Hội Tây là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Dưới đây là bài văn Phân tích bài thơ Hội Tây của Nguyễn Khuyến
Dàn ý Phân tích bài thơ Hội Tây của Nguyễn Khuyến
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về bài thơ Hội tây và nhà thơ Nguyễn Khuyến
b. Thân bài:
* Giới thiệu chung về nhà thơ Nguyễn Khuyến
– Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.
– Ông là một người tài năng, yêu nước thương dân.
– Thơ của ông nói lên tấm lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha đồng thời thể hiện rõ thái độ chống đối thực dân Pháp.
– Và bên cạnh đó, tình yêu với thiên nhiên, đất nước, tình bạn, tình cảm gia đình cũng đều là chất liệu được ông đem vào thơ ca.
– Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
* Giới thiệu chung về tác phẩm Hội Tây
– Bài thơ Hội Tây miêu tả không khí vui vẻ, sự hào hứng của những người tham gia hội Tây, qua đó khơi dậy nỗi nhục mất nước.
– Bài thơ còn thể hiện lòng yêu nước, sự lo lắng trước vận mệnh đất nước của Nguyễn Khuyến.
* Phân tích bài thơ Hội Tây
– Hai câu thơ mở đầu: tái hiện lại khung cảnh nhộn nhịp, náo nhiệt của ngày hội lớn của người Pháp
– Bốn câu thơ tiếp: lễ hội hiện lên thật tươi vui và sống động.
– Hai câu kết: sự lố bịch của lễ hội
* Đánh giá giá trị nội dung nghệ thuật
– Giọng thơ
– Thể Thơ
– Biện pháp chơi chữ
c. Kết bài: Khái quát lại giá trị tác phẩm
Bài văn Phân tích bài thơ Hội Tây của Nguyễn Khuyến
Quê hương là tiếng gọi tha thiết nhất cất lên từ trái tim của mỗi con người. Có thể nói rằng quê hương với những cảnh vật quen thuộc luôn là đề tài gợi nhiều cảm xúc nhất đối với các nhà văn, nhà thơ trong mọi thời đại. Cuộc sống và cảnh vật nơi thôn dã ấy đã đi vào thơ ca và trở thành nguồn cảm hứng dào dạt sáng tạo nên những hình ảnh, những tâm hồn mang đậm bản sắc Việt Nam. Tất cả những cảnh trí thiên nhiên, cuộc sống con người, những tình cảm gắn bó sâu đậm qua những trang thơ càng trở nên sâu sắc, tha thiết và gợi cho ta biết bao cảm xúc đáng trân trọng. Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ quê cảnh Việt Nam. Qua bài thơ “Hội Tây”, làng cảnh quê hương Việt Nam hiện lên thật sâu sắc.
“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Ông là một người tài năng, yêu nước thương dân. Ông ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan. Tuy nhiên, sau đó ông đã về quê ở ẩn. Ở thời bấy giờ Nguyễn Khuyến không chỉ được coi là nhân cách tiêu biểu Việt Nam thời bấy giờ, mà ông còn là một nhà thơ đau với nỗi đau của nhân dân, ông buồn cho cái sự nghèo đói, ông đau đớn khi nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan. Thơ của ông nói lên tấm lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha đồng thời thể hiện rõ thái độ chống đối thực dân Pháp. Và bên cạnh đó, tình yêu với thiên nhiên, đất nước, tình bạn, tình cảm gia đình cũng đều là chất liệu được ông đem vào thơ ca. Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, , Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
Bài thơ “hội Tây” của Nguyễn Khuyến là một tác phẩm nổi tiếng trong văn học Việt Nam. Bài thơ Hội Tây miêu tả không khí vui vẻ, sự hào hứng của những người tham gia hội Tây, qua đó khơi dậy nỗi nhục mất nước. Bài thơ còn thể hiện lòng yêu nước, sự lo lắng trước vận mệnh đất nước của Nguyễn Khuyến.
