tiếng cuốc kêu và tâm trạng nhà thơ: khắc khoải, lửng lơ, ròng rã, ngẩn ngơ,…
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Khẳng định tài năng của nhà thơ.
Phân tích bài thơ Cuốc kêu cảm hứng
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thi ca cổ điển Việt Nam. Nhà thơ đã để lại nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Thơ ông có nhiều câu đối thể hiện một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, kết hợp tài tình phong cách cổ điển, hàm súc và tính chất bình dị đậm đà. Thơ của ông vừa có những bài thơ trào phúng đặc sắc, độc đáo vừa có những bài thơ bình dị, thân thuộc đáng yêu một cách kì lạ về cảnh sắc làng quê Việt Nam, đặc biệt thơ Nguyễn Khuyến còn thể hiện một tâm sự yêu nước, u hoài trước sự thay đổi của thời cuộc. Trong số những bài thơ thể hiện tâm sự yêu nước của nhà thơ phải kể đến bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng. Bài thơ thể hiện một tấm lòng yêu nước sâu sắc, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã đưa vào tiếng chim cuốc thê lương, thảm thiết:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, người đọc thấy trong thơ ông xuất hiện rất nhiều bóng dáng của các loài vật. Đó là “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”, là “Ngoài lũy nhấp nhô cò cụ Tổng” hay “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng – Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”. Và đặc biệt hình ảnh con chim cuốc đã xuất hiện nhiều lần trong thơ của Nguyễn Khuyến. Tiếng chim cuốc như nhắc nhở, như giục giã chí hăm hở vào đời: “Quyên đã gọi hè quang quác quác”, tiếng chim thẳm thiết trong Điếu quyên (Khóc thương con cuốc): “Ai đề dạ dạ huyết triêm y” (Đêm đêm kêu gào thảm thiết máu chảy đầm áo). Và trong Cuốc kêu cảm hứng, tiếng chim cuốc lại một lần nữa xuất hiện. Hai câu thơ đề đã góp phần giải thích nhan đề của bài thơ. Tiếng cuốc kêu “khắc khoải” lặp đi lặp lại triền miên, nghe mênh mang nỗi buồn; giọng cuốc “lơ lửng” vừa xót xa, vừa day dứt, chơi vơi trong không trung, càng nghe càng buồn không kể xiết. Nhà thơ Nguyễn Khuyến nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến một sự tích đau buồn xa xưa. Chuyện kể rằng Thục Đế vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Một liên tưởng thấm thía, tiếng cuốc kêu u buồn, thê lương như tiếng gọi đau thương của một oan hồn. Ba chữ “thác bao giờ” càng đặc tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ.
Đến hai câu thực, tiếng cuốc kêu gọi hè càng khắc khoải, cô đơn, tiếng cuốc kêu suốt ngày đêm, u ám, thê lương trong không gian vắng vẻ, mờ ảo đã tạo ra một khung cảnh nghệ thuật có phần ghê rợn, ám ảnh:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Tiếng cuốc gọi hè vô cùng day dứt, ám ảnh. Nỗi đau cuồn cuộn, dữ dội như màu đỏ của “máu chảy”, nỗi buồn khủng khiếp như nát ruột “hồn tan”. Tiếng cuốc kêu nghe sao mà đau xót, tiếng kêu khắc khoải, triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này của đêm khác, tiếng kêu văng vẳng giữa “đêm hè vắng” giữa “bóng nguyệt mờ” như tiếng khóc than thảm thiết. “Đêm hè vắng” và “bóng nguyệt mờ” hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi buồn đau như thấm vào thời gian, trải dài khắp không gian. Hai câu thơ làm hiện lên một không gian nghệ thuật và một thời gian nghệ thuật ảm đạm, buồn thương với tiếng cuốc kêu nghe da diết, ám ảnh, đau đớn và tê tái. Tiếng cuốc ấy gợi lên trong tâm hồn người không ngủ một nỗi đau đớn, nỗi xót xa dai dẳng, bứt rứt vô cùng.
Hai câu thơ tiếp bộc lộ nỗi niềm băn khoăn, day dứt trong tâm hồn tác giả:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Câu hỏi tu từ giả định “có phải” , “hay là” diễn tả nhữung suy tư, trăn trở, những tâm sự đè nặng trong lòng nhà thơ. Nhà thơ tự hỏi tiếng cuốc gọi là vì “tiếc xuân” mà cất tiếng gọi? Hay là tiếng khóc than nhớ nước của oan hồn Thục đế xa xưa. Nguyễn Khuyến mang tâm trạng của một trí thức bất lực, đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan, trước sự suy tàn của đất nước, khốn khổ của người dân. Hai câu thơ như để nhà thơ giãi bày niềm thao thức của mình. Nhà thơ vừa nhớ nhung vừa tiếc nuối đất nước vồn từng thịnh vượng, tươi đẹp như khí tiết mùa xuân. Nỗi niềm ấy khiến nhà thơ càng thêm đau đớn khi nhìn đất nước ở thực tại. Hai câu luận với các cặp từ hô ứng nhau: “có phải – hay là/ tiếc xuân – nhớ nước/ mà đứng gọi – vẫn nằm mơ” làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi đến nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trong trạng thái nào, tâm trạng nào cùng bồn chồn, nặng nề, cũng xót xa, đau đớn.
Kết thúc bài thơ là lời tự hỏi tác giả dành cho bản thân và cũng là tâm trạng bồn chồn không yên của một người trí thức yêu nước, thương dân nhưng không thể làm gì để giúp đất nước trở về những năm tháng bình yên, hưng thịnh khi xưa:
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Tiếng cuốc kêu ròng rã suốt bao đêm cũng là bao đêm nhà thơ thao thức, không được yên giấc. Tiếng cuốc kêu dài ngày đêm không dứt khiến cho thi nhân không ngủ được vì đau đáu một tình yêu nước tha thiết, thương dân vô bờ. Tiếng cuốc kêu như giục giã, như xoáy sâu vào tâm hồ, có phải như muốn thi sĩ hãy làm điều gì để thay đổi tình cảnh ngổn ngang, bề bộn này. Trước tiếng cuốc giục giã, thê lương, đau đớn như rỉ máu, như hồn tan, như tiếng kêu khóc ấy, người thi sĩ yêu nước ấy lại không thể làm gì, chỉ còn lại sự bất lực, đau đớn đến ngẩn ngơ. Bài thơ khép lại với tâm trạng khó chịu, bức bối, day dứt vô cùng trong biết bao đêm hè vắng lặng chỉ có tiếng cuốc kêu thê lương, sầu thẳm vang vọng gần xa.
Bài thơ Nôm Cuốc kêu cảm hứng viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú với cách gieo vần tài tình, phép đối thật chỉnh và tự nhiên, cách dùng từ vừa chính xác vừa biểu cảm, giọng điệu ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng hài hòa tạo nên một bài thơ toàn bích, cổ điển. Qua bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm sự yêu nước và nỗi u hoài trước sự thay đổi của đất nước từ hưng thịnh đến cảnh nước mất nhà tan.
Qua bài thơ Cuốc kêu cảm hứng, chúng ta có thể khẳng định được tài năng và nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến – một ngôi sao sáng cuối cùng của nền văn học trung đại Việt Nam. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến là những trang đẹp mà buồn của một nhà nho tài năng, giàu nhân cách, sáng trong khí tiết.