Phân tích bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương ngắn gọn

Đề bài: Phân tích bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương

Dàn ý phân tích bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương:

+ Một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX.

+ Sáng tác thơ bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.

+ Thơ của Hồ Xuân Hương thường đề cao, bênh vực người phụ nữ và châm biếm, đả kích cái xấu, cái ác, trong xã hội bằng một phong cách nghệ thuật rất độc đáo.

– Giới thiệu bài thơ Tự tình (bài II):

+ Nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương.

+ Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước tỉnh cảnh cô đơn, le loi và khao khát sống hạnh phúc.

+ Bài thơ cho thấy tài năng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương.

2. Thân bài

2.1 Nội dung

*Hai câu đầu: Khái quát không gian, thời gian làm nên cho tâm trạng.

– Thời gian: đêm khuya

– Không gian: trống trải, văng vẳng tiếng trống cầm canh

=> Khung cảnh buồn và vắng lặng, tịch liêu.

– Đảo ngữ “trơ” cái hồng nhan.

– Đối “cái hồng nhan” – “nước non”: cái cá thể trơ trọi, nhỏ bé >< cái rộng lớn, vô cùng, vô tận.

=> Nhấn mạnh nối niềm trơ trọi, trống vắng, cô đơn đến tận cùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

* Câu 3 – 4: Tâm trạng buồn bã, bế tắc.

– Tìm đến rượu để giải thoát khỏi nỗi cô đơn nhưng hương rượu lại càng làm cho tỉnh táo.

– Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn:

+ Vầng trăng khuyết: khiến liên tưởng đến tình duyên lỡ làng của người phụ nữ, liên tưởng đến hạnh phúc không trọn vẹn.

+ Vầng trăng bóng xế: tuổi tác, thời xuân sắc đã qua đi nhưng duyên tình như trăng khuyết, khao khát mãi nhưng chưa một lần tròn đầy.

* Câu 5 – 6: Khao khát thoát khỏi cảnh cô đơn, lẻ loi, thoát khỏi số phận éo le, trắc trở

– Nhịp thơ nhanh, mạnh, ý thơ vút lên.

– Nghệ thuật đối: xiên ngang, đâm toạc (động từ mạnh)

=> Thể hiện tâm trạng bị dồn nén, muốn phá vỡ, muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn, chán chường.

* Hai câu thơ cuối: Sự bất lực trước thực tại phũ phàng

– Nhịp thơ chùng xuống như tiếng thở dài của thi sĩ. “Ngán mỗi xuân đi xuân lại lại” =>Bất lực trước quy luật của thời gian.

– Các từ: mảnh, tí, con con => những từ chỉ sự nhỏ bé, ít ỏi => Tình duyên không trọn vẹn

2.2 Nghệ thuật

– Bài thơ tuân thủ niêm, luật nhưng đã thoát khỏi cái khuôn sáo của thơ Đường luật.

– Giọng thơ, hồn thơ đã đổi mới, đổi mới trong việc dùng từ, trong mô tả cảnh vật và cảm xúc.

– Nhà thơ sử dụng nhiều từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc; sử dụng linh hoạt nghệ thuật tu từ (Đối, đảo ngữ,…)

3. Kết bài

– Khẳng định lại nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Khẳng định tài năng của nhà thơ Hồ Xuân Hương.

Phân tích bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương

Phân tích bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX. Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Hồ Xuân Hương sáng tác thơ bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Nổi bật trong sáng tác thơ Nôm của bà là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ. Tự tình (bài II) nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Đồng thời bài thơ cũng cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương,
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!

Từ nội dung của bài thơ, có lẽ Tự tình (bài II) được sáng tác trong giai đoạn nhà thơ Hồ Xuân Hương đã trải qua quá nhiều sóng gió của cuộc sống hôn nhân. Hai câu thơ đầu, nhà thơ đã dựng nên một bức phông nền vô cùng tĩnh lặng và hoang vắng, cô liêu. Thời gian là “đêm khuya”, là một trong bao đêm thức trắng của nhân vật trữ tình thao thức, trăn trở cho thân phận mình. Đêm khuya thanh vắng là lúc con người dễ cảm thấy cô đơn và đó cũng là lúc con người đối diện với chính mình, để tự vấn, để xót thương cho số phận hẩm hiu của mình. Không gian: trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh. “Trống canh dồn” gợi vẻ tĩnh lặng của không gian và sự trôi chảy của thời gian. Thời gian và không gian hòa thành một khung cảnh vô cùng tịch liêu khiến người nghe mênh mang nỗi sầu, gợi biết bao nỗi niềm cay đắng. Giữa khung cảnh vắng lặng, trống vắng ấy xuất hiện hình ảnh nhỏ nhoi đến cô độc “trơ cái hồng nhan”. Trong một câu thơ, thi sĩ sử dụng đến đến hai nghệ thuật tu từ. Nghệ thuật đảo ngữ đưa tính từ “trơ” lên đầu câu và nghệ thuật đối “cái hồng nhan” – “nước non” (cái cá thể trơ trọi trước cái vô cùng, vô tận) hai yếu tố nghệ thuật trên hô ứng với nhau nhằm nhấn mạnh nỗi niềm trơ trọi, trống không, cô đơn đến tận cùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Hai câu thơ tiếp theo trực tiếp thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Đó là tâm trạng buồn thương, bế tắc. Nhân vật trữ tình tìm đến rượu để giải thoát mình khỏi nỗi cô đơn. Nhưng càng uống lại càng thấy tỉnh. Tỉnh và nhận ra thực tại chua xót, phũ phàng: hạnh phúc không trọn vẹn. Hình ảnh “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” thể hiện nỗi cay đắng. Nó khiến người ta liên tưởng đến cảnh ngộ của người phụ nữ bị rơi vào cảnh ngộ duyên phận lỡ làng. Cụm từ “Vầng trăng bóng xế” còn giống như lời than của nhân vật trữ tình về tuổi tác của mình, đã qua rồi cái thời xuân sắc nhưng duyên tình vẫn như vầng trăng khuyết, khao khát một hạnh phúc tròn đầy nhưng vẫn chưa được. Có thể thấy được tài năng của Xuân Hương khi không mô tả nỗi đau về tuổi lỡ thời nhưng người đọc vẫn cảm nhân được nỗi đau xót ấy.

