Phân tích bài thơ Khát vọng của Đặng Hồng Thiệp

“Khát vọng” là một trong những tác phẩm mang theo một làn gió mới lạ thổi vào diễn đàn thơ ca Việt với khát vọng sống cho nhiều thế hệ sau của nhà thơ Đặng Hồng Thiệp. Dưới đây Tramvanhoc mang đến bài Phân tích bài thơ Khát vọng của Đặng Hồng Thiệp giúp các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm.

Phân tích bài thơ Khát vọng của Đặng Hồng Thiệp – Mẫu 1

Nhà thơ Đặng Hồng Thiệp tuy có thời gian gắn bó với thơ ca muộn, nhưng lại để lại cho đời những tác phẩm đầy ý nghĩa. Nhìn vào thơ ông, người ta luôn cảm thấy cảm giác muốn khám phá, soi vào khoảng trống giữa chữ và chữ, như những áng mây lạ, ngọn gió mát trong không trung. “Khát vọng” là một tác phẩm mang theo hơi gió lạ như thế. Giọng thơ là lời động viên, chắp cánh khát vọng sống cho nhiều thế hệ độc giả.

Dụng ý thơ của tác giả đã được triển khai ngay từ những câu mở đầu:

“Chuyện kể rằng”

Bài thơ được mở ra với không gian chuyện cổ tích dân gian, như câu kể “ngày xửa ngày xưa” của bà, của mẹ. Câu thơ “chuyện kể rằng” như nhuốm màu thần thoại, phủ lên bài thơ một không gian màu hồng của những ông bụt, bà tiên. Đây cũng là lời dẫn lôi kéo bạn đọc theo mạch câu chuyện kể tiếp theo.

Có quả trứng đại bàng
Rơi vào ổ gà đang ấp”
Khi nở ra cùng với bầy gà
Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp
Nhảy bay loạng choạng sân nhà.
Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa
Về những đại ngàn bí mật
Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất
Chỉ có khát vọng mơ hồ
Lâu lâu lại cồn cào trong ngực…

Trên thực tế, giả thuyết của Đặng Hồng Thiệp đưa ra trong bài chỉ là một giả định nghệ thuật. Hình ảnh đại bàng cùng đàn gà con kiếm ăn ở sân nhà không thể xảy ra. Với đặc tính loài, đại bàng thường làm tổ ở trên các vách núi,trên tán các cây cổ thụ, và ăn thịt. Gà – đại bàng thậm chí còn nằm trên chuỗi thức ăn của nhau. Đây là ý thơ mang hình ảnh ẩn dụ, chỉ hoàn cảnh sống chật hẹp, không phù hợp với bản chất loài, quanh quẩn mưu sinh của đa phần con người trong xã hội. Có thể, bởi hoàn cảnh sống bó hẹp, chỉ loanh quanh nơi “cây đa, gốc đề” mà bản chất của đại bàng dần bị thui chột, tưởng rằng mình cũng chỉ là chú gà bình thường. Rồi chính chú đại bàng lẽ ra sẽ oai phong sải cánh nơi đại ngàn, thì lại “ngượng ngùng chiêm chiếp/ Nhảy bay loạng choạng nơi sân nhà”. Một không gian sống không phù hợp cùng một tư duy “mình là gà nhà” đã khiến một chú đại bàng con dần chấp nhận thói quen, sở thích, phong cách sống của gà, dù đối với nó không hề phù hợp, chính nó cũng phải “ngượng ngùng” để tiếp nhận.
Thông điệp đầu tiên mà Đặng Hồng Thiệp gửi gắm đến độc giả: Con người nếu sống mãi trong hoàn cảnh tầm thường sẽ trở nên thiển cận, nông cạn, ý chí bị thui chột dần, rồi trở nên vô dụng. Tác giả không hề rao giảng đạo lí, mà chỉ đưa ra một câu chuyện đời thường để độc giả tự “suy và ngẫm”, tự cảm nhận được sự trăn trở của ông qua cấu tứ của câu thơ. Tin vào bản năng nguồn cội, con người hay bất cứ một sinh vật sống nào khác đều có khát vọng sống, cống hiến và trở thành chính mình một cách mãnh liệu. Tuy có thể đặt trong hoàn cảnh chưa phù hợp, nhưng khát vọng ấy vẫn luôn cồn cào trong lồng ngực, vẫn chờ một cơ hội để thỏa mái vẫy vùng.

