Đề bài: Hãy viết bài văn phân tích bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều.
Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Dàn ý phân tích bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều
Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.
– Giới thiệu vị trí đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều: Sau khi Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, chàng từ biệt nàng Kiều để về báo với vợ cả Hoạn Thư rằng mình đã cưới vợ lẽ.
– Nêu vấn đề cần phân tích: bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong đoạn trích.
Thân bài
– Giải thích bút pháp tả cảnh ngụ tình:
+ Đó là việc miêu tả bức tranh thiên nhiên, cuộc sống để bộc lộ tâm trạng của con người.
+ Tác dụng: Phản ánh, thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm của con người.
– Phân tích nghệ thuật sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích:
+ Bốn câu đầu: hình ảnh kẻ ở người đi trong khung cảnh chia tay: từ ngữ miêu tả hành động (lên ngựa, chia bào, nhuộm), hình ảnh (rừng phong, màu quan san, dặm hồng, mấy ngàn dâu xanh), thời gian (mùa thu), không gian (rừng phong, con đường, không gian rộng mênh mông…).
=> Thể hiện sự lưu luyến trước lúc chia tay.
+ Bốn câu sau: Nỗi cô đơn của 2 người: phép đối lập (người về, kẻ đi), chốn không gian, thời gian, bức tranh thiên nhiên nơi đó.
=> cô đơn, đau đớn bởi hạnh phúc bị chia cắt.
Kết bài
Khái quát về chủ đề, cảm hứng chủ đạo của đoạn trích.
Phân tích bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều
Ngoài Kim Trọng, người mà Kiều thật sự yêu thương và kính trọng nhất, ngoài Từ Hải anh hùng cứu vớt đời Kiều thì còn có chàng Thúc Sinh. Tuy rằng chàng Thúc đã có vợ nhưng chính chàng đã có công cứu vớt Kiều ra khỏi lầu xanh. Nhưng thật không may khi cuộc tình ấy cũng đến lúc phải chia đôi vì hoàn cảnh không thể cho phép. Sự chia ly quyến luyến ấy được nhà thơ Nguyễn Du thể hiện rất rõ qua đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều với bút pháp tả cảnh ngụ tình thật đặc sắc.
Trong tác phẩm, bên cạnh việc miêu tả trực tiếp hành động, lời nói, cảm xúc… của nhân vật, các tác giả còn sử dụng lối miêu tả gián tiếp, thông qua việc tái hiện bức tranh thiên nhiên, cuộc sống…. để bộc lộ tâm trạng của con người. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, thiên nhiên không chỉ là đối tượng thẩm mĩ mà còn là phương tiện để phản ánh, thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm của con người. Những bức tranh tả cảnh ngụ tình trong tác phẩm văn học làm cho thế giới nghệ thuật hiện lên vừa cụ thể, sinh động, vừa hàm súc, giàu ý nghĩa.
Nghệ thuật sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích được thể hiện qua đoạn trích qua những hình ảnh:
Hình ảnh người đi, kẻ ở trong khung cảnh cuộc chia tay (bốn câu đầu); Chú ý biện pháp nghệ thuật đối, sự di chuyển điểm nhìn vào ánh mắt của người ở lại, từ ngữ miêu tả hành động (lên ngựa, chia bào, nhuộm), hình ảnh (rừng phong, màu quan san, dặm hồng, mấy ngàn dâu xanh), thời gian (mùa thu), không gian (rừng phong, con đường, không gian rộng mênh mông…). Từ đó thấy được khung cảnh của cuộc chia tay hiện ra trên nền cảnh cụ thể, hình ảnh của người đi, kẻ ở; cảm nhận được sự lưu luyến, nổi buồn của chia li xa cách như nhuộm vào thiên nhiên, nhuộm vào lòng người tạo thành một màu sắc đặc biệt – màu của chia phôi, xa cách, nhớ thương – màu quan san, ánh mắt dõi theo và cảm giác người đi như đi mãi vào nơi dặm hồng bụi cuốn của cuộc đời, mấy ngàn dâu xanh gợi ấn tượng về sự tang thương dâu bể, vật đổi sao dời. Khoảnh khắc chia tay vừa diễn ra mà người ở lại cảm thấy như cả một dằng dặc thời gian và bao nhiêu biến suy, dời đổi, bể xanh thành nương dâu đã diễn ra…
Đến bốn câu kết, nỗi cô đơn của người về, kẻ đi và nỗi đau của vầng trăng hạnh phúc bị ai xẻ làm đôi. Chú ý phép đối (người về, kẻ đi; chiếc bóng năm canh; muôn dặm một mình xa xôi; nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường); hình ảnh về thời gian (chiếc bóng năm canh); hình ảnh về không gian (chiếc bóng năm canh, muôn dặm một mình xa xôi, gối chiếc, dặm trường) – không gian của người ở lại – chốn khuê phòng, không gian của người ra đi – chốn dặm trường; phép đảo ngữ (muôn dặm một mình xa xôi) nhấn mạnh vào ấn tượng không gian dặm trường đằng đẵng, nghìn trùng xa cách; câu hỏi tu từ và đại từ phiếm chỉ ai tạo ra giọng điệu bị thương, trách móc, truy vấn; hình ảnh biểu tượng (Vầng trăng ai xẻ làm đôi?) là lời ai oán cho hạnh phúc bị chia cắt. Qua đó, cảm nhận bức tranh thiên nhiên, con người sau cuộc chia tay; cảm nhận nỗi cô đơn, nỗi đau bởi hạnh phúc bị chia cắt; liên hệ với phần sau của Truyện Kiều dễ nhận ra những dự cảm không lành về tương lai,…
Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã cho ta thấy được những nét tâm trạng và cảnh chia ly đau khổ của nàng Kiều với chàng Thúc. Hai người có duyên đến với nhau nhưng lại không có phận làm vợ làm chống. Chính điều đó quyết định đến hành động của Kiều.