Bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa với những vần thơ trong sáng, mộc mạc không chỉ thể hiện tình cảm, cảm xúc của người con bé nhỏ khi mẹ mình bị ốm mà còn thể hiện được hình ảnh người mẹ thân thương với những phẩm chất tốt đẹp.
Dàn ý Phân tích bài thơ Mẹ ốm
1. Mở bài
* Cách 1:
– Giới thiệu tác giả Trần Đăng Khoa.
– Khái quát tác phẩm Mẹ ốm.
*Cách 2:
– Dẫn dắt từ đề tài tình mẫu tử để liên hệ đến tác phẩm Mẹ ốm của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
2. Thân bài
2.1 Nội dung
* Ba khổ thơ đầu: Hình ảnh người mẹ hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp của con mắt ngây thơ, trong sáng của người con về những thay đổi của mẹ khi mẹ bị ốm
– Khổ thơ đầu:
+ Mọi hôm mẹ thích vui chơi => mẹ luôn yêu thương, chăm sóc con, cùng còn vui chơi, cùng con trưởng thành.
+ Lá trầu khô giữa cơi trầu / Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay: lá trầu khô, Truyện Kiều gấp lại => sự vật xung quanh trở nên tĩnh lặng khi mẹ ốm => Nỗi buồn khi mẹ ốm của người con khiến sự vật xung quanh cũng trở nên buồn theo.
– Khổ thơ thứ hai: người con suy nghĩ về những ngày tháng làm việc vất vả của mẹ.
+ Cuốc cày sớm trưa
+ Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan =>Ẩn dụ “nắng mưa”: những vất vả, khó nhọc của mẹ vẫn kéo dài chưa có dấu hiệu ngừng lại.
=> Sự hiểu chuyện của người con, em biết những vất vả, cực nhọc của mẹ.
=> Người mẹ chịu thương chịu khó, làm lụng vất vả để con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
– Khổ thơ thứ ba: Tình nghĩa xóm làng khi mẹ bị ốm
+ Mọi người đến thăm mẹ, tặng mẹ những thứ quà giản dị “trứng”, “cam” => Những thứ quà giản dị những chứa đựng tình cảm lớn.
=> Mẹ là người được mọi người quý mến.
=> Sự tự hào của người con vì mẹ được mọi người yêu quý => Kể về việc mọi người đến thăm mẹ cho thấy người con là người rất lễ phép và biết ơn => Cậu bé được lớn lên trong sự giáo dục tốt của mẹ.
=> Qua ba khổ thơ đầu, tác giả đã làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ, đồng thời cũng thể hiện tình cảm của mình dành cho mẹ.
* Những khổ thơ còn lại: Tình yêu thương sâu sắc và sự trân trọng, biết ơn của người con dành cho mẹ
– Thương mẹ “cả đời đi gió đi sương” nhưng giờ lại phải “lần giường tập đi”:
+ Phép ẩn dụ “cả đời đi gió đi sương”: cuộc đời nhiều vất vả của mẹ => Người con đều biết hết những vất vả của mẹ, thương mẹ cả đời vất vả nhưng đến giờ vẫn phải chịu những đau đớn của bệnh tật.
– Cậu bé ấy rất muốn mẹ khỏe trở lại nên muốn làm tất cả mọi thứ để có thể làm mẹ vui: kể chuyện, múa ca đến diễn kịch, hát chèo => Sự hiếu thảo.
– Vì con, mẹ khỏe đủ điều =>Sự tự trách bản thân mình của người con và cũng là lòng biết ơn sâu sắc mà cậu bé dành cho mẹ.
– Hai câu thơ cuối của bài thơ, nhà thơ sử dụng phép so sánh ẩn dụ hình tượng người mẹ với đất nước, với tháng ngày trưởng thành của người con. Nhà thơ ngay từ khi còn bé đã có một tâm hồn sâu sắc và nhạy cảm. So sánh ngang bằng “Mẹ là đất nước” cho thấy nhà thơ hiểu đất nước là cội nguồn, mẹ giống như đất nước, đất nước cho ta ngôi nhà ta ở, cho ta mảnh vườn trồng cây hái trái, cho ta những người hàng xóm, láng giềng tốt bụng, hiền lành, đất nước cũng nuôi dưỡng tâm hồn ta. Và vì thế đất nước cũng giống như mẹ của chúng ta.
2.2 Nghệ thuật
– Thể thơ lục bát.
– Ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc.
– Sử dùng hình ảnh giản dị, quen thuộc.
– Sử dụng nhiều biên pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ,..) có giá trị gợi hình, gợi cảm cao.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của bài thơ.
– Liên hệ với những bài thơ cùng chủ đề: ví dụ bài thơ Mẹ ốm của nhà thơ Phạm Hổ.
