Khi nhắc đến những tác giả trào phúng của văn học trung đại Việt Nam, không thể không nhắc tới Nguyễn Khuyến. Ông có rất nhiều tác phẩm trào phúng đặc sắc, một trong số đó có “Tiến sĩ giấy”. Dưới đây là bài Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến do Tramvanhoc sưu tầm và biên soạn sẽ làm rõ nội dung của tác phẩm.
Dàn ý Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến
1. Mở bài
– Giới thiệu về Nguyễn Khuyến:
+ Nhà thơ xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam.
+ Bên cạnh những bài thơ bình dị, thân thuộc về cảnh sắc làng quê Việt Nam, Nguyễn Khuyến còn có những bài thơ trào phúng đặc sắc thể hiện thái độ và tâm trạng của mình trước hiện thực đảo điên của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX
– Giới thiệu bài thơ:
– Một bài thơ trào phúng đặc sắc.
– Phê phán những kẻ mang danh tiến sĩ nhưng bất tài, đồng thời là lời tự trào của chính tác giả trước thời cuộc đảo điên cuối thế kỷ XIX.
2. Thân bài
2.1 Nhan đề bài thơ
– Hình ảnh ông tiến sĩ giấy:
+ Một món đồ chơi quen thuộc của trẻ em, biểu trưng cho khát vọng khoa cử.
+“Giấy” vừa chỉ chất liệu, vừa gợi tính chất hư danh, hư vinh.
– Ý nghĩa nhan đề “Tiến sĩ giấy”: Ngụ ý phê phán tính chất giả tạo, tầm thường của học vị tiến sĩ trong bối cảnh Nho học suy tàn.
2.2 Nội dung bài thơ
a. Hai câu đề: Miêu tả khái quát hình ảnh tiến sĩ giấy:
– “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai / Cũng gọi ông nghè có kém ai.”
– Điệp từ “cũng” nhấn mạnh vẻ bề ngoài đầy đủ, giống thật nhưng lại nửa vời, giả tạo.
– Sự mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng qua hình ảnh ông tiến sĩ làm bằng giấy.
b. Hai câu thực: Tả chi tiết hình dáng tiến sĩ giấy:
– “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng / Nét son điểm rõ mặt văn khôi.”
– Nghệ thuật đối:
+ “Mảnh giấy” nhỏ bé đối lập với “thân giáp bảng” cao quý.
+ “Nét son” đơn giản đối lập với “mặt văn khôi” lớn lao.
– Ý nghĩa ẩn dụ: Phản ánh sự tầm thường, giả tạo của khoa cử khi trở thành nơi mua danh bán chức.
c. Hai câu luận: Tâm trạng chua xót của tác giả trước sự mất giá trị của khoa cử:
– “Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ? / Cái giá khoa danh ấy mới hời!”
– Xiêm áo – biểu tượng khoa bảng, nay nhẹ bẫng, rẻ rúng.
– Phê phán thực trạng xã hội: người bất tài, vô đức lại đỗ đạt, trong khi người có thực lực bị xem nhẹ.
d. Hai câu kết: Thái độ đả kích mạnh mẽ của nhà thơ:
– “Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe / Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.”
– Hình ảnh “ghế tréo lọng xanh” ám chỉ kẻ đỗ đạt hư danh, tự cao tự đại.
– Lời kết bất ngờ, lật tẩy sự thật: danh phận khoa cử chỉ là trò chơi vô nghĩa.
2.3 Đánh giá nội dung và nghệ thuật
– Nội dung:
+Phê phán thói hư danh, sự biến chất của khoa cử cuối thế kỷ XIX.
+Là tiếng lòng chua xót của tác giả trước thời cuộc và chính bản thân mình.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ thất ngôn bát cú được vận dụng linh hoạt, chặt chẽ.
+ Sử dụng đối, điệp từ, hình ảnh ẩn dụ tạo tính trào phúng đặc sắc.
3. Kết bài
– Khẳng định giá trị bài thơ:
+ Tái hiện thực trạng xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
+ Gửi gắm suy ngẫm sâu sắc về cái danh, cái thực và trách nhiệm của người học.
– Rút ra bài học cho bản thân: Lời cảnh tỉnh về hư danh và giá trị thực sự của tri thức.
Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Nhà thơ đã để lại nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Thơ ông có nhiều câu đối thể hiện một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, kết hợp tài tình phong cách cổ điển, hàm súc và tính chất bình dị đậm đà. Bên cạnh những bài thơ bình dị, thân thuộc về cảnh sắc làng quê Việt Nam, Nguyễn Khuyến còn có những bài thơ trào phúng đặc sắc thể hiện thái độ và tâm trạng của mình trước hiện thực đảo điên của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Nằm trong chùm thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến, bài thơ Tiến sĩ giấy mượn chuyện vịnh về một thứ đồ chơi của trẻ em, nhà thơ vừa phê phán những kẻ mang danh tiến sĩ nhưng bất tài vô dụng, vừa là lời tự trào của chua chát của chính tác giả, một nho sĩ đang bất lực trước cuộc đời.
Đối tượng được miêu tả trong bài thơ là hình ông tiến sĩ bằng giấy – một thứ đồ chơi quen thuộc của trẻ em thời xưa, giả hình ông tiến sĩ để khơi dậy lòng ham học và ý thức phấn đấu theo con đường khoa cử của trẻ em. Tuy nhiên trong bài thơ, “giấy” không chỉ để gợi tả về chất liệu mà còn khiến người đọc liên tưởng đến tính chất hư vinh. Bởi vậy, đặt tên tác phẩm là “Tiến sĩ giấy”, Nguyễn Khuyến đã ngụ ý phê phán một cách khéo léo tính chất hư danh của học vị tiến sĩ trong thời buổi Hán học đang dần suy tàn.
Hình tượng ông tiến sĩ giấy hiện lên với nét phác họa khái quát nhất qua hai câu thơ đề:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Đối tượng Nguyễn Khuyến miêu tả có “cờ”, có “biển” – tấm gỗ sơn son thếp vàng có khắc bốn chữ “ân tứ vinh danh”, có “cân đai” – khăn bịt tóc để đội mũ và vòng đeo ngang lưng ở ngoài áo chầu. Cờ, biển, cân, đai là những thứ vua ban cho người đỗ tiến sĩ để “vinh quy bái tổ”. Tác giả đã sử dụng điệp từ “cũng” để nhấn mạnh sự đầy đủ bộ lễ của ông tiến sĩ giấy. Nhưng chính từ “cũng” ấy làm nên điều bất ngờ cho toàn bài thơ. Từ “cũng” thể hiện sự nửa vời và bất thường. Tuy ông tiến sĩ giấy giống ông tiến sĩ thật, nhưng đó chỉ ông tiến sĩ làm bằng giấy để tạo thành đồ chơi cho trẻ con. Câu thơ vì thế thoáng chút mỉa mai, châm biếm của tác giả.
Đến với hai câu thực, hình dáng tiến sĩ giấy được khắc họa rõ nét hơn và tính chất nửa vời cùng được tăng lên:
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tiến sĩ giấy ấy chỉ cần vài mảnh giấy là tạo thành hình dáng, chỉ cần vài ba nét son là tạo nên khuôn mặt của một người đứng đầu làng văn. Vậy nhưng hàm ý của Nguyễn Khuyến không dừng ở đó, ẩn sau câu thơ còn là lớp nghĩa ẩn dụ. Tác giả đã sử dụng hai cặp đối lấp “mảnh giấy – thân giáp bảng” và “nét son – mặt văn khôi” nhấn mạnh đến tầm thường của chức vị tiến sĩ trong giai đoạn này. Mảnh giấy, nét son có thể hiểu là bài thi của các ông nghè, phải có bài thi ấy mới trở thành ông tiến sĩ. Song mảnh giấy, nét son ấy cũng có thể là những thứ mua danh tiến sĩ. Tính chất trào phúng được thể hiện ở sự đối lập những thú thật đơn giản, nhỏ bé (mảnh giấy, nét son) với những thứ lớn lao, rất đáng trân trọng (thân giáp bảng, mặt văn khôi). Trong thời hoàng kim của nho học, một người đỗ đạt mang danh thơm về cho cả làng, nó là kết của những năm tháng vất vả dùi mài kinh sử. Miêu tả ông tiến sĩ giấy nhưng thực chất là đang nói đến chuyện khoa cử, chuyện quan tước. Hai cặp đối lập đã nói lên bản chất xấu xa của chế độ thi cử lụi tàn. Trường thi vốn là nơi thiêng liêng, nghiêm trang để tuyển chọn người hiền tài phụng sự đất nước. Nhưng giờ đây trường thi lại bị biến thành thị trường mua bằng, bán chữ và kẻ đỗ đạt là lại là kẻ bất tài. Mảnh giấy lại mang tính ám chỉ cho tiền bạc đút lót, ẩn hiện sau tấm văn bằng.
Trong hai câu thực, cái nhỏ bé tầm thường, tạo ra cái lớn lao, được đặt ở vế trước của câu thì đến hai câu luận, cái lớn lao được đặt ở vế trước, cái nhỏ bé được đặt ở vế sau của câu thơ, nhằm làm bật lên sự rẻ rúng, kém giá trị của những loại tiến sĩ này:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Hai câu thơ cũng thể hiện tâm trạng của tác giả trước sự mất giá trị của khoa cử. Để được ghi danh trên bảng vàng, các nho sĩ đã phải bỏ rất nhiều mồ hôi công sức, bao ngày thức khuya dậy sớm dùi mài kinh sử nhưng đây “tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?”. Thực trạng đất nước lúc bấy giờ với những thay đổi về đường hướng tuyển chọn nhân tài, nạn mua danh bán chức diễn ra phổ biến dẫn đến xuất hiện những kẻ có danh mà không có tài. Hậu quả là những người có tài đức thực sự, những người đỗ đạt bằng chính thực lực của mình lại chỉ bằng, thậm chí là thua những kẻ “tiến sĩ giấy”. Hai câu thơ vừa là sự châm biến mỉa mai thực trạng của xã hội, vừa là lời tự trào chua xót của nhà thơ, cười người nhưng cũng để cười chính mình, để xót xa cho bản thân và cho cả đất nước.
Hai câu thơ kết, tính trào phúng của bài thơ mới thực sự đạt tới đỉnh cao, nó phá tan sự thật thật giả giả ở những sáu câu thơ đầu:
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi
Chúng ta có thể cảm nhận được thái độ đả kích của tác giả với những kẻ nhờ có đồng tiền lo lót mà mua quan bán chức, không chỉ vậy những kẻ đó lại tự hào về cái hư danh của mình mà thích thể hiện, ra oai, không tự thấy hổ thẹn. Hành động “ngồi bảnh chọe” kết hợp với “ghế tréo”, “lọng xanh” càng khắc họa rõ nét hơn hình ảnh những ông tiến sĩ “giấy” kệch cỡm, đáng khinh. Kết lại bài thơ, tác giả Nguyễn Khuyến đã bày tỏ quan điểm của mình một cách trực tiếp: “Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Cách kết thúc bất ngờ, đột ngột nhưng rất tự nhiên ở câu thơ cuối cùng đã tạo nên tính chất trào phúng và giá trị phê phán cho tác phẩm. Cả 7 câu thơ trước đều tập trung miêu tả hình thức của một ông tiến sĩ nhưng đến câu kết tất cả đã được lật tẩy. Cách thể hiện đầy bất ngờ ấy đã tạo nên hai lớp nghĩa cho bài thơ. Mượn việc vịnh một thứ đồ chơi của trẻ con mà châm biếm loại tiến sĩ rởm đồng thời cũng tự trào sự bất lực của mình.
Bài thơ “Tiến sĩ giấy” là một bài thơ chữ Nôm được viết theo thể thơ thất ngôn bát cũ, bài thơ không chỉ thể hiện tài năng của Nguyễn Khuyến, đặc biệt là cách sử dụng nghệ thuật đối mà còn thể hiện nhân cách tốt đẹp của nhà thơ. Bài thơ không chỉ là tiếng nói mỉa mai, châm biếm những “tiến sĩ giấy” bất tài, làm quan vì danh lợi, tiền tài chứ không phải vì đất nước. Đồng thời, bài thơ cũng là lời tự trào của chính Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến cũng là tiến sĩ, ông đã phải cáo quan về quê sống cuộc sống thanh nhàn để giữ trọn khí tiết của nhà nho nhưng vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm giang sơn xã tắc. Ông đã từng bao năm dùi mài kinh sử, từng ôm mộng khoa danh để phò vua giúp đời. Nhưng thời cuộc đã đẩy ông vào tình trạng bất lực. Nhìn thời thế hỗn loạn, chứng kiến bao nhiêu điều ngang tai trái mắt mà không thể làm gì được. Tâm trạng ấy đã khiến Nguyễn Khuyến tự coi mình cũng là một tiến sĩ giấy.
Bài thơ đã tái hiện thực trạng của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX, ở đó những giá trị tốt đẹp của một nền Nho học lâu đời dần trở nên biến tướng, xuống cấp. Bài thơ thể hiện trải nghiệm thấm thía về cái nhố nhăng của thời cuộc cùng sự bất lực của con người nhà nho trước những đòi hỏi mới của đất nước. Bên cạnh đó bài thơ cũng mang đến cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về cái danh và cái thực, về ý thức của người có học. Sống ở trên đời không nên coi trọng hư danh. Người có học phải ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình trước cuộc đời.
>>> Tham khảo: Hướng dẫn phân tích đánh giá một tác phẩm thơ chi tiết