Phân tích Chiều thu Nguyễn Bính ngắn gọn

5/5 - (1 bình chọn)

“Thi trung hữu họa” xuất hiện trong thơ của Nguyễn Bính nhiều vô kể. Một trong số đó, người đọc không thể không nói đến bài “Chiều thu”. Sau đây, mời các em theo dõi bài viết “Phân tích Chiều Thu Nguyễn Bính” để cảm nhận về bức tranh thiên nhiên đẹp đến say đắm lòng người.

Dàn ý phân tích chiều thu nguyễn bính

Mở bài

– Đánh giá về nhà thơ Nguyễn Bính.

– Dẫn dắt vấn đề: Phân tích “Chiều thu” của thi sĩ Nguyễn Bính.

Thân bài

– Cảm nhận chung: thể thơ, biện pháp nghệ thuật, nội dung bài thơ.

– Phân tích:

+ Bức tranh thu sống động, căng tràn sức sống.

+ Tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước mãnh liệt.

– Đánh giá:

+ Tài và tâm của người sáng tác.

+ Nội dung, ý nghĩa mà người đọc tiếp cận qua bài thơ.

Kết bài

– Tổng kết vấn đề.

phân tích chiều thu nguyễn bính

Phân thích Chiều Thu Nguyễn Bính

Nhắc tới nhà thơ Nguyễn Bính là nói tới nhà thơ chân quê – nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái mộc mạc, dân dã. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Một trong số đó là bài thơ “Chiều thu”. Có thể nói, đây là bài thơ hội tụ đầy đủ về bức tranh thu cùng nhịp sống sinh hoạt con người tại đó.

“Chiều thu” được viết theo thể thất ngôn. Đoạn trích miêu tả thiên nhiên vào độ thu tại làng quê. Đứng trước vẻ đẹp này, Nguyễn Bính không kìm nổi tiếng lòng mà xuất thành thơ. Bằng việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ đồng thời với việc cảm nhận bằng nhiều giác quan, đoạn trích để lại dấu ấn khó phai trong trái tim bạn đọc.

“Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,

Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.

Con cò bay lả trong câu hát,

Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.”

Thiên nhiên trở nên khoáng đãng qua việc sử dụng tính từ “thăm thẳm”. Một không gian bao la được hé mở. Mùi hương của hoa thiên lý thoảng qua mang đậm sắc thu. Cùng với đó là hình ảnh con cò – một hình ảnh quá đỗi quen thuộc xuất hiện trong các bài thơ về chủ đề làng quê Việt Nam. Con cò qua câu hát ru trong ca dao, con cò – biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của người mẹ trong thơ của Chế Lan Viên, hay con cò ngợi ca cảnh thanh bình đồng quê… Đến nhà thơ Nguyễn Bính, hình ảnh con cò bay lả trong từng lời ru tiếng hát của mẹ, của bà để người con, người cháu có giấc ngủ ngon trên cánh võng. Lời thơ nhẹ nhàng cho chúng ta cảm nhận khung cảnh bình yên tại làng quê vào chiều thu.

“Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,

Góc vườn rụng vội chiếc mo cau

Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,

Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.”

Biện pháp nhân hóa “lá thấp cành cao gió đuổi nhau, / Góc vườn rụng vội chiếc mo cau” diễn tả hành động rượt đuổi nhau của con người. Lá và gió bỗng mang nét tinh nghịch như đám trẻ con trong làng khiến cảnh vật trở nên có sức sống. Đồng thời, với cách gieo vần ở cuối câu “nhau – cau” và cách gieo nhịp 04/03 làm câu thơ trở nên uyển chuyển, khéo léo. Hình ảnh quả na “mở mắt, nhìn ngơ ngác”, “đàn kiến trường chinh” nói lên sự vận động của vạn vật. Một bức tranh thiên nhiên không tĩnh, ở đây, bạn đọc thấy được tất cả dường như đang căng đầy nhựa sống.

“Lúc trổ đòng tơ, ngậm cốm non,

Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.

Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,

Điểm nhạt da trời những chấm son.”

phân tích chiều thu nguyễn bính

Nguyễn Bính tiếp tục mở rộng ánh nhìn với hình ảnh lúa đồng “trổ đòng tơ” dài như “lưỡi gươm con” đang “ngậm cốm non”. Tít lên bầu trời, âm thanh của chim vang vọng thánh thót, quả hồng đã chuyển màu sang chín. Không những vậy, bầu trời cũng có sự thay đổi khi điểm những nốt chấm son. Biện pháp tu từ liệt kê đã vẽ ra khung cảnh trời thu sống động, giàu sức sống không như các bài thơ thu mang nỗi man mác buồn như chúng ta vẫn thường thấy. Mùa thu rạo rực biết bao nhiêu, sức ảnh hưởng lan tỏa đến người cầm bút khiến ông không thể nào không ghi chép lại. Qua hiệu ứng, có thể thấy, nhà thơ của chúng ta hẳn cảm thấy vừa yên bình, vừa nhộn nhịp trong cảm xúc.

“Thong thả trăng non dựng cuối làng,

Giữa nhà cây lá bóng xiên ngang.

Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,

Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng.”

Trong không gian của đêm trăng rằm, bóng cây đổ rạp trước nhà, nhà thơ tỉ mẩn nói về Tết Trung thu – mùa Tết dành cho đám trẻ. Người tất bật xé giấy để xếp thành hình ngôi sao trên nền giấy vàng, người bận bịu bên đèn lồng. Chỉ vài nét tả cảnh, người đọc đôi phần cảm nhận được không khí rộn rã với tiếng cười, tiếng nhạc vào đêm trăng rằm tháng 09.

“Tả cảnh ngụ tình”, sâu xa trong bức tranh ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên là cảm xúc dâng trào về tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt trong Nguyễn Bính. Viết bằng những cảm xúc tươi vui, khác với các bài thơ thu buồn trong cùng thời kì của các nhà thơ khác, bài thơ thể hiện trọn vẹn được cảnh thu đẹp đến mê hồn. Tuy dân giã nhưng chứa đựng bao tình cảm. Để làm được điều này, Nguyễn Bính mê thôi chưa đủ. Ông đã chuyển tải được vẹn nguyên cảm xúc của mình qua từng lời văn câu chữ bằng tài thiên phú văn chương của mình.

Như vậy, thông qua “Chiều thu”, nhà thơ Nguyễn Bính đã để lại cho chúng ta về một bức tranh thiên nhiên thu năm ấy đẹp đến ngây ngất, qua đó, bộc lộ được tình yêu trước cảnh, trước tình yêu đất nước. Chẳng cần những điều lớn lao, yêu quê hương bằng những gì thân quen, gần gũi nhất.

———————————-

Trên đây là bài viết “Phân tích Chiều thu Nguyễn Bính”. Hi vọng, bài viết trên của Trạm văn học sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn Văn!