Phân tích bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa
Đã từng có người nói rằng: “Có một tình yêu thương cao cả và vĩ đại nhất trên đời – không phai nhạt theo tháng năm – đó là tình yêu của người mẹ dành cho con”. Những lời ấy thật đúng đắn, trên thế giới này, tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Sự thiêng liêng, cao cả của thứ tình cảm ấy đã trở thành cảm hứng sáng tác nghệ thuật của biết bao người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm, tình mẫu tử lại được thể hiện với rất nhiều màu sắc khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là để ca ngợi tấm lòng yêu thương vô bờ bến, sự hi sinh thầm lặng của người mẹ dành cho con cái. Góp phần làm phong phú thêm cho những tác phẩm viết về tình mẹ con, chúng ta có thể kể đến bài thơ Mẹ ốm của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Điều đặc biệt là bài thơ ấy được viết khi nhà thơ mới 8 tuổi, người đọc thấy được sự khác biệt, mới mẻ của tình mẫu tử được thể hiện trong bài thơ. Bài thơ Mẹ ốm với những vần thơ trong sáng, mộc mạc không chỉ thể hiện tình cảm, cảm xúc của người con bé nhỏ khi mẹ mình bị ốm mà còn thể hiện được hình ảnh người mẹ thân thương với những phẩm chất tốt đẹp.
Mẹ ốm được viết vào năm 1966 sau đó được in trong tập thơ Góc sân và khoảng trời được xuất bản vào năm 1968. Được viết bằng thể thơ lục bát với ngôn ngữ chan chứa cảm xúc của những em bé dành cho người mẹ yêu quý của mình. Bài thơ đã khắc họa được tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.
Bài thơ mở đầu bằng lời kể ngây thơ về sự thay đổi của mẹ trong ngày hôm nay so với mọi ngày:
Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.
Qua những câu thơ ấy có thể thấy được sự gần gũi, thân thiết của hai mẹ con. “Mọi hôm mẹ thích vui chơi”, không phải ngày hôm qua mà là mọi hôm, mẹ đều thích “vui chơi”, với cái nhìn trẻ thơ khi ấy của nhà thơ, mẹ “vui chơi” ấy có lẽ là mẹ đang chăm sóc, vui đùa cùng con. Bởi vì ngày nào mẹ cũng cùng con chơi đùa, cùng nói cười với con nên con đã quen với điều đó nên khi “mẹ chẳng nói cười được đâu” con cũng rất dễ dàng nhận ra. Hình ảnh “lá trầu khô” và “truyện Kiều gấp lại” gợi sự tĩnh lặng và buồn bã, khi mẹ ốm người con nhỏ cảm thấy rất buồn, nỗi buồn ấy khiến em cảm thấy những sự vật xung quanh trở nên thiếu sức sống và tĩnh lặng lạ thường.
Đến khổ thơ thứ hai, người con suy nghĩ về những ngày tháng làm việc vất vả của mẹ. Em bé trong bài thơ rất thương mẹ, em vẫn nhớ ngày mẹ “cày cuốc sớm trưa” không quản nắng mưa:
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.
Cuộc đời mẹ vô cùng vất vả, lam lũ, dường như mẹ không có thời gian nghỉ ngơi, dù nắng hay mưa mẹ vẫn làm, mẹ không màng đến thời gian dù cho trời tối. Người con đã ý thức sâu sắc đến thế về những chịu đựng, hy sinh của người mẹ thật đã khiến cho không chỉ người mẹ, mà ngay cả người đọc chúng ta cũng không giấu nổi cảm động. Qua những câu thơ ấy, người mẹ hiện lên những phẩm chất rất đẹp đẽ, đó là sự chịu thương chịu khó, dù vất vả, mệt nhọc nhưng vẫn kiên trì làm việc để lo cho con cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ kể về sự quan tâm của hàng xóm khi mẹ bị ốm. Qua đoạn thơ, chúng ta cảm nhận được tình làng nghĩa xóm thật giản dị, mộc mạc và chân thành. Những thứ quà như trứng, cam tuy không nhiều, không lớn nhưng lại chứa đựng tình cảm lớn của những người sống cùng xóm làng. Câu thơ “Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm” khiến người đọc không khỏi cảm động, dường như ngày ấy tình nghĩa giữa những người làng xóm thật lớn, cảm tưởng mọi người đều quen biết tất cả mọi người sống cùng xóm, cùng làng với mình. Sự thăm hỏi, động viên của những người hàng xóm, mong mẹ sớm khỏi bệnh cũng chứng tỏ rằng người mẹ trong bài thơ là một người rất tốt bụng, tình nghĩa nên được mọi người yêu quý. Mẹ quý mến mọi người nên khi nghe tin mẹ ốm, không chỉ con mà tất cả mọi người trong xóm làng đều lo lắng, quan tâm. Những câu thơ niềm hãnh diện của người con khi có một người mẹ tốt, được mọi người quý mến. Qua đây, cũng thể hiện lòng biết ơn của người con đối với những người láng giềng. Dù còn bé nhưng em đã biết lễ nghĩa, để rồi dù là một sự quan tâm nhỏ của họ cũng trở thành niềm vui trong mắt của trẻ thơ. Hẳn là người con trong bài thơ đã nhận được sự nuôi dưỡng và giáo dục rất tốt của gia đình, đặc biệt là của người mẹ kính yêu.
