Phân tích bài thơ Ông phỗng đá

Thông điệp mà bài thơ Ông phỗng đá của Nguyễn Khuyến muốn phản ánh thực trạng đau thương của đất nước và đánh thức tinh thần trách nhiệm của quan lại, triều đình phong kiến để giữ gìn, bảo vệ đất nước. Để hiểu thêm mời các em đọc bài phân tích ông phỗng đá của Cô Bích Thủy.

Phân tích bài thơ Ông Phỗng đá
Phân tích bài thơ Ông Phỗng đá

Phân tích bài thơ Ông phỗng đá ngắn

Mở bài

Được mệnh danh là Tam Nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến đã thể hiện được cái tầm, cái tài của mình qua những tác phẩm xuất sắc mà ông để lại cho nền thi ca nước nhà. Tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người thường được ông đưa vào thơ ca một cách rất có hồn. Nội dung thơ của ông thường hướng về tấm lòng yêu nước, thương nòi thiết tha, đồng thời thể hiện rõ thái độ căm ghét thực dân Pháp, khinh thường tham quan ô lại gây hại và không giúp đỡ nhân dân. “Ông phỗng đá” là một tác phẩm như thế. Tác phẩm này thuộc dạng thơ trào phúng, châm biếm cái hư, cái xấu của xã hội. Bài thơ được lấy cảm hứng từ việc ông dạo chơi ngoài vườn, tức cảnh sinh thơ, liền lạ bút:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó,
Non nước đầy vơi có biết không

Thân bài

Xuất thân từ gia đình Nho giáo, ông nội và cha đều đỗ tú tài, nên Nguyễn Khuyến cũng được tiếp xúc với thơ ca từ khi còn nhỏ. Sau khi lớn lên, đỗ được tới “Tam nguyên”, Nguyễn Khuyến bắt đầu ra làm quan vào thế kỉ 19. Đứng trước cảnh đất nước thì hỗn loạn, dân thì lầm than, triều đình nhà Nguyễn bắt đầu mục nát, ông đã có những thay đổi lớn trong chính sự nghiệp thi ca của mình. Ông đã dùng ngòi bút của mình để hướng về những con sâu tham quan, những kẻ trục lợi từ người dân, lên án thực tế xã hội. Ông phỗng đá là một hình ảnh khá quen thuộc trong nền văn học Việt Nam cận và trung đại. Nguyễn Khuyến đã lấy hình ảnh ông phỗng đá đứng chơi vơi, lẻ loi nhưng vững chắc, “trơ trơ” ở góc hồ để mỉa mai chế độ cai trị hiện tại:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.

Mở đầu bài thơ với một câu hỏi tu từ “Hỡi”, ông không có ý muốn hỏi, và cũng không cần biết câu trả lời cho câu hỏi này. Đây là câu hỏi mang tính mỉa mai xã hội sâu sắc, tạo tính nhạc cho bài thơ. “Đứng” là trạng thái đứng yên, vững chãi, khó có thể thay đổi được trước các tác động ngoại cảnh. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho những “quan phụ mẫu của dân”, có thái độ bàng quan, không thay đổi trước sự đói khổ lầm than của dân chúng. Câu thơ so sánh “trơ trơ như đá, vững như đồng” như khẳng định thêm cho câu thơ đầu tiên, giúp người đọc dễ dàng hình dung ra những thói xấu, hành động của những viên quan ăn lộc của triều đình nhưng không giúp đỡ dân chúng. Phê phán những thói hư tật xấu của quan lại, khoanh tay đứng nhìn cảnh nước mất, nhà tan, dân chúng khổ cực mà không có một hành động nào thiết thực. Hành động “đứng trơ trơ” còn là sự châm biếm, mỉa mai và khinh miệt đến tột cùng của Nguyễn Khuyến đối với bọn tham quan. Chúng đã bị những vàng bạc, lợi ích hào nhoáng trước mắt che lấp, quên mất danh xưng “quan phụ mẫu”, là điển hình cho mặt tối, xấu xa của xã hội thời đó. Hình ảnh “ông phỗng đá” cũng được làm rõ trong hai câu thơ cuối cùng:

“Đêm ngày gìn giữ cho ai đó”

