Có lẽ vì thế mà lời ru, câu hát từ lâu đã trở thành chất liệu quen thuộc trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Cùng từ những lời ru con âu yếm, nhà thơ Trương Nam Hương đã viết tác phẩm Trong lời mẹ hát – một tác phẩm xúc động về tình mẫu tử. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc, lòng biết ơn đối với mẹ và tình yêu quê hương, đất nước mẹ đã truyền dạy cho con. Cùng Trạm Văn học tìm hiểu thêm qua bài phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương
Dàn ý phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương
1.Mở bài
– Nói về lời hát ru để giới thiệu tác phẩm:
+ Lời ru là một thứ quen thuộc, gần gũi với mỗi cuộc đời con người.
+ Lời ru là chất liệu quen thuộc trong thơ ca Việt Nam, đặc biệt là ở đề tài tình mẫu tử.
– Giới thiệu khái quát tác phẩm: bài thơ cảm động về tình mẫu tử, thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc, lòng biết ơn đối với mẹ và tình yêu quê hương, đất nước mẹ đã truyền dạy cho con.
2. Thân bài
2.1 Khái quát về tác giả, tác phẩm
*Tác giả Trương Nam Hương:
– Sinh năm 1963,
– Ông là một nhà thơ tài ba, thơ ông đem cho người đọc một tâm hồn sâu sắc, đa âm, đa sắc.
– Sáng tác của nhà thơ Trương Nam Hương có sự khai thác chất liệu ca dao và văn hóa truyền, dịu dàng tinh tế trong ngôn ngữ trữ tình.
– Thơ ông mang theo hơi thở của một người con hiếu thảo, nặng tình nặng nghĩa, một người hoài niệm, trân trọng kí ức, người biết thưởng thức cảnh đẹp không chỉ trong con người mà còn ở thiên nhiên trong quê hương đất nước.
*Tác phẩm
– In trong “Ban mai xanh” NXB Đồng Nai, 1994.
– Thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn của người con trước những vất vả, hi sinh thầm lặng mà mẹ đã dành cho con.
2.2 Nội dung
Phân tích: Phân tích theo bố cục 3 phần của bài thơ
* Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên sinh động qua lời hát ru ngọt ngào, thiết tha của mẹ.
– Nghệ thuật đảo ngữ “Chòng chành nhịp võng ca dao” gợi tả hình ảnh người mẹ đưa võng ru con, đồng thời gợi tả âm điệu trầm bổng của những câu ca dao mẹ ru con.
– “Tuổi thơ trở đầy cổ tích” =>Con được lớn lên trong thế giới mộng mơ, thần kỳ của những câu chuyện cổ tích.
– Quê hương đất nước qua lời ru của mẹ thật gần gũi và bình yên: Cánh cò trắng, dải đồng xanh, màu vàng hoa mướp, “Con gà cục tác lá chanh”.
=> Nhờ có lời ru của mẹ mà người con biết yêu quý, trân trọng những gì giản dị, thân thương ấy và chính những điều giản dị ấy đã xây đắp cho người con ký ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng.
* Phần 2 (năm khổ thơ tiếp): Hình ảnh người mẹ từ lúc còn trẻ đến lúc tóc bạc trong tình cảm thương yêu lẫn xót xa của con.
– Nhà thơ khắc họa hình ảnh người mẹ hiền lành của mình ngày càng già đi theo thời gian; trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của người con.
+ Hình ảnh ẩn dụ “Vầng trăng mẹ thời con gái” => Mẹ hiện lên với vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng của thời con gái.
+ Giã gạo ru con => Tần tảo, chịu thương chịu khó.
+ Áo bạc phơ bạc phếch/ Vải nâu bục mối chỉ sờn => Giản dị, vất vả, lam lũ.
+ Phép nhân hóa “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao” và ẩn dụ “Lưng mẹ còng dần xuống”=>Dấu vết của thời gian đã hằn rõ trên cơ thể mẹ, sự vất vả, lo toan, những hi sinh thầm lặng của mẹ đã hiện rõ => Sự xót xa, bàng hoàng của người con khi nhận ra sự thay đổi của người mẹ, đồng thời là sự biết ơn sâu đậm người con dành cho mẹ.