Nếu như ba khổ thơ đầu là những lời kể ngây thơ của một cậu bé về những thay đổi của mọi thứ xung quanh khi mẹ bị ốm mà qua đó người đọc thấy được những phẩm chất tốt đẹp của mẹ thì đến ba khổ thơ sau, độc giả có thể cảm nhận được tình yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc của người con dành cho mẹ của mình.
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con, mẹ khỏe đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con.
Nhà thơ sử dụng hình ảnh ẩn dụ “cả đời đi gió đi sương” để nói lên sự vất vả, khổ cực của cuộc đời mẹ. Qua câu thơ có thể thấy người con là một người rất yêu thương mẹ mình. Người con nhỏ có lẽ đã rất đau lòng khi thấy mẹ phải “lần giường tập đi”. Cậu bé ấy rất muốn mẹ khỏe trở lại nên muốn làm tất cả mọi thứ để có thể làm mẹ vui, và trong suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ, chỉ cần mẹ vui là mẹ sẽ mau hết bệnh. Người con làm mọi thứ mình có thể làm từ kể chuyện, múa ca đến diễn kịch, hát chèo. Cậu bé ấy quả là một cậu bé yêu thương mẹ và thật sự rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn.
Ở các câu thơ tiếp theo đó là sự tự trách bản thân mình, người con cảm thấy rất có lỗi vì mình mà “mẹ khổ đủ điều”, vì mình mà phải vất vả sớm trưa. Người con thương mẹ bị ốm, thương mẹ vì những nếp nhăn quanh đôi mắt mẹ. Sự tự trách ấy của một đứa trẻ mới 8, 9 tuổi khiến cho những người trưởng thành phải nhìn lại bản thân mình, đang ở độ tuổi ăn, tuổi chơi nhưng người con ấy đã hiểu được hết những hi sinh thầm lặng của mẹ, sự tự tránh ấy cũng là sự biết ơn, trân trọng những gì mà đã làm cho mình trong suốt cuộc đời mẹ cho con. Từ lòng biết ơn sâu sắc ấy, người con nhỏ ấy mong muốn mẹ mau khỏe lại, mong cho mẹ sẽ được ăn ngon, có những giấc ngủ êm đềm. Mong cho mẹ có sức khỏe để lại có thể đọc sách cho con nghe, để có thể làm việc, cấy cày dù con biết đó là những việc vất vả nhưng đối với mẹ có lẽ chúng là những niềm vui của đời mẹ.
Hai câu thơ cuối của bài thơ, nhà thơ sử dụng phép so sánh ẩn dụ hình tượng người mẹ với đất nước, với tháng ngày trưởng thành của người con. Nhà thơ ngay từ khi còn bé đã có một tâm hồn sâu sắc và nhạy cảm. So sánh ngang bằng “Mẹ là đất nước” cho thấy nhà thơ hiểu đất nước là cội nguồn, mẹ giống như đất nước, đất nước cho ta ngôi nhà ta ở, cho ta mảnh vườn trồng cây hái trái, cho ta những người hàng xóm, láng giềng tốt bụng, hiền lành, đất nước cũng nuôi dưỡng tâm hồn ta. Và vì thế đất nước cũng giống như mẹ của chúng ta. Câu kết như một lời cảm ơn chân thành của người con dành cho mẹ. Mẹ là người đã có công sinh thành và dưỡng dục. Câu thơ ấy không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương, lòng biết của người con với mẹ mà rộng ra còn là với gia đình, với quê hương, đất nước. Câu thơ ấy khiến người đọc nhớ đến bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.
Bài thơ Mẹ ốm với ngôn từ chan chứa tình cảm yêu thương của người con bé bỏng dành cho mẹ, qua những vần thơ trong sáng ấy, người đọc còn cảm nhận được lòng biết ơn đối với tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, những vất vả, hi sinh mà mẹ đã dành cho mình của người con dù người con còn rất bé. Tác phẩm Mẹ ốm là một bài thơ hay không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn làm xúc động những độc giả trưởng thành. Đọc Mẹ ốm, những cảm xúc mà tác phẩm mang lại khiến ta nhớ đến những câu thơ trong bài thơ Mẹ ốm của nhà thơ Phạm Hổ:
U ốm nằm nhà
Không ra đồng được
U đắp kín chăn
Mặt quay vào vách
Em vẫn đi học
Đường xa càng xa
Người em ở lớp
Bụng em ở nhà…