Nhận xét về nhà thơ Đoàn Văn Cừ Hoài Thanh cho rằng “Những bức tranh trong thơ ông không chỉ là vài nét đơn sơ như các bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui”. Phân tích cảm nhận bài thơ Đường về quê mẹ của nhà thơ để làm sáng tỏ điều này nhé.
Bài thơ Đường về quê mẹ
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.
Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.
Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
Phân tích, cảm nhận bài thơ Đường về quê mẹ – Mẫu 1
Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ là một bài thơ giản dị, khiêm nhường song đọng lại thật sâu đậm trong tâm hồn người đọc. Toàn bài thơ là những nét vẽ mộc mạc, có phần quê mùa, như đi từ trong cuộc sống vào trong thơ ca. Bức tranh thiên nhiên và con người mang đậm hồn quê, qua đó thể hiện sự gắn bó sâu sắc của nhà thơ với con người và cuộc sống làng quê.
Người ta thường nói Đoàn Văn Cừ là nhà thơ của làng quê, của cảnh quê. Thiên nhiên, con người đi vào trong thơ ông là những thứ bình dị, thân thuộc nhất hàng ngày. Có những thứ mộc mạc đến nỗi người ta không nghĩ rằng nó đi vào trong thơ lại có sức gợi đến vậy. Ngay khổ thơ đầu tiên cái mộc mạc ấy đã được thể hiện thông qua một vài nét chấm phá:
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Nhà thơ như đang kể lại những ký ức thời thơ ấu của mình. Kỷ niệm ấy thật đẹp vì nó có mẹ, có người làng quê hương ông. Đó là ký ức khi mỗi mùa xuân về, u tôi sẽ dẫn tôi về thăm quê ngoại của ông bà để nhận họ hàng, làng xóm. Đây vốn là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về chính là dịp con cháu sẽ trở về thăm gia đình, tổ tiên, quê hương. Dù đi đâu xa thì nhất định ngày tết cũng phải nhớ đến gia đình, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Theo bước chân đi của hai mẹ con, cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân cũng trở nên thật tình tứ, dịu dàng “dặm liễu mây bay sắc trắng ngần” tính từ “trắng ngần” đã khiến không gian mùa xuân như bừng sáng sức sống, theo bước chân reo vui, thích thú của nhân vật tôi khi được theo mẹ về quê.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.
Dưới con mắt quan sát của nhà thơ hình ảnh thiên nhiên hiện ra thật mộc mạc và bình dị, đó là những nét vẽ rất đặc trưng của cảnh thôn quê. Có những rặng đề, những dòng sông trắng lượn quanh bờ đê, có cồn xanh, bãi tía, người xới cà, người xới ngô, vui vẻ tưng bừng rộn rã cả bốn bề. Những cảnh thiên nhiên đặc trưng gợi ra vẻ đẹp của một vùng trung du đồng bằng bắc bộ với cây cối trù phú, ruộng nương bạt ngàn, cuộc sống làng quê bình dị, mộc mạc.
Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên ấy là hình ảnh của u tôi, một người con gái giản dị với nét đẹp truyền thống:
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Phép liệt kê, miêu tả đã được sử dụng triệt để gợi ra hình ảnh một người phụ nữ làng quê với nét đẹp đặc trưng, không thể trộn lẫn. Mẹ tôi tất bật đúng với kiểu người phụ nữ có gia đình nào thúng cắp bên hông, chiếc nón đội đầu. Thế nhưng vẫn không quên làm duyên với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu. Nét đẹp của người mẹ được nhà thơ cảm nhận qua những tính từ “mắt sáng, môi hồng, má đỏ au”.
Bài thơ miêu tả bức tranh quê với những nét vẽ mộc mạc nhưng lại có sức gợi thật lớn. Bức tranh vừa có cảnh, vừa có người, các chi tiết chỉ chấm phá mộc mạc nhưng nét nào ra nét đó. Qua bài thơ người đọc thêm yêu quý và gắn bó với những cảnh sắc bình dị của làng cảnh việt Nam. Đồng thời trân trọng những giá trị văn hoá cổ truyền vẫn được lưu giữ từ bao đời.
