Phân tích cấu tứ của bài thơ Ba rưỡi sáng của Trúc Thông

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích cấu tứ của bài thơ Ba rưỡi sáng của Trúc Thông sau:

BA RƯỠI SÁNG

(Trúc Thông)

Vào pố
vượt cầu
phăm phăm ngựa sắt
Giật lấy miếng ăn
bằng bàn tay lương thiện
Các con ơi hãy ngủ
đến lúc mặt trời lên
rồi chơi cô dâu, công chúa,
nữ hoàng
phi ngựa lướt một nghìn
trận gió,…
Chơi thật cuộc đời
chúng ta đẫm áo.

(Văn nghệ trẻ, ngày 16-5-2024)

Phân tích cấu tứ của bài thơ Ba rưỡi sáng của Trúc Thông

Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Bài thơ được cấu tứ theo cách đối lập tương phản giữa hai “cuộc chơi”: “chơi thật” trong cuộc đời để mưu sinh một cách vất vả của cha mẹ và “chơi” đóng vai những người hạnh phúc, sung sướng của những đứa con.

Thân bài

Làm rõ vấn đề nghị luận

– “Cuộc chơi” mưu sinh vất vả, nhọc nhằn của những người làm cha, làm mẹ: “Cuộc chơi” ấy được thể hiện trong 5 dòng đầu của bài thơ với các hình ảnh thấm đẫm thực tế, đời thường. Các động từ, tính từ đứng đầu trong những câu thơ ngắn cho thấy một tốc độ thử thách phi thường của người tham gia “cuộc chơi” (vào – vượt – phăm phăm – giật). Hình ảnh “ngựa sắt” – phương tiện giúp người lao động lao “phăm phăm” về “phố”, “vượt cầu”, lao một mạch về cái đích phía trước là “miếng ăn” cho thấy sự vật lộn vất vả trong cuộc mưu sinh. Tưởng chừng con người có thể bất chấp, bằng mọi giá để “Giật lấy miếng ăn”. Nhưng không, sự xuất hiện của dòng thơ thứ năm – “Bằng bản tay lương thiện” đã đem lại sự trân trọng quý giá đối với những con người lao động vất vả mà thiện lương.

– Cuộc chơi thú vị, hạnh phúc, vô tư của những đứa con: Cuộc chơi ấy được thể hiện trong 6 dòng thơ tiếp theo với những hình ảnh đẹp, mang đậm sắc màu cổ tích. Thế giới của “các con” được dệt nên bằng những trò chơi mà đứa trẻ nào cũng yêu thích: chơi cô dâu, công chúa, nữ hoàng, phi ngựa lướt một nghìn trận gió. Những người làm cha, làm mẹ chỉ có một vai trong cuộc đời khốc liệt, dữ dội – vai người vật lộn với đời để lương thiện mưu sinh. Còn các con có cả “một thế giới” các vai, đều là vai của những con người hạnh phúc, sung sướng, làm những việc mà mình yêu thích bằng hình dung, tưởng tượng “phi ngựa lướt một nghìn trận gió”. Một bên là tốc độ khốc liệt của cuộc sống. Một bên là tốc độ kỳ diệu của tưởng tượng bay bổng, vô tư. Một bên là cuốn phim kiếm sống “tua nhanh” ở thời điểm “ba rưỡi sáng”. Bên kia là cuốn phim hạnh phúc màu hồng “lúc mặt trời lên”.

– Cấu tứ bài thơ làm nổi bật sự đối lập giữa “cuộc chơi” lao động vất vả, nhọc nhằn của người cha, người mẹ với cuộc chơi vui vẻ, hạnh phúc của những đứa con – chơi trò chơi của trẻ thơ tươi đẹp, bay bổng, còn “Chơi thật cuộc đời chúng ta đẫm áo”. Qua đó, nhấn mạnh tình yêu thương con, dành hết cho con những gì tốt đẹp nhất của cha mẹ; những chịu đựng vất vả, đắng cay để con trẻ được sống bình yên, hồn nhiên, mơ mộng. Cấu tứ đã giúp tác giả thể hiện ý nghĩa và truyền tải thông điệp của bài thơ một cách sâu sắc.

Kết bài

Khẳng định lại vấn đề nghị luận.