Đi ngược lại thời gian, ta lại nhớ câu chuyện vịt và thiên nga. Một quả trứng thiên nga trót rời vào ổ trứng vịt. Dù sau này được vịt mẹ ôm ấp, nhưng nó vẫn bị anh chị em đàn vịt của nó chê bai. Chê nó không biết bắt giun, chê nó không có bộ lông vàng đặc trưng, chê nó không biết bơi nhanh, lặn giỏi như anh em trong đàn,… Tất cả những gì vịt con nhận lại là sự tủi thân. Nhưng, nó lại dần nhận ra nó có đam mê bất diệt với bầu trời. Nó khát khao chạm tới bầu trời cao xanh khi thấy những chú thiên nga khác bay qua. Dường như, đó mới là chân trời thuộc về nó. Nỗi khao khát cứ thế, nhen nhóm và cháy bỏng trong lòng chú thiên nga nhỏ. Và rồi một ngày, chú thiên nga ấy quyết định tập bay. Không ngoài dự tính, sải cánh của nó đã đưa nó đến với bầu trời cao xanh, về chân trời nó thật sự thuộc về. Nó được gặp lại gia đình, gặp lại những anh em trong họ hàng nhà mình. Phải chăng, những bản năng bẩm sinh vẫn luôn sẵn ở đó, ẩn sâu trong những trái tim bình thường, chỉ đợi một cơ hội để bung tỏa?

Từ hoàn cảnh sống khắc nghiệt và tréo ngoe ấy có thể xảy ra với bất cứ ai, Đặng Hồng Thiệp đã tự mình đặt ra một chủ đề cho độc giả khám phá, để nhìn sâu vào con người họ, để nhìn nhận một cách khách quan:
Làm sao mà ai biết
Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây
Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?…

Ba câu thơ như phần kết luận của một bài nghị luận có luận điểm chặt chẽ. Tác giả đã đặt cho những độc giả của mình, đặc biệt là các bạn trẻ sự thôi thúc khám phá, nhìn lại khả năng và mong muốn của bản thân. Hạt mầm được ủ trong khu rừng đã tới lúc nảy mầm để đón lấy ánh nắng thực sự thuộc về nó. Mỗi người trong chúng ta, cần ít nhất một lần “vỗ cánh tung bay” để khám phá điểm tới hạn của bản thân mình, để biết mình thích gì, thế mạnh là gì, để xem thực sự mình có thể làm được gì,… Đừng cam chịu số phận, hoàn cảnh éo le hiện tại. Hãy thử một lần thay đổi để dám đam mê, dám khát vọng lớn, tự mình chắp đôi cánh ước mơ bay cao, bay xa trên vùng trời rộng lớn của chính mình. Mở rộng ra, mỗi dân tộc cũng cần nuôi khát vọng, không chỉ là một lần, mà cần nhiều lần để thoát khỏi cái ao làng, hội nhập cùng thế giới.

Đặng Hồng Thiệp đã khéo léo lựa chọn hình ảnh ẩn dụ để lồng ghép ý nghĩa mà mình muốn gửi gắm. Đại bàng là loài chim lớn, bay cao, hùng dũng, là biểu tượng của thiên nhiên đại ngàn, tượng trưng cho những cá nhân có tầm nhìn lớn, cao rộng, thích khám phá và tìm hiểu thế giới. Gà là loài vật có thể nói là an nhàn, thích tụ tập bầy đàn, thường sống trong sân nhà. Sự đối lập giữa hai loài là biểu trưng cho khát vọng sống, tự do của con người. Tuy tác phẩm đã được sáng tác khá lâu, nhưng giá trị thời đại vẫn còn nguyên trong từng câu chữ, mang theo thông điệp về khát vọng sống cao đẹp, để những đam mê ấy vẫn “vỗ cánh” trong lồng ngực mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ – thế hệ tương lai kiến thiết và xây dựng Tổ quốc.

