Không chỉ là một nhạc sĩ, Văn Cao còn hóa thân thành một họa sĩ, một nhà văn, một nhà thơ tài hoa với các sáng tác làm điên đảo tâm hồn những người yêu thích thơ ca và văn chương thời bấy giờ. Bài thơ Trôi của nhà thơ cũng chính là một trong những sáng tác làm nổi bật lên cái tài cùng một tâm hồn đa cảm, lặng lẽ chứa đựng như cơn sóng rập rìu ấy. Dưới đây Tramvanhoc mang đến bài Phân tích bài thơ Trôi của Văn Cao giúp các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm.
Phân tích bài thơ Trôi của Văn Cao
Nói đến Văn Cao, người ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ đại tài của nền văn học nước nhà. Ông là tác giả của Tiến quân ca- Quốc ca của Việt Nam, đồng thời cũng là những nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng nhất của nền âm nhạc Việt Nam giai đoạn mới. Ngoài ra, ông còn là một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ, một nhà văn, một nhà họa sĩ với nhiều tác phẩm giá trị. Tuy rằng thơ không phải lĩnh vực xuất sắc nhất của Văn Cao, nhưng chính thơ đã làm nổi bật lên sự đa tài và tâm hồn đa cảm của ông. Sự tự nhận thức về những giá trị cuộc đời của ông được thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Trôi”.
Mở đầu bài thơ, Văn Cao đã tái hiện những hình ảnh thường ngày trong cuộc sống, cùng những quy luật tất yếu của tự nhiên:
Tôi thả con thuyền giấy
con thuyền giấy trôi.
Tôi thả một bông hoa
bông hoa trôi.
Tôi thả một chiếc lá
chiếc lá trôi.
Con thuyền, bông hoa, chiếc lá, đều thuận theo tự nhiên, sẽ trôi nếu được điều kiện ngoại cảnh là dòng nước tác động. Như một quy luật của tạo hóa, nếu biết níu giữ, thì cây lá sẽ ở lại, nếu buông tay, thì mọi thứ sẽ trôi đi. Chính bởi lẽ đó, nhân vật trữ tình đã nuôi hy vọng níu giữ được thứ tình cảm mỏng manh bằng cách níu chặt lấy. Nhưng đáng tiếc thay, tình cảm con người lại đứng ngoài quy luật của tự nhiên: càng níu giữ, càng dễ mất. Vì rồi ai cũng phải trở về cuối bến cuộc đời, chứ nào ai có thể sống mãi với thời gian:
Tôi giữ chặt em
em vẫn trôi…
Cuộc sống là vậy. Mọi thứ rồi đều trở về với cát bụi, cũng đều chảy trôi theo thời gian về cõi hư vô. Thân phận con người chỉ là một lá bèo trôi lênh đênh vô định trong dòng cuốn của cuộc đời, là con thuyền trôi dạt trên đại dương mênh mông không thấy bến đậu. Cái số phận ấy của con người được Văn Cao kết tinh và thú nhận trong thơ của mình với tâm trạng đầy tiếc nuối. Cuộc đời thì ngắn, vậy thì, “nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ sao ta không sống thật sâu?”
Đọc “Trôi” của Văn Cao. ta thấy sự tự nhân thức về quy luật muôn đời của tạo hóa, rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi. Đây cũng là lời nhắc nhở mỗi người hãy sống cho thật ý nghĩa, sống hết mình để sau này không có gì phải tiếc nuối.