Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Dì Hảo

“Dì Hảo,” một trong những truyện ngắn đặc sắc của văn học Việt Nam, không chỉ ghi dấu ấn sâu sắc bởi nội dung đầy tính nhân văn mà còn bởi nghệ thuật kể chuyện tinh tế và sáng tạo. Phân tích và đánh giá chủ đề cùng những nét đặc sắc trong nghệ thuật của tác phẩm này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, cũng như những giá trị thẩm mỹ mà câu chuyện mang lại.

(Bài viết này của bạn Thu Hà – trợ giảng chính của Trạm Văn học, mọi hành vi sao chép khi chưa được sự đồng thuận đều vi phạm Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam) – Hiện tại Website nhận chấm và chữa bài online liên hệ: 0389.907.714

Hướng dẫn đọc nhanh

Mở bài

Bàn về truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người”. Nhà văn hướng ngòi bút về phía những số phận bất hạnh, một trong số đó phải kể đến “Dì Hảo” – truyện ngắn đại diện cho những người phụ nữ tầng lớp hạ lưu bị xã hội chèn ép đến mức họ phải cam chịu mọi oan ức và bất hạnh mà cuộc đời mang lại. Đồng thời truyện cũng thể hiện rõ nét chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của nhà văn trong thời kì Cách mạng.

Thân bài

Sáng tác trước năm 1945 – bối cảnh đất nước chìm trong tháng ngày đen tối nhất, “Dì Hảo” là bức tranh phản ánh chân thực nhất cuộc sống thời bấy giờ. Với quan điểm nghệ thuật rõ ràng, Nam Cao không trốn tránh hiện thực tàn khốc mà khai thác sâu vào đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Nhà văn sử dụng chất liệu từ chính cuộc sống thực, gom góp nét tinh túy nhất để tạo nên những câu chuyện sống động và chân thực. Truyện ngắn “Dì Hảo” không có cốt truyện phức tạp mà là câu chuyện xoay quanh những bất hạnh và tủi nhục của một người phụ nữ khốn khổ.

Để thể hiện chủ đề của truyện, bằng ngòi bút tài hoa, Nam Cao đã khắc họa hình ảnh nhân vật với những bi kịch chồng chất. Từ khi còn bé, bi kịch đã ập đến khi dì Hảo bị chính người mẹ ruột của mình bán đi. Mặc dù may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác khi không bị bóc lột và đối xử tệ bạc, dì Hảo vẫn phải trải qua những ngày đầu khó khăn, khóc lóc vì nhớ nhà. Hoàn cảnh buộc phải trưởng thành, dì Hảo nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, theo đạo và bắt đầu sợ địa ngục, tin vào những lời răn dạy. Khác biệt về niềm tin và lối sống đã dẫn đến mâu thuẫn giữa dì Hảo với mẹ ruột. Lớn lên, dì vẫn chưa thoát khỏi bất hạnh khi có cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng tệ bạc, nỗi đau mất đi đứa con rồi bị bệnh tật giày vò. Không chỉ vậy, chứng kiến cảnh người chồng và vợ bé sống trong chính căn nhà của mình, dì Hảo cũng chỉ biết im lặng nhẫn nhục. Ngoài nhân vật dì Hảo vẫn tồn tại nhiều hình tượng người phụ nữ được xây dựng với hoàn cảnh tương đồng. Như trong truyện “Nghèo,” chị đi Chuột phải van lạy bà Huyện khất nợ; trong “Trẻ con không được ăn thịt chó,” người phụ nữ òa khóc vì chồng bỏ đói vợ con; trong “Tắt đèn”, nghèo túng đã buộc chị phải bán con, bán chó, bị chà đạp nặng nề. Có thể thấy, không chỉ ở trong xã hội cũ mà ngay cả trong xã hội mới, người phụ nữ vẫn phải chịu bất công không đáng có. Điều này đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” khi mô tả hình ảnh người đàn bà làng chài để mặc chồng đánh đập vì áp lực, gánh nặng kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình.

Để làm nổi bật bi kịch của dì Hảo, nhà văn đã xây dựng những nhân vật với nhân cách có phần méo mó. Đó là hình ảnh người chồng tệ bạc “hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi”. Cuộc hôn nhân không tình yêu, dì vất vả làm lụng nuôi gia đình, còn hắn lại dùng chính đồng tiền ấy để uống rượu. Ngay cả nỗi đau mất con của dì cũng không làm hắn thấy cảm thông thương xót. Đến khi dì tạm thời mất đi khả năng lao động vì bệnh tật, cơm rượu cũng bớt đi, “hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ”. Đỉnh điểm là khi dì tận mắt trông thấy chồng mình và một người vợ theo trơ tráo. Người vợ bé “chẳng biết làm gì cả. Nó hát những câu tục tằn. Nó uống rượu tựa đàn ông, hút thuốc tựa đàn ông, búi tóc ngược, mặc quần áo trắng tựa đàn ông”. Xây dựng những nhân vật này, Nam Cao đã làm nổi bật số phận bất hạnh của dì Hảo, như một vòng luẩn quẩn không thể thoát ra được.
Cuộc đời dì Hảo là một chuỗi bi kịch, từ việc bị bán đi như một món đồ cho đến việc phải chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu, chấp nhận sự tệ bạc từ người chồng. Nhưng sau tất cả, dì vẫn kiên nhẫn vượt qua, tiếp tục sống sót trong sự cam chịu và hy vọng mờ nhạt rằng chồng sẽ thay đổi. Giây phút ở bên cạnh nhân vật tôi, được nhận sự quý trọng đến từ một đứa bé chỉ là một phần ánh sáng le lói trong cuộc đời khắc khổ. Thực chất ngay từ ban đầu, những chai sạn và tổn thương tâm hồn đến tuyệt vọng khiến dì Hảo chấp nhận mọi thứ, bỏ qua tất cả để sống tiếp. Dì Hảo là điển hình của người phụ nữ trước Cách mạng, thường phải đối mặt với sự bế tắc và nhẫn nhịn mọi oan ức thay vì đấu tranh giành lại tôn nghiêm.