Tiếp tục là một câu hỏi tu từ không cần lời giải đáp. Ông đứng như vậy để làm gì? Câu hỏi tu từ mang ý nghĩa tu từ, chỉ trích những tên tham quan ô lại nhận lương và bổng lộc của triều đình, từ thuế và máu của dân, nhưng lại không mảy may suy nghĩ, dửng dưng trước những nỗi cơ cực và khốn đốn của dân chúng. Kết thúc bài thơ, Nguyễn Khuyến lại tiếp tục chất vấn “ông phỗng” như một cách chất vấn với đời:
“Non nước đầy vơi có biết không”

Câu hỏi tư từ ấy đã gợi lên trong lòng độc giả bao nhiêu suy nghĩ. “Nước non vơi đầy” dùng để ẩn dụ cho một đất nước giàu mạnh, thái bình, thịnh trị. Khung cảnh sơn thủy hữu tình, tráng lệ, dân chúng được hưởng ấm no và hạnh phúc. Đặt trong ý tứ thơ của Nguyễn Khuyến, cái “Non nước vơi đầy” này lại đề cập đến hình ảnh một xã hội nhiễu loạn, tham quan và bù nhìn thờ ơ trước nỗi đau của dân chúng. Đất nước dần tàn lụi, thực dân Pháp đè đầu, cưỡi cổ, đán áp dân ta. Với hai câu hỏi tư từ, cùng nhịp điệu thơ dồn dập, mở ra những suy tư và phán đoán mới cho độc giả. Đồng thời, đây cũng là tiếng nói phê phán sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn đương thời, cũng là lời tự trách bản thân không thể đóng góp sức mình để giúp đỡ đất nước.

Lối trào phúng được Nguyễn Khuyến sử dụng trong bài thơ này là lối trào phúng gián tiếp, kín đáo và thâm thúy. Ý định trào phúng của tác giả không bộc lộ trên bề mặt văn bản mà chìm sâu sau hình ảnh “ông phỗng” và từ ngữ châm biếm. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được sử dụng hết sức nhuần nhuyễn và tài tình, vừa có tính thơ, vừa có tính nhạc, ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi đối với quê hương, giúp tiếp cận được với nhiều độc giả. Các từ láy, biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ được sử dụng linh hoạt trong bốn câu thơ khiến cho bài thơ trở nên đặc sắc. Câu hỏi tu từ được sử dụng ba trên bốn dòng thơ, đã khơi dậy trong lòng đọc giả biết bao suy tư, băn khoăn về xã hội một thời. Tất cả những biện pháp nghệ thuật ấy đã giúp phần làm nổi bật hình ảnh ông phỗng đá giữa hòn núi non bộ, là lời phê phán những thói hư, tật xấu và sự bàng quan của quan lại trước những khó khăn của dân chúng.

Kết bài

Ngòi bút sâu cay của Nguyễn Khuyến đã chĩa thẳng vào những thói xấu của xã hội, là cái ung nhọt cần phải loại trừ. “Ông phỗng đá” như một lưỡi dao chĩa thẳng vào lũ quan lại bạc nhược thờ ơ trước lầm than của dân chúng, thể hiện tấm lòng yêu dân, yêu nước của Nguyễn Khuyến. Tuy chỉ có 4 câu ngắn gọn, nhưng bằng cái tài của một “Tam Nguyên Yên Đổ”, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên một bức tranh xã hội xưa một cách chân thật. Lớp bụi thời gian có thể phủ lên mọi thứ, nhưng không thể xóa nhòa tài năng mà Nguyễn Khuyến để lại cho đời, cũng giống như tấm lòng son sắt với dân, với nước của ông.

Đoạn văn Phân tích bài thơ Ông phỗng đá (200 chữ)