Phân tích bài thơ Khát vọng của Đặng Hồng Thiệp

Phân tích bài thơ Khát vọng của Đặng Hồng Thiệp – Mẫu 2

Nhà thơ Đặng Hồng Thiệp (1937 – 2013) đến với thi ca muộn nhưng đã chạm khắc giữa đời một chân dung thơ. Với bài thơ “Khát vọng” nhà thơ như đã chắp cánh khát vọng sống cho các thế hệ bạn đọc.

Dụng ý của tác giả được khai mở ngay từ đầu:
“Chuyện kể rằng…”.

Nhà thơ đã mượn màu sắc truyện dân gian để nâng chuyện của con người giữa đời thường thành huyền thoại. Vì thế có sức dẫn dắt người đọc theo mạch ẩn dụ mang ý nghĩa biểu trưng của hình tượng thơ:

“Có quả trứng đại bàng
Rơi vào ổ gà đang ấp
Khi nở ra cùng với bầy gà
Con đại bàng ngượng ngùng chiêm chiếp
Nhảy bay loạng choạng sân nhà”.

Hình ảnh “đại bàng” sống giữa “bầy gà” kiếm ăn ở “sân nhà” là một giả định nghệ thuật. Bởi trên thực tế, điều này không thể xảy ra vì đại bàng rất công phu tìm vách núi chon von để làm tổ, đẻ và ấp trứng. Đây là hình tượng thơ có ý nghĩa ví với hoàn cảnh sống hạn hẹp, quanh quẩn mưu sinh của con người. Rất có thể với hoàn cảnh này, tố chất đại bàng của con người cũng bị thui chột, sẽ trở nên kém cỏi, dần dần bị “gà hóa” trước đời “ngượng ngùng chiêm chiếp/ Nhảy bay chập choạng …”, “hồn nhiên bới đất” chẳng còn đoái tưởng bay đến “chân trời xa” và khám phá “đại ngàn bí mật”.

Nhà thơ Đặng Hồng Thiếp đã đưa ra thông điệp đầu tiên: Con người nếu sống mãi trong hoàn cảnh tầm thường sẽ trở nên nông cạn, thiển cận và cuối cùng là vô dụng… Tác giả không rao giảng luân lý mà ông muốn bạn đọc được thẩm nhận sự trăn trở của mình qua thi phẩm. Vẫn với hình tượng giả định đó, ông vẫn tin vào bản năng gốc cội nguồn của con người luôn khát sống – Đó là “khát vọng mơ hồ” vẫn tiềm ẩn, để rồi “lâu lâu lại cồn cào trong ngực”.

Từ hoàn cảnh sống tréo ngoe có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhà thơ đã đưa chủ đề khám phá bản thể nhân loại: “Làm sao mà ai biết/ Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây/ Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?…” .

Đây mới là tứ thơ chủ đạo: Nhà thơ đặt vào lòng bạn đọc một sự thôi thúc khám phá, phát hiện những tiềm lực của bản thân như những rừng cây ủ hàng ngàn năm trong lòng đất để tạo ra mỏ “vàng đen”. Chỉ cần con người biết thăm dò và khai thác những vỉa sở trường, những vỉa năng lực vốn có của bản thân và cộng đồng. Mỗi người phải “một lần vỗ cánh tung bay”, không cam chịu mặc định của hoàn cảnh để vượt lên, cải tạo, thay đổi hoàn cảnh để đeo bám đam mê, khát vọng lớn lao, tự mình biết chắp đôi cánh ước mơ bay cao, bay xa. Mỗi dân tộc cũng cần nuôi khát vọng không chỉ “một lần” mà nhiều lần “vỗ cánh tung bay” để  vượt ra khỏi cái “ao làng” của đất nước mình để hội nhập cùng thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Hồng Thiệp lại chọn hình tượng con đại bàng để biểu trưng cho khát vọng sống của con người. Bởi đại bàng là loài chim lớn, bay cao, có tầm nhìn xa, tập trung cao độ khi săn mồi và rất thích tận dụng các cơn bão để bay thật cao, thật xa. Tuy nhà thơ đã “Rũ bụi trần gian vỗ cánh” được 10 mùa bão rồi nhưng thông điệp về khát vọng sống cao đẹp vẫn còn “vỗ cánh” trong mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ.