Phân tích đặc điểm nhân vật ông Lão trong câu chuyện “Người ăn xin”
Trên thế giới này, mỗi người lại có một cuộc sống, một hoàn cảnh sống khác biệt. Có người giàu có, lại có người nghèo khổ. Tiền bạc, vật chất tuy có thể khác nhau, có thể là sự giả tạo, thế nhưng sự yêu thương, sẻ chia và lòng bao dung thì không bao giờ có thể là giả được. Giống như nhân vật ông lão trong câu truyện “Người ăn xin”, tuy rằng ông chẳng nhận được món đồ giá trị nào nhưng ông lại nhận được những điều còn quý giá hơn cả của cải vật chất thông thường.
Ngay từ khi xuất hiện, ông lão đã hiện lên trong tâm trí của chúng ta là một người nghèo khổ, khi được miêu tả bằng những hình ảnh như “Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại”, “bàn tay sưng húp”, tay “run lẩy bẩy”… Hình ảnh ấy cũng đã đủ khiến cho chúng ta hình dung ra về sự khốn khổ, vất vả của ông lão. Đáng ra trong thời tiết lạnh giá như vậy thì ông nên được ở nhà sưởi ấm, quây cùng cả gia đình mới đúng chứ chẳng phải đi ra ngoài vào tiết trời lạnh giá như thế này. Chỉ với ngần ấy chi tiết thôi, nhà văn Tuốc-ghê-nhép cũng đã đủ khơi gợi lên trong lòng độc giả một cảm xúc khó diễn tả ra bằng lời nói.
Khát vọng sống mãnh liệt đã khiến ông phải từ bỏ lòng tự trọng của mình để đi xin ăn. Thế nhưng, ông không đòi hỏi, không hề đè ép mà để cho mọi người tùy tâm giúp đỡ mình. Dù chỉ là mẩu bánh mì, dù chỉ là xu bạc lẻ hay thậm chí chỉ là một cái nắm tay, ông cũng đều trân trọng. Cậu bé trong câu truyện khi đứng trước người ăn xin bất hạnh kia cũng chỉ đành bất lực không thể giúp được ông vì giờ trên người cậu bé cũng chẳng có vật gì cả. Cậu chỉ có thể nắm tay ông lão và xin lỗi ông lão mà thôi. Thế nhưng, thay vì tỏ thái độ với cậu bé, ông lão lại xiết chặt lấy bàn tay cậu khóc và cảm ơn. Bởi vì đối với ông lão, điều mà cậu bé cho ông chính là sự công nhận, sự sẻ chia. Những điều nhỏ bé đó đã sưởi ấm lên hai tâm hồn giữa ngày đông lạnh giá.
Nhân vật ông lão chính là đại diện cho những thân phận nghèo khó trong xã hội. Họ tuy rằng khát khao được sống nhưng lại bị cái đói làm cho phải khuất phục. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn mình, họ vẫn mong có được sự công nhận, sẻ chia những nỗi cơ cực của bản thân để tìm được một sự giải thoát cho tâm hồn.
Thông qua nhân vật ông lão ăn xin, nhà văn Tuốc-ghê-nhép đã gửi gắm cho chúng ta được một bài học nhân văn quý báu về tình người.