Hai câu thơ mở đầu, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tái hiện lại khung cảnh nhộn nhịp, náo nhiệt của ngày hội lớn của người Pháp:
“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo”
Có lẽ đây là một ngày hội lớn của bọn thực dân Pháp ngay trên đất Việt ta. Thật nhố nhăng khi Đất nước ta bị bọn thực dân phong kiến chiếm đóng, chúng đã bày ra những trò chơi để người dân ở xứ An Nam được chung vui, được hưởng “ké” niềm vui của mẫu quốc. Bầu không khí của lễ hội trở nên rạo rực với “cờ kéo” và “đèn treo”. Đây là hai món đồ trang trí đến từ Tây phương. Sự hiện diện của nó đã gián tiếp khẳng định đây chỉ là lễ hội của người Pháp chứ chẳng phải của người Việt chúng ta. Qua lời kể của Nguyễn Khuyến, lễ hội hiện lên thật tươi vui và sống động.
“Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo,
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”
Dù là lễ hội Tây, nhưng các trò chơi xuất hiện vẫn mang đậm truyền thống văn hóa của nước ta, như hát chèo, đánh đu, bơi lội, leo cột… khiến cho người đọc dễ dàng tưởng tượng được không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội. Thế nhưng chính giọng điệu hóm hỉnh ấy đã nói lên thực trạng đen tối của xã hội, lên án những hành động của bọn thống trị. Mấy bà quan vốn sang trọng, quý phái thì lại được miêu tả với dáng vẻ tênh nghếch kém duyên. Trái ngược với đó là dáng vẻ lom khom của thằng bé xem chèo. Trong sân hát chèo, nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thì lại có mấy thằng bé phải lom khom nghe hát chèo. Sao chúng lại phải lom khom để nghe hát, dù sân chèo rộng đến vậy? Hai từ “tênh nghếch” đối lập với “lom khom”, một bên là bà quan với uy cao quyền lớn, một bên là cậu bé đáng thương. Qua đó thấy được thực tại xót xa của đất nước trong nô lệ. Càng xót xa hơn nữa, khi chính những con người bị chà đạp ấy lại không nhận thức được nỗi nhục mất nước mà còn bị chúng cuốn vào những trò chơi nhố nhăng, mụ mị làm ngu dân của bọn thực dân Pháp. Các anh thì hớn hở trèo lên các cột bôi mỡ vì tiền đang treo trên ngọn cây. Tính từ “tham” được đẩy ngay lên đầu câu, đã nhấn mạnh động cơ, mục đích của người tham gia chơi hội. Tất cả tạo nên một bầu không khí nhốn nháo, lộn xộn.
“Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”
Nhà thơ như đứng từ xa để cảm nhận sự lố bịch của lễ hội. Từ “vui” đã diễn tả không khí nhộn nhịp, vui vẻ của lễ hội. Nhưng lễ hội lại được khen “khéo vẽ trò”. Câu thơ mang tính chất mua vui, giải trí của lễ hội theo chiều hướng tiêu cực. Biện pháp chơi chữ được sử dụng khéo léo trong hai câu thơ trên nhấn mạnh ý chê cười khinh bỉ trò chơi. Nguyễn Khuyến nhận ra nỗi nhục của cảnh nô lệ, nỗi nhục mất nước. Cặp quan hệ từ tăng tiến” bao nhiêu – bấy nhiêu” đã khiến người đọc cảm nhận được sự phẫn uất của nhà thơ khi chứng kiến người dân mình bỏ mặc danh dự, nhân phẩm đi làm trò mua vui cho kẻ ngoại xâm. Từ đó, nhà thơ đã cảnh tỉnh cho người dân Việt Nam đang bị chúng làm cho mờ mắt.
Qua những câu thơ thơ trên, nhà thơ đã mang lại tiếng cười hóm hỉnh cho người đọc. Đó là tiếng cười lên án, phê phán một xã hội phong kiến, hoàn cảnh mất nước của dân tộc. Giọng thơ Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng hóm hỉnh nhưng lại rất thâm thúy chua cay. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ đã lên án, phê phán bọn quan lại thực dân lố bịch và cảnh tỉnh người dân An Nam mất nước.