– Điệp ngữ “con nghe” tạo âm hưởng ngân nga, vang vọng như nhịp võng đong đưa vừa như thể người con tự nhắn nhủ với chính mình và gửi thông điệp đến mỗi người về những vất vả, lo toan cùng những hi sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng ta.
– Khóm trúc, lùm tre huyện thoại/ Lời ru vấn vít dây trầu: mẹ nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những trang sử hào hùng của dân tộc và những giá trị nhân văn trong những câu chuyện cổ tích (truyền thuyết Thánh Gióng, Sự tích trầu cau) => Vun đắp cho con lòng yêu nước và lối sống tình nghĩa.
* Phần 3 (khổ thổ cuối): Ý nghĩa, vai trò của những lời hát ru, chắp cánh cho con bay xa, trưởng thành.
– Phép tu từ nhân hóa: “Lời ru chắp con đôi cánh” => thể hiện vai trò của lời hát ru đối với người con, mỗi đứa trẻ. Lời hát ru ấy sẽ ngấm sâu vào trong tâm hồn người con và được người con mang theo suốt cuộc đời, là hành trang giúp con vững bước trên đường đời.
2.3 Nghệ thuật
– Thể thơ sáu tiếng, gieo vần cách, cách ngắt nhịp chẵn, chủ yếu là nhịp 2/4 đều đặn gợi cảm giác giống như nhịp võng đong đưa.
– Giọng thơ yêu thương, tha thiết xen lẫn xót xa.
– Sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng phong phú.
– Sử dụng hình ảnh gần gũi và những chất liệu văn hóa văn học dân gian.
– Sử dụng nhiều biện pháp tu từ (nhân hóa, ẩn dụ, liệt kê,…) làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho bài thơ.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của bài thơ.
– Nêu thông điệp của bài thơ:
+ Yêu thương và trân trọng người mẹ cũng như những người thân yêu trong gia đình.
+ Ghi nhớ công ơn nuôi dưỡng và giáo dục của cha mẹ.
+ Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa – hát ru.
Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương
“Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
…
Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông”.
Trong bài thơ Lời ru của mẹ của tác giả Xuân Quỳnh, lời ru đã theo nhân vật trữ tình từ khi ra đời đến khi lớn khôn, lời ru ngọt ngào, êm đềm ấy luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường. Giống như người con trong bài thơ của Xuân Quỳnh, mỗi người từ khi sinh ra đã được nghe những lời ru ấy, những câu hát ấy không chỉ chứa đựng tình yêu thương của bà, của mẹ mà còn chứa đựng những bài học quý giá mà những người bà, người mẹ muốn gửi gắm cho người con, người cháu. Có lẽ vì thế mà lời ru, câu hát từ lâu đã trở thành chất liệu quen thuộc trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Cùng từ những lời ru con âu yếm, nhà thơ Trương Nam Hương đã viết tác phẩm Trong lời mẹ hát – một tác phẩm xúc động về tình mẫu tử. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc, lòng biết ơn đối với mẹ và tình yêu quê hương, đất nước mẹ đã truyền dạy cho con.
Nhà thơ Trương Nam Hương sinh năm 1963, ông là một nhà thơ tài ba, thơ ông đem cho người đọc một tâm hồn sâu sắc, đa âm, đa sắc. Sáng tác của nhà thơ Trương Nam Hương có sự khai thác chất liệu ca dao và văn hóa truyền, dịu dàng tinh tế trong ngôn ngữ trữ tình. Với những từ ngữ giản đơn, bình dị, không cầu kì, phức tạp về thi pháp, mà đơn giản, tự do, giàu cảm xúc về khát vọng thể hiện tình yêu với gia đình. thơ ông mang theo hơi thở của một người con hiếu thảo, nặng tình nặng nghĩa, một người hoài niệm, trân trọng kí ức, người biết thưởng thức cảnh đẹp không chỉ trong con người mà còn ở thiên nhiên trong quê hương đất nước. Bài thơ Trong lời mẹ hát, in trong Ban mai xanh xuất bản năm 1994, đã thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn của người con trước những vất vả, hi sinh thầm lặng mà mẹ đã dành cho con.
