Tác phẩm Hơi ấm ổ rơm của tác giả Nguyễn duy là một tác phẩm hay về làng quê nông thôn. Bài thơ hiện lên với những hình ảnh mộc mạc, giản dị, giọng thơ tâm tình đã làm nổi bật lên tấm lòng nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương và sẻ chia của người mẹ ở nơi thôn quê.
Dàn ý Phân tích bài thơ Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả:
+ Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ.
+ Ông viết thơ từ rất sớm, khi còn là học sinh trường cấp 3.
+ Thơ Nguyễn Duy có sự đặc sắc trong cách khám phá, cảm nhận và thể cuộc sống. Nhiều bài thơ của tác giả toát lên vẻ đẹp dân tộc – hiện đại, vừa giản dị, gần gũi mới lạ trong nội dung và hình thức thể hiện
– Giới thiệu tác phẩm:
+ Hơi ấm ổ rơm là một bài thơ đặc sắc của ông, là một trong những bài thơ giúp Nguyễn Duy đạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ vào năm 1973.
+ Bài thơ thể hiện được tấm lòng nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương và sẻ chia của người mẹ vùng đồng chiêm dành cho một người khách lỡ đường và sự trân trọng, biết ơn của nhà thơ với tình cảm, tấm lòng lớn lao, cao cả của người mẹ, của nhân dân, đất nước.
2. Thân bài
2.1 Nội dung
*Khổ thơ đầu: Tấm lòng nhân hậu, cởi mở của người mẹ đồng chiêm – dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, mẹ vẫn ân cần chuẩn bị những gì tốt nhất cho người khách lỡ đường.
– Hoàn cảnh của nhân vật trữ tình: người lính lỡ đường trong đêm khuya gió lạnh
– Hình ảnh: ngôi nhà tranh nhỏ bé – đồng chiêm=> không gian mênh mông, rộng lớn, đồng thời làm nổi bật ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ.
– Cách gọi “bà mẹ”: cách gọi đặc biệt => nhân vật trữ tình dường như xúc động khi nhìn thấy người mẹ đón mình trong đêm gió lạnh, người mẹ ấy khiến anh nhớ đến người mẹ thân thương, ruột thịt của mình.
– Hoàn cảnh nghèo khó của mẹ: căn nhà nhỏ bé, chật hẹp, thiếu thốn: nhà mẹ hẹp, chiếu chăn chả đủ.
– Tình cảm của người mẹ dành cho vị khách xa lạ:
+ “- Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ”: Sự vui vẻ, hồ hởi của người mẹ, bà mẹ xưng “mẹ” với người khách lỡ đường => bà coi anh như con của mình.
+ Phàn nàn: bà mẹ tự trách vì sự thiếu thốn của mình, không có được những thứ tốt nhất cho người khách lạ.
+ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm: Sự ân cần, chu đáo của người mẹ.
=> Tình cảm chân thành, lớn lao của người mẹ dành cho “người con xa lạ” , tình cảm ấy đã xóa nhòa đi sự chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi của căn nhà nhỏ bé. Sự đón tiếp của người mẹ khiến cho nhân vật trữ trình vô cùng xúc động và biết ơn.
* Khổ thơ thứ hai: Cảm xúc của người lính khi được nằm trong hơi ấm, hương thơm của ổ rơm
– Hình ảnh so sánh: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
– Điệp ngữ: bọc
=> Người lính cảm thấy vô cùng ấm áp, an toàn khi được ở trong căn nhà của người mẹ, được nằm trong ổ rơm thơm tho, sạch sẽ mà mẹ đã ân cần chuẩn bị cho anh.
– Nằm trong hơi ấm ổ rơm, người lính có những cảm xúc mới mẻ, đó là sự xúc động, sự biết ơn với những người nông dân trên những cánh đồng chiêm, với nhân dân, với đất nước.
+ Động từ “thao thức” kết hợp với phép liệt kê: trong hương mật ong của ruộng, trong hơi ấm… của những cọng rơm xơ xác gầy gò.
+ Phép so sánh: Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò + Phép nhân hóa “xơ xác, gầy gò” => Căn nhà nhỏ bé của mẹ dù thiếu thốn, chật hẹp nhưng tình cảm, hơi ấm mà người lính nhận được từ người mẹ ấy thì không có thứ chăn đệm nào có thể sánh bằng.
