Phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng hay nhất

Bình chọn

Những vần thơ viết cho thiếu nhi của Võ Quảng luôn chứa đựng cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên về thế giới xung quanh. Đồng thời thể hiện sự gắn bó thân thiết với cuộc sống bình dị, đời thường. Phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng, một bài thơ khá đặc sắc của ông chúng ta sẽ thấy rõ được điều đó.

Dàn ý phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng

1, Mở bài.

– Giới thiệu tác phẩm Ông trăng thu và tác giả Võ Quảng.

– Khái quát một số nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật và giá trị của bài thơ.

2, Thân bài.

– Khổ thơ thứ nhất: hình ảnh ông trăng thu được miêu tả qua một vài chi tiết => gợi hình ảnh thân quen, bình dị, vẻ đẹp của trăng.

– Khổ thơ thứ hai: sự gắn bó của trăng thu với cuộc sống của con người, trăng trở thành người bạn đồng hành với mọi hoạt động của cuộc sống con người. Nhờ trăng mà sự sống của vạn vật trở nên căng tràn hơn.

– Khổ thơ thứ ba: hình ảnh vầng trăng vui tươi, cười giòn tan trong lau lách và như tan cả vào không gian, đất trời.

=> Bài thơ miêu tả ông trăng vào mùa thu, qua đó bày tỏ tình yêu dành cho trăng, tình yêu với thiên nhiên và cuộc sống.

3, Kết bài.

– Khẳng định cảm xúc về bài thơ.

– Liên hệ, mở rộng.

Phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng

Thơ ca viết cho thiếu nhi chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Võ Quảng. Chẳng phải ngẫu nhiên người ta đánh giá Võ Quảng là người đặt nền móng cho sự nghiệp văn học thiếu nhi của Việt Nam. Với hơn 50 năm cầm bút ông đã để lại trên 20 đầu sách và trong số đó phần lớn là những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Những bài thơ viết cho thiếu nhi của ông vô cùng đặc sắc như Ai dậy sớm, Anh đom đóm, Mời vào, Ngàn sao làm việc, Ông trăng thu. Trong đó bài thơ Ông trăng thu ngắn gọn nhưng mang những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Trăng vốn là một đề tài khá quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Viết về trăng có biết bao nhiêu vần thơ hay. Từ những nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến cho đến những thi sĩ đa tình như Xuân Diệu, người luôn khát khao yêu đương như Hàn Mặc Tử đều có rất nhiều những vần thơ viết về trăng. Viết về trăng dưới cảm hứng trong trẻo dành cho thiếu nhi cũng không hiếm, ngoài Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh cũng viết khá nhiều. Tuy nhiên Ông trăng thu của Võ Quảng vẫn có những màu sắc riêng, nét đẹp riêng không thể trộn lẫn với bất kỳ bài thơ về trăng nào.

Vầng trăng được miêu tả cụ thể ở đây là trăng thu. Ai cũng biết trăng mùa thu vốn là độ đẹp nhất, tròn nhất. Vầng trăng thu nếu đúng hôm rằm thì tròn, đầy, vành vạnh rực sáng bầu trời. Bầu trời thu về đêm cũng rất đẹp, thế nên Võ Quảng đã miêu tả vầng trăng ấy bằng tất cả những nét đẹp vốn có của nó:

Ông trăng thu

Tròn vành vạnh

Hai câu thơ đầu tiên giới thiệu ông trăng mùa thu, tròn vành vạnh, gợi nét đẹp tròn đầy nhất của trăng. Theo như cảm quan của nhà thơ vầng trăng vành vạnh trên trời ấy đang thực hiện một sứ mệnh thật thiêng liêng đó là