Bài thơ có tám khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu, mỗi câu có sáu chữ và có thể được chia thành ba phần. Phần thứ nhất gồm hai khổ thơ đầu – qua lời ru của mẹ, hình ảnh quê hương đất nước hiện lên sinh động và tươi đẹp. Phần thứ hai gồm năm khổ thơ tiếp đã tái hiện hình ảnh người mẹ từ lúc còn trẻ đến lúc tóc bạc trong tình cảm thương yêu lẫn xót xa của con. Khổ thơ thứ tám cũng là khổ thở cuối cùng của bài thơ, bốn câu thơ đã nêu lên ý nghĩa, vai trò to lớn của những lời hát ru của mẹ, những lời ru ấy đã chắp cánh cho con bay xa, trưởng thành. Với cấu tứ này Trương Nam Hương đã gợi tả sự lớn dần của nhân vật con, từ khi con còn bé đến lúc trưởng thành song hành với dấu ấn thời gian trong cuộc đời mẹ. Bố cục của bài thơ không chỉ thể hiện được sự thấu hiểu và biết ơn của người con với mẹ mà còn vang lên như một khúc ca thiêng liêng, đầy ấm áp, ngọt ngào, say đắm về tình mẫu tử.
Trong khổ thơ mở đầu, qua lời ru của mẹ, hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên thật gần gũi, quen thuộc:
“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao.
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.
Lời ru của mẹ chứa đựng biết bao câu chuyện cổ tích, ngọt ngào như dòng sông để đưa con đi cùng đất nước thân thương, đẹp tươi và bình dị. Nghệ thuật đảo ngữ “Chòng chành nhịp võng ca dao” gợi tả hình ảnh người mẹ đưa võng ru con, đồng thời gợi tả âm điệu trầm bổng của những câu ca dao mẹ ru con. Mẹ không chỉ nuôi bằng dòng sữa ngọt ngào mà còn nuôi dưỡng cho con một tâm hồn tươi đẹp, phong phú. Con được lớn lên trong thế giới mộng mơ, thần kỳ của những câu chuyện cổ tích, được đắm chìm trong những câu ca dao yêu thương, tình nghĩa nhờ đó con lớn lên biết được cội nguồn, thấu hiểu lẽ đời.
Trong lời ru của mẹ, người con bắt gặp biết bao hình ảnh thân thương, gần gũi của đồng ruộng, thôn quê. Hình ảnh cánh cò đã đi bay qua biết bao lời hát ru, từ Con cò của Chế Lan Viên:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:”
Đến Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy:
“Cái cò, sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Và cánh cò quen thuộc ấy cũng bay giờ những lời thơ của tác giả Trương Nam Hương: “Con gặp trong lời mẹ hát/ Cánh cò trắng, dải đồng xanh”. Không chỉ có cánh cò trắng sải cánh trên những cánh đồng xanh mà còn có giàn hoa mướp vàng và đàn gà cục tác trong sân vườn. Nhờ có lời ru của mẹ mà người con biết yêu quý, trân trọng những gì giản dị, thân thương ấy và chính những điều giản dị ấy đã xây đắp cho người con ký ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng.
Phần thứ hai, nhà thơ khắc họa hình ảnh người mẹ hiền lành của mình ngày càng già đi theo thời gian; trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của người con. Bắt đầu là hình ảnh ẩn dụ “Vầng trăng mẹ thời con gái”, mẹ hiện về trong trí tưởng tượng của người con với vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng của thời con gái. Tiếp theo là hình ảnh mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó vừa giã gạo vừa ru con. Và mẹ cũng vô cùng vất vả, lam lũ “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch/ Vải nâu bục mối chỉ sờn”. Cuối cùng là hình ảnh mẹ hiện lên với chiếc lưng còng và mái đầu bạc trắng. Phép nhân hóa “Thời gian chạy qua tóc mẹ” và hình ảnh ẩn dụ “Lưng mẹ còng dần xuống” gợi lên bao vất vả, lo toan của mẹ, những gánh nặng cuộc đời, gánh nặng thời gian in hằn trên mái tóc, trên lưng mẹ nhưng lời ru của mẹ vẫn ngọt ngò, thảo thơm gửi gắm tất cả những lời tốt đẹp vào lời ru con. Điệp ngữ “con nghe” tạo âm hưởng ngân nga, vang vọng như nhịp võng đong đưa vừa như thể người con tự nhắn nhủ với chính mình và gửi thông điệp đến mỗi người về những vất vả, lo toan cùng những hi sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng ta.