=> Người lính xúc động mãnh liệt và cảm động sâu sắc trước vẻ đẹp bình dị mà lớn lao của nhân dân. Những sợi rơm “xơ xác gầy gò” là sự kết tinh lao động của nhân dân, nó mang lại hơi ấm cho anh trong đêm giá lạnh và bao bọc anh trong tình thương chân thành, ấm áp.
* Khổ thơ cuối: Thể hiện sâu sắc, mạnh mẽ hơn tình cảm trân trọng và biết ơn sâu sắc của người khách lỡ đường dành cho người mẹ vùng đồng chiêm và lời nhắc về sự biết ơn.
– Hình ảnh tương phản “hạt gạo” nhỏ bé với “nuôi hết thảy chúng ta no” => Hạt gạo nuôi dưỡng tâm hồn con người, nó thấm thía tình yêu, lòng biết ơn, sự thủy chung, lòng nhân hậu của biết bao người dân Việt Nam, đã vun đắp cho những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn người dân Việt Nam.
– Phép so sánh: “Nồng nàn như lửa” => gợi lên ánh lửa, bếp lửa, ngọn lửa của gia đình => hơi ẩm của tình thân.
– Hai câu thơ cuối như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, chân thành: “Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no” nhưng không phải “tất cả mọi người” đều có thể nhận ra và hiểu được và trân trọng, nâng niu ý nghĩa thiêng liêng của hạt gạo, của ổ rơm, của người mẹ nhân dân => Cần phải biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp giản dị xung quanh ta, kính trọng, biết ơn sự hy sinh thầm lặng và cao cả của nhân dân muôn đời.
2.2 Nghệ thuật
– Thể thơ tự do => dễ dàng bộc lộ cảm xúc.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh đời thường, giản dị, mộc mạc.
– Phép tu từ: so sánh, nhân hóa, liệt kê,…
– Giọng điệu tâm tình, tha thiết mang màu sắc tự sự
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
Phân tích bài thơ Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài thơ, Nguyễn Duy còn viết tiểu thuyết, bút kí những thơ vẫn là thể loại mà ông được bạn đọc đón nhận nhiều nhất. Thơ Nguyễn Duy có sự đặc sắc trong cách khám phá, cảm nhận và thể hiện cuộc sống. Nhiều bài thơ của tác giả toát lên vẻ đẹp dân tộc – hiện đại, vừa giản dị, gần gũi mới lạ trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ Hơi ấm ổ rơm là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Duy. Bài thơ cùng với các bài thơ Bầu trời vuông, Giọt nước mắt và nụ cười, Tre Việt Nam trong tập thơ Cát trắng đã giúp nhà thơ Nguyễn Duy đạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ vào năm 1973. Tác phẩm Hơi ấm ổ rơm với những hình ảnh mộc mạc, giản dị, giọng thơ tâm tình đã làm nổi bật lên tấm lòng nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương và sẻ chia của người mẹ vùng đồng chiêm dành cho một người khách lỡ đường, bên cạnh đó là sự trân trọng, biết ơn của nhà thơ với tình cảm, tấm lòng lớn lao, cao cả của người mẹ, của nhân dân, đất nước.
Bài thơ mở đầu hết sức giản dị, tự nhiên như một lời kể chuyện, bộc bạch, tâm tình:
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:
– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.
Khổ thơ thứ nhất mở ra khung cảnh gặp gỡ của người khách lỡ đường (có thể là một người lính) với “bà mẹ”. Đó là không gian đêm khuya tĩnh lặng, hình ảnh “nhà tranh nhỏ bé” đặt bên cạnh “đồng chiêm” rộng lớn gợi ra sự mênh mông, bao la của đất trời. Sự mênh mông bao la, rộng lớn của trời đêm và những cánh đồng bát ngát cũng làm nổi bật hình ảnh “ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm” – hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc mà ta có thể bắt gặp ở những vùng thôn quê của đất nước vào rất nhiều năm trước.