Đi rải gấm

Dọc đường làng

Rải lụa mịn màng

Trên nhà kho

Trên lò gạch

Rải vàng, rải bạc

Bến nước long lanh

Phép ẩn dụ, nhân hoá qua chi tiết đi rải gấm, rải vàng, rải bạc chẳng những cho thấy sắc vàng quyến rũ toả ra từ vầng trăng mùa thu mà còn gợi độ sáng trong trẻo của vầng trăng. Vầng trăng trên cao chiếu sáng cho muôn loài trên trái đất này giống như đang rải gấm, lụa, vàng, bạc. Những danh từ toàn những thứ mỹ miều, có giá trị của cuộc sống đã khẳng định những thứ tốt đẹp, ý nghĩa mà vầng trăng mang đến cho cuộc đời của con người, cho thiên nhiên và vạn vật. Khổ thơ khép lại bằng từ láy long lanh mở ra một khung cảnh tươi đẹp bàng bạc khắp trần thế nhờ ánh trăng mang lại.

Suốt một mùa thu

Trăng rọi trong cành

Căng tròn quả mít

Tô vàng quả quýt

Vầng trăng không chỉ làm đẹp cho cảnh vật và đất trời, trăng còn mang đến những giá trị tích cực khác cho cây cối vạn vật. Suốt một mùa thu trăng cùng với thiên nhiên rọi vào trong từng cành cây kẽ lá, làm căng tròn những quả mít, làm nên những múi thơm dâng cho đời, trăng tô vàng vỏ trái quýt, giục trái quýt chín thơm trong vườn, mang đến những giọt vàng mật sánh thơm ngon, tinh khiết. Phép ẩn dụ và nhân hoá trong từ rọi, tô tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của vầng trăng mùa thu với con người, vạn vật.

Phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng

Hoàn thành xong công việc của mình vầng trăng lại vui thú với thiên nhiên, nô đùa giống như một đứa trẻ:

Khuya về tắm mát trong ao

Quậy nước ào ào

Vui mừng con giếc

Trê mừng tíu tít

Con chép đùa trăng

Trăng tắm mát trong ao, trăng quậy nước ào ào, nô đùa cùng con diếc, con trê, cá chép, dường như không có sự phân biệt, khoảng cách giữa trăng và thế giới các loài sinh vật. Chúng ta tưởng tượng vầng trăng bây giờ giống như một đứa trẻ đang nô đùa trong ao, tắm mát thỏa thích với niềm vui giản dị của thủa ấu thơ. Phép ẩn dụ vừa gợi được hình ảnh vầng trăng in trong đáy ao, vừa gợi được một đêm trăng mùa thu đẹp, mặt ao phẳng lặng, trong vắt. Từ đó khiến người đọc liên tưởng đến một không gian thiên nhiên đẹp trong đêm trăng.

Có thể nói bằng tài năng quan sát, khả năng miêu tả, Võ Quảng đã chắt lọc những nét tiêu biểu của vầng trăng, cây cối và vạn vật thiên nhiên để mang đến một bức tranh thu sinh động, gần gũi, gợi cảm và rất có hồn. Việc gieo vần khiến cho nhịp điệu thơ nhẹ nhàng hơn, nhịp trong bài thơ cũng rất linh hoạt. Ông luôn để cảm xúc phát triển một cách tự nhiên, không gò bó. Trong bài thơ này nhịp gieo linh hoạt khi thì ½ khi thì 2/2, thể thơ từ do khi 3 chữ khi 4 chữ không gò bó cũng khiến nhịp điệu bài thơ tươi vui và rộn ràng, phù hợp với nhịp vận động trong bài.

Vì những lẽ đó bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng đã được xếp là một trong những bài thơ xuất sắc viết cho thiếu nhi. Được đông đảo các em học sinh yêu thích, truyền tay nhau, đọc và ngâm thành những bài ca.

——————————————–

Trên đây là Phân tích bài thơ Ông trăng thu của Võ Quảng do Tramvanhoc sưu tầm. Bài thơ miêu tả bức tranh mùa thu đặc trưng, trong đó nổi bật nhất là ông trăng thu. Qua đó thể hiện tình yêu và sự giao hoà với thiên nhiên của nhà thơ Võ Quảng.