Đề bài: Em hãy viết đoạn văn phân tích bài thơ sau:
TẾT QUÊ BÀ
Bà tôi ở một túp nhà tre.
Có một hàng cau chạy trước hè,
Một mảnh vườn bên rào giậu nửa.
Xuân về hoa cải nở vàng hoe.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
(Đoàn Văn Cừ – Nguồn: Đoàn văn Cừ toàn tập, NXB Hội nhà văn, 2013)
Dàn ý Phân tích bài thơ Tết quê bà của Đoàn Văn Cừ
I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, và nêu ý kiến chung của người viết
– Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 – 2004) là một nhà thơ có phong cách đặc biệt viết về nông thôn. Làng quê Bắc Bộ đã trở thành một phần kí ức lấp lánh trong thơ ông. Tuy viết về những hình ảnh quen thuộc như ngôi nhà, cánh đồng hay một phiên chợ nhưng tất cả những hình ảnh gần gũi, quen thuộc ấy đều gắn liền với những nét đẹp văn hoá của làng quê Việt Nam yêu dấu.
– Bài thơ Tết quê bà đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về hình ảnh ngôi nhà của người bà và Tết cổ truyền của dân tộc, khiến ai đọc cũng bồi hồi cảm xúc.
II.Thân bài: Tập trung nêu nội dung, chủ đề và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.
– Khái quát về bài thơ.
+ Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ Tết quê bà được sáng tác năm 1941, được đưa vào tập thơ Thôn ca năm 1944. Đến năm 2013, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đưa vào cuốn Đoàn Văn Cừ toàn tập. Bài thơ được trích ra từ cuốn sách đó.
+ Thể loại của bài thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ. Cả bài thơ gồm tám câu thơ ngắn gọn.
– Nêu nội dung chủ đề: Bài thơ Tết quê bà miêu tả, biểu cảm về ngôi nhà giản dị, quen thuộc của bà nơi làng quê yên bình và cảnh ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Từ đó, nhà thơ thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó với con người, cảnh vật, ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng thời nhắc khẽ người đọc phải biết trân trọng, giữ gìn những vẻ đẹp bình dị ấy, đặc biệt là nét đẹp văn hoá ngày Tết cổ truyền của dân tộc. – Làm rõ nội dung, chủ đề bài thơ:
+ Chủ đề của bài thơ thể hiện ở hình ảnh ngôi nhà của bà và cảnh ngày Tết ở quê bà trong bài thơ.
Hình ảnh ngôi nhà của bà hiện lên thật giản dị “một túp nhà trẻ”, “một hàng cau trước hè”, “một mảnh vườn”, “giậu nứa”. Hình ảnh “một túp nhà trẻ” vừa gợi ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ vừa gợi cuộc sống nghèo, bình dị của bà. Đó cũng là tình cảm yêu thương, trân trọng pha lẫn chút xót xa của đứa cháu trước hoàn cảnh sống của bà. Nhưng hình ảnh “có một hàng cau chạy trước hè”, “một mảnh vườn bên rào giậu nứa” giúp ta hình dung ra ngôi nhà, mảnh vườn, bờ giậu, thật tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ và cuộc sống không bon chen. Đó cũng là cuộc sống bình dị, dân dã nơi làng quê Việt Nam. Cuộc sống nghèo, mảnh vườn nhỏ nhưng không gợi sự heo hút, buồn vắng mà biểu thị một sắc màu tươi vàng của rau cải vườn nhà. “Xuân về hoa cải nở vàng hoe” một cuộc sống đời thường thanh đạm, quen thuộc, gần gũi. Cuộc sống thật yên bình nơi làng quê thôn dã và đằng sau hình ảnh ngôi nhà, mảnh vườn, bờ giậu ấy thấp thoáng hình ảnh người bà tần tảo, cần cù, chịu thương, chịu khó và đảm đang, tháo vát, gọn gàng,
Cảnh Tết đến xuân về: Tết cổ truyền là ngày Tết quan trọng và ý nghĩa đối với mọi gia đình Việt Nam. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, cái nghèo còn chưa hết nhưng ngày Tết nhà nào cũng có: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Theo đó, hình ảnh ngày Tết cổ truyền trong Tết quê bà của nhà thơ cũng có đầy đủ: Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng/ Cả đêm cuối chạp nướng than hồng/ Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/ Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông. Đó là những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của ngày Tết: gạo nếp, bánh chưng, quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn, cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông. Khung cảnh ngày Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ thật tấp nập, đông vui, ấm cúng, tràn ngập niềm vui và và rực rỡ sắc màu. Khung cảnh rộn rã, đông vui, ấm cúng của ngày Tết tại chính ngôi nhà giản dị, mộc mạc của bà đã gợi ra những niềm vui bình dị nhưng đầy ý nghĩa. Đặc biệt là ngày Tết cổ truyền, mọi thành viên trong gia đình đều được trở về mái nhà bình dị xưa để đoàn viên, cùng nhau làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm mới nhiều sức khoẻ, bình an và may mắn, thuận lợi.