Nhà tre, mái rạ, vách bùn rơm
Cửa chắn con song mở gió vườn
Chum nước mưa vần bên cạnh chái
Dưới giàn thiên lý tỏa hương thơm
(Nhà tranh – Đoàn Văn Cừ)
Trong đêm khuya tăm tối và gió đêm lạnh giá, giữa không gian vắng lặng, rộng lớn, ngôi nhà đơn sơ, nhỏ bé ấy đã thành một niềm an ủi, một chốn dừng chân. Đón người lính là một “bà mẹ” Giây phút gặp gỡ đầu tiên với chủ nhân của căn nhà nhỏ bé ấy khiến tác giả vô cùng xúc động, nhà thơ cảm tưởng như được gặp lại người mẹ thân thương, ruột thịt của mình. Chữ “đón” đã thể hiện niềm vui, sự hồ hởi chân thành và cảm động, bà mẹ đã chào đón một người lính, một người khách xa lạ như chính đứa con của mình. Trước sự ấm áp của người mẹ ấy, mọi sự cô đơn, vắng lặng, gió rét của một đêm khuya hoàn toàn tan biến. Ba câu thơ tiếp theo nói lên tấm lòng nhân hậu, bao dung, sự quan tâm chu đáo, ân cần của người mẹ với “người con xa lạ”, tình thương yêu bao la ấy đã làm lu mờ đi sự thiếu thốn, chật hẹp của ngôi nhà nhỏ bé. Nhà mẹ có thể bé nhỏ, đơn sơ, thiếu thốn đủ thứ nhưng lòng mẹ thì luôn rộng lớn, bao la, tình thương của mẹ là vô bờ bến. Hình người mẹ cẩn thận, tự tay chuẩn bị chỗ ngủ sạch sẽ, thơm tho, ấm áp cho mình không khỏi khiến nhân vật trữ tình xúc động và biết ơn.
Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm”
Nếu như khổ thơ đầu khép lại trong sự xúc động sâu sắc và biết ơn của người lính với “người mẹ mới gặp” thì ở khổ thơ thứ hai mở ra những cảm nhận mới mẻ của người lính đối với nhân dân:
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò.
Hình ảnh so sánh “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm” kết hợp với điệp từ “bọc” đã thể hiện những cảm xúc tinh tế, thi vị của nhân vật trữ tình. Người lính vô cùng trân trọng, cảm động khi được nằm trong những sợi “rơm vàng” – thứ chứa đựng sức lao động của những người nông dân. Phép tu từ so sánh “bọc tôi như kén bọc tằm” là một hình ảnh rất ấm áp, an toàn, người lính đã đắm mình trong tình cảm gắn bó với “rơm vàng”, với nhân dân, cộng đồng. Điệp từ “bọc” nhấn mạnh sự biết ơn, trân trọng của anh với tấm lòng nhân ái của nhân dân. Nằm trong hơi ấm ổ rơm, cảm nhận hương thơm và sự xơ xác của những sợi rơm vàng, người khánh lơ đường “thao thức” xúc động mãnh liệt và cảm động sâu sắc trước vẻ đẹp bình dị mà lớn lao của nhân dân. Nhân vật trữ tình “tôi” cảm nhận được hương thơm ngọt ngào kết tinh của đồng ruộng, cảm nhận được nỗi vất vả, cực nhọc, khó khăn những người dân đồng chiêm, đặc biệt là những người mẹ tần tảo, chịu thương, chịu khó nhưng giàu tình yêu thương. Nhà thơ sử dụng phép so sánh “Hơi ấm hơn nhiều chăn đệm” đã cho thấy hơi ấm đặc biệt của tình yêu thương từ ổ rơm, không chăn đệm nào sánh bằng. Giống với “trong hương mật ong của ruộng”, một lần nữa ta thấy được “trong hơi ấm” là sự đắm mình của tác giả trong không khí gia đình yêu thương, sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Nguyễn Duy đã dùng từ láy “xơ xác”, “gầy gò” để nhân hóa những cọng rơm. Một đời cây lúa đã hiến trọn cho những hạt lúa căng đầy, chỉ còn lại hình ảnh “xơ xác, gầy gò”, gợi lên hình ảnh những người mẹ một đời hy sinh hết mình vì con. Thân lúa dù xơ xác, gầy gò vẫn chắt chiu từng chút hơi ấm, truyền lại sự chở che, đó chính là hơi ấm của lòng mẹ, của những người mẹ nghèo khổ, vất vả nhưng luôn dành cho con những điều tốt đẹp, ngọt ngào nhất.
