Phân tích bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật

 

Tìm hiểu về tác giả Phạm Tiết Duật và bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe

Tác giả Phạm Tiến Duật

Tiểu sử:

– Phạm Tiến Duật (14/1/1941 – 4/12/2007), quê gốc thị xã Phú Thọ.

– Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm.

Cuộc đời:

– Nhập ngũ năm 1965, phục vụ trong quân đội 14 năm, trong đó có 8 năm ở Trường Sơn.

– Trường Sơn đã tạo nên dấu ấn sâu đậm trong thơ Phạm Tiến Duật.

Sự nghiệp:

– Nổi bật với giọng thơ độc đáo, tinh nghịch, đùa cợt nhưng sâu lắng, phản ánh chân thật hiện thực chiến tranh mà không bi lụy.

– Thơ ông phản ánh cuộc sống chiến tranh với chất liệu từ đời sống thực, lấm láp cát bụi chiến hào, mang phong cách tếu táo nhưng giàu tình cảm.

– Ông đã mở rộng phạm vi cái nên thơ, giúp thơ trực tiếp kết nối với đời sống chiến tranh.

Bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe

Bài đọc

Gửi em cô bộ đội lái xe
(Phạm Tiến Duật)

Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang.

Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo
Anh đón em qua tầm đạn réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve.

Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.

Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.

(Niềm tin có thật, Trường Sơn, 1968)

Ý nghĩa: Bài thơ “Gửi em cô bộ đội lái xe” của tác giả Phạm Tiến Duật là một tác phẩm thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh đối với những người phụ nữ trong quân đội, đặc biệt là những cô bộ đội lái xe.

Dàn ý Phân tích bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật

Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về tác giả và tác phẩm

– Khái quát nội dung, nghệ thuật của bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe.

Thân bài

* Phân tích nội dung của bài thơ:

– Bức tranh hiện thực về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước:

+ Sử dụng các từ láy như gập ghềnh, lô nhô…cùng các tính từ khắc họa hình ảnh như túi bom, bụi đỏ,…=> Thể hiện rõ nét hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt.

+ Trước hiện thực đó, có bóng dáng cô thiếu nữ lọt thỏm trong chiếc xe tải kềnh càng.

– Vẻ đẹp của cô bộ đội lái xe Trường Sơn:

+ Vẻ đẹp tâm hồn: bề ngoài trông những cô gái có phần nam tính, ngang tàng, cung cách bỗ bã nhưng vẫn toát lên vẻ mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ của người phụ nữ.

+ Vẻ đẹp phẩm chất: họ là những cô gái gan dạ, kiên cường.

* Phân tích nghệ thuật của bài thơ:

– Sử dụng hình ảnh thơ độc đáo, tu từ đặc sắc, lời thơ tinh nghịch, trẻ trung => khắc họa những cô gái Trươgnf Sơn đẹp đẽ, lung linh, tỏa sáng.

– Thái độ của tác giả: khâm phục, ngưỡng mộ vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của những cô gái lái xe Trường Sơn.

Kết bài

Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ

Phân tích bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật

Phân tích bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có rất nhiều tác phẩm ngợi ca hình ảnh người lính Trường Sơn năm xưa – những con người làm nên lịch sử. Họ đã viết lên trang sử vàng bản anh hùng ca bất diệt. Bài thơ Gửi em cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật không những khắc họa bức tranh hiện thực cuộc chiến mà còn ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn của những cô gái lái xe Trường Sơn năm xưa.

Phạm Tiến Duật (1941 – 2007) quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ.Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái “tinh nghịch” nhưng cũng rất sâu sắc.

Bài thơ Gửi em cô bộ đối lái xe đã khắc họa lên bức tranh hiện thực cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Bằng việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc: từ láy gập ghềnh, lô nhô; kết hợp hình ảnh thơ độc đáo: túi bom, bụi đỏ, đường gập ghềnh, cây đổ, trời lô nhô,… đã khắc họa được rõ nét bức tranh hiện thực của cuộc chiến khốc liệt.
Tất cả cho thấy đường Trường Sơn, đạn bom cày ngang, xới dọc rồi băm nát đến không còn nổi một tấc đất lành. Nhưng trên những cung đường khốc liệt ấy, mảnh dẻ những dáng hình thiếu nữ, lọt thỏm trong chiếc xe tải kềnh càng đã vạch một nét son độc đáo và diệu kỳ vào những trang sử chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.