Phân tích, cảm nhận bài thơ Đường về quê mẹ – Mẫu 2
Gia đình, quê hương luôn là một trong những đề tài được các tác giả lựa chọn để khai thác nhiều nhất không chỉ trong văn học mà còn trong cả nghệ thuật. Những tình cảm, suy nghĩ, cũng như cảm xúc của các tác giả đều được bộc bạch từ tận đáy lòng, từ sâu trong tâm trí của mỗi người. Đóng góp vào sự đa dạng của văn học đề tài này, tác giả Đoàn Văn Cừ đã sáng tác bài thơ “Đường về quê mẹ” thật bình dị, thật nhẹ nhàng mà đầy sâu lắng.
Thông qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được toàn cảnh bức tranh thiên nhiên và con người mang đậm nét thôn quê, mang đậm dấu ấn hồn quê. Thông qua tác phẩm, không chỉ là những nét phác họa của Đoàn Văn Cừ về khung cảnh thiên nhiên nơi thôn quê, mà còn là những tình cảm của ông đối với con người cũng như là cuộc sống ở nơi làng quê đó.
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Có thể nói rằng, thiên nhiên đi vào thơ của Đoàn Văn Cừ một cách quá đỗi bình dị, bình dị tới mức mà chúng ta không thể nghĩ rằng nó có thể tỏa sáng lấp lánh đến như vậy. Chất liệu của thơ ông đều được bắt nguồn bởi cuộc sống, bởi những suy nghĩ, những cảm nhận của ông đối với thế giới xung quanh. Khung cảnh mùa xuân thật ấm áp, yên bình mà tươi vui biết bao khi vẫn còn có mẹ ở bên. Cảnh sắc thiên nhiên, đất trời như hòa chung với không khí vui tươi, hạnh phúc của ngày Tết cổ truyền. Phong tục ngày Tết từ xa xưa của cha ông ta từ lâu đã được truyền lại cho muôn đời “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Thật tuyệt vời khi tập tục đó vẫn còn giữ được nét đẹp của mình cho tới ngày nay, để con cháu luôn được nhắc nhở nhớ về gia đình, về nơi chôn râu cắt rốn của mình. Thiên nhiên mùa xuân như được bừng sáng, như được chung vui theo những bước chân của trẻ thơ.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.
Trên đường đi chúc Tết họ hàng, tác giả đã quan sát thật kỹ những sự vật, hành động của con người, của thên nhiên trên cả một hành trình ấy. Bức tranh thiên nhiên với biết bao gam màu rực rỡ được hòa trộn lại với nhau, tạo nên một khung cảnh thật yên bình, tựa hồ như một bản nhạc giao hưởng với những nốt trầm bổng ngân nga làm đẹp đất trời. Đó là màu trắng của nước trên dòng sông, là sắc xanh của cây cỏ trên triền đê thăm thẳm, là màu của bãi tía nằm nơi xa xa kia. Điểm xuyết vào bức tranh tĩnh ấy, còn là sự vận động của con người. Đó là những người nông dân chăm chỉ, đang bắt đầu chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Mong cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Sau tất cả, nổi bật lên trên hết là hình ảnh của u tôi – đại diện người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, tần tảo, mang những vẻ đẹp của nét đẹp truyền thống. Biện pháp liệt kê, kết hợp cùng với miêu tả đã được sử dụng triệt để gợi ra hình ảnh một người phụ nữ làng quê với nét đẹp đặc trưng, không thể trộn lẫn. Mẹ tôi tất bật giống như những người phụ nữ có gia đình. Nào thúng cắp bên hông, chiếc nón đội đầu…. Thế nhưng vẫn không quên làm duyên với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu giản dị nhưng cũng thật đằm thắm.
“Đường về quê mẹ” đã quá thành công khi đã khơi gợi ra trong tâm trí người đọc được quá nhiều cram xúc như vậy. Không chỉ là tả khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà còn làm nổi bật lên hình ảnh của mẹ, của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, dịu hiền. Bài thơ đã trở thành một áng thơ tuyệt vời giữa nền thơ ca nước nhà bao la, rộng lớn.