Nếu như bốn câu thơ đầu, nhịp thơ chậm và buồn thì đến hai câu thơ 5 – 6, nhịp thơ đột ngột trở nên nhanh mạnh, tứ thơ vút lên. Hai câu thơ thể hiện cái tôi độc đáo, mạnh mẽ của nữ sĩ Xuân Hương. Nghệ thuật đảo ngữ tiếp tục được sử dụng linh hoạt, những động từ mạnh (xiên ngang, đâm toạc) được đặt lên đầu câu. Trong thơ xưa, rêu thường được miêu tả là rêu lan, rêu phong, đó là hình ảnh vốn mềm yếu. Núi cũng thường được khắc họa với dáng núi cheo leo, trập trùng trong tư thế tĩnh lặng. Ở Hồ Xuân Hương thì khác, bà đã miêu tả rêu với một tư thế tấn công “xiên ngang mặt đất”, đã khắc họa núi trong một động tác phá hủy “đâm toạc chân mây”. Đó không phải là những hình của ngoại cảnh, mà là hình ảnh của tâm trạng, một tâm trạng bị dồn nén, muốn phá bỏ, muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn, chán chường. Hai câu thơ đã thể hiện những khát vọng vượt thoát khỏi tình cảnh cô đơn, lẻ loi, thoát ra cái số phận éo le của nhân vật trữ tình.

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Mạnh mẽ, táo bạo là vậy, thế nhưng đến hai câu thơ cuối nhịp thơ lại trở về với sự chậm rãi và buồn bã, câu thơ trùng xuống như tâm trạng của nhân vật trữ tình:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!

Dường như mọi cố gắng đều vô ích. Thực tại buồn bã, cô đơn ấy không thể thay đổi. Quy luật của thời gian cũng ấy. Thời gian vô tình cứ trôi chảy, xuân của tự nhiên qua đi rồi trở lại nhưng xuân của người thì không. Mùa xuân của đất trời sẽ còn quay lại nhưng tuổi xuân của người con gái thì cứ lặng lẽ trôi đi, cái tươi trẻ của thời xuân sắc cũng dần phôi pha theo năm tháng. Thời gian của đời người ngắn ngủi, khao khát một tình duyên trọn vẹn mà chẳng thành, đã vậy mảnh tình duyên nhỏ bé lại chẳng được giữ làm của riêng. Nhà thơ đã dùng từ mảnh tình để nói cái tình bé như một mảnh vỡ. Thế nhưng mảnh tình ấy cũng không giữ nguyên vẹn được lại cứ phải san sẻ để chỉ còn lại “tí, con, con”. Câu thơ khắc họa tâm trạng ngao ngán, chán chường xuất phát từ sự không phù hợp giữa khát vọng tình yêu nồng thắm, son sắt với hiện thực lẽ mọn, hẩm hiu, lệ thuộc của nhân vật trữ tình và cũng là của nhà thơ.

Tác phẩm Tự tình mặc dù vẫn được viết theo những niêm, luật của thơ Đường luật nhưng đã thoát khỏi cái khuôn sáo của loại thơ ấy. Giọng thơ, hồn thơ đã đổi mới, đổi mới trong việc dùng từ, trong mô tả cảnh vật, trong cảm xúc thẩm mỹ. Nhà thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu sử dụng các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh (các động từ chỉ tình thái: dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc..; các tính từ chỉ trạng thái: say, tỉnh, khuyết tròn…) để diễn tả những cảm nhận về sự đời và số phận. Các yếu tố nghệ thuật ấy đã giúp nhà thơ khắc họa thành công tâm trạng buồn tủi, chua chát, xót xa và thái độ phản kháng phẫn uất trước duyên phận éo le, trắc trở của một người phụ nữ nhưng rồi lại phải ngán ngẩm, bất lực trước thành trì kiên cố của những quan niệm phong kiến về người phụ nữ.

Bài thơ Tự tình (bài II) khắc họa tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương. Bài thơ cũng cho thấy tài năng thơ Nôm của nữ sĩ: thơ Đường luật viết bằng tiếng Việt, cách dùng từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo mà tinh tế. Tự tình cùng với các sáng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đã giúp bà được giới nghiên cứu đánh giá là có tư duy nghệ thuật đạt đến mức hiện đại. Đọc các tác phẩm của Xuân Hương, không ít người cảm thấy ngạc nhiên, thích thú, trong số đó có nhà thơ Bulgaria, B. Dimitrova: “Là một trong những hiện tượng độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam, mà ở trong toàn bộ cái nguồn thơ mà tôi được biết của nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại. Đó là nữ sĩ với cái tên Hương mùa Xuân. Khi tôi truyền cái độc đáo trong thơ, thì bạn bè của tôi đã dừng lại trước cái tên này với sự ngạc nhiên cao độ…”