Tiếp nối tình cảm của nhân vật trữ tình – người lính trong đêm lỡ đường hay cũng chính là của tác giả dành cho người mẹ, cho nhân dân, đất nước ở khổ thơ hai thì kết thúc bài thơ, tác giả lại thể hiện sâu sắc hơn tình cảm ấy.
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.
Hình ảnh tương phản “hạt gạo” nhỏ bé với “nuôi hết thảy chúng ta no” khẳng định mạnh mẽ về giá trị, ý nghĩa lớn lao của hạt gạo: hạt gạo ấy đã nuôi sống, vun đắp cho sự sống. Hạt gạo nuôi dưỡng tâm hồn con người, nó thấm thía tình yêu, lòng biết ơn, sự thủy chung, lòng nhân hậu của biết bao người dân Việt Nam, đã vun đắp cho những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn người dân Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Duy lại một lần nữa nhắc đến hơi ấm. “Cái ấm nồng nàn như lửa” là hơi ấm từ ổ rơm, từ những sợi rơm “xơ xác, gầy gò”, đã hiến trọn đời mình cho hạt gạo. Giờ đây, vẫn vun vén, chắt chiu, ấp ủ hơi ấm cho con người, ấy là hơi ấm của tình đời, tình người, quân dân thắm thiết. “Nồng nàn” gợi lên một tình cảm đậm đà, sâu sắc, lúc nào cũng ấm áp, tràn ngập yêu thương. Tình cảm ấy là bất biến, trước sau như một. “Nồng nàn như lửa” – hình ảnh so sánh gợi lên ánh lửa, bếp lửa, ngọn lửa của gia đình nên hơi ấm ở đây là hơi ẩm của tình thân, và hơi ấm ấy thắp sáng cho tâm hồn con người, xua tan mọi bóng tối trên đường đời. Phép liệt kê: “cái ấm nồng nàn” và “cái mộc mạc lên hương của lúa” đã khẳng định sự vô tận của hình ảnh hạt gạo. Nếu chữ “mộc mạc” chỉ gợi sự đơn sơ, giản dị thì “lên hương” lại gợi lên sự thăng hoa, sự chắt chiu qua từng ngày tháng để lên hương cho rơm rạ. Đó là sự lên hương của không gian đồng nội, từ cả cỏ cây hoa lá, và đó cũng là sự ủ hương theo thời gian, cây rơm xa rời ruộng nhưng vẫn mang theo hương thơm. Kết thúc bài thơ giống như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía: “Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. “Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no” nhưng không phải “tất cả mọi người” đều có thể nhận ra và hiểu được và trân trọng, nâng niu ý nghĩa thiêng liêng của hạt gạo, của ổ rơm, của người mẹ nhân dân. Khép lại khổ thơ là một lời nhắn nhủ chân thành của Nguyễn Duy đối với độc giả, là sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về một chân lí cuộc đời, đó là chúng ta cần phải biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp giản dị xung quanh ta, kính trọng, biết ơn sự hy sinh thầm lặng và cao cả của nhân dân muôn đời.
Nguyễn Duy đã sử dụng thành công thể thơ tự do giúp nhà thơ tự do bộc lộ cảm xúc dào dạt của mình qua những ngôn từ đời thường, giản dị, mộc mạc. Bài thơ mang yếu tố tự sự, kể chuyện, tác giả xưng “tôi” khiến bài thơ giống như là lời tâm tình. Qua đó làm nổi bật hình ảnh lớn lao, cao cả của người mẹ, của nhân dân, đất nước bằng hình ảnh hết sức giản dị: hơi ấm ổ rơm, đồng thời cũng lời nhắc của tác giả về lòng biết ơn, về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.
Bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” có lẽ được ra đời bởi sự xúc động của nhà thơ trước tình cảm chân thành ấm áp của một người mẹ đồng chiêm dành cho mình trong một đêm lỡ đường. Đọc bài thơ, người đọc xúc động với tình cảm bao la, rộng lớn của những người mẹ, tấm lòng nhân hậu, sự tần tảo, chu đáo của người mẹ ấy đã xóa đi sự thiếu thốn, chật hẹp của căn nhà nhỏ bé ven cánh đồng chiêm chỉ để lại tình cảm ấm áp, chân thành giữa hai người xa lạ. Vẫn với giọng thơ trữ tình đằm thắm, tha thiết, những hình ảnh, từ ngữ rất bình dị, thân thuộc, Nguyễn Duy đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của tâm hồn người Việt Nam.