Trước hiện thực đó vẫn toát lên vẻ đẹp của những cô bộ đội lái xe Trường Sơn năm xưa được thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất.

Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.

Với vẻ bề ngoài có phần nam tính, cung cách bỗ bã, ngang tàng mà người đời thường mặc định cho những nữ lái xe vận tải hạng nặng nhưng vẫn toát lên đẹp dịu dàng, vóc dáng mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ. Thế nên cái buồng lái xe ấy là buồng lái xe của con gái nên vẫn có cành hoa mền mại cài ngang. Bom đạn chiến tranh dù có khốc liệt bao nhiêu chăng nữa nhưng những cô gái lái xe vẫn giữ cho mình nhưng vẻ đẹp nữ tính, đáng yêu. Điều này càng tôn lên vẻ đẹp người lính Trường Sơn năm xưa.

Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo
Anh đón em qua tầm đạn réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve.

Không thể tin được những cô gái mảnh mai, nhỏ nhắn dịu dàng kia lại có thể lái những chiếc xe kềnh càng qua những con đèo, con suối, những cây cầu lắt lẻo trong bom rơi đạn nổ. Nơi mảnh đất lạ trời xanh leo lẻo một mầu khói bom ấy những các cô gái vẫn hiên ngang tiến bước. Có lẽ, các cô gái vừa điều khiển xe vừa dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm… Bom thả phía sau thì vọt lên trước. Thả phía đầu xe thì rẽ ngang. Tất cả cho ta thấy những cô gái ấy thật gan dạ, dũng cảm, kiên cường biết bao.

Những chuyến xe “thoắt đến, thoắt đi, thoắt vượt Cổng Trời” ngày đó của các chị như một liều thuốc tinh thần cực mạnh cho đồng đội nam. Bom vẫn dội, lửa vẫn cháy, nhưng từ đó những chuyến xe vẫn ngày đêm cần mẫn làm gạch nối giữa hai sườn của dải Trường Sơn.

Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Em đã qua và em đã sang.

Nhưng đúng như lời thơ trong tác phẩm Niềm tin có thật mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dành tặng trung đội nữ lái xe anh hùng này, “Đất nước mình nhiều điều giản dị/ ai chưa tin sẽ phải tin thôi”.

Con đường Trường Sơn đã chứng kiến và lưu giữ bao câu chuyện huyền thoại vượt Trường Sơn của bộ đội chiến sĩ. Nhiều khi không thể tin điều kì vĩ ấy là sự thật. Nhưng đó là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường: Đẹp lắm đẩy những ngày đánh Mỹ. Đẹp lắm! Đẹp bởi vẻ đẹp phẩm chất kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thân yêu. Đẹp bởi tấm lòng yêu nước nồng nàn. Các chị là những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm, soi rọi mọi không gian và thời gian, soi rọi mọi tâm hồn mỗi người. Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời sáng lung linh.

Bằng việc sử dụng hình ảnh thơ độc đáo, các biện pháp tu từ đặc sắc, lời thơ tinh nghịch, trẻ trung,…đã khắc lên bức tượng đài đẹp đẽ, lung linh, tỏa sáng vĩnh hằng về những cô gái lái xe Trường Sơn năm xưa.
Qua đó thể hiện thái độ của tác giả khâm phục, ngưỡng mộ vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn những cô gái lái xe Trường Sơn nói riêng, những chiến sĩ trẻ năm xưa nói chung.

Bài thơ “Gửi em cô bộ đội lái xe” của tác giả Phạm Tiến Duật là một tác phẩm thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh đối với những người phụ nữ trong quân đội, đặc biệt là những cô bộ đội lái xe. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh và quyết tâm của cả dân tộc trong cuộc chiến tranh giành độc lập.