Cùng với hành trình cuộc đời, lời ru của mẹ đã bồi dưỡng tâm hồn con không chỉ là những sắc màu tươi đẹp của cuộc sống mà còn cả những huyền thoại mở ra những trang sử hào hùng của dân tộc với hình ảnh cây tre của làng Phù Đổng, gợi nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng – người anh hùng giúp vua đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ giang sơn, bờ cõi cho nhân dân; các giá trị nhân văn “vấn vít dây trầu” để nhắc nhở tình yêu thương trong “Sự tích trầu cau”. Lời ru của mẹ không chỉ cho con biết về một đất nước anh hùng, nhân ái mà con vun đắp cho con lòng yêu nước và lối sống tình nghĩa. Đặc biệt, hiện lên trong đoạn thơ này là nỗi niềm thương xót cho cuộc đời vất vả, khó nhọc vì con của mẹ trong mắt người con. Nhà thơ đã dùng những từ ngữ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của mình: lạy trời đừng giông bão, thương mẹ, nôn nao,…. Những câu thơ, từ ngữ ấy đã bộc lộ tình yêu thương sâu sắc, lòng biết ơn đối với mẹ.
Kết thúc bài thơ là lời khẳng định về vai trò, ý nghĩa của lời ru mẹ hát và cũng chính là vai trò lớn lao của mẹ trong cuộc đời con:
Mẹ ơi, trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
Từ sự yêu thương và thấu hiểu về mẹ, nhà thơ đã nhận ra đời mẹ, tình mẹ, mong ước của mẹ “trong lời mẹ hát”. Chẳng những thế người con còn nhận ra ý nghĩa của những lời ru của mẹ “Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa”. Ở đây ta thấy nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất tinh tế để tạo nên một hình ảnh rất cụ thể: “Lời ru chắp con đôi cánh” nhằm thể hiện vai trò của lời hát ru đối với người con, mỗi đứa trẻ. Lời hát ru ấy sẽ ngấm sâu vào trong tâm hồn người con và được người con mang theo suốt cuộc đời. Nó là động lực, sức mạnh để người con vững tin bước vào cuộc sống.
Bài thơ Trong lời mẹ hát được viết theo thể thơ sáu tiếng, gieo vần cách, cách ngắt nhịp chẵn, chủ yếu là nhịp 2/4 đều đặn gợi cảm giác giống như nhịp võng đong đưa, giọng thơ yêu thương, tha thiết xen lẫn xót xa. Trong bài thơ, nhà thơ Trương Nam Hương sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng phong phú, có cả từ tượng thanh (thập thình) hay những từ tượng hình (chòng chành, vất vít, dập dờn). Nhà thơ cũng sử dụng hình ảnh gần gũi và những chất liệu văn hóa văn học dân gian. Qua đó, nhà thơ làm nổi bật hình ảnh người mẹ hiền hậu, tần tào, lam lũ, người mẹ giàu lòng yêu thương và đức hi sinh. Tình cảm của mẹ dành cho người con là vô cùng to lớn, vĩ đại, tình cảm ấy chính là hành trang vững chắc để con vững bước trên đường đời. Bài thơ cũng thể hiện sự yêu thương, trân trọng và biết ơn sâu sắc với tình cảm mẹ dành cho mình, với những vất vả, hi sinh thầm lặng của cuộc đời mẹ để cho con được lớn khôn, nên người.
Tác phẩm Trong lời mẹ hát của nhà thơ Trương Nam Hương là một khúc ca xúc động về tình mẫu tử, bài thơ đã góp phần vào làm phong phú thêm cho thơ ca Việt Nam viết về tình mẹ, đồng thời bài thơ cũng giống như nơi lưu giữ một nét đẹp văn hóa của Việt – tiếng hát ru con. Qua bài thơ, tác giả gửi gắm đến độc giả những thông điệp ý nghĩa. Đó là hãy biết yêu thương và trân trọng người mẹ nói riêng và những người thân trong gia đình nói chung. Hãy luôn ghi nhớ công ơn nuôi dưỡng và giáo dục của cha mẹ. Và cuối cùng là một thông điệp về văn hóa, lời hát ru con là một nét văn hóa rất đẹp, hãy giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa ấy.