Ở trong hoàn cảnh xã hội tăm tối với số phận khổ đau của nhân dân, nhà văn vẫn gửi gắm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn với sự xuất hiện của các nhân vật mang tính cách lương thiện. Hình ảnh người bà của nhân vật tôi “ngoan đạo như những người vừa biết Chúa, thích nuôi trẻ ngoại đạo, rửa tội rồi nuôi làm con nuôi”, “nhân đức, giả đăn đắt để trừ nợ năm sáu đồng” và “có bực mình cũng chỉ mắng té tát mấy câu, chứ không chửi bới tàn tệ hay bắt bớ”. Xuất phát từ tình cảnh khi xưa, bà cũng là người đi vay, cũng trải qua cảm giác bị chà đạp lên nhân cách nên sau này khi đã khá giả hơn, dù là chủ nợ của nhiều người nhưng vẫn giữ được bản tính lương thiện của mình. Bên cạnh đó còn là người phu quét chợ sẵn sàng lên tiếng bênh vực kẻ yếu thế khi có bất công. Đặc biệt hơn chính là tâm hồn trong sáng của đứa trẻ. Nhân vật tôi biết thương cảm với số phận của dì Hảo, không ít lần thể hiện cảm xúc, tình cảm dành cho dì hảo, cảm xúc đơn thuần của một đứa trẻ đối với người lớn. Dù không cùng chung huyết thống nhưng vẫn thể hiện tình yêu thương, sự gắn kết. Khi dì Hảo đi lấy chồng – một sự mất mát lớn không bù đắp được, nó đã hỏi những câu hỏi hết sức ngây thơ hồn nhiên. Chứng kiến cuộc sống hôn nhân của dì với đầy bất hạnh, nhân vật tôi đau xót nhưng không có cách nào giúp đỡ, thậm chí có phần bất lực. Những nhân vật trên là minh chứng cho việc con người dù rơi vào hoàn cảnh khốn cùng nhưng vẫn không đánh mất phẩm chất của mình.

M. Gorki từng chia sẻ: “Nhà văn không chỉ viết bằng ngòi bút mà còn vẽ bằng từ ngữ thể hiện một cách hoàn hảo những tư tưởng của tác giả, xây dựng một bức tranh đậm đà, đắp nên những hình tượng sinh động, có sức thuyết phục đến nỗi người đọc trông thấy được những điều mà tác giả mô tả”. Truyện ngắn không có cốt truyện phức tạp, chỉ đơn giản là câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi – một đứa trẻ, vừa thể hiện tính chân thực, vừa mang tính khách quan. Sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống của người nông dân cùng với ngòi bút tài hoa đã khắc họa rõ nét tâm lí nhân vật. Hình tượng dì Hảo hiện lên là người phụ nữ trải qua nhiều sóng gió mà nhẫn nhục, cam chịu. Hệ thống nhân vật được xây dựng với tính cách đa dạng, từ hình ảnh người bà bao dung, người chồng tệ bạc, người mẹ nhẫn tâm cho đến đứa trẻ hồn nhiên, ngây ngô. Ngôn ngữ trong truyện đơn giản, không hoa mỹ, gần gũi với cuộc sống đời thường và bộc lộ nét đặc trưng trong tính cách của từng nhân vật. Đặt câu chuyện cuộc đời của người trưởng thành dưới góc nhìn của một đứa trẻ có lẽ là cách nhà văn giảm bớt tính khốc liệt của đời sống trước những năm 1945, tuy vậy vẫn thấm nhuần không khí của một thời kì đau thương, vất vả.

Kết bài

“Một số sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là ở đề tài tiểu tư sản, đã mang đến cho chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực những yếu tố mới mẻ, độc đáo… Trong đó, điều cốt lõi nhất là ý thức về giá trị sự sống, là ý thức về cá nhân” (Nhà phê bình văn học Hà Bình Trị ). Nhà văn Nam Cao bằng tấm lòng nhân đạo của mình đã viết về đề tài người phụ nữ và rộng hơn là người nông dân nghèo một cách chân thực, sâu sắc. Truyện cũng là hy vọng về con người trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn phải tiếp tục sống và giữ được bản tính thiện lương. Đồng thời, đặc sắc nghệ thuật trong xây dựng hình tượng và mô tả tâm lí nhân vật cũng là điểm độc đáo của truyện, gây ấn tượng với độc giả các thế hệ.