Mẫu 1

Người ta thường gọi Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình,” nhưng với Nguyễn Khuyến, ông lại được biết đến như một “nhà thơ của dân tình và làng cảnh Việt Nam.” Thơ của ông không chỉ kể về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và bạn bè mà còn phản ánh cuộc sống đầy thử thách của nông dân và châm biếm đả kích tầng lớp thống trị. Trong số các tác phẩm xuất sắc của ông, không thể không nhắc đến bài thơ “Ông phỗng đá,” một tác phẩm điển hình trong dòng thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến.
Hình ảnh của “ông phỗng” đã trở thành biểu tượng phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Trong một buổi dạy học tại nhà quan kinh lược Hoàng Cao Khải, Nguyễn Khuyến đã bị cuốn hút bởi hai tượng phỗng đá ngoài vườn, và từ đó, ông đã lập tức cảm hứng để sáng tác bài thơ “Ông phỗng đá.”
Hình ảnh của ông phỗng đá, một biểu tượng quen thuộc ở làng quê Việt Nam, đã được Nguyễn Khuyến tái hiện một cách đặc biệt. Trong khi đối với nhiều người, “ông phỗng” chỉ là một hình tượng vô tri vô giác, thì với Nguyễn Khuyến, hình ảnh ông phỗng đá đứng cô đơn trên hòn non bộ trở nên sống động và sâu sắc. Câu hỏi đầu tiên của bài thơ, “Ông đứng đó làm chi hỡi ông?” đã mở ra một loạt suy tư về vai trò và ý nghĩa của ông phỗng đá. Câu thơ tiếp theo, “Trơ trơ như đá, vững như đồng,” không chỉ mô tả hình ảnh của ông phỗng đá mà còn truyền đạt một thông điệp sâu sắc về sự bất biến và không động lòng của nó.
Các câu hỏi tu từ tiếp theo trong bài thơ không chỉ là sự thắc mắc của tác giả mà còn là một lời phê phán sâu sắc về tình trạng xã hội. Bằng cách sử dụng hình ảnh “non nước đầy vơi,” Nguyễn Khuyến đã gợi mở một loạt ý nghĩa về tình hình xã hội và vai trò của mình trong đó. Bằng cách kết hợp các biện pháp nghệ thuật linh hoạt, Nguyễn Khuyến đã tạo ra một tác phẩm không chỉ là một bức tranh sắc nét về ông phỗng đá mà còn là một lời phê phán sâu sắc về thực trạng xã hội của thời đại.
Bài thơ “Ông phỗng đá” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc mà còn là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần lo lắng và trách nhiệm của Nguyễn Khuyến đối với “non nước” của mình.

Mẫu 2

Nguyễn Khuyến, một tác giả nổi tiếng với tư cách là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”, đã góp phần làm nên một phong cách thơ độc đáo, phản ánh rõ nét những góc khuất của xã hội thời kỳ đó. Thơ của ông không chỉ làm nổi bật tình yêu quê hương, đất nước mà còn sâu sắc thể hiện cuộc sống đời thường của nông dân, châm biếm thể hiện sự bất công trong xã hội và lòng ưu ái với dân, với nước. Trong đó, bài thơ “Ông phỗng đá” là một ví dụ điển hình.
Hình ảnh ông phỗng đá, một biểu tượng phổ biến trong văn hóa Việt Nam, được tác giả sử dụng để mô tả sự đời thường của người dân. Khi ngẫm nghĩ về hình ảnh này, Nguyễn Khuyến đã viết nên một bài thơ trào phúng sắc bén. Câu hỏi “Ông đứng đó làm chi hỡi ông?” không chỉ đơn thuần là một câu hỏi, mà còn là một biểu hiện của sự băn khoăn và mỉa mai. Từ “trơ trơ như đá, vững như đồng” miêu tả sự ổn định và bất biến của ông phỗng đá, nhưng cũng gợi lên sự lạnh lùng và tâm trạng cô đơn.
Câu thơ tiếp theo mở ra nhiều ý nghĩa về sự bất lực và bất an trong xã hội. Câu hỏi tu từ liên tiếp “Đêm ngày gìn giữ cho ai đó? / Non nước đầy vơi có biết không?” không chỉ đặt ra thách thức mà còn phản ánh sự không minh bạch và thất vọng. Tất cả những dòng thơ này là một lời kêu gọi thức tỉnh, một lời mở đầu cho sự nghi ngờ và phản đối về thực trạng xã hội.
Bài thơ “Ông phỗng đá” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật về mặt hình thức mà còn là một bản tường trình chân thực về xã hội phong kiến đầy biến động. Qua những dòng thơ sâu sắc này, Nguyễn Khuyến đã tạo ra một tác phẩm vĩ đại, là một lời nói lên lòng lo lắng và hy vọng cho “non nước” của mình.