Ngày nay, khi những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc đang dần bị mai một, con người đang chạy theo xu hướng hiện đại thì những giá trị văn hoá nói chung và ngày Tết cổ truyền nói riêng càng đáng quý biết bao.
Đó là nét đẹp văn hoá cổ truyền của dân tộc có từ ngàn đời nay mà nhà thơ muốn nhắc nhở mọi người hãy trân trọng, giữ gìn.
– Phân tích tác dụng một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:
+ Thể thơ bảy chữ, cách ngắt nhịp và gieo vần tự do, không bị gò bó thể hiện cảm xúc của nhà thơ một cách tự nhiên, trôi chảy.
+ Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi dễ dàng đưa ta trở về với những ngôi nhà thân yêu, quen thuộc và trở về với ngày Tết cổ truyền – nét đẹp văn hoá của dân tộc.
+ Biện pháp tu từ liệt kê: “ngôi nhà, mảnh vườn, bờ giậu, gạo nếp, bánh chưng, quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn, cơm tám, dưa hành,… làm cho sự vật, sự việc hiện lên phong phú và đa dạng, cụ thể hơn. Đồng thời làm hiện lên Tết của bà trong kí ức của nhà thơ có đủ đầy những món ăn dân dã trong ngày Tết.
+ Kết hợp các phương thức biểu đạt kể, tả, biểu cảm làm cho nội dung vừa cụ thể vừa lắng sâu.
=> Bài thơ ngắn gọn, có sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung với những hình thức nghệ thuật độc đáo tạo cho bài thơ trọn vẹn về nội dung, nghệ thuật vừa thể hiện được chủ đề tác phẩm lại vừa thể hiện được tài năng, tình cảm của tác giả.
III. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của bài thơ. Cảm xúc của cá nhân hoặc bức thông điệp, lời nhắn gửi tới mọi người.
Phân tích bài thơ Tết quê bà của Đoàn Văn Cừ
Trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Quả thật, thơ Đoàn Văn Cừ là những bức tranh quê bằng chữ nghĩa và âm thanh. Bài thơ “Tết quê bà” của Đoàn Văn Cừ là một bức tranh sinh động về không khí Tết truyền thống ở làng quê Việt Nam, qua đó thể hiện tình cảm sâu nặng với quê hương, gia đình và những giá trị truyền thống. Với những hình ảnh giản dị, gần gũi, bài thơ đã khắc họa nên một không gian Tết ấm cúng, đầy hương vị và tình cảm.
Đoàn Văn Cừ là một nhà thơ có phong cách đặc biệt viết về nông thôn, đặc biệt làng quê Bắc Bộ đã trở thành một phần kí ức trong thơ ông. Tuy viết về những hình ảnh quen thuộc như ngôi nhà, cánh đồng hay một phiên chợ nhưng tất cả những hình ảnh ấy đều khéo léo gắn liền với những nét đẹp văn hoá của làng quê Việt Nam. Sáng tác năm 1941, được đưa vào tập thơ Thôn ca năm 1944, bài thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về hình ảnh ngôi nhà của người bà và Tết cổ truyền của dân tộc. Từ đó, nhà thơ thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó với con người, cảnh vật ngày Tết, đồng thời nhắc khẽ người đọc phải biết trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hoá của dân tộc.
Bà tôi ở một túp nhà tre.
Có một hàng cau chạy trước hè,
Một mảnh vườn bên rào giậu nứa.
Xuân về hoa cải nở vàng hoe.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “Bà tôi ở một túp nhà tre” – dù đơn sơ nhưng ấm áp, là nơi chốn thân thương mà mọi người luôn nhớ về. Đây là một hình ảnh giản dị, mộc mạc nhưng rất đỗi quen thuộc trong ký ức của mỗi người. Hình ảnh “ngôi nhà tre” được làm nổi bật qua chi tiết “Có một hàng cau chạy trước hè” và “Một mảnh vườn bên rào giậu nứa” khiến người đọc hình dung ra khung cảnh ngôi nhà với mảnh vườn, bờ giậu tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ và cuộc sống không bon chen, qua đó thể hiện sự gần gũi, bình dị của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh này không chỉ giới hạn trong không gian vật chất mà còn là nơi chất chứa bao kỷ niệm, tình cảm gia đình, đồng thời gợi lên hình ảnh về một cuộc sống đầm ấm, yên bình nơi làng quê.
