Phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh

Mùa hạ đi vào thơ ca gắn liền với những kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi con người. Bài thơ “mùa hạ” qua cảm nhận của Xuân Quỳnh với những hương vị đặc trưng riêng. Cùng Trạm văn học điểm qua bài phân tích dưới đây, vận dụng kiến thức để đạt kết quả cao khi làm văn nhé.

Tìm hiểu bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ mùa hạ

” Mùa hạ” là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời vẫn rạo rực qua từng câu thơ. Mùa hạ là mùa của những tiếng chim reo, của sắc biếc trời xanh và của nắng.

Chủ đề của bài thơ mùa hạ

Mượn chủ đề mùa hạ để nói về tình yêu đôi lứa và sự tranh thủ cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho sự nghiệp. Tình cảm nồng cháy của tác giả với thiên nhiên, với con người tỏa sáng trong mỗi câu thơ.

Nghệ thuật của bài thơ mùa hạ

Bằng việc sử dụng phép điệp ngữ “đó là”, cùng các từ ngữ và hình ảnh rất tinh tế để miêu tả những cung bậc cảm xúc khi mùa hạ đến. Xuân Quỳnh khiến cho bài thơ trở nên gần gũi, mang đến những cảm xúc rất thực về mùa hạ. Bài thơ mùa hạ còn mang đến cho người đọc một thông điệp sâu sắc. Đó là những suy nghĩ về cuộc sống và sự tồn tại của con người, sự kiên trì và niềm hy vọng. Bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh đã làm tái hiện lên bức tranh mùa hè vô cùng rực rỡ đầy sống động và tràn đầy sức sống. Tuổi trẻ dù đã qua đi nhưng ta vẫn là ta, hãy làm những gì ta muốn.

Phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh
Phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh

Mở bài

Mùa hạ đi vào thơ ca gắn liền với những kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi con người. So với các mùa khác trong năm mùa hạ có vẻ ít được mọi người ưu ái hơn. Bởi lẽ nó không mang cái mát mẻ cùng lá vàng rụng của mùa thu, cũng không ấm áp với sự sinh sôi nảy nở của mùa xuân, không có cái rét tê tái của mùa đông mùa hè nổi lên với cái nắng sạm da cháy tóc. Bài thơ “mùa hạ” là tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Xuân Quỳnh. Mùa hạ qua cái cảm nhận của tác giả với những hương vị đặc trưng riêng. Tác phẩm được thi sĩ viết về tuổi thanh xuân đã qua cùng những lo lắng về dòng chảy không ngừng của thời gian và đời người.

Thân bài

Xuân Quỳnh là một trong những nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Thơ Xuân Quỳnh thường sử dụng những hình ảnh tươi sáng ngây thơ và đầy lãng mạn. Tác giả mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như chính tính cách hết mình của Xuân Quỳnh. Bài thơ “mùa hạ” được nữ thi sĩ viết khi tuổi thanh xuân đã qua. Đó là quãng thời gian tuổi trẻ với niềm khao khát, ước mơ mãnh liệt nhất.

Luận điểm 1: Tác giả cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mùa hạ qua nhiều giác quan

Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi

Bằng ngòi bút tinh tế cùng cách cảm nhận thiên nhiên qua nhiều giác quan, mùa hạ hiện lên thật trong trẻo đẹp đẽ qua tiếng chim reo hay bầu trời xanh biếc, đất thành cây, mật trào lên quả,…rạng rỡ tươi tắn và căng tràn nhựa sống. Hàng loạt từ nghĩ miêu tả thiên nhiên giúp cho người đọc hình dung được sự chuyển động của vạn vật, của thời gian. Không gian bao la rộng lớn của trời xanh biếc tràn ngập tiếng chim reo, nắng tràn trên khắp ngả mang màu sắc rực rỡ của mùa hè. Mùa hạ mở ra cho con người những chặng đường mới.

Luận điểm 2: Nắng vàng rực rỡ xua tan mọi ưu phiền, gợi sự trong trẻo tinh khôi

Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

Tại sao mùa hạ lại không thể giấu che, bởi đây là khoảng quãng thời gian tất cả sự vật được phơi bày với những gì đẹp đẽ nhất. Sự vật trở nên trong sáng tinh khiết và đẹp đẽ đến vô ngần với “Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng”. Phải chăng dưới cái nắng vàng rực rỡ của mùa hè, tâm hồn con người cũng được gọt rửa không còn nặng chịu nữa mà ngược lại trở nên nhẹ nhàng với “những miền cay đắng hoá thành thơ”. Vạn vật đang đắm chìm trong cái nắng của đất trời mùa hạ, sau cùng chỉ còn lại là tâm hồn trong trắng tinh khiết rạo rực và đầy mới mẻ.

Luận điểm 3: Mùa của ước mơ, hoài bão

Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Đọc bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh, người đọc hiểu được mùa hạ gắn liền với mỗi giai đoạn của cuộc đời con người. Mùa hạ của Xuân Quỳnh là mùa của những đam mê, những giấc mơ và khát vọng. Liệu rằng những điều ấy có phải là nhà thơ đang nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ của mình? Tuổi trẻ nào mà ai chả không mang trong mình ước mơ và khát vọng lớn. Mùa hạ là mùa nhiều nắng và gió và cái nắng cháy da cháy tóc và những năm tháng tuổi trẻ luôn phải đối diện với nhiều thằng trầm của cuộc sống. Con đường đi đến ước mơ hoài bão ấy chẳng bao giờ dễ dàng và luôn đầy thử thách với gió bão. Ta có được thành công, hạnh phúc vẹn tròn thì phải trải qua biết bao nhiêu “Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể” và “Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu”.

Luận điểm 4: Mùa hạ với kí ước tuổi thơ

Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Mùa hạ với những buổi chiều, những cánh diều giấy trên vòm trời cao vút, tiếng dế, tiếng cuốc dồn thúc giục nắng,…Những hình ảnh âm thanh ấy đưa ta về miền ký ức của tuổi thơ khi còn bé được thả diều,tắm suối.

Luận điểm 5: Ưu tư, luyến tiếc, níu giữ thời gian cùng khát vọng và ước mơ

Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
Kết thúc bài thơ là nỗi lòng tâm sự luyến tiếc của tác giả với mùa hè tươi đẹp rạng rỡ. “Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?” là câu hỏi vô thức chợt nhận ra thời gian của tuổi trẻ đã trôi đi. Xuân Quỳnh giật mình tự hỏi chính mình rằng có thể níu giữ những khát khao, níu giữ tuổi trẻ được không?
Cùng với việc sử dụng các phép điệp ngữ, từ ngữ hình ảnh trong sáng giản dị nhưng rất tinh tế để miêu tả nhiều cung bậc cảm xúc của mùa hạ.

Kết bài

Bài thơ trở nên gần gũi rất chân thực về mùa hạ. Tác giả gửi gắm đến người đọc thông điệp ý nghĩa về cuộc sống: tuổi trẻ là tuổi nhiệt huyết tuổi xây dựng tương lai vì vậy cần sống hết mình vì ước mơ, khát vọng làm cho tuổi thanh xuân của mình thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Mùa hạ khơi gợi niềm tin, sự lạc quan và cuộc sống. Tuổi trẻ dù đã qua đi nhưng ta vẫn là ta, hãy luôn sống hết mình, làm những điều mình mong muốn.