Cuộc sống nghèo với mảnh vườn nhỏ nhưng không tạo cảm giác heo hút, buồn vắng mà biểu thị một sắc màu tươi vàng của rau cải vườn nhà. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh “hoa cải nở vàng hoe”, một dấu hiệu đặc trưng của mùa xuân ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Hoa cải vàng không chỉ gợi ra khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn là biểu tượng của sự tươi mới, sự khởi đầu của một năm mới. Không khí rộn ràng, tươi vui của mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi được thể hiện rõ nét qua cảm nhận của tác giả.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
Tết đến cũng là lúc những món ăn truyền thống được người dân tất bật chuẩn bị. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, cái nghèo còn chưa hết nhưng ngày Tết trong truyền thống dân tộc không thể không có: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Theo truyền thống, hình ảnh ngày Tết cổ truyền trong kí ức nhà thơ cũng có đầy đủ: Gạo nếp gói bánh chưng, lò than hồng, quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn, cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông. Ngày Tết được thể hiện với các chi tiết “gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng”, “cả đêm cuối chạp nướng than hồng” – những hình ảnh đặc trưng của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cảnh gói bánh chưng, nướng than hồng vừa thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ trong gia đình, vừa gìn giữ một phần của nghi thức đón Tết, một phong tục đẹp đẽ mà các thế hệ người Việt.
Nối tiếp không khí rộn ràng là những hình ảnh đầy màu sắc và hương vị của Tết: “Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn”. Trang phục với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc luôn gợi nhắc đến không khí ngày Tết. “Tranh gà lợn” có thể hiểu là những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Cuối cùng, những món ăn Tết không thể thiếu được tác giả nhắc đến: “Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông”. Những món ăn đơn giản, quen thuộc nhưng mang đậm hương vị của Tết của phương Đông, bất cứ ai dù đi xa cũng không thể quên được hương vị của ngày Tết quê hương. Qua những hình ảnh này, tác giả đã tái hiện lại một cách chân thực bức tranh ngày Tết, từ đó thể hiện sự gắn bó sâu sắc với những giá trị văn hóa truyền thống. Có thể thấy, khung cảnh ngày Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ thật tấp nập, đông vui, bình dị, tràn ngập niềm vui và và rực rỡ sắc màu. Đặc biệt hơn là khung cảnh rộn rã, đông vui, ấm cúng của ngày Tết tại chính ngôi nhà giản dị, mộc mạc của bà đã gợi ra những niềm vui bình dị nhưng đầy ý nghĩa.
Nội dung thơ được thể hiện rõ nét không thể không chứa đựng những độc đáo về nghệ thuật. Sử dụng thể thơ bảy chữ, cách ngắt nhịp và gieo vần tự do, không bị gò bó đã thể hiện cảm xúc của nhà thơ một cách tự nhiên, trôi chảy. Hệ thống hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi đưa người đọc trở về với những ngôi nhà thân yêu, quen thuộc và trở về với ngày Tết cổ truyền – nét đẹp văn hoá của dân tộc. Kết hợp với biện pháp tu từ liệt kê: “ngôi nhà, mảnh vườn, bờ giậu, gạo nếp, bánh chưng, quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,… làm nổi bật sự vật, sự việc, khiến sự vật, sự việc hiện lên phong phú, đa dạng và cụ thể hơn. Điều này làm khung cảnh Tết của bà trong kí ức của nhà thơ hiện lên đủ đầy với những món ăn dân dã trong ngày Tết. Sự phong phú trong vận dụng các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm làm cho nội dung vừa cụ thể vừa sâu lắng. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung với những hình thức nghệ thuật độc đáo tạo cho bài thơ trọn vẹn về nội dung, nghệ thuật vừa thể hiện được chủ đề tác phẩm lại vừa thể hiện được tài năng, tình cảm của tác giả.
Không đơn thuần chỉ là bức tranh về một cái Tết, “Tết quê bà” còn chứa đựng tình cảm sâu sắc của người cháu dành cho bà. Ngôi nhà của bà vừa là nơi sinh hoạt hàng ngày, vừa là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, nơi mà những ký ức tuổi thơ và tình cảm gia đình luôn hiện hữu. Phong tục gói bánh chưng, nướng than hồng đến những món ăn truyền thống, đều được xây dựng mang đậm dấu ấn của người bà, của những thế hệ đi trước đã truyền lại cho con cháu. Trong dòng hồi tưởng, bài thơ còn phản ánh tình cảm sâu nặng của tác giả dành cho bà và quê hương. Hình ảnh người bà hiện lên thật thân thương, giản dị, là biểu tượng của người giữ gìn những nét đẹp truyền thống của ngày Tết, là biểu tượng của sự gắn bó, yêu thương trong gia đình. Đồng thời, tác giả còn thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn đối với những giá trị truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc qua những dòng thơ đẹp đẽ, bình dị.
Bài thơ “Tết quê bà” của Đoàn Văn Cừ là một bức tranh Tết quê đầy đủ màu sắc, hương vị và tình cảm qua lăng kính đầy hoài niệm của nhà thơ. Bài thơ đã thành công trong việc truyền tải tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả, từ đây người đọc cảm nhận được rõ nét tình cảm lớn lao ấy. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở người đọc về giá trị của những truyền thống tốt đẹp, về tình cảm gia đình mà mỗi người nên trân trọng, giữ gìn.